TP HCM- Khi được người nhà một bệnh nhân cùng phòng cho chút đồ ăn, chị Nghenh chỉ dám ăn một ít, còn lại để dành ngày hôm sau.
“Trong túi giờ có 20 nghìn thôi”, chị Nghenh, ở xã Ayun, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai, nói bằng tiếng Kinh không sõi.
Người phụ nữ Bana mất chồng cách đây 5 năm, một mình nuôi hai con 12 tuổi và 5 tuổi. Chị và em trai cũng đang phải chăm lo cho mẹ gần 80 tuổi sức khỏe yếu.
Nghenh không biết chữ, sống nhờ làm thuê, mỗi ngày 170.000 đồng và một sào cà phê. Cuộc sống của gia đình chị quanh quẩn ở bản làng, trong ngôi nhà hơn 20 m2, nền xi măng, mái tôn đã xiêu vẹo. Căn nhà không TV, tủ lạnh ngay cả một chiếc xe đạp để đi lại như mơ ước của chị cũng không. Cả nhà rau cháo nuôi nhau, nhưng Nghenh ước đời mình vẫn luôn được như thế.
Người mẹ không ngờ có ngày chị cần học thêm một ngôn ngữ mới, là tiếng Kinh, khi con trai đổ bệnh. Từ tháng 9 năm ngoái, cậu con trai 12 tuổi tên King đột nhiên đau bụng dữ dội, đi tiểu dắt. Người trong bản mách chị phải đi tìm bệnh viện để chữa cho con. Dồn tiền tiết kiệm và tiền vay của người nhà được 700.000 đồng, chị đưa con đến bệnh viện Nhi Gia Lai khám, rồi được chuyển đến bệnh viện Nhi đồng 2 ở TP HCM.
“Tiền không có nhưng nhà xe khách người ta không lấy của mẹ”, chị kể. Ở viện, mọi người đều gọi Nghenh là “mẹ King” nên chị tưởng phải xưng với tất cả là “mẹ”.
Tại bệnh viện Nhi đồng 2, bác sĩ kết luận bé King bị ung thư hạch bạch huyết Burkitt lympho, dự kiến phải hóa trị trong một năm. “Biết con bị nặng thì mẹ khóc lắm”, người phụ nữ 39 kg, có làn da rám nắng, nói. Bằng tiếng Kinh bập bẹ, chị hỏi bác sĩ: “Con của mẹ có sửa được không?” (Bệnh của cháu có chữa được không?). Nghe dự kiến kinh phí điều trị hàng chục triệu đồng, người mẹ khóc to hơn, lắc đầu nói “không có”.
Bằng chiếc điện thoại trắng đen, chị gọi về vay mượn người thân, họ hàng được ba triệu đồng đóng góp vào chi phí. Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng kêu gọi các mạnh thường quân, các quỹ từ thiện hỗ trợ để chị có kinh phí điều trị cho con. Bé King phải hóa trị 9 đợt, hiện đã hết bốn đợt.
Bác sĩ Mai Thị Bích Ngọc, khoa Ung bướu huyết học cho biết, nhìn mẹ con King rất khắc khổ và đáng thương. “Hầu hết các bệnh nhi người dân tộc thiểu số điều trị ở khoa Ung bướu đều khó khăn, nhưng có cháu ba mẹ còn khỏe, trẻ, cùng đi làm, còn mẹ King đã lớn tuổi, lại là lao động chính”, bác sĩ Bích Ngọc nói.
Ở phòng hóa trị, mỗi người một hoàn cảnh, nhưng chị Hồ Thùy, 32 tuổi, quê Nghệ An một người nhà bệnh nhi, chưa thấy ai khổ hơn mẹ con chị King. “Nhiều khi chị nói mọi người không hiểu và mọi người nói chị cũng không hiểu. Có khi bận bịu mà nói hồi chị cứ ngơ ngác người khác cũng bực bội”, chị Thùy nói. Không có tiền nhưng thấy mình vẫn sướng hơn mẹ con King, chị Thùy thi thoảng cho đồ ăn, mua cho họ bữa sáng.
Có lần, chị Thùy cho chị Nghenh chút đồ ăn. Hai mẹ con người Bana ăn một ít, để dành lại sáng hôm sau lấy ra ăn. “Tôi thấy thức ăn đã thiu mà chị vẫn tiếc, cố ăn. Tôi nói chị không hiểu, phải giải thích với con chị ấy ăn đồ thiu độc hại thế nào để bé bảo với chị”, chị Thùy kể.
Một mình chăm con nên bị mất thu nhập, chị Nghenh sống nhờ cơm từ thiện và tiền các mạnh thường quân giúp. Người nhà bệnh nhân cùng phòng kể, tiền được cho, con muốn ăn gì chị mua cho bé, còn mình chỉ ăn và mặc đồ đi xin. Nhiều bữa thằng bé hóa trị mệt mỏi, cáu kỉnh, đòi mua đồ ăn, đồ chơi nhưng mẹ chẳng có tiền, chỉ biết ôm con khóc.
“Thằng bé cũng có biết gì đâu, thấy con người ta ăn cũng đòi mẹ mua cho thứ nọ, thứ kia, mà chị ấy thì chẳng có tiền. Rồi nó quạo mẹ, nó khóc, thấy tội ghê lắm”, chị Thùy kể.
Chị Nghenh cho biết, sau bốn tháng đi bệnh viện, chị đã có thể giao tiếp đơn giản bằng tiếng Kinh. Mọi người nói chậm chị hiểu được cơ bản. Chị nói người xung quanh đa phần cũng đoán được ra ý. Giờ lịch trình điều trị, thủ tục ở bệnh viện đã thân quen với người mẹ Tây Nguyên nên chị ít bị mọi người rầy la hơn.
Ước mong của chị Nghenh là con trai sớm khỏe lại để chị có thể về chăm sóc thêm con gái nhỏ 5 tuổi nhiều tháng ròng xa mẹ. “Mẹ cũng muốn đi làm để có tiền sửa lại căn nhà đã cũ”, chị trả lời khi được hỏi về ước mơ.
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của cộng đồng là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước.
Phạm Nga
Tính đến ngày 16/12/2024, sau 3 tháng phát động với sự hỗ trợ từ hàng chục ngàn mạnh thường quân, chiến dịch “Xây lớp học mới – Mở lối tương lai” đã chính thức cán mốc số tiền quyên góp ấn tượng 234 triệu đồng…
Mỗi runner đăng ký giải chạy “Tết Hy Vọng 2025” sẽ góp một viên gạch xây nhà tắm giúp mùa đông của học sinh vùng cao ấm áp hơn. Giải chạy do Quỹ Hy vọng và vRace phối hợp tổ chức, bắt đầu từ ngày…
Quỹ Hy vọng khánh thành 14 cầu bê tông mới, trong đó có ba công trình do Roche Việt Nam tài trợ ở huyện Lai Vung và Châu Thành, ngày 1/12. Ba công trình khánh thành đợt này gồm cầu Hy Vọng 382, 383, 384,…
Sau 2 tháng, dự án gây quỹ xây mới phòng học do Đông Tây Barbershop phối hợp cùng MoMo và Quỹ Hy vọng thực hiện đã cán mốc 100 triệu đồng. Từ ngày 16/9, Đông Tây Barbershop trích 5.000 đồng với mỗi giao dịch thanh…
Điểm trường làng Hrách và Lơ Pơ, huyện Kông Chro được Quỹ Hy vọng và các đơn vị tài trợ xây mới thay thế cho những lớp học đã xuống cấp, thấm dột. Ngày 14/11, gần 100 học sinh, giáo viên Điểm trường Hrách thuộc…
Học sinh trường TH & THCS Quang Minh tìm hiểu kiến thức về dinh dưỡng và ăn liên hoan trong ngày hội do Quỹ Hy vọng và De Heus tổ chức. Ngày hội dinh dưỡng học đường chủ đề “Vững bụng đến trường” được tổ…