TP HCM_Khi con gái Bảo Ngân thiếp đi, chị Khéo rón rén xuống giường để sang phòng bệnh cách đó 100 m thăm chồng đang trằn trọc với vết mổ ở cổ, đêm 15/4.
Nửa năm qua người phụ nữ quê Giồng Trôm, Bến Tre đã chạy giữa hai phòng bệnh ở lầu bốn Bệnh viện Ung bướu TP HCM để chăm chồng và con gái. “Ở bên phòng này lại nơm nớp lo người phòng kia không xoay xở được”, chị Trần Thị Khéo, 34 tuổi, nói.
8 tháng trước, họ vẫn là một gia đình ấm êm dù chật vật trong cái nghèo. Chị Khéo và chồng là anh Xuân Phát, 36 tuổi, từng có chục năm nhặt rau thuê ở chợ quận 7, TP HCM để gửi tiền về nuôi ba con, một bé trai và hai bé gái sinh đôi ở quê. Sau dịch, hàng quán buôn bán ế ẩm nên họ mất việc, dắt díu nhau về quê nhổ cỏ mướn, thu nhập không quá 200.000 đồng một ngày.
Tháng 8/2023, chị Khéo nghe bé Ngân than bị nhức đầu, chóng mặt và buồn nôn. Linh cảm người mẹ khiến chị bồn chồn, vét hết tiền trong nhà để đưa con lên TP HCM khám bệnh.
Ở Bệnh viện Nhi đồng, chị như chết lặng khi nhận được kết quả con mắc ung thư não, căn bệnh từng khiến chị mất một đứa con gái vào năm 2015, hai năm trước khi Bảo Ngân ra đời. Năm đó, vợ chồng Khéo đi làm đến khi phát hiện đã muộn, bé mất sau một tuần nhập viện.
“Trái tim tôi như bị ai đó bóp nghẹt không thở nổi”, chị Khéo nói.
Khéo bàn với chồng tìm cách chữa bệnh cho con nhưng họ không còn gì để bán ngoài căn nhà được nội cho. Không thể mất đi chỗ trú mưa nắng duy nhất của gia đình, vợ chồng đành vay mượn họ hàng 200 triệu đồng.
Ngày ký giấy phẫu thuật cho con, chị Khéo khóc như mưa còn Ngân nắm níu vạt áo mẹ hỏi mình bệnh gì, sao chưa được về nhà. Ca mổ thành công, cô bé ổn định sức khỏe để vào đợt hóa trị đầu tiên thì cũng là lúc anh Phát cảm nhận cổ họng mình có dấu hiệu bị chèn, nghẽn.
Khéo giục chồng đi khám nhưng anh cứ chần chừ sợ tốn tiền. Nói mãi đến cuối tháng 10/2023, chị Khéo đưa con đi truyền dịch, sẵn đăng ký, làm giấy tờ khám bệnh cho chồng. Kết quả trả về có dòng chữ “ung thư tuyến giáp” khiến chị như rơi xuống đáy vực lần nữa.
“Tôi không biết mình đã làm gì để phải gánh chịu nhiều bi kịch như vậy”, chị nói. “Không biết mình phải làm gì, sống tiếp thế nào, dựa vào đâu”.
Chị thất thần lang thang trên hè phố rồi rẽ vào tiệm tóc nhờ họ cạo trọc đầu thay cho lời nguyện chồng con được bình an. Chị cũng bắt đầu ăn chay từ hôm đó.
Nhưng anh Phát lại từ chối việc điều trị bởi muốn dồn tiền chữa bệnh cho con. Mỗi toa hóa trị của Ngân tốn đến 20 triệu đồng. Chị Khéo khóc hết nước mắt khuyên chồng suy nghĩ lại.
Một buổi tối ở băng ghế đá Bệnh viện Ung bướu, chị nói với chồng: “Em không thể xoay xở được nếu không có anh, rồi con mình sẽ thế nào?”. Trăn trở thêm vài tuần nữa, anh Phát gọi khắp người quen mượn thêm 50 triệu, tiến hành phẫu thuật.
Chị nói mình giống con thoi từ khi chồng và con đều nằm viện. Mỗi buổi sáng, chị dìu con đi vệ sinh, tắm rửa, đút cháo rồi tranh thủ chạy qua mua thức ăn, chia thuốc cho chồng. Những hôm bé Ngân sốt cao, tay cắm đầy ven chị không thể rời mắt khỏi con đành nhờ người nhà bệnh nhân nằm cùng phòng anh Phát trông giúp.
Đầu 2024, Khéo sút cân, mắt trũng sâu, mắc hội chứng ống cổ tay trở nặng gây tê, ngứa và nóng rát tay nhưng chị không dám mổ, sợ không ai trông chồng con.
Cả ngày quần quật nhưng đặt lưng xuống giường chị lại không ngủ được bởi hàng trăm nỗi lo. “Tôi luôn có nỗi sợ sẽ mất con, mất chồng không biết sống quãng đời còn lại của mình thế nào”, chị nói. Bác sĩ cũng hướng dẫn chị Khéo theo dõi người em sinh đôi của Ngân do bé có nguy cơ mắc bệnh giống chị.
Chị Khéo nói kể từ khi nhập viện, bé Ngân trở nên ít nói, chỉ trông đợi vào những cuộc gọi của anh hai vào mỗi buổi chiều. Suốt mấy tháng qua, cô giao hẳn hai con còn lại cho nội trông, chúng tự đi học, tắm rửa và chơi với nhau.
Bé Ngân nhớ anh em, nhớ quê, cứ vài ngày lại hỏi mẹ “Bao giờ con được đi học lại? Sao con cứ mãi tiêm thuốc, uống thuốc mà không hết bệnh?”
Tối 15/4, trong lúc xếp gối cho con ngủ, chị Khéo lại nhận được những câu hỏi trên. Chị vuốt cái đầu trọc của con rồi đỡ cô bé ngả lưng, xoa đôi tay bé xíu chi chít chỗ cắm ven.
“Con ráng giỏi rồi vài bữa nữa mẹ đưa về nhà”, chị nói như khóc.
Ngọc Ngân
Điểm trường làng Hrách và Lơ Pơ, huyện Kông Chro được Quỹ Hy vọng và các đơn vị tài trợ xây mới thay thế cho những lớp học đã xuống cấp, thấm dột. Ngày 14/11, gần 100 học sinh, giáo viên Điểm trường Hrách thuộc…
Học sinh trường TH & THCS Quang Minh tìm hiểu kiến thức về dinh dưỡng và ăn liên hoan trong ngày hội do Quỹ Hy vọng và De Heus tổ chức. Ngày hội dinh dưỡng học đường chủ đề “Vững bụng đến trường” được tổ…
Jomoo Việt Nam và trường Hy Vọng đã ký biên bản tài trợ thiết bị trị giá 2 tỷ đồng cho 138 phòng vệ sinh trong ngôi trường mới dành cho 300 trẻ mồ côi vì Covid-19, chiều 14/11. Phát biểu tại buổi ký kết,…
Men vi sinh chứa các vi sinh vật có lợi, hỗ trợ cải thiện cân bằng hệ vi sinh đường ruột, cải thiện sức khỏe cơ thể song cần tránh lạm dụng. Nội dung: Văn HàThiết kế: Ngân Hà
Dự án Vệ sinh học đường giúp sức khỏe của 98% học sinh được cải thiện nhờ thay đổi thói quen sinh hoạt như rửa tay thường xuyên, không phóng uế bừa bãi, dọn dẹp định kỳ. Đỗ Nam – Kim Anh
Công ty De Heus Việt Nam tài trợ 1,2 tỷ đồng cho dự án “Dinh dưỡng học đường” của Quỹ Hy vọng, cải thiện bữa ăn của học sinh ở ba trường ở Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An. Ba trường được dự án hỗ…