Suốt 9 năm qua, vì là người có sức khỏe tốt nhất nhà, Cải Thị Tình, 41 tuổi, lần lượt phải đưa bố, anh trai, chị gái, chồng và con đi viện.
Đầu tháng 10, chị Tình đưa con trai Cải Thanh Hứu, 4 tuổi, từ xã Bạch Ngọc, huyện Vịnh Xuyên xuống Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) truyền hóa chất. Lần tái khám này trễ so lịch hẹn gần 10 ngày do giao thông ở Hà Giang bị gián đoạn bởi hàng loạt vụ sạt lở.
Người phụ nữ 41 tuổi nói việc đưa con đi viện “chẳng có gì khó khăn”. Từ làm thủ tục nhập viện cho đến chăm sóc bệnh nhân ung thư chị đều thành thạo bởi đã có 9 năm kinh nghiệm. Khó khăn lớn nhất của Tình là tìm đường vì đây là lần đầu xuống Thủ đô.
Tình là con út trong gia đình người Tày có 5 anh chị em. Chị nói bản thân hạnh phúc khi có bố mẹ yêu thương, anh chị em đùm bọc, tìm được người chồng tốt, con ngoan.
Nhưng đó là thời điểm hơn chục năm về trước.
Năm 2015, chị gái thứ hai của Tình phát hiện có u ác tính, phải xuống bệnh viện đa khoa Hà Giang phẫu thuật. Thấy bố mẹ già yếu, anh chị bận việc, cô em út xung phong đi chăm sóc.
Một năm sau, Tình nhận tin chồng bị xuất huyết dạ dày, nhiễm trùng máu. Thời gian này một mình chị trong bệnh viện chăm hai người bệnh. Ba con nhỏ nhờ bố mẹ hai bên trông nom.
Từ ngày chồng, ốm kinh tế của gia đình kiệt quệ. Nhiều lúc nhà hết gạo, chị lại sang nhà hàng xóm vay hoặc đi mót rau rừng ăn qua bữa. Bà mẹ ba con nói nghèo khổ cũng cố vay tiền chữa bệnh cho chồng và chị gái, hy vọng họ sớm khỏi bệnh. Nhưng mong muốn của chị không thành. Năm 2017, cả hai lần lượt qua đời.
Nỗi đau mất người thân chưa nguôi, anh thứ ba của chị Tình đột ngột mất năm 2018. Cùng năm, anh thứ tư được chẩn đoán bị u mạch. Một lần nữa, người phụ nữ 41 tuổi nhận trách nhiệm xuống viện chăm anh bởi chị dâu bị tâm thần, chị cả mắc bệnh tim, bố mẹ không thạo việc chăm sóc. Toàn bộ tiền viện phí, thuốc men cũng do chị Tình lo liệu.
“Nợ cũ chưa trả hết, nợ mới lại đến, tôi như đâm đầu vào ngõ cụt nhưng dù thế nào cũng phải cứu anh”, chị Tình nói.
Mỗi đợt anh trai được ra viện, người phụ nữ Tày lại tranh thủ xin cấy thêm ruộng bỏ không, đi làm thuê gần nhà và nuôi lợn để tăng thu nhập. Đến kỳ tái khám, chị tạm gác công việc, cùng anh xuống viện.
Năm 2019 chị Tình nên duyên với một gười đàn ông trong xã và sinh thêm con. Đứa trẻ đặt theo họ mẹ là Cải Thanh Hứu bởi cả hai chưa đăng ký kết hôn.
Bình yên không lâu, đầu năm 2021, người bố gần 80 tuổi của chị Tình phát hiện bị bệnh tim. Hành trình gần 50 km từ Vị Xuyên xuống bệnh viện tỉnh lại bắt đầu. Chi phí ăn uống, thuốc men cho bố mỗi ngày tốn hơn 100.000 đồng đều dựa vào tiền chị Tình tranh thủ đi xách vữa, rửa bát thuê gần bệnh viện.
Khi số nợ ngày càng lớn, tiền cày cấy, bán lợn con không đủ trả, đầu năm nay chị Tình theo người quen trong xã xuống Hưng Yên phụ hồ. Chủ thầu cam kết trả 200.000-250.000 đồng một ngày công. Làm chưa hết tháng, chị Tình xin nghỉ về quê đưa bố đi viện bởi sức khỏe chuyển biến xấu.
“Nhà có 5 anh chị em, hai người đã mất, hai người đau ốm nên trách nhiệm chăm sóc bố do tôi gánh vác, tiền mất rồi cũng sẽ kiếm lại được”, Tình nói nói.
Đang chăm sóc bố ở viện, con trai út của chị Tình bất ngờ nổi hạch lớn hai bên cổ, vùng nách và bẹn kèm sốt cao hôm 20/5. Qua thăm khám, bác sĩ tại bệnh viện tỉnh khuyên gia đình nên xuống cậu bé xuống Bệnh viện Nhi Trung ương kiểm tra do nghi ngờ ung thư máu.
Vay mượn khắp nơi được 20 triệu đồng, đầu tháng 6/2024 mẹ con chị Tình xuống Hà Nội. Qua xét nghiệm, cậu bé 4 tuổi được chẩn đoán bị bạch cầu cấp dòng lympho T (một dạng ung thư máu), phải truyền hóa chất theo phác đồ, dự tính kéo dài ba năm.
Con trai thuộc diện được bảo hiểm y tế chi trả 100%, nhưng người phụ nữ 41 tuổi vẫn phải vật lộn với những khoản phát sinh như tiền đi lại, thuốc ngoài danh mục hay sinh hoạt tại bệnh viện. Mỗi lần nghe thông báo đóng tiền, người phụ nữ này lại mất ngủ, nghĩ cách xoay xở thêm.
Khi số tiền vay mượn đã hết, chị Tình lại nhờ con con gái 22 tuổi đang làm công nhân ở Tuyên Quang phụ đỡ thêm. Còn người chồng hiện tại từ lúc biết con trai bị bệnh cũng bỏ đi biệt tích.
Thấy mẹ con chị Tình khó khăn, gia đình là hộ nghèo, phòng công tác xã hội Bệnh viện Nhi Trung ương tạo điều kiện cho chỗ ở miễn phí. Một số mạnh thường quân cũng hỗ trợ tiền, tặng họ đồ ăn, thức uống, phụ thêm viện phí.
“Nhờ lòng tốt của mọi người, nhiều tháng nay mẹ con tôi có chỗ ngủ đủ tiện nghi, được ăn cơm miễn phí và an tâm điều trị”, chị Tình nói.
Mỗi lần truyền hóa chất Thanh Hứu lại quấy khóc, đòi về nhà với chị gái. Mới tháng trước cậu bé bị dị ứng thuốc, cơ thể mẩn đỏ, phát sốt khiến mẹ thức trắng nhiều đêm vì lo. Trừ lúc mê man khi truyền thuốc, mỗi khi tỉnh Hứu lại gọi điện thoại khoe người thân “sắp được về nhà”. Mỗi lần nghe con trai nói, chị Tình chỉ lặng im. Chị biết cuộc chiến với ung thư là hành trình dài, đâu phải tiêm vài liều thuốc là khỏi.
“Tôi chỉ mong hành trình đưa người thân đi bệnh sẽ kết thúc sau ba năm nữa, khi con trai khỏi bệnh, sức khỏe của bố mẹ và anh chị ổn định”, người phụ nữ 41 tuổi nói.
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với chương trình Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng, với sự đồng hành của FPT Long Châu.
Thêm một sự chung tay của cộng đồng là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước. Độc giả có thể xem thông tin về chương trình tại đây.
Quỳnh Nguyễn
Điểm trường làng Hrách và Lơ Pơ, huyện Kông Chro được Quỹ Hy vọng và các đơn vị tài trợ xây mới thay thế cho những lớp học đã xuống cấp, thấm dột. Ngày 14/11, gần 100 học sinh, giáo viên Điểm trường Hrách thuộc…
Học sinh trường TH & THCS Quang Minh tìm hiểu kiến thức về dinh dưỡng và ăn liên hoan trong ngày hội do Quỹ Hy vọng và De Heus tổ chức. Ngày hội dinh dưỡng học đường chủ đề “Vững bụng đến trường” được tổ…
Jomoo Việt Nam và trường Hy Vọng đã ký biên bản tài trợ thiết bị trị giá 2 tỷ đồng cho 138 phòng vệ sinh trong ngôi trường mới dành cho 300 trẻ mồ côi vì Covid-19, chiều 14/11. Phát biểu tại buổi ký kết,…
Men vi sinh chứa các vi sinh vật có lợi, hỗ trợ cải thiện cân bằng hệ vi sinh đường ruột, cải thiện sức khỏe cơ thể song cần tránh lạm dụng. Nội dung: Văn HàThiết kế: Ngân Hà
Dự án Vệ sinh học đường giúp sức khỏe của 98% học sinh được cải thiện nhờ thay đổi thói quen sinh hoạt như rửa tay thường xuyên, không phóng uế bừa bãi, dọn dẹp định kỳ. Đỗ Nam – Kim Anh
Công ty De Heus Việt Nam tài trợ 1,2 tỷ đồng cho dự án “Dinh dưỡng học đường” của Quỹ Hy vọng, cải thiện bữa ăn của học sinh ở ba trường ở Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An. Ba trường được dự án hỗ…