Khi đứa con duy nhất mắc bệnh hiểm nghèo, chị Thân không quản ngược xuôi chạy chữa và đánh đổi nhà cửa lẫn một phần cơ thể.
Bé Gia Bảo, con trai chị được phát hiện bệnh từ năm 2019, khi mới học lớp 3. Ban đầu chỉ là những cơn sốt cao và đau bụng tưởng chừng vô hại, nhưng sau khi chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2, TP HCM, em được kết luận: Suy thận mạn tính giai đoạn 3.
“Nghe bác sĩ nói tai tôi ù đi, thế giới xung quanh như sụp đổ,” chị Nguyễn Thị Hồng Thân, 36 tuổi, ở xã Ea Phê, Krông Pắc, tình Đắk Lắk kể lại.
Là mẹ đơn thân, chị đã quen với việc tự mình chèo lái cuộc sống. Một tháng trước khi Gia Bảo phát bệnh chồng cũ qua đời vì ung thư, nên chị Thân xác định hành trình chạy chữa cho con chỉ một mình.
Từ ngày Bảo bị bệnh, chị nghỉ công việc ở Nha Trang, về Đăk Lăk phụ mẹ bán quán ăn để tiện chăm sóc bé. Mỗi tháng một lần, hai mẹ con vào TP HCM khám và lấy thuốc. Trong kỳ khám tháng 10/2020, Gia Bảo được xác định đã chuyển sang “giai đoạn cuối”.
Ba chữ đó như đẩy người mẹ xuống vực lần nữa.
“Tôi không chấp nhận nổi vì suốt một năm qua chăm con cẩn thận từng li”, chị tâm sự. Bác sĩ trấn an và đưa ra ba phương án cho gia đình lựa chọn gồm: chạy thận, lọc màng bụng và ghép thận. Chạy thận sợ sức khỏe trẻ không trụ được, còn ghép thận gia đình thuộc diện hộ nghèo không thể kham nổi. Sau cùng chị Thân chọn lọc màng bụng. Đây là phương pháp lọc máu ngoài thận thích hợp ở trẻ em và có thể tự thao tác tại nhà.
Sau khi quyết định, bé Bảo trải qua hai ca phẫu thuật để đặt ống thông màng bụng. Đó là lần đầu tiên người mẹ ký vào tờ giấy cam kết sinh tử cho con.
Từ khi áp dụng phương pháp này, mỗi ngày Bảo được truyền thuốc 5 lần. Lúc vui nhất của cậu bé là được ra khỏi giường, chạy ra trước nhà nhìn chúng bạn tan trường. Người mẹ xót xa mỗi khi thấy cảnh ấy, nhưng với chị “chỉ mong con ăn được, ngủ được, chứ không còn mơ con học hành giỏi giang”.
Bốn năm đằng đẵng, tháng nào cũng là cuộc hành trình đêm hôm từ ngôi nhà nhỏ ở làng Krông Pắc đến Bệnh viện Nhi đồng 2 để được là những người đầu tiên xếp hàng lấy số.
Mỗi tháng chi phí hai mẹ con đi viện khoảng 4 triệu đồng, chưa kể ăn uống, sinh hoạt tại nhà. Cho con đi viện về là chị Thân làm đủ việc góp nhặt từng đồng. Nhiều đêm chị vẫn tranh thủ làm để có thêm chút ít cải thiện bữa ăn hay mua cho con lọ thuốc bổ.
Trong quá trình này, tình trạng bé Bảo về cơ bản ổn định, ngoại trừ vẫn hay bị sốt, chảy máu cam. Nhưng thâm tâm chị Thân thường trực nỗi bất an con có thể ra đi bất cứ lúc nào. 5 năm đi viện, không ít lần chị chứng kiến những bạn nhỏ đang khỏe mạnh ra đi ngay trước mắt mình.
“Nhiều đêm tôi bừng tỉnh, hoảng hồn quờ tìm con. Thấy tay chân con ấm, mũi còn thở mới hoàn hồn”, chị kể.
Một ngày gần cuối năm 2023, chị Thân nhận điện thoại của một người mẹ quê Vũng Tàu thông báo con đã mất. Cậu bé tên Kiên Cường, mới 5 tuổi vốn khỏe mạnh hơn Bảo. Mỗi lần gặp nhau, con hỏi tùm lum khiến ai cũng không cưỡng lại được vẻ dễ thương.
“Kiên Cường mất càng thôi thúc tôi phải gấp rút tìm kiếm cơ hội ghép thận cho Bảo”, chị Thân nói.
Chi phí ghép thận đến nửa tỷ đồng, nhưng trong người chị Thân không có một đồng. Chị mang ngôi nhà cấp 4 đi thế chấp, vay được 300 triệu đồng, cộng thêm sự giúp đỡ của Quỹ Hy vọng và người thân, bà con lối xóm vừa đủ kinh phí ghép thận.
Suốt mùa hè năm nay, hai mẹ con đi qua 6 viện, đủ các khoa phòng làm các loại xét nghiệm. Trước mỗi ngày đó, chị Thân lại nhịn ăn từ tối hôm trước đến 3h chiều hôm sau để có kết quả tốt nhất. Những cơn đói lả, sụt cân và đủ loại thủ tục không cản được bước người mẹ. Niềm vui vỡ òa khi được thông báo hai mẹ con tương thích và đủ các điều kiện ghép thận.
Ngày 26/7, chị Thân và con trai được đưa vào phòng cách ly. Suốt bốn ngày trước ca đại phẫu, Gia Bảo vẫn hồn nhiên vui cười, còn mẹ buồn vui lẫn lộn. Chị lo nhất sau mổ hai mẹ con tách ra 10 ngày, nên dặn con ngoan ngoãn nghe lời y bác sĩ. Lần nào bé Bảo cũng đáp lại: “Dạ con biết rồi. Mẹ hiến cho con một quả thận sẽ yếu lắm nên mẹ cố gắng ăn uống nhé”.
Đêm trước ngày mổ, Bảo vui đến độ còn hát cho mẹ nghe một bài, rồi ngủ say sau viên thuốc ngủ. Riêng chị Thân được cho uống tới hai viên nhưng cả đêm không chợp mắt nổi.
Ca mổ bắt đầu 9h sáng ngày 30/7. Đến đầu giờ chiều, chị Thân mơ màng tỉnh. Nét mặt người mẹ giãn ra khi được thông báo con cũng đã tỉnh và đi vệ sinh được.
Không lâu sau khi bình phục, Gia Bảo lên bàn mổ lần thứ 5 để lấy ra thiết bị lọc màng bụng. Đây cũng là lần thứ 5 người mẹ đơn thân này ký vào tờ giấy sinh tử cho con.
Kể từ đó đến nay cứ hai tuần chị lại đưa con đi TP HCM khám một lần. Bảo sẽ phải uống thuốc suốt đời. Riêng chị Thân sức khỏe cũng đã ổn, chỉ theo dõi ở địa phương. Sức khỏe chị nay yếu hơn, hay đau mỗi khi trái gió trở trời.
Song chị không giấu nổi nụ cười mỗi khi nghĩ đến con trai đã khỏe hơn hẳn. Chỉ sau ba tháng từ chỗ nặng 28 kg, cao 1m33, nay Bảo cao 1m37, nặng 37 kg. Chị Thân đang hy vọng năm tới khỏe hơn con sẽ được trở lại trường.
“Hành trình đã qua tôi nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của bạn bè, bà con lối xóm và các mạnh thường quân, y bác sĩ”, người mẹ Đắk Lắk nói. “Tôi sẽ mang lòng biết ơn này đến suốt cuộc đời”.
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với chương trình Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của cộng đồng là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước.
Độc giả có thể xem thông tin về chương trình tại đây.
Phan Dương
Dự án Vệ sinh học đường giúp sức khỏe của 98% học sinh được cải thiện nhờ thay đổi thói quen sinh hoạt như rửa tay thường xuyên, không phóng uế bừa bãi, dọn dẹp định kỳ. Đỗ Nam – Kim Anh
Công ty De Heus Việt Nam tài trợ 1,2 tỷ đồng cho dự án “Dinh dưỡng học đường” của Quỹ Hy vọng, cải thiện bữa ăn của học sinh ở ba trường ở Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An. Ba trường được dự án hỗ…
Năm 2017, Súa theo bố mẹ từ Sơn La vào Bình Dương mưu sinh. Bố mẹ cậu – anh Sồng A Chua (29 tuổi) và chị Giàng Thị Xông (30 tuổi) – là công nhân tại TP Tân Uyên. Họ thường làm việc từ sáng…
Điểm trường mầm non Bản Nghịu ở xã Pá Khoang có tổng kinh phí đầu tư hơn một tỷ đồng được Quỹ Hy vọng xây mới với sự chung tay của FPT Polytechnic. Khởi công xây dựng ngày 6/11, điểm trường nằm trên khu đất…
Trong căn nhà gỗ lọt thỏm sau tán tre bương trên bản Mông (xã biên giới Mường Cai, huyện Sông Mã, Sơn La), thứ tài sản giá trị nhất là chiếc tủ lạnh đã rút ổ cắm, rỗng không. Tường nhà nham nhở những miếng…
6h một buổi sáng đầu tháng 9, tranh thủ trước giờ lên nhà máy, vợ chồng Dê chụm đầu vào màn hình điện thoại trong cuộc gọi chớp nhoáng về quê nhà Sơn La – cách đó 1.800 km. Đầu dây bên kia, ba đứa…