Đức Bảo nhớ ngày nhỏ mẹ thường dặn, khi ba mẹ qua đời phải chăm sóc anh. Covid-19 đã buộc cậu bé thực hiện lời hứa đó khi mới 16 tuổi.
Khi tiết Vật lý của Trường THPT Nguyễn Hữu Huân bắt đầu một sáng cuối tháng 11, trong ngôi nhà ở phường Tam Phú, TP Thủ Đức, học sinh Nguyễn Đức Bảo vẫn đang “vắt chân lên cổ” dọn nhà.
Nghe thầy giáo gọi tên mình, Bảo bỏ cây lau, chạy lại máy tính song không kịp tính ra đáp số. “Bảo không chịu học bài à?”, thầy giáo hỏi trong cái gãi đầu của cậu học trò.
Hai tháng qua, đã vài lần nam sinh lớp 11 đã bỏ lỡ bài giảng, hoặc không trả lời được câu hỏi như lần này. “Thường em sẽ mất 15 phút đầu giờ buổi sáng để làm nốt việc nhà. Gần trưa em hay phải đi lấy cơm cho anh hai, đôi khi bị lỡ mất 5 – 10 phút”, Bảo tiết lộ lý do.
Làn sóng Covid-19 thứ tư đã cướp mất đi cha mẹ của hơn 2.500 đứa trẻ, tính đến tháng 10/2021. Hơn 100 trẻ đột ngột mất cả bố lẫn mẹ, trong số này có Đức Bảo và anh trai 23 tuổi, bị hội chứng Down.
“Ba ra đi bất ngờ khiến cả nhà chết điếng”, cậu bé mồ côi nhớ lại cái đêm mùng 7/8. Em đang mặc áo đưa ba đi viện thì ông đổ gục xuống rồi đi luôn. Một tuần trước đó ba đi tiêm vaccine về bị sốt, cả nhà cứ tưởng phản ứng sau tiêm, không ngờ cơn sốt kéo dài, cao hơn và tần suất dày hơn.
Không kịp làm tang lễ cho ba, Bảo cùng mẹ và anh trai đã bị đưa đến Bệnh viện dã chiến số hai, quận 12, sau khi có kết quả dương tính. Hai ngày đầu mấy mẹ con nằm cùng tầng 12, sau đó mẹ yếu hơn, được chuyển xuống tầng trệt. Anh hai sốt cao, không chịu ăn uống. Mình cậu bé 16 tuổi xoay xở chăm sóc anh, lên xuống 12 tầng, nhiều lúc phải đi thang bộ, để chăm mẹ. Được bảy ngày bệnh viện cho phép hai anh em về nhà cách ly, còn mẹ nặng hơn bị chuyển đi nơi khác.
“Suốt những đêm đó em chập chờn, cầu mong một phép màu. Nhưng rồi, sau cuộc gọi lúc 5h sáng ngày 22/8, mẹ ra đi”, Bảo kể.
Bố Bảo, một giáo viên dạy Toán cấp 2 ra đi ở tuổi 67, còn mẹ, một giáo viên mầm non, ra đi khi 58 tuổi. Ngôi nhà cấp bốn, với một gác xép là tài sản tích cóp 15 năm mới xây dựng được của cặp vợ chồng nhà giáo đã về hưu, nay trở thành nơi trú ẩn cho hai con. Trong ngôi nhà này, người con út đang học cách làm trụ cột gia đình.
Với một cậu bé trước nay chỉ biết học hành, giờ phải quán xuyến một gia đình, dù chỉ có hai người, cũng không hề đơn giản. Các việc lau nhà, quét dọn, rửa chén bát, tưới cây ngốn cả tiếng buổi sáng. Có một dạo anh hai ốm, Bảo mất nhiều thời gian mới dỗ được cho ăn. “Đã có lúc em đã tiếc vì bị lẹm mất thời gian học”, Bảo thành thật nói.
Sau khoảng một tuần cảm giác quá tải, Bảo đã học được cách sắp xếp cuộc sống của gia đình mình. Lịch học mỗi ngày từ 7h sáng đến gần 11h trưa và từ 17h tới 21h, thậm chí 22h30. Đức Bảo dậy từ 5h sáng, học bài một tiếng sau đó chuẩn bị bữa sáng. Tới 6h30′, em đánh thức anh trai dậy cùng ăn. Để không bị lẹm giờ học hay làm được hết mọi việc, cậu bé nghĩ ra phương pháp kết hợp “vừa học vừa lau nhà” hoặc “vừa học vừa nấu cơm, nhặt rau”.
Các bác và dì ở gần đó hàng ngày qua phụ hai đứa cháu. Để Bảo yên tâm lên lớp, mọi người thay phiên nhau mang đồ ăn trưa đến, Bảo chỉ nấu bữa chiều. Dẫu vậy, đến nay cậu đã tự học làm được các món mỳ Ý, pizza, bánh mỳ kẹp để đổi bữa, kích thích anh trai ăn nhiều hơn. Nhiều hôm nhớ món mẹ nấu, cậu sang nhà bác học làm canh chua, thịt kho tàu, cá kho. Qua mấy lần nấu “dở ẹc”, dần dần Bảo chế biến vừa miệng. Đến nay ba tháng sau biến cố, cậu tự tin có thể đi chợ và tổ chức một bữa ăn hoàn chỉnh.
Cậu bé 16 tuổi cũng thừa nhận, một việc gây lúng túng cho cậu thời gian đầu là làm sao để kết nối với anh. Trước nay việc chăm sóc anh hoàn toàn là của bố mẹ.
Vào cái đêm phải xuống khu điều trị nặng hơn, mẹ thì thào nhắc lại lời dặn: “Chăm sóc anh trai con”. Giây phút đó Bảo không khóc mà nhìn vào mắt mẹ, cam đoan. Cậu biết nếu trước lúc mất ba có thể trăng trối một điều, chắc chắn cũng nói như mẹ.
Một tay chăm sóc cho anh hai, Bảo nhận ra không khó như cậu từng nghĩ. Anh có thể tự ăn uống và chăm sóc vệ sinh bản thân. Vào giờ Bảo học, anh cũng rất ngoan ngoãn im lặng xem hoạt hình, vẽ tranh. Đã 23 tuổi, anh vẫn như em bé, không biết má đã mất nên hay hỏi “Má đi viện lâu thế, sao không về?”. Bảo đành nói dối: “Ăn ngoan rồi ngủ giỏi đi, mai mốt má về”. Mãi sau hàng xóm và học trò tới thăm nói má mất rồi thì anh mới biết. Người em nhận thấy anh có vẻ trầm lặng, ăn kém mất mấy ngày.
Gắn bó với anh hơn, Đức Bảo không còn thấy đang chăm anh vì trách nhiệm nữa, mà là tình yêu. Cậu tự biết lúc nào trái gió trở trời bắt anh phải giữ ấm cổ, nếu thấy anh ăn kém bữa sau liền hỏi muốn ăn gì để nấu. Có bữa Bảo kho được thịt trứng ngon như mẹ nấu, anh chẳng biết khen nhưng ăn nhanh và được hai bát đầy, Bảo bỗng thấy vui. Nhiều lúc cậu cũng bớt giờ học, cùng ngồi xem những bộ phim hoạt hình hay đọc truyện cho anh nghe.
Cô Nguyễn Thị Cẩm Trinh, giáo viên Toán ở Trường THCS Nguyễn Hữu Huân chia sẻ, trước đây đồng lương hưu của bố mẹ Bảo chưa tới chục triệu đồng nên để nuôi hai con ăn học và chữa bệnh ở thành phố cũng không đủ. Vì thế ba Bảo phải dạy thêm.
“Khi biết tin ba Bảo mất tôi gọi cho mẹ em. Chị đau buồn và bế tắc lắm, lo rằng không biết mất đi trụ cột rồi thì sao nuôi nổi hai con. Không ngờ chỉ hơn chục ngày sau chị cũng đi theo anh”, cô Trinh kể.
Những ngày qua chính quyền, nhà trường, hội phụ huynh và họ hàng đã động viên tinh thần và chia sẻ gánh nặng kinh tế với hai anh em. Trước mắt hai năm học cấp ba Đức Bảo sẽ không còn phải lo kinh tế nữa, song điều em lo lắng là các năm sau đó khi hầu hết những chính sách hỗ trợ đều chấm dứt khi mình 18 tuổi. “Em lo lúc đó mình không kham nổi chi phí đại học và nuôi anh”, cậu bé bày tỏ.
17h30′ mỗi ngày, Bảo và anh trai đứng trước màn hình TV dự lễ nhà thờ online, đọc kinh cầu nguyện cho cha mẹ. Góc nhà là cây đàn piano, hai tháng nay em chưa dám chơi lại vì sợ cảm giác khi nốt nhạc cuối cùng vang lên, không còn mẹ đằng sau khen ngợi nữa.
Cậu bé đang tăng thêm hai tiếng mỗi ngày cho môn Toán với mục tiêu đoạt giải Olympic quốc gia. Ba đã truyền cho em tình yêu Toán từ bé, còn má thường xuyên dặn phải chăm học.
“Em muốn giành huy chương để tưởng nhớ về ba mẹ”, cậu nói.
Năm nay, chương trình Tết Hy vọng của Quỹ Hy vọng – báo VnExpress dự kiến trao 1.500 phần quà với mong muốn chia sẻ những mất mát với trẻ em mồ côi vì Covid-19. Độc giả, doanh nghiệp quan tâm có thể ủng hộ thông qua chương trình tại đây.
Phan Dương
Bệnh nhân 47 tuổi chết não, 4 tạng của ông được chuyển từ Bình Dương đến các bệnh viện ở TP HCM và Hà Nội để ghép cho người khác. Rạng sáng 20/12, xe chuyên dụng của lực lượng CSGT Công an tỉnh Bình Dương…
Tính đến ngày 16/12/2024, sau 3 tháng phát động với sự hỗ trợ từ hàng chục ngàn mạnh thường quân, chiến dịch “Xây lớp học mới – Mở lối tương lai” đã chính thức cán mốc số tiền quyên góp ấn tượng 234 triệu đồng…
Sau 7 ngày liên tục truyền hóa chất, nói không thành tiếng, nôn liên tục nhưng Nguyễn Mạnh Dũng vẫn cố ăn để có sức chống chọi với ung thư. Cậu bé 15 tuổi ở huyện Phúc Yên cho biết từ đầu năm nay bệnh…
Sợ con trai không thể tỉnh lại sau hôn mê, chị Cẩm ngày nào cũng nắm tay trò chuyện, cố kéo con trai vượt cõi chết trở về. “Minh tỉnh dậy tập thở, khỏe rồi hai mẹ con mua bánh sinh nhật nha”, chị Nguyễn…
Mỗi runner đăng ký giải chạy “Tết Hy Vọng 2025” sẽ góp một viên gạch xây nhà tắm giúp mùa đông của học sinh vùng cao ấm áp hơn. Giải chạy do Quỹ Hy vọng và vRace phối hợp tổ chức, bắt đầu từ ngày…
Bốn tháng sau cuộc phẫu thuật hiến tặng gan, Huỳnh Thị Thu Tuyền trở lại công việc bán hàng, trong khi con gái chuẩn bị đi học mẫu giáo. “Đây là cuộc sống tôi mơ ước suốt ba năm qua”, Tuyền, 22 tuổi, ở xã…