Bán hai con dê, năm con gà, vợ chồng chị Nghĩa ôm con chạy xe máy xuống bệnh viện tỉnh. Nghe bác sĩ nói con ung thư võng mạc, họ lao luôn ra Hà Nội.
Chích Thị Nghĩa, 28 tuổi, không biết đi xe máy nên anh Hắp Văn Thư, chồng chị phải đèo suốt chặng đường dài. Từ bản Xốp Pu, xã Yên Na, huyện Tương Dương đến bệnh viện tỉnh Nghệ An gần 200 km, từ đó đến Bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội) dài thêm 300 km nữa.
Thư, 34 tuổi, là một xe ôm lâu năm, nhưng chỉ chạy quanh xã Yên Na. Đây là lần đầu đôi vợ chồng người Khơ Mú ra phố. Không biết đường, họ cứ theo biển chỉ dẫn và hỏi thăm mà chạy. Khác với những người hồi hương tránh dịch, chuyến đi của gia đình ba người không có ai tiếp sức dọc đường.
“Cu Tài bị kẹp giữa, ngủ gục trên cánh tay làm tôi đau nhừ. Thỉnh thoảng tôi cũng ngủ quên, chồng cứ phải vỗ vào đùi, hét thật to để tỉnh lại”, chị Nghĩa kể lại chuyến đi hồi tháng 7, bằng tiếng Kinh không sõi.
Trên đường đi trời đổ mưa to, hai vợ chồng co cụm trong chiếc áo mưa hơn 70 nghìn đồng mua dọc đường, cố che cho thằng con không ướt. Khi cánh tay đã tê cứng, con run lên vì lạnh hai vợ chồng đành thuê một phòng trọ nhỏ ở Ninh Bình ngủ lại một đêm. Thành thử, chuyến ra Hà Nội kéo dài tới hơn 20 tiếng.
Trước đó vài ngày, cu Tài, cậu con út hai tuổi của vợ chồng chị Nghĩa xuất hiện tình trạng cứ bước đi là vấp ngã. Thấy con mắt không nhìn mình, đầu nổi cục lớn, cục bé, mặt lấm lem đất vì vấp ngã, hai vợ chồng lấy xe đèo Tài xuống bệnh viện tỉnh. Sau chụp chiếu, bác sĩ kết luận cậu bé bị ung thư võng mạc, viết giấy cho chuyển ra Bệnh viện Mắt Trung ương.
Xe khách không hoạt động vì Covid-19. Xe cấp cứu ra giá 3 triệu đồng cho chuyến đi, trong khi trong túi họ chỉ có hơn năm triệu đồng. Hai vợ chồng gọi điện về nhờ hàng xóm để ý hai đứa con gái ở nhà, chở cu Tài bằng xe máy ra thủ đô.
Nghe bác sĩ bệnh viện Mắt Trung ương thông báo kết quả trùng với bệnh viện tỉnh, Nghĩa sụp xuống trong im lặng. Chồng chị ôm con nước mắt ướt nhòe khuôn mặt lấm bụi.
Được một tuần, họ phải chuyển từ viện Mắt Trung ương đến bệnh viện Xanh Pôn, rồi K Tân Triều. Đường thành phố hai chiều làm Thư luống cuống. Đôi dép tổ ong chà mạnh xuống đường mỗi lần phát hiện đi sai. Nhưng lòng vòng mãi không đến nơi, vừa nói vừa ra dấu, hai vợ chồng thuê một xe ôm dẫn đường, giá 80 nghìn đồng mỗi lượt.
Đến viện K Tân Triều, anh Thư giao con và bọc tiền cho vợ, dặn theo bác sĩ đi làm thủ tục. Ở quê, họ còn hai đứa con gái lớp Ba và lớp Bốn cần chăm sóc nên Thư phải về.
“Ở bản này, 168 hộ thì có 110 hộ là hộ nghèo. Gia đình anh Tài và chị Nghĩa là số ít họ chịu khó làm ăn mới nằm trong nhóm hơn 30 hộ cận nghèo, nghĩa là có kinh tế hơn chút. Nhưng đứa con ung thư khiến họ rất chật vật”, ông Cù Văn Thanh, trưởng bản Xốp Pu, nói.
Ông Thanh cho hay, vì cả bản đều hộ nghèo, nên cán bộ có kêu gọi cũng chỉ được mỗi hộ hai nghìn, năm nghìn, nên không huy động.
Một mình chơ vơ giữa đất Hà Thành, tiếng Kinh không sõi, Nghĩa chỉ biết khóc, lật đật theo nhân viên y tế đi làm thủ tục. Hai mẹ con thường ngồi góc giường, hiếm khi giao tiếp với người lạ. “Tôi không nói được nhưng nghe vẫn hiểu. Có người bảo tôi không chăm con, để bẩn nên mắt mới hỏng. Tôi chẳng biết nói sao cho họ hiểu”, chị nói.
Nhưng cũng nhờ một mẹ bệnh nhi chung phòng, chị biết đến nhóm “Những chuyến xe yêu thương”, chuyên hỗ trợ bệnh nhân nghèo về quê miễn phí. Không chỉ đưa đón mỗi lần đi viện, các thành viên trong nhóm động viên, hỗ trợ tinh thần lẫn vật chất gia đình chị. “Nhờ có các anh chị, tôi thấy trên đời còn nhiều người tốt. Mọi người cũng dặn tôi buồn chẳng giải quyết được gì, phải mạnh mẽ vì con”, Nghĩa vỡ ra.
Biết điểm yếu của mình là giao tiếp, chị chăm nói chuyện, nhắn tin cho những người quen biết. Nghĩa muốn học tiếng Kinh trôi chảy để bớt bỡ ngỡ mỗi lần đưa con ra Hà Nội và quan trọng là có thể mời mọi người mua măng tươi, măng khô.
Cứ xong một đợt điều trị của cu Tài, vợ chồng chị lại về quê, gửi con trai cho hàng xóm, huy động hai con lớn lên núi đào măng. Những ngày này miền Tây xứ Nghệ lạnh sâu, cả nhà dậy từ năm giờ sáng. Họ dắt nhau leo núi vài giờ đồng hồ mới đến điểm đào măng. Để được mỗi người gùi măng, cả nhà phải hì hục đến 7 giờ tối. Nghĩa thường thức đến quá nửa đêm, luộc măng kịp sáng ngày đem bán.
Chị Ngô Thanh Thủy, thành viên nhóm Những chuyến xe yêu thương, cho biết, rất mến vợ chồng Nghĩa vì thật thà, chịu khó lăn lộn để kiếm tiền chữa bệnh cho con. “Tôi hay nói Nghĩa mang măng ra Hà Nội chị bán giúp để có giá hơn. Nhưng nhiều lúc được giúp đỡ, em ấy cứ sợ mắc nợ ân tình”, chị Thủy nói.
Tháng này, cậu bé Hắp Văn Tài sẽ làm phẫu thuật bỏ một mắt, chi phí khoảng 60 triệu đồng. Nhưng hôm 5/1, Chích Thị Nghĩa về thủ đô với chỉ 500 nghìn đồng trong túi.
“Đã đến lịch điều trị cho con nên tôi phải xuống. Tôi đang đợi chồng vay được tiền thì gửi ra sau”, Nghĩa nói. Lần này, măng khô, măng tươi vài bao tải, chị mang theo xe về Hà Nội. Không chắc được bao nhiêu từ chuyến hàng này, nhưng Nghĩa vẫn kỳ vọng đủ cho hai mẹ con lo tiền cơm những ngày ở viện.
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với chương trình Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của quý vị là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước. Mời xem thông tin về chương trình tại đây.
Phạm Nga
Ba phòng học xây mới, ba thư viện điện tử được Quỹ Hy vọng và các đơn vị đồng hành bàn giao cho 4 trường ở huyện Quế Phong. Ba phòng học mới thuộc điểm trường Mường Piệt, trường Tiểu học Thông Thụ 1, xã…
Quỹ Hy vọng và Tập đoàn FPT tài trợ 225 triệu đồng thực hiện dự án “Trường em thay áo mới” sơn sửa 5 trường học ở huyện Bố Trạch. Ngày 24/12, các công trình sửa chữa, sơn mới đã hoàn thiện sau hơn một…
Tính đến ngày 16/12/2024, sau 3 tháng phát động với sự hỗ trợ từ hàng chục ngàn mạnh thường quân, chiến dịch “Xây lớp học mới – Mở lối tương lai” đã chính thức cán mốc số tiền quyên góp ấn tượng 234 triệu đồng…
Mỗi runner đăng ký giải chạy “Tết Hy Vọng 2025” sẽ góp một viên gạch xây nhà tắm giúp mùa đông của học sinh vùng cao ấm áp hơn. Giải chạy do Quỹ Hy vọng và vRace phối hợp tổ chức, bắt đầu từ ngày…
Quỹ Hy vọng khánh thành 14 cầu bê tông mới, trong đó có ba công trình do Roche Việt Nam tài trợ ở huyện Lai Vung và Châu Thành, ngày 1/12. Ba công trình khánh thành đợt này gồm cầu Hy Vọng 382, 383, 384,…
Sau 2 tháng, dự án gây quỹ xây mới phòng học do Đông Tây Barbershop phối hợp cùng MoMo và Quỹ Hy vọng thực hiện đã cán mốc 100 triệu đồng. Từ ngày 16/9, Đông Tây Barbershop trích 5.000 đồng với mỗi giao dịch thanh…