34 học sinh đầu tiên ở nhiều tỉnh, thành phố đã về Đà Nẵng, trong vòng tay chào đón của các thầy cô Trường nội trú Hy Vọng (Hope School).
Khoảng sân trước canteen ĐH FPT Đà Nẵng (Khu đô thị FPT, phường Hoà Hải, quận Ngũ Hành Sơn), buổi tối cuối tuần qua rôm rả tiếng cười nói khi những em nhỏ, nơi xa nhất là Cà Mau, gần nhất là Đà Nẵng, được thầy cô đón về, ăn với nhau một bữa tiệc nhỏ, trước khi bắt đầu học kỳ hai tại Trường nội trú Hy Vọng.
“Về đây rồi phải ráng nghe lời thầy cô, hòa đồng cùng các bạn nha con”, hai người lớn dặn dò hai em nhỏ tại một góc sân. Họ không phải là cha, mẹ hay bà con họ hàng mà là chị Thái Ngọc Hạnh (47 tuổi) và Cao Thiện Phúc (46 tuổi), hàng xóm đã phụ nuôi hai anh em Tuấn (16 tuổi) và Kiều (11 tuổi), từ khi các em mồ côi, tháng 8/2021.
Nhà chị Hạnh đối diện phòng trọ của bà Phạm Thị Lợi (66 tuổi), trên đường Huỳnh Thúc Kháng (TP HCM). Bà Lợi phụ giúp chị Hạnh việc nhà để có tiền trang trải cho ba đứa cháu, trong đó Tuấn là cháu nội, Kiều là cháu ngoại. Những đứa trẻ thiệt thòi vì bố mẹ ly thân, nay lại sống cảnh mồ côi khi dịch bệnh ập đến. Bà Lợi và Kiều cũng mắc Covid, được chị Hạnh lo thuốc men, ăn uống.
Chị Hạnh kể, khi được thầy Hoàng Quốc Quyền, Giám đốc dự án Hope School, giới thiệu về trường, dù đã động viên bà Lợi gửi hai cháu ra Đà Nẵng nhưng chị “cũng có phần không yên tâm lắm”. Còn anh Phúc thúc giục bà Lợi đăng ký ngay, nhưng “cũng nghĩ như chơi xổ số thôi, vì có thể còn lâu lắm ngôi trường mới thành hiện thực”.
“Nhưng hôm nay ra đến đây thì mọi thứ đã sáng tỏ. Chúng tôi không biết nói gì hơn ngoài những giọt nước mắt. Tôi thực sự bất ngờ vì ngôi trường nằm ngoài sức tưởng tượng, các cháu có được môi trường giáo dục tốt”, chị Hạnh nói. Bà Lợi đứng bên đưa vạt áo lên dụi mắt: “Nhìn thấy các cháu được thầy cô chăm sóc, tôi vui lắm”.
Tuấn và Kiều chỉ mất vài phút để làm quen bạn mới, lễ phép khi gặp thầy cô và biết nhường đồ ăn cho những em nhỏ hơn trong tiệc buffet. “Con rất đam mê máy tính và sẽ cố gắng học thật tốt để mai này được vào làm việc ở FPT”, Tuấn nói. Cậu bé được sắp xếp ở chung phòng với bạn mới và rất thích thú vì “phòng đẹp như khách sạn, tư trang gọn gàng như trong quân ngũ”.
Trong số những học sinh đầu tiên về Hope School, Ngọc (7 tuổi), học lớp 1, là thành viên nhỏ nhất. Ngọc có đôi mắt to tròn và nước da trắng. Cô bé rất hay cười khi được chơi cùng anh chị mới quen. Ngồi bên con, đôi vai chị Lương Thuỳ Diệu Trang, 38 tuổi, quê gốc Đăk Lăk, thi thoảng lại rung lên.
Chị Trang từ Tây Nguyên xuống Bình Dương đi làm rồi lấy chồng gốc miền Tây. Hai vợ chồng thuê trọ, làm công nhân và bán hàng online. Tháng 8 năm ngoái, người chồng mắc Covid qua đời, ba mẹ con xin ở nhờ phòng của người họ hàng. Khi cán bộ Hope School đến phòng trọ, chị Trang đắn đo, vì “không nghĩ có một nơi tốt như thế”.
Các thầy cô đã ngồi nhiều giờ trong căn phòng chật hẹp, nghe chị khóc và giãi bày, chia sẻ những lo lắng và giải đáp. Người mẹ sau đó đồng ý gửi hai con lớp 1 và lớp 5 ra Đà Nẵng. Đến nơi, chị Trang nói rất bất ngờ trước cơ sở vật chất của trường.
“Các thầy cô chăm sóc, sắp xếp điều kiện ăn ở cho các con làm tôi rất yên tâm. Thực sự nếu không có Trường nội trú Hy Vọng thì với khả năng của mình tôi không đủ sức chăm sóc các con, sợ mình mải kiếm tiền rồi các con sẽ hư hỏng”, chị Trang nói. Người mẹ cho biết dù nhớ con, chị sẽ hạn chế gọi điện để các cháu tự lập hơn và sớm làm quen với môi trường mới.
Đưa được 34 học sinh đầu tiên về Hope School là nỗ lực các của thầy cô và nhiều người thiện tâm suốt ba tháng qua. Trong số gần 1.600 trẻ mồ côi trên cả nước, từ tháng 11 đến nay trường đã xác minh được hơn 400 trường hợp. Tại nhiều gia đình, các thầy cô ngồi tiếp chuyện suốt 8 tiếng để nghe những tiếng khóc của thân nhân, giải đáp mọi thắc mắc mới có thể nhận được cái gật đầu cho con ra Đà Nẵng theo học.
Bà Trương Thị Thanh Thanh, Chủ tịch quỹ Hy vọng (Hope Foundation), cho biết đã rất xúc động vì cuối cùng những mong muốn của người FPT đã thành hiện thực. Những ngày đầu tuyển sinh, nhiều gia đình chỉ muốn gửi một cháu, nhưng hôm nay khi chứng kiến cơ sở vật chất và môi trường này đã muốn gửi các con còn lại.
Thủ tục để các con có thể ở và học tập trong trường cũng là quá trình đầy khó khăn. “Tôi tin tưởng sự thiện tâm sẽ đem lại những điều tốt lành. Chắc chắn là như vậy”, bà Thanh Thanh nói. Quỹ Hy vọng sẽ tiếp tục kết nối với người thân của các em nhỏ để tạo thành cộng đồng thân thuộc, và sau này sẽ là cộng đồng của những người muốn chung tay giúp các em phát triển. “Trên con đường của các em đã thiếu đi cánh tay của cha mẹ, nhưng với những cánh tay của chúng ta đưa ra giúp đỡ thì các con sẽ sống trong tình yêu thương”, bà Thanh nói.
Theo bà, Hope School thành công đến đâu còn phụ thuộc vào lòng nhiệt thành và kiên trì. “Đôi khi yêu thương cũng cần kiên trì. Làm từ thiện chúng ta cho tiền thì rất dễ, nhưng nếu chúng ta đồng hành, cho những đứa trẻ một cách sống là không hề đơn giản. Niềm tin của chúng tôi là ở môi trường này các em sẽ được giáo dục để trở thành người sống tử tế. Chỉ cần như thế thì xã hội chúng ta sẽ tốt lên rất nhiều”, bà Thanh nói thêm.
Nói chuyện với những học sinh đầu tiên về Trường Hy Vọng, trong tiệc chào đón tối 6/2, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình khẳng định “Trường Hy Vọng là ngôi trường của tình yêu thương”. “Trái tim yêu thương là trái tim biết vui niềm vui của người khác, biết đau nỗi đau của người khác, biết lo nỗi lo của người khác”, ông nói, đồng thời mong các em nhỏ “hãy cố gắng biến trái tim mồ côi đau thương của mình thành trái tim biết yêu thương”.
Chủ tịch FPT cho biết, Trường sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các em theo đuổi đam mê trong mọi lĩnh vực từ khoa học, công nghệ, nghệ thuật, thể thao, kinh tế, xã hội. Trường cũng sẽ mời những người thành đạt trên nhiều lĩnh vực để tìm kiếm, hướng dẫn và phát triển tài năng cho học sinh.
Ông Hoàng Quốc Quyền cho biết, năm học 2022-2023, sẽ có thêm 250 em được đưa về trường và con số những năm học tiếp theo sẽ tăng lên theo kế hoạch nuôi dạy 1.000 em. Học sinh sẽ được trường đưa về thăm gia đình trong các dịp nghỉ lễ. “Các gia đình đã tin tưởng và chúng tôi mong muốn ngôi trường sẽ là gia đình, là nhà và người FPT sẽ là người thân của các em”, ông Quyền nói.
Ngày 8/2, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đến thăm và lì xì cho các em nhỏ tại Trường Hy Vọng. Ông nói ngôi trường với tên gọi ý nghĩa, là nghĩa cử cao đẹp của Tập đoàn FPT trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giúp các em vơi đi nỗi đau mất cha, mất mẹ và giúp những gia đình khó khăn giảm được gánh nặng nuôi con cái ăn học.
“Trường Hy vọng là ý tưởng rất nhân văn nhưng cũng vô cùng khó khăn của Chủ tịch Trương Gia Bình khi quyết định nhận nuôi các cháu và chọn Đà Nẵng để thực hiện việc này”, ông Quảng nói, cho biết thành phố ủng hộ ý tưởng cũng như dự án này của Chủ tịch FPT, đồng thời giao các sở, ngành sớm hoàn thiện các thủ tục, tiếp nhận các cháu.
Trước đó, tháng 9/2021, ông Trương Gia Bình khởi xướng ý tưởng xây dựng ngôi trường dành cho các em nhỏ mất cha mẹ do Covid-19, với mong muốn tạo ra môi trường để các em được chăm sóc, yêu thương, học tập và rèn luyện, biến đau thương thành sức mạnh, từ đó trưởng thành và góp phần xây dựng đất nước trong tương lai.
* Tên các em nhỏ đã được thay đổi.
Nguyễn Đông
Ba phòng học xây mới, ba thư viện điện tử được Quỹ Hy vọng và các đơn vị đồng hành bàn giao cho 4 trường ở huyện Quế Phong. Ba phòng học mới thuộc điểm trường Mường Piệt, trường Tiểu học Thông Thụ 1, xã…
Quỹ Hy vọng và Tập đoàn FPT tài trợ 225 triệu đồng thực hiện dự án “Trường em thay áo mới” sơn sửa 5 trường học ở huyện Bố Trạch. Ngày 24/12, các công trình sửa chữa, sơn mới đã hoàn thiện sau hơn một…
Bệnh nhân 47 tuổi chết não, 4 tạng của ông được chuyển từ Bình Dương đến các bệnh viện ở TP HCM và Hà Nội để ghép cho người khác. Rạng sáng 20/12, xe chuyên dụng của lực lượng CSGT Công an tỉnh Bình Dương…
Tính đến ngày 16/12/2024, sau 3 tháng phát động với sự hỗ trợ từ hàng chục ngàn mạnh thường quân, chiến dịch “Xây lớp học mới – Mở lối tương lai” đã chính thức cán mốc số tiền quyên góp ấn tượng 234 triệu đồng…
Sau 7 ngày liên tục truyền hóa chất, nói không thành tiếng, nôn liên tục nhưng Nguyễn Mạnh Dũng vẫn cố ăn để có sức chống chọi với ung thư. Cậu bé 15 tuổi ở huyện Phúc Yên cho biết từ đầu năm nay bệnh…
Sợ con trai không thể tỉnh lại sau hôn mê, chị Cẩm ngày nào cũng nắm tay trò chuyện, cố kéo con trai vượt cõi chết trở về. “Minh tỉnh dậy tập thở, khỏe rồi hai mẹ con mua bánh sinh nhật nha”, chị Nguyễn…