Vụ tai nạn ba năm trước trên đường từ trường về, cướp mất chân phải, tưởng như sẽ buộc cô giáo Vì Thị Nhân phải mãi mãi chia tay học trò ở các điểm bản.
Năm 2008, cô gái người dân tộc Thái Vì Thị Nhân được điều động về công tác tại xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ sau khi tốt nghiệp đại học sư phạm. Lúc ấy cả bản Phiêng Hạ của Nhân hãnh diện ra mặt bởi có đứa con đầu tiên của bản trở thành giáo viên.
“Chính các thầy cô dưới xuôi lên bản dạy chữ đã khơi gợi mơ ước làm giáo viên trong tôi”, Nhân nhớ lại.
Trường ít người lại đông học sinh, cô giáo trẻ được phân công lên điểm trường ở bản Suối Bon dạy 16 học sinh người Dao, từ 3 tuổi đến 5 tuổi, cách nhà gần 30 km. Hơn chục năm trước, con đường đất trơn trượt, dốc thẳng đứng lên bản rộng gần 2 m, một bên vực, một bên vách khiến người có tay lái cứng như Nhân cũng không nhớ ngã bao lần. Cứ ngã lại lồm cồm bò dậy, chân tay bầm tím, đau phát khóc, nhưng chị lại gạt nước mắt để đi tiếp vì học sinh đang chờ.
Gọi là điểm trường nhưng chỉ độc một căn nhà gỗ ọp ẹp, dựng tạm trên nền đất ẩm thấp, mỗi khi mưa xuống nước ngập ngang bắp chân, cô trò lại xin ở nhờ nhà dân. Chị hay khoe với đồng nghiệp được công tác tại điểm trường “bốn không”: không điện, không nước, không sóng điện thoại và không nhà vệ sinh.
Cắm bản Suối Bon được bốn năm, Nhân được điều chuyển về điểm trường Lũng Xá – Tà Dê (vẫn thuộc trường Mầm non Lóng Luông), nơi từng là điểm nóng về ma tuý. “Nhiều lúc đang dạy, tôi giật mình khi thấy tiếng súng vang lên trong bản. Chẳng rõ chuyện gì, nhưng cô trò đều co rúm người vì sợ”, nữ giáo viên hồi tưởng.
Là cô giáo cắm bản, vận động trẻ đi học đã khó, làm hồ sơ xin trợ cấp xã hội cho học sinh trong bản cũng không dễ dàng, khi đa phần các gia đình đều buôn bán ma tuý hoặc bố mẹ nghiện hút. “Họ sợ cô giáo là nội gián của công an đến điều tra, nên lúc nào cũng cảnh giác. Chẳng hiếm lần tôi bị đuổi thẳng thừng, tủi thân đến phát khóc”, chị kể.
Tháng 11/2018, vụ va chạm với xe tải trên đường đi làm về, khiến Vì Thị Nhân vĩnh viễn mất đi chân phải. Thời điểm đó, cô giáo Nhân vừa trở lại công tác tại điểm trường Săn Cài được hai tháng, sau khi sinh con thứ hai.
Anh Cầm Trung Thông, 37 tuổi, đưa vợ xuống bệnh viện ở Hà Nội để chạy chữa với hy vọng giữ được đôi chân, nhưng vết thương nặng, bác sĩ khuyên nên cắt bỏ qua đầu gối để giữ tính mạng.
Tỉnh lại sau ca mổ, Nhân đau đớn nhìn chiếc chân từng lành lặn, nay cụt lủn, quấn băng trắng ngang đùi. Chị nghĩ bản thân giờ là kẻ tàn phế, làm khổ chồng con. Nhưng anh Thông liên tục động viên vợ “hãy coi anh là chiếc chân phải của em”. “Chính lời động viên đó phần nào giúp tôi nguôi ngoai nỗi đau, học cách dùng nạng và tập làm lại việc nhà”, cô giáo Nhân nhớ lại.
Hai tháng sau biến cố, Nhân ngỏ ý được đi làm lại vì nỗi nhớ học trò vẫn ngày ngày giằng xé trong lòng cô. Ban giám hiệu trường Mầm non Lóng Luông, huyện Vân Hồ lập tức đồng ý. “Tôi từng nghĩ có lẽ phải chia tay một người đồng nghiệp có trách nhiệm, không ngờ cô ấy quay lại”, cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Nghĩa kể.
Sợ chồng và gia đình lo lắng, chị từng hỏi anh Thông “có thất vọng về quyết định đi làm trở lại”, nhưng anh lắc đầu, chỉ dặn đi đường cẩn thận vì biết vợ yêu nghề, yêu học sinh. “Chuyện chăm sóc hai đứa nhỏ để bố mẹ lo, con cứ an tâm”, mẹ chồng nói với Nhân.
Còn một chân, hàng ngày chị vẫn ôm chiếc nạng dài 1,5 m, nhờ đồng nghiệp gần nhà chở hơn 20 km đến trường. Mọi hoạt động dạy học, cho trẻ ăn uống chị đều làm thuần thục, chỉ không thể đến nhà vận động học sinh đi học. Nhưng thi thoảng, Nhân vẫn lén xin đồng nghiệp cho đi cùng để đỡ nhớ. “Buồn, nhưng việc đã vậy phải vươn lên nghịch cảnh. Còn được đứng lớp, gặp học sinh là may rồi”, chị bộc bạch.
Đến tháng 7/2019, chị Nhân bỏ dùng nạng, vay mượn thêm tiền lắp chân giả để tiện chăm sóc học sinh và tập đi xe máy đến điểm trường. Dù có chân giả nhưng không ít lần dừng đèn đỏ hoặc phanh gấp, chị ngã sõng soài ra đường, xây xước chân tay, bởi chân trụ không vững. “Đến trường mà quần áo vừa bẩn, vừa rách, chỉ mỗi chiếc chân giả là còn nguyên”, chị Nhân cười.
Ba năm sau vụ tai nạn, phần vết thương vẫn đau nhức khi thời tiết thay đổi, nhưng cô giáo Nhân nói vui vì đã trở lại cuộc sống cũ. Chị kể vẫn tự lái xe máy đến trường, đứng lớp, sau chăm sóc gia đình nhỏ như ngày còn lành lặn.
Thấy vất vả, nhiều người khuyên chuyển việc, thay vì phải vào bản xa gieo chữ, nhưng chị lắc đầu vì sợ không còn thầy cô chăm sóc học sinh. “Mất một chân không phải mất tất cả, tôi vẫn muốn góp sức để những đứa trẻ vùng cao biết đọc, biết viết. Trừ phi nghề bỏ tôi, chứ bản thân nhất quyết không bỏ nghề”, Nhân khẳng định.
Chương trình Ánh sáng học đường của Quỹ Hy vọng – báo VnExpress mong muốn thay thế những phòng học tạm, thiếu an toàn cho thầy cô, học sinh ở huyện Vân Hồ, Sơn La. Sự đóng góp của độc giả sẽ tiếp thêm động lực và tạo điều kiện cho thầy trò vùng cao có điều kiện dậy và học tốt hơn. Độc giả có thể đồng hành cùng chương trình tại đây. |
Quỳnh Nguyễn
Bệnh nhân 47 tuổi chết não, 4 tạng của ông được chuyển từ Bình Dương đến các bệnh viện ở TP HCM và Hà Nội để ghép cho người khác. Rạng sáng 20/12, xe chuyên dụng của lực lượng CSGT Công an tỉnh Bình Dương…
Sau 7 ngày liên tục truyền hóa chất, nói không thành tiếng, nôn liên tục nhưng Nguyễn Mạnh Dũng vẫn cố ăn để có sức chống chọi với ung thư. Cậu bé 15 tuổi ở huyện Phúc Yên cho biết từ đầu năm nay bệnh…
Sợ con trai không thể tỉnh lại sau hôn mê, chị Cẩm ngày nào cũng nắm tay trò chuyện, cố kéo con trai vượt cõi chết trở về. “Minh tỉnh dậy tập thở, khỏe rồi hai mẹ con mua bánh sinh nhật nha”, chị Nguyễn…
Bốn tháng sau cuộc phẫu thuật hiến tặng gan, Huỳnh Thị Thu Tuyền trở lại công việc bán hàng, trong khi con gái chuẩn bị đi học mẫu giáo. “Đây là cuộc sống tôi mơ ước suốt ba năm qua”, Tuyền, 22 tuổi, ở xã…
Quỹ Hy vọng khánh thành 14 cầu bê tông mới, trong đó có ba công trình do Roche Việt Nam tài trợ ở huyện Lai Vung và Châu Thành, ngày 1/12. Ba công trình khánh thành đợt này gồm cầu Hy Vọng 382, 383, 384,…
Ở bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng, bác sĩ, người nhà bệnh nhi lúc nào cũng thấy ông Chung cười đùa với đám trẻ, dù ông là người lớn tuổi nhất chăm trẻ ung thư. Chiều cuối tháng 11, sau một ngày trôngcháu…