Chiều cuối tuần, chị Huế (Bắc Giang) xếp mấy mớ rau, khay trứng, rổ cà chua… lên chiếc bàn rồi đẩy ra đầu xóm bán, cậu con trai Quang Đô chân trần chạy theo mẹ.
Trong nhà, cô con gái lớn Minh Ánh đang cắm cúi trên trang vở, chuẩn bị cho kỳ thi học kỳ.
Cảnh sinh hoạt bình thường giống như bất kỳ gia đình nào ở xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa, nhưng đó là niềm hạnh phúc mà có lúc chị Đào Thị Huế tưởng sẽ không thể có được. Hơn một năm trước, chị từng phải đưa cả hai con vào viện, một bé mắc ung thư máu, một bé mắc bệnh tan máu bẩm sinh.
“So với những ngày con nằm trong viện, ăn một miếng nôn một miếng, chỉ cần con bình thường nhất như thế này, ngày ăn được 3 bữa, đến trường học như bao bạn bè là tôi đã thấy hạnh phúc lắm rồi”, người mẹ 42 tuổi chia sẻ.
Dù vậy, chị vẫn thấp thỏm lo sợ vì biết bệnh của hai đứa con mình có thể tái phát bất cứ lúc nào.
Năm 2008, chị sinh con gái Minh Ánh khỏe mạnh nhưng từ lúc chào đời cho đến hai tuổi, cháu hay bị nôn trớ, ăn uống kém, rối loạn tiêu hóa, hầu như tháng nào cũng phải vào viện. Trên hai tuổi, sức khỏe của Ánh ổn định hơn nhưng từ lúc vào tiểu học, các triệu chứng cũ lại xuất hiện.
Giữa năm 2015, khi Ánh học gần hết lớp 2, chị Huế phát hiện cơ thể con xuất hiện nhiều vết bầm tím kèm những cơn sốt kéo dài không dứt. Chị đưa con đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang, sau đó được chuyển tới Bệnh viện Huyết học và Truyền máu trung ương. Kết quả khám và xét nghiệm tại đây cho thấy em mắc một dạng ung thư máu gọi là bệnh bạch cầu dạng nguyên bào lympho cấp.
Người mẹ chẳng hiểu gì về bệnh, chỉ biết “rất hiểm nghèo” nên vội vã về quê vay mượn tiền và gửi cậu con trai thứ hai khi đó mới 3 tuổi cho bà ngoại chăm. Từ đầu năm 2016, chị cùng con gái chiến đấu với căn bệnh nan y, bắt đầu bằng những đợt truyền hóa chất.
“Mỗi đợt điều trị là con mệt lả, liên tục nôn, bạch cầu tụt, môi tái nhợt. Có hôm, mẹ đút cho con được 3 miếng cơm, tới miếng thứ 3 con ngậm mãi chẳng nuốt nổi. Mẹ xót quá, nịnh mãi không xong thì mắng, cuối cùng, con bé nhè hết cơm trong miệng ra, hai mẹ con chỉ biết ôm nhau khóc”, người mẹ kể lại những ngày chị nản lòng nhất.
Tuy nhiên, nhìn những hoàn cảnh cũng đầy nước mắt xung quanh, lại được các bác sĩ động viên và mọi người trong gia đình hỗ trợ, nhất là thấy con gái ngoài lúc đau bệnh vẫn hồn nhiên, chị lại tự dặn mình phải mạnh mẽ hơn để cùng con bước tiếp chặng đường gian nan.
Vốn làm công nhân ở khu công nghiệp phải nghỉ việc để chăm sóc con, không có bất kỳ khoản thu nhập nào, trong thời gian ở viện, chị Huế cũng thử tìm thêm việc để có đồng ra đồng vào, bởi biết bệnh tình của con cũng như việc chữa trị sẽ kéo dài. Thỉnh thoảng, chị rửa bát thuê cho căng tin bệnh viện và giặt quần áo cho một số bệnh nhân trong khoa. Đến bữa, hai mẹ con lại đi nhận cơm từ thiện.
Sau hai đợt điều trị, tình hình của Minh Ánh dần ổn định. Con không phải đến viện nữa mà chỉ cần uống thuốc và khám sức khỏe định kỳ. Chị Huế xin đi làm lại, ba mẹ con đùm bọc nhau trong căn nhà nhỏ ở nhờ gia đình anh trai chị. Nhịp sống tưởng chừng cứ bình bình trôi đi như vậy nhưng tới tháng 8/2020, bệnh của Minh Ánh bất ngờ tái phát. Chị Huế lại đưa con vào viện và bắt đầu lại quá trình điều trị, mỗi đợt ở viện 40-60 ngày.
Khi sức khỏe Minh Ánh tạm ổn, tháng 11/2020, cậu em trai sinh năm 2012 lại bị phát hiện bệnh tan máu bẩm sinh. “Lúc đó tôi thấy như có ai đẩy mình xuống vực. Vừa hoang mang không biết mình đã làm gì sai khiến cả hai đứa con phải mang bệnh hiểm nghèo, vừa cảm thấy bất lực vì hoàn cảnh quá túng quẫn, chẳng biết phải làm sao chạy chữa cho con, có lúc tôi nghĩ quẩn”, chị Huế tâm sự.
May mắn sau đó, khi xét nghiệm công thức máu thì tình trạng bệnh của Đô cũng chưa ở thể nặng, và sức khỏe của con cũng dần được cải thiện. Nhà ngoại cho vài mét đất, lại được hội chữ thập đỏ tỉnh và nhiều người hảo tâm hỗ trợ, năm 2021, chị Huế xây được gian nhà nhỏ để các con yên tâm, khỏi lo mưa nắng. Để có thời gian chăm sóc cho 2 con, chị không đi làm công nhân nữa mà đóng cái bàn nhỏ ngày ngày đẩy ra ngõ bán rau quả cho bà con lối xóm.
Chia sẻ về hoàn cảnh éo le và lý do 2 con mang họ mình, chị Huế cho biết, sinh ra trong gia đình nghèo, bố mất sớm, chỉ có mấy mẹ con nương tựa nhau. Tới khi gần 30 tuổi vẫn chưa lập gia đình, chị chấp nhận về chung sống với một người đàn ông lớn tuổi cùng địa phương. Được vài năm, gia cảnh nghèo khó, con đau bệnh liên miên, nhiều mâu thuẫn nảy sinh, cuối cùng chị tay trắng dắt hai con về nhà ngoại xin ở nhờ nhà mẹ và anh trai.
Từ khi ở nhà cùng các con, sáng chị dậy sớm nấu đồ ăn rồi gọi tụi nhỏ dậy đi học. Lúc bọn trẻ đến trường thì mẹ cũng đi thẳng ra chợ mua rau, lấy hàng về bán. Trưa các con đi học về cùng mẹ nấu ăn. Chiều mẹ bán rau tới 19h tối là dọn hàng, về nhà 3 mẹ con lại cơm nước, học hành. “Cũng chỉ mong trời thương để nhịp sống cứ được như thế, các con không tái bệnh phải quay lại viện điều trị”, chị Huế bày tỏ.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hương Giang – Khoa Nhi, Viện huyết học và truyền máu Trung ương cho biết, Minh Ánh là bệnh nhi khá đặc biệt khi cả quá trình điều trị hầu như chỉ có mẹ chăm sóc cho con. Khi phát hiện mắc ung thư máu, Ánh được áp dụng điều trị tấn công, sau đó duy trì, khám định kỳ, tới khi em tái phát thì quy trình này phải bắt đầu lại.
“Hiện tại, Minh Ánh chỉ cần điều trị duy trì, định kỳ tới viện tiêm hóa chất rồi về. Con có thể sinh hoạt và đi học bình thường”, bác sĩ Giang cho biết.
Tuy nhiên, theo bác sĩ, với tình trạng mắc ung thư máu và đã tái phát một lần thì khả năng phát lại sau đó hoàn toàn có thể. Các bác sĩ cũng chỉ biết dặn dò gia đình chăm sóc sức khỏe tốt cho con, theo dõi sát sao và đưa trẻ tới viện khám, điều trị ngay khi có các dấu hiệu tái phát bệnh.
Minh Thùy
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với chương trình Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của cộng đồng là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước.
Độc giả có thể xem thông tin về chương trình tại đây.
Cứ đến Giáng sinh, K’Ngôl (15 tuổi, người Mnông, Đắk nông) lại nhớ tới lời hứa đoàn tụ của bố ruột, món quà mà cậu chờ đợi suốt 3 năm. Đầu tháng 12, khi bạn bè tại Nhà nội trú sắc tộc Hoà Bình (phường…
Ba phòng học xây mới, ba thư viện điện tử được Quỹ Hy vọng và các đơn vị đồng hành bàn giao cho 4 trường ở huyện Quế Phong. Ba phòng học mới thuộc điểm trường Mường Piệt, trường Tiểu học Thông Thụ 1, xã…
Quỹ Hy vọng và Tập đoàn FPT tài trợ 225 triệu đồng thực hiện dự án “Trường em thay áo mới” sơn sửa 5 trường học ở huyện Bố Trạch. Ngày 24/12, các công trình sửa chữa, sơn mới đã hoàn thiện sau hơn một…
Tính đến ngày 16/12/2024, sau 3 tháng phát động với sự hỗ trợ từ hàng chục ngàn mạnh thường quân, chiến dịch “Xây lớp học mới – Mở lối tương lai” đã chính thức cán mốc số tiền quyên góp ấn tượng 234 triệu đồng…
Mỗi runner đăng ký giải chạy “Tết Hy Vọng 2025” sẽ góp một viên gạch xây nhà tắm giúp mùa đông của học sinh vùng cao ấm áp hơn. Giải chạy do Quỹ Hy vọng và vRace phối hợp tổ chức, bắt đầu từ ngày…
Quỹ Hy vọng khánh thành 14 cầu bê tông mới, trong đó có ba công trình do Roche Việt Nam tài trợ ở huyện Lai Vung và Châu Thành, ngày 1/12. Ba công trình khánh thành đợt này gồm cầu Hy Vọng 382, 383, 384,…