Bé Võ Huyền Trâm 5 tuổi, ung thư nguyên bào thần kinh giai đoạn 4 di căn xương và tủy xương, sau ghép tế bào gốc đã chặn được di căn xa hơn.
“Bé đáp ứng thuốc tốt sau truyền, khống chế được ung thư di căn xa, uống thuốc duy trì trong 6 tháng”, bác sĩ Nguyễn Hoài Anh, Khoa Ung thư, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết. Đến nay, sức khỏe bé ổn định, tăng cân, ăn được nhiều.
Ca ghép tế bào gốc tiến hành ngày 14/7. Mẹ bé, chị Trần Thị Soa 26 tuổi, cho biết sau hơn một tiếng ghép tế bào gốc, bé Trâm nôn, tiêu chảy, đau nhức toàn thân, cảm giác như hàng trăm con kiến cắn mà không thể gãi, bỏ ăn. Bác sĩ nói giai đoạn ghép tế bào gốc là khó khăn nhất đối với Trâm. Bệnh nhân cần truyền hóa chất mạnh, chăm sóc khắt khe hơn, phải nằm phòng cách ly đặc biệt, người chăm sóc cũng cần đảm bảo vô khuẩn, tránh lây nhiễm từ bên ngoài. Bé phải bổ sung dinh dưỡng nhiều do mệt mỏi tăng, chán ăn, đi ngoài, suy dinh dưỡng, sụt cân.
U nguyên bào thần kinh là ung thư hệ thần kinh phó giao cảm, một dạng u đặc phổ biến ở trẻ nhỏ. Tùy thuộc từng giai đoạn bệnh và thể trạng của bệnh nhi, bác sĩ đưa ra phác đồ với các liệu trình phù hợp. Trong đó, ghép tế bào gốc được xem như “phao cứu cánh” cho người bệnh, giúp tiêu diệt triệt để các tế bào ung thư, tái tạo tế bào khỏe mạnh, lui bệnh và giảm tỷ lệ tái phát.
Với bé Trâm, theo bác sĩ Anh, do tình trạng nặng, phác đồ điều trị kết hợp nhiều biện pháp gồm phẫu thuật cắt u và xạ trị, truyền hóa chất liều cao kết hợp ghép tế bào gốc, sau đó dùng thuốc duy trì. Ghép tế bào gốc là biện pháp cuối cùng nhằm chặn ung thư di căn xa hơn. Gia đình khó khăn, bé được chương trình Mặt trời Hy vọng hỗ trợ chi phí truyền tế bào gốc.
Bệnh nhân u nguyên bào thần kinh được điều trị duy trì, tỷ lệ sống sau 5 năm khá thấp. Hiện nay, sau ghép tế bào gốc, tỷ lệ sống 5 năm của nhiều bệnh nhân khoảng 30-60%, tùy thể trạng của từng người.
Trong nhiều trường hợp, u nguyên bào thần kinh có thể được phát hiện khi siêu âm trong thai kỳ. Tuy nhiên trên thực tế, hầu hết trường hợp u nguyên bào thần kinh được phát hiện sau khi ung thư đã di căn sang các bộ phận khác của cơ thể như hạch bạch huyết (cơ quan nhỏ hình hạt đậu, giúp chống nhiễm trùng), gan, phổi, xương và tủy xương (mô xốp, đỏ, ở bên trong của những xương lớn).
Từ tháng 6/2021, Huyền Trâm thường kêu đau mỏi chân tay, đau răng. Gia đình ở xa, bố mẹ lên bệnh viện tỉnh Nghệ An lấy thuốc về cho con uống. Đến tháng 8/2021, Trâm đau nhiều hơn, sưng mí mắt, có màu thâm đen. Gia đình đưa con đi bệnh viện kiểm tra lại, bác sĩ chẩn đoán thiếu máu, chuyển xuống viện Sản nhi Nghệ An. Tại đây, bác sĩ phát hiện Trâm mắc ung thư nguyên bào thần kinh, đề nghị chuyển ra Hà Nội.
Nghĩ lại hơn một năm qua, chị Soa nói cảm giác bàng hoàng, đau đớn khi nhận tin con ung thư đến nay vẫn còn nguyên. Chị không ngừng tự hỏi vì sao con mắc bệnh, bởi gia đình không có ai bị ung thư. “Vừa thương, vừa sợ mất con mà trong nhà chẳng có bao tiền”, chị Soa nói.
Gia đình chị có 6 người, hai ông bà đã già yếu. Chồng chị, anh Võ Trọng Tài 30 tuổi, làm việc gần nhà, thu nhập bấp bênh. Ngày 6/9/2021, bé chuyển ra Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị. Ngày đi, chị Soa mang theo vài triệu đồng phòng thân. Đến nay, số tiền hơn cả trăm triệu, vượt ngoài khả năng chi trả của gia đình, nhà cũng chẳng còn gì để bán.
“Mọi người bảo ung thư là án tử, chữa trị tốn kém. Còn vợ chồng tôi thì nghĩ tốn kém cũng chữa, được ở cạnh con ngày nào là hạnh phúc ngày đó”, anh Tài tiếp lời. Hiện, anh Tài là trụ cột tài chính của gia đình.
“Nghĩ lại quãng thời gian ghép tế bào gốc thực sự cực hình nhưng là cơ hội cuối để cứu con nên cả nhà động viên nhau còn nước, còn tát. Còn 1% cơ hội cũng không từ bỏ”, chị Soa nói. Những ngày “sống mòn” ở bệnh viện, chị Soa học được nhiều cách để chăm sóc, dỗ dành khi con đau, nhận biết dấu hiệu con sốt, biến chứng để nhập viện.
Hiện, Trâm truyền xong 12 đợt hóa chất, nặng 16,5 kg. Nhiều đêm ôm mẹ ngủ, bé thì thầm động viện ngược: “Cả hai mẹ con cùng cố gắng nhé, con muốn được quay lại trường học”. Còn với chị Soa, ước mơ lớn nhất bây giờ là con ăn được, ngủ được như bạn bè, “thay vì cả ngày đau đớn, vật vã với kim truyền, hóa chất”.
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của cộng đồng là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước. Độc giả có thể xem thông tin chương trình tại đây.
Minh An
Cầu Hy Vọng 400 là một trong 6 công trình được Quỹ Hy vọng khởi công, khánh thành ngày 6/9, mang lại niềm vui lớn cho người dân. Từ sáng sớm người dân xã Tân Quy Tây, TP Sa Đéc đã có mặt để hòa…
Chiều 5/9, Công ty CP Yến Sào Nha Trang đã trao tặng 20 xe đạp trị giá gần 50.000.000 đồng cho các em học sinh trường Hy vọng ngay ngày đầu khai giảng. Buổi trao tặng xe đạp được tổ chức ngay trong ngày khai…
Hệ tiêu hóa khỏe mạnh giúp duy trì sức khỏe cơ thể, phát triển não và phòng bệnh lý dinh dưỡng, chuyển hóa, đường ruột… ở trẻ nhỏ. PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết hệ tiêu hóa…
Trước thềm năm học mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến thăm, động viên học sinh mồ côi sau Covid-19. Trưa 1/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến thăm học sinh Trường Tiểu học – THCS – THPT Hy Vọng, nơi đang nuôi…
Lần đầu tiên Quỹ Hy vọng mở chiến dịch gây quỹ tại VnExpress Marathon, thông qua gian hàng bán các vật phẩm lưu niệm. Từ ngày 6 đến 7/9/2024, các runner đến khu vực Expo của giải VnExpress Marathon Hạ Long, có thể thăm gian…
Quỹ Hy vọng trao 4 thư viện điện tử và bàn giao 4 điểm trường sơn sửa cho học sinh huyện Vân Hồ, trong đó có các em ở xã giáp Lào. Bốn thư viện điện tử được trao cho các trường thuộc xã Tân…