TP HCM- 5 năm trước, ôm con gái mất trong vòng tay mình, chị Linh tự hứa sẽ dành phần đời còn lại hoàn thành tâm nguyện giúp đỡ người mắc ung thư của con.
Người mẹ 41 tuổi, quê Kiên Giang đã hiện thực tâm nguyện ấy bằng bếp ăn 0 đồng rộng 40 m2, thuộc đường số 10, phường Trường Thọ, TP Thủ Đức (TP HCM).
Trưa 22/8, chị Phạm Nguyệt Linh hì hụi vo 35 kg gạo rồi chia làm 10 xửng cho vào máy hấp trong lúc ba người hàng xóm chia nhau nhặt 20 kg rau củ, rửa sạch cho vào chảo gang xào. Khoảng 13h, 400 suất cơm gồm sườn chay chiên tẩm sốt, rau củ và canh đã xong, họ chia nhau đi phát tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM.
Bếp ăn đỏ lửa ba lần mỗi tuần với 350-400 suất cơm được chị Linh đặt tên là Bếp mẹ Như, lấy theo tên con gái Quỳnh Như đã mất. Năm 2014, cô bé ba tháng tuổi được chẩn đoán mắc ung thư tuyến tụy. Chị Linh bỏ nghề giáo viên mầm non ở quê lên TP HCM cùng con chiến đấu ung thư. Suốt bốn năm sau đó, hai mẹ con ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà, chủ yếu ăn cơm từ thiện để đỡ tiền do chi phí điều trị lên đến 20 triệu một tháng.
Chị mô tả, con gái thông minh và giàu tình cảm, bao giờ về nhà cũng gom bánh kẹo lên chia sẻ cho các bạn cùng phòng. “Dù không ai nói nhưng con bé biết số phận mình ngắn ngủi nên thường tâm sự muốn được giúp đỡ các bạn giống mình”, Linh nhớ lại.
Sau Tết Nguyên đán 2018, Quỳnh Như yếu hẳn, bụng to, nôn ra máu, gần như không thể nói chuyện, bác sĩ nói chị chuẩn bị tâm lý. Trên chuyến xe cứu thương 0 đồng, Quỳnh Như mặc chiếc váy hồng yêu thích, qua đời trên tay mẹ.
Sau tang lễ của con, chị Linh trở lại Bệnh viện Ung bướu TP HCM nhận lại tiền tạm ứng 40 triệu đồng. Người mẹ quyết định chia hết số tiền này cho 180 bệnh nhi đang điều trị cùng khoa, xem như món quà cuối cùng của Quỳnh Như tặng các bạn.
Ba tháng sau, chị cùng người bạn khác cũng có con mất vì ung thư bắt đầu làm Bếp mẹ Như, nấu khoảng 50 suất ăn miễn phí tại căn trọ rộng 20 m2 ở TP Thủ Đức.
Công việc khiến Linh phải dậy từ 5h sáng, không ít lần sặc khói bởi diện tích phòng nhỏ. Người hàng xóm thấy thương, cho chị thuê lại căn nhà làm bếp, giá 4 triệu một tháng. Từ hai người, Bếp mẹ Như nay có 5 người, đều là người dân trong khu phố cảm thấy công việc ý nghĩa nên đến giúp một tay.
Vì nấu cho người bệnh, chị Linh luôn lựa chọn nguyên liệu tươi từ những buổi chợ sớm. Bếp đa số nấu món chay, thi thoảng thay đổi cơm sang bún bò, bún riêu chay.
Linh kể ngày đầu phát cơm tại bệnh viện, chị vô tình vào đúng căn phòng Quỳnh Như nằm năm xưa. Chị phải chạy ra ngoài khóc nức nở vì nhớ con. Phòng bệnh vẫn còn một số bạn của Như, những đứa trẻ làm quen với kim tiêm, chọc tuỷ từ bé và trọc đầu vì hóa trị.
Nhưng đó không phải lần duy nhất chị khóc khi đi phát cơm trong viện. Năm 2021, một cậu bé thỏ thẻ tâm sự với Linh là thèm phần nui xào bò. Chị gật đầu, định bụng sẽ nấu riêng cho cậu. Hôm sau, khi xách suất ăn vào phòng bệnh, người phụ nữ nhận tin cậu bé vừa mất. “Cuộc sống của các em rất mong manh”, chị Linh nói.
Đó là lý do chị không muốn bỏ đợt nấu và phát cơm nào trong tuần. Năm ngoái, trong đợt bận rộn nhất của nghề kinh doanh tự do, việc quán xuyến bếp cơm khiến chị kiệt sức. Một trưa hè tháng 6, Linh chở gần 100 phần cơm trên xe máy, người muốn lả đi vì mệt, định bụng đây là chuyến cuối cùng của bếp. Trở về nhà, điện thoại hiện lên tin nhắn “con đợi cô Linh. Ngày mai cô có đến không?”. Người mẹ xúc động không đành từ bỏ, lại tiếp tục nấu cơm mang đến. Cuối năm 2022, chị có bầu vẫn chở cơm đến khi bụng to vượt mặt và 10 ngày sau sinh đã trở lại thái rau củ, chiên sườn và hấp cơm.
“Khi những đôi tay bé xíu đón lấy hộp cơm, tôi thấy mọi mệt mỏi như tan biến”, chị kể.
Không chỉ bệnh nhân, cơm miễn phí còn dành cho người nhà nuôi bệnh. Theo Linh, chi phí điều trị ung thư cao, mỗi phần cơm dù nhỏ, nhưng cũng là cách sẻ chia gánh nặng với họ.
Chị Thanh Trúc, quê Bến Tre, mang con trai 6 tuổi mắc ung thư máu lên TP HCM điều trị từ tháng 3/2022. Suốt năm qua, chị Trúc nghỉ việc để theo con khiến kinh tế chật vật, phải vay mượn nhiều nơi. Hàng tháng, hai mẹ con chị thường nhận cơm của chị Linh, tiết kiệm được một, hai triệu đồng chi phí ăn uống. “Không chỉ tôi, cả phòng bệnh đều trông cơm của mẹ Như. Cơm ngon và đầy đủ dinh dưỡng”, chị Trúc nhận xét.
Bà Bích Ngọc (61 tuổi) sống cách Bếp mẹ Như khoảng 100 m đã tình nguyện đến đây nấu ăn gần hai năm. Ban đầu, bà tò mò vì vài người phụ nữ trong xóm cứ tầm 9-10h sáng lại sang căn bếp này chia nhau lặt rau, vo gạo. Sau khi biết những phần cơm này sẽ được chuyển đến cho bệnh nhân ung thư, bà xin đến phụ. Bà Ngọc nói, công việc này ý nghĩa, khiến bà thấy vui khi cùng chung tay với mọi người.
Bếp ăn được sự ủng hộ của chồng chị Nguyệt Linh và kinh phí từ những nhà hảo tâm. Đầu tháng 7/2023, chị Linh khai trương thêm nhà lưu trú 0 đồng, công suất 21 phòng dành cho bệnh nhân ung thư.
“Ở bên kia thế giới, chắc con bé cũng nhìn thấy và mỉm cười”, chị nói.
Ngọc Ngân
Điểm trường làng Hrách và Lơ Pơ, huyện Kông Chro được Quỹ Hy vọng và các đơn vị tài trợ xây mới thay thế cho những lớp học đã xuống cấp, thấm dột. Ngày 14/11, gần 100 học sinh, giáo viên Điểm trường Hrách thuộc…
Học sinh trường TH & THCS Quang Minh tìm hiểu kiến thức về dinh dưỡng và ăn liên hoan trong ngày hội do Quỹ Hy vọng và De Heus tổ chức. Ngày hội dinh dưỡng học đường chủ đề “Vững bụng đến trường” được tổ…
Jomoo Việt Nam và trường Hy Vọng đã ký biên bản tài trợ thiết bị trị giá 2 tỷ đồng cho 138 phòng vệ sinh trong ngôi trường mới dành cho 300 trẻ mồ côi vì Covid-19, chiều 14/11. Phát biểu tại buổi ký kết,…
Men vi sinh chứa các vi sinh vật có lợi, hỗ trợ cải thiện cân bằng hệ vi sinh đường ruột, cải thiện sức khỏe cơ thể song cần tránh lạm dụng. Nội dung: Văn HàThiết kế: Ngân Hà
Dự án Vệ sinh học đường giúp sức khỏe của 98% học sinh được cải thiện nhờ thay đổi thói quen sinh hoạt như rửa tay thường xuyên, không phóng uế bừa bãi, dọn dẹp định kỳ. Đỗ Nam – Kim Anh
Công ty De Heus Việt Nam tài trợ 1,2 tỷ đồng cho dự án “Dinh dưỡng học đường” của Quỹ Hy vọng, cải thiện bữa ăn của học sinh ở ba trường ở Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An. Ba trường được dự án hỗ…