Gần nửa năm nay, bé Lương Tuấn Kiệt 12 tuổi, điều trị ung thư xương tại bệnh viện Ninh Bình rồi Bệnh viện Nhi Trung ương ở Hà Nội, đi lại khó khăn, mọi sinh hoạt, đi lại đều dựa vào bố.
Một buổi tối tháng 11, Lương Tuấn Kiệt tay quàng cổ bố, đi ở hành lang Bệnh viện Nhi Trung ương. Gần 6 tháng điều trị ung thư, bất kể là ở viện hay ở nhà, anh Lương Tất Chung, bố Kiệt đã quen là đôi chân thứ hai của con. Anh sợ con ngã, đi lại đau đớn, cũng không tin tưởng giao con cho người khác. Ôm chặt cổ bố, Kiệt hỏi “bao giờ con được về nhà”, “con có khỏi bệnh không”, “bao giờ con được đi học”, “cắt xương rồi con có đi lại bình thường được không”. Đáp lại, anh động viên con ăn uống, suy nghĩ tích cực, không dám hứa hẹn nhiều. Điều trị ổn ở Nhi Trung ương, Kiệt lại được bác sĩ cho về bệnh viện Ninh Bình điều trị tiếp.
Tháng 7, Kiệt phát hiện ung thư xương sau khi bị đau đầu gối. Ban đầu, bác sĩ chẩn đoán con bị thiếu can xi, uống bổ sung được 20 ngày thì cơn đau tái phát. Bác sĩ bệnh viện tỉnh nghi ngờ có khối u, đề nghị bố mẹ đưa bé từ Ninh Bình lên Hà Nội kiểm tra lại.
Cuối tháng 7, gia đình đưa Kiệt đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám. Khối u hoại tử, bác sĩ chỉ định phẫu thuật, nạo vét một phần xương bị khối u ăn vào. “Lúc này, tôi vẫn hy vọng chỉ là viêm khớp thông thường”, bố Kiệt nói. Năm ngày sau, có kết quả Kiệt mắc ung thư xương. Cả nhà tuyệt vọng khi biết đây là u hiếm, tiền điều trị lớn ngoài sức chi trả. Vài tuần sau, ông nội cũng nhập viện do lo lắng.
Anh Chung thuê một phòng trọ cạnh viện để tiện đi lại chữa trị bệnh cho con. Anh kể, sau khi phẫu thuật, Kiệt yếu hơn, đi lại khó, tập tễnh, cứ trái gió trở trời là đau nhức. Do đó, anh quyết nghỉ việc để ở viện chăm sóc, còn vợ – chị Lưu Thị Dung ở quê chăm sóc hai con nhỏ và bố mẹ già. Vừa làm bố, vừa làm mẹ phải chăm sóc con ở viện, anh Chung tự nhận mình không khéo léo, tỉ mỉ, nhưng có sức khỏe.
Hàng ngày, anh cõng con trai đi dạo, kể chuyện để con vơi đau đớn và hai bố con thêm gần gũi. Lúc con đau, anh nhẹ nhàng xoa người, massage, đấm bóp đỡ đau. Có hôm con sốt, khát nước, anh tìm lọ dầu, tìm khăn ấm để chườm. Hôm Kiệt sốt cao, anh quàng vội đồ đạc rồi cõng con vào viện. “Tôi chưa từng nghĩ hai bàn tay thô kệch, vụng về này có thể tỉ mẩn xếp quần áo và vệ sinh cho con thành thạo như bây giờ”, anh nói.
Dần dần, anh cũng quen với những trận ốm của con, quen cách dỗ dành con ăn trước khi truyền hóa chất, cách vệ sinh cơ thể. Anh để sẵn đồ dùng cần thiết vào một nơi, lúc vội chỉ cần cắp nách là đi viện. Hai bố con cũng tâm sự với nhau nhiều hơn. Nỗi buồn của anh cũng vơi dần, thay bằng sự lạc quan để con có thêm sức mạnh chiến đấu bệnh tật.
Hồi tháng 10, Kiệt sốt 40 độ, tụt tiểu cầu, chuyển từ bệnh viện tỉnh ra Hà Nội cấp cứu, tiên lượng nguy kịch. “Chưa bao giờ tôi thấy quãng đường 100 km lên thủ đô lại dài và xa đến vậy”, bố Kiệt nhớ lại. Lúc này, Kiệt suy giảm miễn dịch dị ứng thuốc, toàn thân nổi mẩn, ngứa, sốt cao, co giật liên tục, không còn tỉnh táo. Đây cũng là thời gian sức khỏe con giảm sút nhất kể từ khi mắc ung thư xương. Kết quả chẩn đoán con bị nhiễm khuẩn máu và đường ruột, hai mắt sưng húp không mở được, không ăn uống được, điều trị ổn định lại về bệnh viện tỉnh.
Chưa đến một tháng sau, Kiệt tiếp tục sốt thập tử nhất sinh, cấp cứu tại Bệnh viện Nhi trung ương. Đến nay, anh Chung chưa tin được “chỉ một cơn đau đầu gối đơn thuần thôi lại thành bệnh hiểm nghèo, khiến cuộc sống của cả gia đình đảo lộn”. Căn bệnh ung thư bào mòn, khiến Kiệt ngày càng gầy và yếu đi.
Anh Chung không nhớ lần thứ bao nhiêu ra viện, song mỗi lần đi là một lần lo con đau, ốm. Để có sức truyền hóa chất, bác sĩ dặn Kiệt ăn thịt bò, hải sản… nhưng cứ ăn lại nôn. Truyền thuốc xong, Kiệt bỏ ăn ba đến bốn ngày, người gầy rạc, không lấy được ven, miễn dịch cũng yếu. Nhiều lần nhìn con trai đang khỏe mạnh phải nằm trên giường môi trắng bệch, trên người chằng chịt dây rợ, hai vợ chồng ước có thể chịu thay con tất thảy đau đớn này.
Bác sĩ Nguyễn Đức Phong, Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, cho biết ung thư xương có hai loại: u xương và Ewing sarcoma của xương (hiếm gặp). Trường hợp của Kiệt là thể hiếm, tiên lượng chưa thể đoán trước. Hệ miễn dịch của bé cũng suy giảm do điều trị hóa chất và xạ trị.
Nguyên nhân gây bệnh là do rối loạn di truyền liên quan đến quá trình phân bào có gene biến dị. Một số nguyên nhân khác bao gồm bức xạ ion hóa trong quá trình xạ trị, chấn thương…
Ở giai đoạn đầu, ung thư xương không có biểu hiện hoặc biểu hiện không rõ ràng. Đến giai đoạn muộn hơn, bệnh có các triệu chứng đau, sưng nổi u cục, rối loạn chức năng xương, gãy xương, suy nhược cơ thể… Trong đó, triệu chứng nổi bật nhất của ung thư xương là đau nhức. Những bệnh nhân ở giai đoạn cuối thường gặp những vấn đề như mệt mỏi, chóng mặt, chán ăn, buồn nôn… Bên cạnh đó, khi khối u di căn sang các bộ phận khác, chẳng hạn như phổi sẽ gây ra tình trạng ho dai dẳng, khó thở, tràn dịch màng phổi. Khối u di căn lên gan gây vàng da, vàng mắt, gan to, nước tiểu sậm màu.
Bác sĩ cho biết, khoảng giữa tháng 12, Kiệt tiếp tục phẫu thuật bảo tồn chi và cắt u thay khớp gối. Chi phí dự kiến 300-350 triệu đồng. Đây là phương pháp tối ưu, thay vì cắt cụt chi. Bệnh nhân phục hồi nhanh hơn song chi phí thay khớp khá tốn kém, có thể lỏng chuôi, gãy chuôi. Ngoài ra, với bệnh nhi, sự phát triển chiều cao quan trọng, bệnh nhân cần phẫu thuật lại để thay modul đảm bảo cân bằng chiều dài chi.
Ngày nhận tin sắp phẫu thuật, bố mẹ không dám nói với con ngay. Trái ngược với suy nghĩ của bố mẹ, Kiệt lại bình tĩnh đón nhận. Thấy mắt mẹ sưng, cậu bé liên tục động viên: “Con tin bác sĩ sẽ chữa cho con khỏi bệnh, mẹ đừng lo”.
Nhìn con trai nhỏ hiểu chuyện, anh Chung tự nhủ mình phải mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho con, có thể cõng con đi bất cứ đâu miễn con khỏe mạnh trở lại. Là người ít nói, từ khi con ốm, anh Chung chịu khó lên các hội nhóm và nói chuyện với các bố mẹ trong viện để có thêm kinh nghiệm. Nhờ đó, anh biết cách nhận biết các dấu hiệu sớm để đưa con nhập viện. Anh cũng giữ được sự bình tĩnh, không bị rối lên khi con sốt cao. Lúc con khỏe, anh tranh thủ gọi điện thoại để con trai gặp mẹ và các em ở nhà. “Nhìn các con cười đùa, tôi ước cả nhà được ngồi cạnh nhau vui vầy, chứ không phải qua màn hình điện thoại”, bố Kiệt nói.
Ước mơ của Kiệt đơn giản hơn, “em muốn được về nhà, đi câu cá cùng bố, ăn bữa cơm gia đình thay vì ở viện”.
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của cộng đồng là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước. Độc giả có thể xem thông tin chương trình tại đây.
Minh An
Sau 2 tháng, dự án gây quỹ xây mới phòng học do Đông Tây Barbershop phối hợp cùng MoMo và Quỹ Hy vọng thực hiện đã cán mốc 100 triệu đồng. Từ ngày 16/9, Đông Tây Barbershop trích 5.000 đồng với mỗi giao dịch thanh…
Điểm trường làng Hrách và Lơ Pơ, huyện Kông Chro được Quỹ Hy vọng và các đơn vị tài trợ xây mới thay thế cho những lớp học đã xuống cấp, thấm dột. Ngày 14/11, gần 100 học sinh, giáo viên Điểm trường Hrách thuộc…
Học sinh trường TH & THCS Quang Minh tìm hiểu kiến thức về dinh dưỡng và ăn liên hoan trong ngày hội do Quỹ Hy vọng và De Heus tổ chức. Ngày hội dinh dưỡng học đường chủ đề “Vững bụng đến trường” được tổ…
Jomoo Việt Nam và trường Hy Vọng đã ký biên bản tài trợ thiết bị trị giá 2 tỷ đồng cho 138 phòng vệ sinh trong ngôi trường mới dành cho 300 trẻ mồ côi vì Covid-19, chiều 14/11. Phát biểu tại buổi ký kết,…
Men vi sinh chứa các vi sinh vật có lợi, hỗ trợ cải thiện cân bằng hệ vi sinh đường ruột, cải thiện sức khỏe cơ thể song cần tránh lạm dụng. Nội dung: Văn HàThiết kế: Ngân Hà
Dự án Vệ sinh học đường giúp sức khỏe của 98% học sinh được cải thiện nhờ thay đổi thói quen sinh hoạt như rửa tay thường xuyên, không phóng uế bừa bãi, dọn dẹp định kỳ. Đỗ Nam – Kim Anh