Ôm hũ tro của một người mất vì Covid đến nhà trọ ở TP Thủ Đức, thiếu tá Kiên sững sờ khi thấy người bước ra nhận là một bé gái 4 tuổi.
Đến bây giờ, anh vẫn không thể quên được buổi trưa ngày 8/8 ấy. Khi nhận nhiệm vụ giao tro cốt của chị Nguyễn Thị Ngọc Nga, 44 tuổi, mất vì Covid-19 cho gia đình ở một khu nhà trọ thuộc phường Tân Phú, TP Thủ Đức, anh cứ nghĩ sẽ có ai đó là người lớn cùng em bé 4 tuổi kia ra nhận.
“Nhưng trong căn phòng trọ tồi tàn chỉ có một mình bé. Con cũng mắc Covid-19 nhưng được những người hàng xóm chăm sóc”, thiếu tá Nguyễn Trung Kiên, 36 tuổi, Ban Chỉ huy quân sự TP Thủ Đức, Bộ Tư lệnh TP HCM, kể.
Hỏi chuyện những người xung quanh, anh được biết cô bé tên là Phạm Thị Bảo Châu, sinh năm 2017. Bố mẹ bé chia tay khi em còn nhỏ. Người mẹ mưu sinh bằng nhiều nghề, thu nhập bấp bênh. Khi hai mẹ con nhiễm Covid-19, được nhập viện cùng nhau. Sau vài ngày sức khỏe bé Châu tiến triển tốt hơn, em được đưa về nhà, còn mẹ em không may trở nặng và qua đời.
“Lần đầu tiên thấy duy nhất một cháu nhỏ ra nhận tro cốt người thân, tôi vừa sốc vừa đau lòng”, anh Kiên chia sẻ.
Xong nhiệm vụ trở về nhưng hình ảnh bé Châu đứng bên bàn thờ mẹ khiến thiếu tá Kiên ám ảnh. Anh quyết định bàn với vợ, nhận đỡ đầu bé dù gia đình mình cũng chẳng khá giả. Mấy hôm sau, anh Kiên xin phép cấp trên để đưa tro cốt của mẹ bé Châu về đơn vị, đồng thời xin cho bé vào khu cách ly tại phường. “Nghĩ đến tương lai của cháu, rồi nhìn sang cảnh xóm trọ khó khăn cũng có nhiều bệnh nhân F0 đang tự chữa tại nhà, tôi không đành lòng để cháu một mình”, anh Kiên nói.
Bước tiếp theo là tìm lại người thân của bé Châu. Hành trình này cũng rất khó khăn vì quá ít thông tin. Anh lục lọi tìm khắp nhà trọ nhưng không có bất cứ hồ sơ, giấy tờ nào có thể cung cấp thông tin về lai lịch, quê quán hay người thân họ hàng của bé. Để tra thông tin, anh đã phải nhờ cậy bạn bè, các cấp chính quyền giúp đỡ. Sau một tháng, anh tìm được cô ruột của cháu sống tại Vũng Tàu. “Hôm 7/9, vợ chồng tôi đưa bé về gặp cô ruột, nhưng khi đó tôi mới biết cháu còn có hai anh chị đang ở Sài Gòn”, anh Kiên kể.
Mong muốn của vợ chồng anh là đưa bé Châu về sống cùng người thân ruột thịt. Anh quay lại TP HCM, nhờ các mối quan hệ để tiếp tục tìm kiếm. Sau một tuần, anh Kiên cũng có được thông tin về anh và chị của bé Châu. Các bé là Huy, 10 tuổi, và Ngọc, 8 tuổi, hiện đang sống cùng bà ngoại 87 tuổi trong một căn nhà nhỏ dột nát ở phường 8, quận 4. “Tưởng rằng tìm được anh chị ruột cho bé là tôi sẽ an tâm, nhưng nhìn hoàn cảnh của mấy bà cháu dựa vào nguồn thu nhập của một người mợ bị tật nguyền thì tôi lại đắn đo lắm”, anh chia sẻ.
Hôm 16/10, vợ chồng thiếu tá Kiên đưa các cháu đi thắp hương cho mẹ ở chùa, và đón bé Châu từ Vũng Tàu về sống cùng bà ngoại. Cứ đến cuối tuần, anh lại đi xe máy hơn 10 km đến thăm các cháu, hoặc đón các cháu lên nhà chơi. Anh mua sách vở, quần áo, xin máy cũ cho Ngọc và Huy học online. Có lần đang trò chuyện, mấy đứa nhỏ rón rén đề nghị: “Chú Kiên ơi, cho con gọi là ba Kiên nha. Con muốn có ba”.
“Nghe đến đó tôi đau lòng. Tôi hiểu được sự thiếu thốn tình thương của những đứa trẻ vắng cha từ nhỏ, nay lại mất mẹ”, anh Kiên kể. Từ hôm đó, ba chị em Châu đã có “ba Kiên” làm người đỡ đầu.
Cuối tháng 10, thiếu tá Nguyễn Trung Kiên kêu gọi sự giúp đỡ của bạn bè, các nhà hảo tâm để quyên góp tiền sửa nhà cho bà ngoại các cháu. “Tôi chỉ mong các cháu có một chỗ ở đàng hoàng hơn, nhà cũ dột chỗ này, dột chỗ kia, tội lắm”, anh nói.
Bé Châu cũng là một trường hợp đặc biệt khi mẹ ruột không có giấy tờ tùy thân, phải nhờ một người mợ đứng tên trên giấy khai sinh nên bé không được hưởng chế độ của trẻ mồ côi vì Covid-19. Dẫu vậy, thiếu tá Kiên khẳng định anh sẽ “bằng mọi cách ưu tiên việc học hành cho cháu đến nơi đến chốn”.
“Bản thân tôi điều kiện cũng nhiều khó khăn, nhưng muốn làm điều gì đó để xoa dịu nỗi đau cho các cháu mồ côi trong đại dịch”, anh cho biết. Hai con của anh Kiên cũng hiểu chuyện và xem anh chị em Châu như các thành viên mới trong gia đình.
“Tôi cũng cảm nhận được ba cháu bé cũng xem chúng tôi như người thân một nhà”, thiếu tá chia sẻ.
Chương trình Tết Hy vọng của Quỹ Hy vọng – báo VnExpress dự kiến trao 1.500 phần quà với mong muốn chia sẻ những mất mát với trẻ em mồ côi vì Covid-19. Độc giả, doanh nghiệp quan tâm có thể ủng hộ chương trình tại đây.
Hoàng Hà
Quỹ Hy vọng trao 6 thư viện điện tử và bàn giao 6 điểm trường được sơn sửa cho học sinh huyện Sông Mã. Ngày 12/10, Quỹ Hy vọng cùng Tập đoàn FPT và công ty Vuihoc đã trao 6 thư viện điện tử cho…
Học sinh tại Mù Cang Chải vui mừng khi có khu nhà vệ sinh mới, đầy đủ đường nước vào trực tiếp, không còn phải xách từng xô nước mỗi khi sử dụng. Ngọc Ngọc
Nhiều trường học vùng cao gặp khó khi không có nhà vệ sinh, học sinh phải dùng lán tạm, sau khi được quỹ Hy Vọng và Opella tài trợ các em đã yên tâm hơn khi đến lớp. Dự án xây 20 cụm công trình…
Quỹ Hy vọng cùng các nhà tài trợ đồng hành khởi công ba công trình nhà tắm đầu tiên ở các tỉnh Bắc Kạn, Yên Bái, Sơn La giúp học sinh đảm bảo sức khỏe, cải thiện chất lượng học tập. Ngày 11/10, Quỹ Hy…
Suốt 9 năm qua, vì là người có sức khỏe tốt nhất nhà, Cải Thị Tình, 41 tuổi, lần lượt phải đưa bố, anh trai, chị gái, chồng và con đi viện. Đầu tháng 10, chị Tình đưa con trai Cải Thanh Hứu, 4 tuổi,…
Hai phòng học xây mới cùng công trình vệ sinh, sân chơi tại điểm trường Tiểu học Chà Lan, huyện biên giới Mường Lát vừa được Quỹ Hy vọng và FPT khánh thành, bàn giao cho địa phương sử dụng. Điểm trường Tiểu học Chà…