Quỹ Hy vọng - Hope Foundation

  • Giới thiệu
    • Tổng quan
    • Mục tiêu
    • Hội đồng quản lý
    • Ban cố vấn
    • Quyết định
    • Báo cáo kiểm toán
  • Chương trình
    • Ánh sáng học đường
    • Nâng bước em tới trường
    • Vệ sinh học đường
    • Mặt trời Hy vọng
    • Thư viện điện tử
    • Cùng đồng bào vượt lũ
    • Tết hy vọng
  • Danh sách đóng góp
  • Tin tức
  • Trang chủ
  • Hoạt động
  • Mặt trời Hy vọng
  • Tin tức
Thứ tư, 21/5/2025 | 09:55 GMT+7

Chuyến rời bản đầu đời của cặp vợ chồng Hà Nhì

Lần đầu rời bản Ka Lăng, anh Sừng Go Phá nhận ra dưới xuôi đông người, lắm xe, không ai nói tiếng Hà Nhì cùng nhiều lần lạc lối trong bệnh viện.

Anh Phá lấy vợ từ năm 17 tuổi và có hai con trai là Sừng Té Tuấn (sinh năm 2010) và Sừng Trọng Tấn (sinh năm 2013).

Cuộc sống của vợ chồng anh từ lúc chào đời đến giờ chỉ quẩn quanh trong bản, lần đi xa nhất chỉ đến trung tâm xã. Nhưng tháng 12/2024, khi con trai lớn Sừng Té Tuấn đột nhiên đau họng kéo dài, hành trình đưa con đi chữa bệnh đã trở thành chuyến đi dài nhất, xa nhất và gian nan nhất cuộc đời họ.

Lần đầu tiên, anh Phá đưa con xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu sau 8 tiếng đi xe khách. Các bác sĩ nghi viêm họng, cho thuốc về uống nhưng bệnh không thuyên giảm. Đến tháng 3 năm nay, một đoàn bác sĩ từ Bệnh viện Ung bướu Hà Nội lên Lai Châu khám sàng lọc đã phát hiện dấu hiệu ung thư ở Tuấn và khuyên gia đình đưa con xuống Hà Nội kiểm tra.

Tin con có thể mắc bệnh hiểm nghèo khiến anh Phá sững sờ. Chuyến đi đầu tiên xuống thủ đô, anh đi cùng em gái vì “cô ấy thạo đường hơn”. Ngồi xe khách hơn 8 tiếng từ bản xuống thành phố Lai Châu, rồi thêm một đêm trên xe giường nằm tới bến xe Mỹ Đình, anh Phá lần đầu thấy những con đường 4-5 làn xe, đường trên cao tít tắp, xe buýt đông nghịt người. “Ai cũng nói tiếng Kinh, nhiều từ tôi nghe không hiểu”, anh Phá nhớ lại.

Nhưng nỗi lo cho con át đi mọi sự lạ lẫm. Kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện K xác định Tuấn bị Carcinoma giai đoạn 4 – một dạng ung thư biểu mô ác tính. “Ung thư”, hai từ mà người đàn ông Hà Nhì chưa từng nghe thấy ở bản Ka Lăng với hơn 80 hộ dân.

“Ban đầu tôi nghĩ ung thư giống cảm cúm, uống thuốc là khỏi, ai ngờ nó có thể cướp mất con mình”, anh Phá nói.

Vợ chồng anh Sừng Go Phá và con trai Sừng Té Tuấn tại Bệnh viện viện K cơ sở Tân Triều, Hà Nội, sáng 16/5. Ảnh:Quỳnh Nguyễn
Vợ chồng anh Sừng Go Phá và con trai Sừng Té Tuấn ngồi chờ kết quả khám tại Bệnh viện viện K cơ sở Tân Triều, Hà Nội, sáng 16/5.Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Những ngày ở viện là chuỗi ngày đầy thử thách. Bệnh viện quá rộng lớn khiến anh Phá nhiều lần bị lạc. “Có lần tôi mất nửa ngày mới tìm được về phòng bệnh của con. Hỏi đường thì người ta không hiểu mình nói gì”, anh kể.

Không chỉ sợ lạc đường hay bất đồng ngôn ngữ, gánh nặng kinh tế đè lên đôi vai vợ chồng anh. Chuyến đầu tiên, họ vay mượn khắp bản được 15 triệu đồng. Lần thứ hai, số tiền vay lên đến 20 triệu. Tiền đi xe mỗi lượt cho một người đã tốn 820.000 đồng, chưa kể viện phí, thuốc men, ăn uống.

Ở bản, vợ chồng anh thuộc diện nghèo nhất. Mỗi năm một vụ lúa, nếu được mùa cũng chỉ hơn 10 bao thóc. Những lúc nông nhàn, chị Lý Mỳ To, vợ Phá, ở nhà nuôi thêm gà vịt, chăm con, còn chồng đi phụ hồ.

“Hiếm người mướn lắm, tháng được đi xách vữa 4-5 ngày là mừng rồi”, anh nói.

Dù nghèo, vợ chồng anh vẫn quyết tâm cho hai con trai đi học. Anh tâm niệm, có phải bán con lợn, đổi hết thóc cũng cho con đi lấy con chữ, sau này có công việc mà làm. Đáp lại sự kỳ vọng của bố mẹ, cả Tuấn và Tấn đều chăm chỉ, hiện học nội trú tại trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Ka Lăng, cách nhà gần 10 km.

Sừng Té Tuấn (ở giữa) cùng bố mẹ xuống Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, sáng 16/5. Ảnh: Quỳnh Nguyễn
Sừng Té Tuấn (ở giữa) cùng bố mẹ xuống Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, sáng 16/5. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Giữa tháng 5, bác sĩ điều trị của Tuấn gọi điện giục xuống kiểm tra, nhưng cậu bé xin bố mẹ cho ở lại vài ngày để thi tốt nghiệp và chuẩn bị vào lớp 10. Thương con hiếu học, anh chị đồng ý, nhưng rồi sức khỏe Tuấn không ổn định, có dấu hiệu mệt mỏi, nói khó nên đành gác lại kỳ thi.

“Suốt đường đi, nó cứ xin ở lại bản để thi. Thương con lắm nhưng sợ có chuyện gì lại ân hận”, anh Phá chia sẻ.

Trong chuyến đi thứ ba này, chị Lý Mỳ To lần đầu cùng chồng xuống Hà Nội. “Không nghĩ có con đường nào xa và dài như đường xuống bệnh viện cứu con trai,” người phụ nữ 34 tuổi bộc bạch. Suốt chuyến đi, chị say xe, mệt mỏi nhưng không dám chợp mắt.

Đến bệnh viện, chị Mỳ To được chồng dặn ngồi yên một chỗ ở hành lang cùng đống đồ đạc, chủ yếu là quần áo, để tránh bị lạc. Chồng và con trai đi làm các xét nghiệm theo chỉ định.

Để có tiền cho chuyến đi này, vợ chồng anh Phá phải bán cặp lợn mới nuôi được vài tháng. Họ hàng hai bên cũng gom góp, người bán thóc, người cầm cố tài sản, được thêm 8 triệu đồng.

Mỗi ngày, họ xin cơm từ thiện ở cổng bệnh viện. Những hôm xuống muộn hết suất, anh Phá lại nhường phần cơm mua 30.000 đồng cho con trai.

Gần hết buổi sáng, vợ chồng anh Phá vẫn kiên nhẫn chờ kết quả của con. Họ không sợ ở viện lâu tốn kém hay mệt mỏi, chỉ mong bác sĩ báo tin tốt, con được dùng ít thuốc hơn, mau khỏe để sớm trở về bản Ka Lăng, về ngôi nhà gỗ dù đồ đạc đã vơi đi nhiều sau những lần chạy vạy tiền chữa bệnh.

Anh nói mơ ước lớn nhất đời mình là trai lớn sẽ khỏi bệnh, tốt nghiệp cấp 3 và theo đuổi ước mơ học nghề thiết kế. Con trai út sẽ tiếp tục đến trường. Khi ấy, dù có phải cày cấy thêm ruộng, xách thêm nhiều xô vữa, vợ chồng anh cũng thấy vui. Riêng khoản nợ dân bản, vợ chồng anh nói sẽ cố làm thêm, mong sớm trả tiền cho mọi người.

“Mệt vì lao động mà có sức khỏe còn hơn không có sức khỏe để lao động,” người cha Hà Nhì tâm niệm. Chuyến rời bản đầu đời này, họ đặt trọn niềm tin sẽ cứu được con, rằng những hy sinh của gia đình sẽ được đền đáp.

Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn, Quỹ Hy vọng kết hợp với Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của cộng đồng là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước. Độc giả có thể đồng hành cùng chương trìn bằng cách ủng hộ cho Quỹ Hy Vọng.

Quỳnh Nguyễn

Chia sẻ Copy link thành công

Danh mục

  • Ánh sáng học đường
  • Nâng bước em tới trường
  • Mặt trời hy vọng
  • Tết Hy vọng
  • Vệ sinh học đường
  • Thư viện điện tử
  • Tiếp sức cho tâm dịch
  • Chung tay vì miền Trung
  • Cùng đồng bào vượt lũ
  • Trường Hy Vọng

Tin liên quan

Loại bỏ nỗi sợ nhà vệ sinh cho học sinh vùng cao Lào Cai

Vệ sinh học đường

Loại bỏ nỗi sợ nhà vệ sinh cho học sinh vùng cao Lào Cai

Tại nhiều điểm trường vùng cao, những công trình vệ sinh tạm bợ, xuống cấp và mất an toàn không còn là chuyện hiếm. Các em học sinh – những đứa trẻ đang trong độ tuổi phát triển thể chất và hình thành nhân cách…

Xây phòng lớp mới cho học sinh miền núi Quảng Nam

Ánh sáng học đường

Xây phòng lớp mới cho học sinh miền núi Quảng Nam

Ngày 18/6, Trường Mẫu giáo Chánh Công khởi công hai công trình tại thôn 2 và thôn 5, do UNIQLO Việt Nam và Chứng khoán Nhất Việt tài trợ thông qua Quỹ Hy Vọng. Tại điểm trường thôn 5, Quỹ Hy Vọng lập dự án…

Kai Đinh truyền cảm hứng cho học sinh Trường Hy Vọng

Tết Hy vọng

Kai Đinh truyền cảm hứng cho học sinh Trường Hy Vọng

Đà Nẵng – Nhạc sĩ, ca sĩ Kai Đinh, nhà báo Đinh Đức Hoàng, BTV Đào Xuyên kể chuyện trải nghiệm chính đời mình để chuyền cảm hứng về tương lai. Cuối tuần vừa qua, nhạc sĩ, ca sĩ Kai Đinh có mặt tại Trường…

Cầu thủ Nguyễn Xuân Son giao lưu với học sinh Trường Hy Vọng

Tết Hy vọng

Cầu thủ Nguyễn Xuân Son giao lưu với học sinh Trường Hy Vọng

Đà Nẵng – Cầu thủ Nguyễn Xuân Son dự lễ trưởng thành của học sinh Trường Hy Vọng, ký tặng bóng và cùng các em ăn bữa cơm nội trú. Chiều 14/6, cầu thủ Nguyễn Xuân Son có mặt tại hội trường tòa nhà FPT…

Cán đích 720 triệu đồng xây lớp học tại Điện Biên Đông

Ánh sáng học đường

Cán đích 720 triệu đồng xây lớp học tại Điện Biên Đông

Sau 9 tháng phát động trên ứng dụng MoMo, chiến dịch gây quỹ “Xây lớp học mới – Mở lối tương lai” do Đông Tây Barbershop đồng hành cùng Quỹ Hy Vọng đã chính thức cán mốc 720 triệu đồng, với 127.637 lượt quyên góp…

Dân bản góp ván gỗ dựng lại cầu sập

Nâng bước em tới trường

Dân bản góp ván gỗ dựng lại cầu sập

Sơn La_122 hộ dân bản Nộc Cốc, xã Đứa Mòn, huyện Sông Mã góp hơn 200 ván gỗ, tre, dựng lại cầu treo, khi cầu cũ sập đêm 26/4. Gần một tháng từ vụ sập cầu treo do gió lốc, trưởng bản Sộng Nủ Dế,…

Địa chỉ liên hệ

Trụ sở: Tầng 9, Toà nhà FPT, số 10 Phạm Văn Bạch, Cầu Giấy, Hà Nội

Hotline:
0972 776 776
Email:
hope@quyhyvong.com
Facebook:
Được vận hành bởi
VnExpress FPT Online
Hoạt động theo quyết định số
883/QĐ-BNV
Báo cáo tài chính được kiểm toán bởi
© 2018-2024. Toàn bộ bản quyền thuộc Quỹ Hy vọng.
Chính sách bảo mật