YÊN BÁI-Hơn nửa năm nay, cứ 6h30 sáng, một bạn nữ trong lớp Giàng Thị Lỳ đến gõ cửa phòng, giúp em vệ sinh cá nhân, thay đồ rồi các bạn nam cõng đi học.
Lỳ ở trong nhà công vụ của trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Mù Cang Chải. Lớp 8B của em cách đó vài trăm mét. Cô bé 14 tuổi là trường hợp đặc biệt được hỗ trợ chỗ ở sau tai nạn khiến em bị hoại tử phần bàn chân, gãy xương đùi.
Từ ngày Lỳ gặp biến cố, các bạn trong lớp thay phiên nhau chép bài, giảng bài, chăm sóc Lỳ từ bữa ăn đến giặt giũ quần áo và đưa Lỳ tới lớp.
“Em từng định từ bỏ ước mơ làm giáo viên nhưng nhờ các bạn yêu thương, động viên, không chê cười khiếm khuyết nên có thêm nghị lực để bước tiếp”, Lỳ nói.
Một ngày cuối tháng 11/2023, trên đường cùng mẹ về nhà, chiếc xe máy của hai mẹ con va chạm với một xe khác khiến Lỳ ngã văng ra. Đúng lúc đó một ôtô đi qua, đâm vào chân trái của Lỳ. Tới viện ở huyện Mù Cang Chải, Lỳ được chẩn đoán ca khó, bàn chân hoại tử phải cắt đi.
Chết lặng khi nghe tin, cả nhà Lỳ vay mượn khắp nơi được hơn 100 triệu đồng để chạy chữa. Sau 5 lần chuyển viện từ Yên Bái tới Hà Nội, Lỳ giữ được đôi chân.
“Nhưng số nợ bằng tiền trang trải trong 5, 6 năm của cả nhà. Vì ước mơ đứng trên bục giảng của con, tôi sẽ bằng mọi cách cố gắng”, chị Sùng Thị Giàng, 34 tuổi, mẹ Lỳ nói.
40 ngày chuyển các viện để chữa trị, phải cạo trọc, lấy da đầu đắp cho phần thịt đùi, trải qua nhiều cuộc phẫu thuật, Lỳ vẫn mang theo sách vở và ôn bài lúc bớt đau. Đầu năm nay, Lỳ đi học trở lại, đầu đội mũ len, mặc quần dài che đi vết thương, cô bé tự ti ngồi một góc cuối lớp học, thỉnh thoảng lại khóc vì tủi thân. Nhưng cô giáo chủ nhiệm cùng 34 học sinh trong lớp thường xuyên động viên, tranh nhau nhận nhiệm vụ giúp Lỳ trong sinh hoạt tại trường và cõng Lỳ đi học.
“Em không ngờ là các bạn đã giúp chép bài đầy đủ suốt thời gian nghỉ, nhiều bạn bắt chước cõng nhau cùng tới lớp để em không tủi thân”, Lỳ nói.
Ngồi cạnh Lỳ là Giàng Thị Hồng Tâm, cô bạn thân nhất lớp, người đã thay bố mẹ chăm cô trong suốt quá trình không đi lại được. Thời gian đầu chân trái em tê liệt không co duỗi được, sinh hoạt khó khăn, Tâm đã đến phòng xin ở cùng chăm sóc Lỳ. Từ việc tắm rửa, cho Lỳ uống thuốc, ngày ba bữa mang cơm từ nhà ăn tới đến việc sẵn sàng cõng cô đi học dù người Tâm mảnh khảnh, ốm yếu.
Đợt Tết và nghỉ lễ 30/4 vừa rồi, dịp hiếm hoi học sinh được nghỉ về nhà nhưng vì chân đau Lỳ ở lại và có bố mẹ lên chăm. Lỳ xúc động khi thấy Tâm và các bạn thường xuyên ghé trường dù nhà cách vài chục km, mang theo ngô, khoai, bánh, kẹo tặng.
“Em thấy mình vẫn may mắn hơn nhiều người, dù chân có thể vĩnh viễn không đi được nhưng sẽ sống vì còn nhiều ước mơ phải thực hiện”, cô bé 14 tuổi tâm sự.
Chứng kiến Lỳ nỗ lực suốt quá trình sau tai nạn, cô Lê Thị Tân, chủ nhiệm lớp Lỳ cho biết dù nghỉ vài tháng chữa bệnh nhưng ngày đi học lại, Lỳ vẫn chăm chú lắng nghe, xin cô làm thêm bài tập để rèn luyện. Nhiều hôm đi kiểm tra, cô Tân phát hiện phòng Lỳ vẫn sáng đèn lúc 12h đêm, đang lẩm nhẩm ôn bài.
Biết gia cảnh khó khăn của nhà Lỳ, cô Tân cùng đội ngũ giáo viên kêu gọi quyên góp được hơn 10 triệu đồng. “Bác sĩ nói Lỳ có hy vọng đi lại được nếu em trải qua thêm vài lần phẫu thuật nữa, chi phí cho mỗi đợt hơn 100 triệu đồng”. Giáo viên chủ nhiệm nói số tiền này quá lớn để có gia đình Lỳ có thể xoay sở.
“Mong sẽ có phép màu tới với Lỳ, đi lại bình thường giờ là ước mơ to lớn của một đứa trẻ”, cô Tân cho biết.
Sau cú sốc con tai nạn, bố mẹ Lỳ đã ly hôn vì đổ lỗi cho nhau, Lỳ theo mẹ về sống cùng bà ngoại. Những ngày cuối tháng 6, thời tiết nắng mưa trở trời khiến Lỳ lên cơn sốt, phần chân đau tê buốt đến khó chịu. Nhiều lúc em lại tự trách bản thân khi là gánh nặng cho cả gia đình.
“Em ước gì lúc này được giúp mẹ đi chăn bò, chăn trâu, làm nương để có tiền trả nợ vì mẹ còn phải chăm cho ba chị em nữa”, Lỳ nói trong khi trầm ngâm cầm hồ sơ khám bệnh. Chỉ hơn một tháng nữa sẽ đến ngày phải phẫu thuật lại của em nhưng nghĩ đến chi phí chữa cô bé lại lặng đi.Để giáo viên và học sinh ở huyện Mù Cang Chải, Yên Bái có điều kiện dạy, học tốt hơn, Quỹ Hy vọng – báo VnExpress tiếp tục nhận quyên góp trong chương trình Ánh sáng học đường. Mỗi sự chung tay của độc giả sẽ góp phần cải thiện cơ hội giáo dục cho các em nhỏ khó khăn. Mọi ủng hộ xin gửi về chương trình tại đây
Thanh Nga
Bệnh nhân 47 tuổi chết não, 4 tạng của ông được chuyển từ Bình Dương đến các bệnh viện ở TP HCM và Hà Nội để ghép cho người khác. Rạng sáng 20/12, xe chuyên dụng của lực lượng CSGT Công an tỉnh Bình Dương…
Sau 7 ngày liên tục truyền hóa chất, nói không thành tiếng, nôn liên tục nhưng Nguyễn Mạnh Dũng vẫn cố ăn để có sức chống chọi với ung thư. Cậu bé 15 tuổi ở huyện Phúc Yên cho biết từ đầu năm nay bệnh…
Sợ con trai không thể tỉnh lại sau hôn mê, chị Cẩm ngày nào cũng nắm tay trò chuyện, cố kéo con trai vượt cõi chết trở về. “Minh tỉnh dậy tập thở, khỏe rồi hai mẹ con mua bánh sinh nhật nha”, chị Nguyễn…
Bốn tháng sau cuộc phẫu thuật hiến tặng gan, Huỳnh Thị Thu Tuyền trở lại công việc bán hàng, trong khi con gái chuẩn bị đi học mẫu giáo. “Đây là cuộc sống tôi mơ ước suốt ba năm qua”, Tuyền, 22 tuổi, ở xã…
Quỹ Hy vọng khánh thành 14 cầu bê tông mới, trong đó có ba công trình do Roche Việt Nam tài trợ ở huyện Lai Vung và Châu Thành, ngày 1/12. Ba công trình khánh thành đợt này gồm cầu Hy Vọng 382, 383, 384,…
Ở bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng, bác sĩ, người nhà bệnh nhi lúc nào cũng thấy ông Chung cười đùa với đám trẻ, dù ông là người lớn tuổi nhất chăm trẻ ung thư. Chiều cuối tháng 11, sau một ngày trôngcháu…