“Cửa tiệm hạnh phúc” là tên gọi thân mật của mô hình kinh tế dành cho người tự kỷ, nơi họ được công nhận là người lao động có lương, thưởng và được ghi nhận.
12h30′, thông báo “Có khách” từ bộ đàm vang lên, lập tức quán nhỏ ở số 254, phố Mai Anh Tuấn được kích hoạt. Tất cả nhân viên chuyển từ trạng thái nghỉ trưa sang phục vụ khách. Đức, 19 tuổi không cần quá một phút để sắp xếp ca trực. Cậu nắm rõ ai có thế mạnh ở đâu, ai đủ ngôn ngữ để đi kèm với người hạn chế. “Bếp trưởng” Hưng được ghép với Trâm để gọi món. Minh được Lâm hỗ trợ oder đồ uống. Những người còn lại bày giấy ăn, tương ớt lên bàn.
Đức, Hưng, Lâm, Trâm là những người tự kỷ đang làm việc tại “cửa tiệm hạnh phúc” do anh Nguyễn Đức Trung, một doanh nhân 40 tuổi, thành lập.
Anh Nguyễn Đức Trung không có người thân nào tự kỷ, chưa từng làm việc trong ngành giáo dục đặc biệt, nhưng một lần va chạm định mệnh 12 năm trước đã khiến cuộc đời anh rẽ hướng.
Hôm đó, trong một khu nghỉ dưỡng, bất ngờ có một đứa trẻ chạy tới đập mạnh vào đầu anh. Đau điếng, choáng váng, chưa kịp phản ứng thì anh nghe người mẹ luống cuống xin lỗi: “Cháu bị tự kỷ”.
Đó là lần đầu tiên Trung nghe hai chữ này. “Tại sao đứa trẻ lại hành động như vậy? Thế giới của chúng như thế nào? Vì sao ít ai nói về chúng?”, rất nhiều câu hỏi khiến anh băn khoăn.
Từ lúc đó, anh nghiên cứu các mô hình giáo dục đặc biệt, y tế, kỹ năng sống, cuối cùng thấy”chỉ có con đường làm kinh tế là bền vững nhất”.
“Tự kỷ là một hội chứng kéo dài suốt đời, không thể chữa khỏi. Nhưng nếu đặt đúng môi trường, người tự kỷ hoàn toàn có thể sống độc lập, làm việc và đóng góp”, Trung nói.
Anh bắt đầu tạo ra môi trường đó bằng chuỗi tiệm tạp hóa, quán cà phê, nhà sách và homestay. Tại đây, có em chỉ cần vài ngày để học cách lau bàn, nhưng cũng có người mất hàng tháng chỉ để làm quen với việc cầm cây chổi, bật công tắc bếp. Có bạn phải đeo dây thun quanh cổ tay hay nghe nhạc cổ điển mới tập trung học và làm việc được.
“Bộ não của người tự kỷ là suy nghĩ thẳng, không gian dối, ẩn dụ hay xã giao kiểu cách”, anh nói. Nhưng thế giới phẳng ấy lại thường xuyên va đập với thực tế phức tạp của người bình thường. Anh Trung không ít lần vấp phải sai lầm ấy.
Gần Tết 2018, anh đang làm ở tầng một thì nghe thấy những tiếng động vọng trên cao. Khi chạy lên tầng ba, cảnh tượng trước mắt khiến ai nấy bàng hoàng. Mảnh nhựa, dây điện, màn hình vỡ tung tóe khắp sàn. Trước mắt anh là 10 chiếc laptop vỡ tan tành.
“Có quá nhiều cảm xúc, nhưng bao phủ tôi là sợ hãi”, anh nhớ lại. “Lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh tài sản bị phá như vậy mà không thấy bạn ấy đâu”.
Người gây ra vụ việc là Vinh, một trẻ tự kỷ ở TP HCM, tạm thời sống với anh trong thời gian mẹ đi công tác. Cuối cùng anh tìm thấy Vinh đang đứng ngoài lan can tầng hai, ánh mắt vô hồn. Dưới chân cậu, chậu cây, bàn ghế đổ vỡ.
Anh Trung lập tức cho quán ngừng hoạt động, gọi cơm về và ngồi lại ăn như không có chuyện xảy ra. Vinh vẫn im lặng, không một lời giải thích. Cả đêm đó anh Trung thức trắng, vắt óc tìm nguyên nhân. Linh cảm mách bảo có thể Vinh đã mệt nhưng không đủ khả năng nói ra rằng cần được nghỉ ngơi.
“Sai lầm đầu tiên và tôi đã phải trả giá đắt là đánh giá sai sức khỏe và giới hạn chịu đựng của các bạn”, anh trải lòng.
Sau những cú vấp ấy, công ty này trở nên tâm lý hơn. Lâm đạp xe từ nhà đến quán sẽ được nghỉ mươi phút thay vì vào luôn ca làm. Trâm là nữ duy nhất nên được chiều chuộng và nhẹ nhàng hơn đồng nghiệp nam.
Mỗi người tự kỷ là một ẩn số. Môi trường gia đình, giờ giấc sinh hoạt, kể cả nắng mưa, thời tiết đều có thể gây ra sự cố.
Ngày Quang Anh bước vào công ty bốn năm trước, mái tóc bạc cậu quá nửa vì khủng hoảng tinh thần. Những ngày đầu, cậu chửi bới, đập phá, tè bậy. Hỏi lý do, cậu nói “Em thích cái xấu. Cái xấu thì không bị tổn thương”.
Câu trả lời khiến tim người đối diện nhói buốt. Một đứa trẻ từng bị tổn thương đang học cách trở nên đáng ghét, với lớp vỏ gai góc để tự vệ. Để huấn luyện nhân viên mới này, anh Trung chọn cách vào vai chính cậu.
“Bạn chửi tôi, tôi im lặng. Bạn tè bậy, ném đồ, tôi chỉ nhẹ nhàng hỏi ‘Anh có làm gì em đâu mà em lại làm tổn thương anh?”, Trung kể.
Sự nhất quán của một người bị tổn thương mà vẫn không trả đũa dần được ghi đè trong bộ não vốn vận hành bằng logic lặp lại của người tự kỷ. Hai năm trong im lặng và nhẫn nại, rồi một ngày Quang Anh thay đổi.
Hôm nay, ở tuổi 22, Quang Anh là một chàng trai điềm đạm, có khả năng làm MC và dẫn dắt đồng nghiệp cất lên tiếng nói của người trong cuộc.
Gần 10 năm qua, mọi mô hình VAPs xây dựng đều là không gian mở để tự kỷ có thể học cách sống, làm việc và hòa nhập, với hơn 10.000 lượt khách. Đã có 23 bạn trẻ từng đặt chân tới đây, hiện còn 10 người gắn bó, độ tuổi từ 18 đến 31.
Tại đây, tiền lương được chia theo từng ngày. Trong cuốn sổ thu chi ngày 28/5, ghi nhận 7 lượt khách ghé quán. Sau khi trừ chi phí, mỗi nhân viên nhận 20.000 đồng, cộng thêm 20.000 tiền boa. Ngoài khoản lương ấy, các em còn có thêm thu nhập từ nhiều nguồn như phụ huynh trả cho nhau, kinh phí từ những buổi tập huấn chuyển giao mô hình, hay phần lời cuối năm.
“Điểm mạnh của các nhân viên tự kỷ không nằm ở năng suất hay kỹ năng, mà ở sự thuần khiết, không giả dối, làm việc vì vui”, anh Trung nói.
Mỗi nhân viên của “cửa tiệm hạnh phúc” là một câu chuyện vượt lên số phận và mang trong mình những khả năng riêng biệt. Dũng giỏi thần số học; Lâm giao tiếp tiếng Anh trôi chảy và đang theo học ngành Luật tại Đại học Mở; còn Hưng từ cậu bé ục ịch nay đã là “bếp trưởng” và có ngôn ngữ, sau hai năm đến đây.
Sau gần 7 năm ở đây, Đức thấy mình được thấu hiểu và tìm ra được phiên bản tốt nhất của mình: một cậu bé với nụ cười thường trực. Cậu đang học năm cuối cao đẳng ngành CNTT. Mẹ Đức, chị Dung, 54 tuổi ở quận Thanh Xuân cho biết con đã thay đổi “một trời một vực”. “Với phụ huynh có con tự kỷ như tôi, không còn niềm hạnh phúc nào lớn hơn việc thấy con mình được như bây giờ”, người mẹ chia sẻ.
Giám đốc Nguyễn Đức Trung hy vọng mô hình kinh tế này sẽ được nhân rộng. “Con đường chúng tôi đi có thể nhỏ”, anh nói “nhưng nếu có thêm sự chung sức, đồng hành, chúng ta có thể kiến tạo nên đại lộ rộng lớn cho người tự kỷ”.
Phan Dương
Tại nhiều điểm trường vùng cao, những công trình vệ sinh tạm bợ, xuống cấp và mất an toàn không còn là chuyện hiếm. Các em học sinh – những đứa trẻ đang trong độ tuổi phát triển thể chất và hình thành nhân cách…
Ngày 18/6, Trường Mẫu giáo Chánh Công khởi công hai công trình tại thôn 2 và thôn 5, do UNIQLO Việt Nam và Chứng khoán Nhất Việt tài trợ thông qua Quỹ Hy Vọng. Tại điểm trường thôn 5, Quỹ Hy Vọng lập dự án…
Đà Nẵng – Nhạc sĩ, ca sĩ Kai Đinh, nhà báo Đinh Đức Hoàng, BTV Đào Xuyên kể chuyện trải nghiệm chính đời mình để chuyền cảm hứng về tương lai. Cuối tuần vừa qua, nhạc sĩ, ca sĩ Kai Đinh có mặt tại Trường…
Đà Nẵng – Cầu thủ Nguyễn Xuân Son dự lễ trưởng thành của học sinh Trường Hy Vọng, ký tặng bóng và cùng các em ăn bữa cơm nội trú. Chiều 14/6, cầu thủ Nguyễn Xuân Son có mặt tại hội trường tòa nhà FPT…
Sau 9 tháng phát động trên ứng dụng MoMo, chiến dịch gây quỹ “Xây lớp học mới – Mở lối tương lai” do Đông Tây Barbershop đồng hành cùng Quỹ Hy Vọng đã chính thức cán mốc 720 triệu đồng, với 127.637 lượt quyên góp…
Sơn La_122 hộ dân bản Nộc Cốc, xã Đứa Mòn, huyện Sông Mã góp hơn 200 ván gỗ, tre, dựng lại cầu treo, khi cầu cũ sập đêm 26/4. Gần một tháng từ vụ sập cầu treo do gió lốc, trưởng bản Sộng Nủ Dế,…