Mắc ung thư xương giai đoạn cuối, truyền nhiều đợt hóa chất và phải cắt cụt một chân khiến Đinh Trung Tiến chịu nhiều đau đớn.
Chị Nguyễn Thị Thúy cõng con trai trở về phòng trọ nghỉ ngơi, sau đợt chuyền hóa chất thứ 10 tại Bệnh viện K (Hà Nội). Lúc này, bé yếu, nôn nhiều, gần như không ăn được gì. Nghỉ ngơi một tuần, Tiến tiếp tục phẫu thuật lần hai cắt lại đầu xương.
“Chuỗi ngày khó khăn không biết bao giờ khép lại, cú sốc cắt cụt cả cẳng chân chưa nguôi thì nay tiếp tục lên bàn mổ. Ước gì tôi có thể thay con chịu nỗi đau này”, người mẹ nói, hôm 27/6.
Tháng 9/2021, chị Thúy đưa con đến bệnh viện gần nhà kiểm tra do đau và sưng ở mu bàn chân nhưng không tìm ra bệnh. Tháng 11, các bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình phát hiện bé bị ung thư xương, đề nghị chuyển lên bệnh viện tuyến trên điều trị.
Ngày biết tin con mắc bệnh, chân tay chị Thúy bủn rủn, cổ họng nghẹn cứng. Nén đau đớn, chị gặng hỏi bác sĩ rằng “bệnh có nặng không”, “có chữa được không”, thậm chí “con còn bao nhiêu thời gian”. Chị tự trách không biết tại gene hay do ăn uống mà con mắc bệnh. Gần một năm điều trị, đến nay người mẹ vẫn chưa chấp nhận sự thật con mắc bệnh nan y.
“Nhìn con đau đớn, tôi như đứt từng khúc ruột nhưng chỉ biết xoa tay, xoa chân rồi động viên cho con đỡ đau”, chị Thúy nói.
Từ ngày Tiến mắc bệnh, vợ chồng chị Thúy tìm mọi cách kiếm tiền trang trải chi phí điều trị. Anh Trường, chồng chị, là phụ hồ còn chị Thúy làm ruộng, thỉnh thoảng đi nhặt ve chai, tổng thu nhập từ ba đến 5 triệu mỗi tháng. Hiện anh Trường trở thành nguồn thu nhập chính, song từng bị tai biến nhẹ, cứ trở trời lại đau nên anh chỉ túc tắc làm việc.
Ung thư xương có hai loại: u xương và Ewing sarcoma của xương (hiếm gặp). Nguyên nhân chủ yếu là do rối loạn di truyền liên quan đến quá trình phân bào có gene biến dị. Một số nguyên nhân khác bao gồm bức xạ ion hóa trong quá trình xạ trị, chấn thương…
Ở giai đoạn đầu, ung thư xương không có biểu hiện hoặc biểu hiện không rõ ràng. Đến giai đoạn muộn hơn, bệnh có các triệu chứng đau, sưng nổi u cục, rối loạn chức năng xương, gãy xương, suy nhược cơ thể… Trong đó, triệu chứng nổi bật nhất của ung thư xương là đau nhức. Những bệnh nhân ở giai đoạn cuối thường gặp những vấn đề như mệt mỏi, chóng mặt, chán ăn, buồn nôn… Bên cạnh đó, khi khối u di căn sang các bộ phận khác, chẳng hạn như phổi sẽ gây ra tình trạng ho dai dẳng, khó thở, tràn dịch màng phổi. Khối u di căn lên gan gây vàng da, vàng mắt, gan to, nước tiểu sậm màu.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy, Khoa Nội nhi, Bệnh viện K, cho biết bệnh của Tiến ở giai đoạn nặng, đang điều trị hóa chất. Hiện, bé đã truyền được 10 đợt, tổng thời gian điều trị là 29 tuần.
Thời gian đầu, Tiến chưa nhận thức được bệnh, chỉ hỏi “vì sao chân đau và không đi lại được”. Mỗi lần truyền xong, em sốt cao, li bì, có lần lên cơn co giật.
Tháng 4, khối u đã ăn sâu, bác sĩ chỉ định phẫu thuật cắt cụt cẳng chân. Đây là giai đoạn khủng hoảng nhất với gia đình chị Thúy vì ca mổ diễn ra đúng thời điểm dịch Covid bùng phát mạnh. Chị vừa lo bệnh tình con, vừa sợ con nhiễm bệnh, nguy hiểm tính mạng. Ngày con vào phòng mổ, chị gần như kiệt sức, còn Tiến vừa khóc, vừa hỏi: “Sau ca mổ này, con được về nhà chưa?”.
Sau phẫu thuật, Tiến kiệt sức, hầu như chỉ nằm trên giường. Thấy mình không lành lặn, cậu bé bị sốc, không ngừng khóc, cơ thể bất động và mất cảm giác. Để tiện đi lại, hai mẹ con thuê nhà trọ gần viện. Căn phòng chưa đến 12 m2, chỉ vừa đủ đặt chiếc giường nay trở nên rộng lớn bởi Tiến chỉ nằm một chỗ, mọi sinh hoạt dựa vào mẹ. Để con không suy sụp, chị Thúy nhiều lần giấu không cho cậu bé biết về tình trạng bệnh tật.
Hiện, Tiến chỉ nặng 15-17 kg, người gầy, da xanh. Sau mỗi lần truyền hóa chất, sức khỏe em yếu hơn, quá trình điều trị bị gián đoạn do Covid cũng ảnh hưởng đến sự hồi phục. Khoản nợ gia đình ngày càng nhiều lên, riêng tiền điều trị đã hơn 200 triệu. May mắn, Tiến là em bé thông minh, hiểu chuyện nên nhiều lần động viên mẹ: “Sau này con khỏe, con kiếm tiền nuôi mẹ chứ không lấy vợ”.
Ứa nước mắt, chị Thúy nói ước mơ lớn nhất là mong con khỏe lại, “được sống như những người bình thường, chứ không phải chằng chịt dây rợ, đau đớn như lúc này”.
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với chương trình Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của cộng đồng là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước.
Độc giả có thể xem thông tin về chương trình tại đây.
Minh An
Sáu tháng đầu năm, Quỹ Hy Vọng đã khởi công thêm 12 cây cầu bê tông và khánh thành bàn giao 25 cầu tại Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang, Sóc Trăng và Sơn La. Ngày 27/6, Cầu Hy Vọng 412 (cầu Rạch Sung) được…
Vào kỳ nghỉ hè, hàng loạt dự án xây phòng lớp học, nhà bếp, vệ sinh… do Quỹ Hy vọng và các đơn vị tài trợ, cấp tập xây dựng để kịp hoàn thành trước năm học mới. Điểm trường Aky, Trường Tiểu học số…
Quảng Nam – Quỹ Hy Vọng hỗ trợ sơn sửa lớp học, nhà vệ sinh và trao thư viện điện tử cho 5 trường ở vùng Gò Nổi, thị xã Điện Bàn, ngày 28/6. Trong đó, Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, Trường Mẫu giáo…
Hà Tĩnh – Cột kèo mối mọt, mái thủng, vách nứt khiến hai gia đình nghèo sống trong bất an suốt hàng chục năm, chỉ mong có nơi ở vững chãi để bám trụ và lo cho con cái. Giữa tháng 6, nắng chói chang,…
Tại nhiều điểm trường vùng cao, những công trình vệ sinh tạm bợ, xuống cấp và mất an toàn không còn là chuyện hiếm. Các em học sinh – những đứa trẻ đang trong độ tuổi phát triển thể chất và hình thành nhân cách…
Ngày 18/6, Trường Mẫu giáo Chánh Công khởi công hai công trình tại thôn 2 và thôn 5, do UNIQLO Việt Nam và Chứng khoán Nhất Việt tài trợ thông qua Quỹ Hy Vọng. Tại điểm trường thôn 5, Quỹ Hy Vọng lập dự án…