ĐÀ NẴNG – Các nghệ sĩ Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam trình diễn đêm nhạc đầu tiên tại ngôi trường đang nuôi dạy gần 300 trẻ mồ côi vì Covid-19.
19h tối 13/3, chương trình hòa nhạc giao hưởng “Việt Nam và Nhật Bản cùng thắp sáng Hy Vọng”, đã diễn ra tại khuôn viên khu nội trú Trường Tiểu học, THCS và TPPT Hy Vọng (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng).
Chương trình nhân dịp 50 năm thiết lập mối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản, được tư vấn bởi Nhạc trưởng Honna Tetsuji – Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam (VNSO). Đêm nhạc tổ chức ngoài trời, trong không gian thân thuộc với học sinh của Hope trong sinh hoạt hàng ngày.
Đây là lần đầu tiên các nghệ sĩ của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam trình diễn tại Trường Hy Vọng. Trường cũng là đại diện duy nhất của Việt Nam được doanh nghiệp Nhật lựa chọn tài trợ trong năm 2023, cùng với các nước Indonesia, Malaysia, Philippines.
Trước đó tháng 7/2022, Giám đốc dự án Trường Hy Vọng Hoàng Quốc Quyền kể câu chuyện về trường cho người bạn làm tài chính một công ty của Nhật. Lãnh đạo công ty này sau khi vào thăm đã bàn bạc với nhạc trưởng Honna và quyết định mang âm nhạc, những thứ học sinh của trường ít được tiếp cận về trường.
Các nghệ sĩ biểu diễn nhiều tác phẩm nổi tiếng như Salut d’amour (Lời chào tình yêu) của nhà soạn nhạc lừng danh Edward Elgar, Turkish march (Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ) của nhạc sĩ Mozart, Merry go round từ bộ phim nổi tiếng Howl’s moving castle hay Under the sea từ bộ phim Nàng tiên cá…
Đây là dự án giáo dục dùng âm nhạc để chữa lành vết thương, khơi dậy hạnh phúc – món quà quý giá đối với các em có hoàn cảnh đặc biệt, giúp các em có thêm niềm tin và hy vọng vào cuộc sống. “Chỉ có âm nhạc mới giúp cho học sinh trường Hy Vọng vui hơn, khoẻ hơn về tâm hồn”, anh Quyền nói.
Đại diện học sinh Trường Hy Vọng sau đó lên sân khấu biểu diễn khúc thiếu nhi Em yêu trường em, đưa cơm cho mẹ đi cày… trên nền nhạc giao hưởng.
“Con đã vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ ba khi được nghe những bản nhạc do các cô biểu diễn”, Ngọc Diệp (áo khoác trắng), nói. Diệp, 8 tuổi, là lứa học sinh về Trường Hy Vọng, tháng 2/2022. Ngày đầu được mẹ đưa từ TP HCM ra Đà Nẵng nhập trường, Diệp còn rụt rè, nhưng sau thời gian ngắn em đã trở thành “ca sĩ” chính trong các chương trình ca nhạc.
Lưu Gia Nghi, học sinh lớp 10 của Hope School, hát theo một vài ca khúc mình từng nghe. “Đây là lần đầu tiên em được nghe nhạc giao hưởng, cảm giác rất vui vì âm nhạc đã làm vơi đi quá khứ”, Nghi nói, cho biết mình có đam mê ca hát nên sau khi tan học và tập văn nghệ trên lớp đã “quên cả ăn tối” để kịp theo dõi hết chương trình.
Nghi cùng anh trai Lưu Hữu Nghị (17 tuổi) mồ côi cả cha lẫn mẹ, được các thầy cô đưa về Trường Hy Vọng từ tháng 8/2022. Trước đó, Hữu Nghị từng quyết định nghỉ học, đi làm thuê, lấy tiền nuôi em ăn học.
Anh Quyền chia sẻ: “Tôi hy vọng với tiếng đàn, tiếng hát của các nghệ sĩ và lời ca của các em nhỏ, biết đâu một ngày chính các học sinh của trường trở thành những nghệ sĩ, ca sĩ được lớn lên trong bình an”.
Nhạc trưởng ở lại giao lưu với các em nhỏ, kèm lời hứa “hẹn gặp lại”. Ông chia sẻ rất hạnh phúc khi nhìn thấy niềm vui trong đôi mắt của những trẻ em tại Trường Hy Vọng.
“Đây là khoảnh khắc tôi đã chờ đợi rất lâu. Điều tôi muốn truyền tải không diễn đạt bằng ngôn từ, mà bằng âm nhạc từ trái tim, đó là sự đồng điệu trong tâm hồn, được thể hiện qua các giai điệu của dàn nhạc giao hưởng và tiếng hát của các em học sinh”, ông nói.
Ngoài biểu diễn các bản giao hưởng, nghệ sĩ còn mời các em nhỏ cùng chơi thử một vài loại nhạc cụ trên sân khấu và sau khi kết thúc chương trình.
Dự án “Việt Nam và Nhật Bản cùng thắp sáng hy vọng”, dự kiến kéo dài trong ba năm, mỗi năm tổ chức ba lần, với sự đồng hành của các doanh nghiệp Nhật Bản. Năm nay, chương trình được tài trợ bởi Công ty Sompo Japan (Công ty bảo hiểm Liên Việt).
Sau buổi biểu diễn hơn một giờ đồng hồ, các nghệ sĩ được tặng quà lưu niệm là túi xách in hình tranh do chính học sinh Trường Hy Vọng vẽ.
Bà Trương Thị Thanh Thanh, Chủ tịch Quỹ Hy vọng, chia sẻ đêm nhạc là “món quà đặc biệt từ những người bạn Nhật Bản”. “Ở đây, chúng ta đã gặp nhau và giao tiếp bằng một ngôn ngữ chung, đó là ngôn ngữ của tình thương yêu, của âm nhạc”, bà Thanh Thanh nói.
Học sinh trường Hy Vọng chụp ảnh cùng các nghệ sĩ. Trường do FPT thành lập, đang nuôi dạy gần 300 học sinh là trẻ mồ côi sau đại dịch Covid-19, đến từ mọi miền trên cả nước.
Nguyễn Đông
Ngày 14/4, cô trò điểm trường Lao Chải 3, trường Mầm non Y Tý, xã Y Tý, huyện Bát Xát nhận bàn giao trường lớp sau gần hai tháng thi công sửa chữa. Trường còn tiếp nhận thiết bị học tập, sinh hoạt gồm tivi,…
13h, H Đinh Hdruê ăn vội bữa cơm trưa rồi đón xe ôm đi 30 km đến Bệnh viện Nhi đồng 2 để kịp giờ con trai truyền thuốc. Ở tháng thứ 7 thai kỳ, thắt lưng H Đinh đau và tê cứng nhưng cứ…
Hai phòng học xây mới cùng nhà vệ sinh, công trình sân chơi tại điểm trường Huồi Cam, huyện Quế Phong, vừa được Quỹ Hy vọng và FPT bàn giao cho địa phương sử dụng. Dân bản chủ yếu là đồng bào Thái, Mông, Khơ-Mú,…
Gần bốn năm vợ chồng chị Lan tìm người hiến gan cứu con gái 5 tuổi, ca phẫu thuật hồi tháng 3/2024 chỉ thành hiện thực nhờ tấm lòng của người chú họ. “Từ lúc biết con cần ghép gan đến khi tìm được người…
Ngày 6/4, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) phối hợp Quỹ Hy vọng tổ chức Lễ phát động Giải chạy trực tuyến, gây quỹ dự án “Nhà Hy vọng”. Giải được tổ chức online ghi nhận thành tích trong…
Mở rộng loại bệnh hỗ trợ và nâng độ tuổi nhận tài trợ, chương trình Mặt trời Hy vọng mong muốn giảm gánh nặng tài chính điều trị cho 1.000 bệnh nhân. Lê Ngọc Vân, 13 tuổi, quê Bắc Giang, 7 năm bị suy thận,…