VĨNH LONG- Vợ ly hôn sau khi biết con trai bị ung thư, để anh Dũng một mình chạy chữa cho bé và chăm sóc con gái mới chập chững biết đi.
Tối tối trong phòng bệnh khoa Nhi, Bệnh viện ung bướu TP HCM, anh Lê Văn Dũng bật video call để con trai Lê Hoàng Duy, 9 tuổi, nói chuyện với em gái 18 tháng tuổi. Đợt điều trị này đã kéo dài từ đầu tháng 10, anh Dũng không biết lúc nào kết thúc nên dù rất nhớ con gái, đành hẹn “Con ngoan ở với nội, mai mốt ba về”.
Cách đó 160 km, căn nhà bên bờ sông Nguyễn Văn Thảnh, ấp Hòa An, xã Bình Tân, Vĩnh Long thường xuyên khóa vài tháng qua. Một mùa nước nổi lại về, mấy hôm nay anh Dũng ngay ngáy lo nhà ngập mà không kịp nâng đồ lên cao. “Nhà không có gì, nhưng dù sao cũng là nơi chui ra chui vào của ba bố con”, người đàn ông 35 tuổi nói.
Năm tháng trước, anh Dũng đang đi xây thì nhận tin con trai ngất xỉu. Người cha mặc nguyên bộ đồ dính vôi vữa, lao đến trường đưa con đi cấp cứu. Tại Bệnh viện đa khoa trung ương Vĩnh Long, cậu bé được xác định có một khối u trong não, nên được yêu cầu chuyển tuyến trên ngay lập tức.
Trong túi Dũng khi đó có vài trăm nghìn đồng, chỉ còn cách gọi về cho cha mẹ vay mượn. Nghe tin cậu bé Duy phải nhập viện, hàng xóm ai cũng thương, góp lại được mười mấy triệu đồng. Một phần anh Dũng đóng viện phí, số còn lại đưa con lên Bệnh viện Nhi đồng TP HCM. Đến nơi bé Duy được mổ cấp cứu đặt ống thoát nước, sau đó phẫu thuật khối u não.
“Mọi thứ quá nhanh nên lúc đầu tôi còn không hình dung nổi bệnh của con, chỉ biết phải mổ là nặng lắm”, người cha nói.
10 ngày sau ca đại phẫu, kết quả sinh thiết cho thấy cậu bé bị u não ác tính. Bác sĩ hướng dẫn làm thủ tục chuyển viện để vào hóa chất ngay. Một mình anh Dũng chạy đi chạy lại như con thoi, tận khi con chuẩn bị bước vào quá trình truyền hóa chất đằng đẵng, anh mới bốc máy thông báo cho vợ.
“Tôi hy vọng cô ấy hỗ trợ chăm con để tôi đi làm kiếm tiền đóng viện phí”, anh bộc bạch. Nhưng người vợ nói mình đã có cuộc sống mới không hỗ trợ được, nhờ anh chăm giúp. Anh Dũng cũng không giận, không trách. “Con của mình, mình chăm là đúng rồi”, anh nói.
Cuộc đời 35 năm của người đàn ông gắn với chữ nghèo. Ở vùng đất cò bay thẳng cánh, nhưng nhà anh không có lấy một tấc cắm dùi. Cha đột quỵ năm Dũng mới mười mấy tuổi, nhà có mấy công đất đành phải bán chạy chữa. Không còn đất cày cấy, Dũng nghỉ học sớm, đi bộ đội, rồi về làm thuê làm mướn. Năm 26 tuổi, anh mới nên duyên được một cô gái làng bên, cũng có hoàn cảnh tương tự.
Lấy nhau về, họ cất ngôi nhà nhỏ bên bờ sông, không phải đất thổ cư. Cuộc sống những năm đầu hạnh phúc khi có con trai kháu khỉnh. Dũng không nề hà việc gì từ làm cỏ, bón phân đến phụ hồ, công nhân, để vợ con có cái ăn cái mặc.
Năm 2020 vì Covid-19 nên anh ít được về thăm nhà. Cũng từ đó tình cảm vợ chồng xa cách. “Những tưởng có thêm con gái có thể níu giữ được vợ, nhưng cũng không được”, anh chia sẻ.
Họ ly hôn giữa lúc bé Duy đang vào hóa chất toa đầu tiên. Vài tuần sau, người vợ mang con gái về gửi ông bà nội, với lý do “đi làm”. “Có thời điểm tôi từng tức giận khi cô ấy thay lòng đổi dạ nhưng rồi nghĩ sao phải làm vậy, nhỡ làm gì dại dội thì con cái để ai chăm”, anh tâm sự.
Việc một người đàn ông vừa làm cha làm mẹ không dễ. Mỗi lúc con đau buốt vì vào hóa chất, anh Dũng chỉ biết đặt bé lên lưng cõng đi dạo quanh khuôn viên viện để tạm quên nỗi đau cơ thể.
Tại khoa Ung bướu nhi, hoàn cảnh cha con anh Duy khiến người nhà bệnh nhân chú ý vì đến bữa thường không đi ăn. Sau người nọ người kia bảo nhau lấy thêm cho anh suất cơm từ thiện, hay cho gói mì, gói cháo. Duy bị thuốc vào cũng không ăn được, nên ngày ngày cha kiếm được gì thì ăn đó. Nửa năm từ lúc phát bệnh tới nay em sụt gần 20 kg, không còn nhận ra là cậu bé từng tập karate ba năm, nặng hơn 40 kg nữa.
Nhà neo người nên gần nửa năm nay chỉ có hai cha con anh Dũng ở viện. Cha mẹ đã già yếu, nay lãnh trách nhiệm chăm con gái cho Duy. Mỗi lúc tỉnh táo, bé Duy hay nói với cha mong muốn được về nhà chơi với em, trở lại trường đi học và tập võ cho khỏe. “Đợi con khỏe lại rồi sẽ đi làm kiếm tiền báo đáp ba”, cậu bé nói.
Anh Nguyễn Trung Chánh, công an khu vực ấp Hòa An cho biết gia đình anh Dũng thuộc hoàn cảnh khó khăn bậc nhất trong địa bàn. Không chỉ đơn thân nuôi con bệnh hiểm nghèo, gia đình còn không có đất đai cấy hái, nên làm thuê bữa có bữa không.
Ngay cả ngôi nhà đang ở cũng tạm bợ. Những năm gần đây sạt lở khiến ngôi nhà giờ chỉ còn cách lòng sông hơn hai mét. “Từ lúc cháu bị bệnh, bà con lối xóm và chính quyền địa phương cũng hỗ trợ, nhưng cũng chỉ giúp đỡ được phần nào”, anh Chánh nói.
Vào một chiều tháng 7, thuốc vừa vào không bao lâu khiến Duy lịm đi. Người cha gọi lay mà không thấy con phản ứng. Anh cảm tưởng rơi vào cơn ác mộng, không biết làm gì khác, ngoài quay về tâm linh.
“Tôi niệm trong tâm cho con qua khỏi, từ nay tôi sẽ xuống tóc, ăn chay”, anh nói. May mắn đến đầu tối Duy tỉnh lại.
Phan Dương
Điểm trường làng Hrách và Lơ Pơ, huyện Kông Chro được Quỹ Hy vọng và các đơn vị tài trợ xây mới thay thế cho những lớp học đã xuống cấp, thấm dột. Ngày 14/11, gần 100 học sinh, giáo viên Điểm trường Hrách thuộc…
Học sinh trường TH & THCS Quang Minh tìm hiểu kiến thức về dinh dưỡng và ăn liên hoan trong ngày hội do Quỹ Hy vọng và De Heus tổ chức. Ngày hội dinh dưỡng học đường chủ đề “Vững bụng đến trường” được tổ…
Jomoo Việt Nam và trường Hy Vọng đã ký biên bản tài trợ thiết bị trị giá 2 tỷ đồng cho 138 phòng vệ sinh trong ngôi trường mới dành cho 300 trẻ mồ côi vì Covid-19, chiều 14/11. Phát biểu tại buổi ký kết,…
Men vi sinh chứa các vi sinh vật có lợi, hỗ trợ cải thiện cân bằng hệ vi sinh đường ruột, cải thiện sức khỏe cơ thể song cần tránh lạm dụng. Nội dung: Văn HàThiết kế: Ngân Hà
Dự án Vệ sinh học đường giúp sức khỏe của 98% học sinh được cải thiện nhờ thay đổi thói quen sinh hoạt như rửa tay thường xuyên, không phóng uế bừa bãi, dọn dẹp định kỳ. Đỗ Nam – Kim Anh
Công ty De Heus Việt Nam tài trợ 1,2 tỷ đồng cho dự án “Dinh dưỡng học đường” của Quỹ Hy vọng, cải thiện bữa ăn của học sinh ở ba trường ở Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An. Ba trường được dự án hỗ…