TP HCM- Trong giấy khai sinh của Kim Ngân, phần tên cha để trống, chỉ có tên mẹ Kim Dung nên ngày nhận tin bị ung thư, cô bé nhất quyết không cho mẹ gọi cha.
“Ba bỏ đi bao năm rồi”, “Người ta bảo ba chết vì Covid-19 rồi, mẹ còn gọi làm gì?”, cô bé 12 tuổi nói. “Nhưng mẹ không biết lấy tiền đâu đi viện”, người mẹ trả lời.
Cuộc trò chuyện của hai mẹ con trong căn phòng trọ ở đường Phạm Thế Hiển, phường 4, quận 8 một tối giữa tháng 7, bỗng chốc dừng lại. Mỗi người ngoảnh một hướng, gạt nước mắt.
Chị Dung, 59 tuổi, kể rằng chồng bỏ theo người phụ nữ khác từ ngày bé Ngân được 20 tháng và con gái đầu 10 tuổi. Từ khi bỏ đi, người cha không qua lại thăm nom, hỏi han hay trợ cấp các con. “Lần cuối cùng gọi điện là lúc Ngân vừa vào lớp Một. Ba nó bị tai biến, nằm trên giường, bảo rằng không có tiền điện thoại nên nhắn nó gọi lại”, chị kể.
Một mình chị ở vậy nuôi hai con bằng đồng lương công nhân. Hơn chục năm trước, chị chuyển sang nghề bán vé số dạo. Thời đó còn sức khỏe, chị đi được xa, cũng nhờ thế kiếm được tiền hơn. Nhưng sau này bị bệnh thấp khớp, chị chỉ quanh quẩn hai phường 4 và 5 (quận 8). Nghề bán vé số dạo lúc cao điểm có thể bán được 400, 500 vé, nhưng từ dịch Covid tới nay được tối đa 160-200 vé mỗi ngày, kiếm được khoảng 200.000 đồng.
Kiếm được đồng tiền đã khó, lại đủ khó khăn bủa vây. Không biết bao nhiêu lần chị đứng giữa phố khóc vì bị trộm mất mấy kẹp vé. Chị Dung không thể quên giáp Tết năm 2015 khi dẫn theo bé Ngân, định rằng bán xong sẽ xin cho con đi học mẫu giáo. Khi đi ngang qua cổng trường, có một thanh niên gọi chị lại hỏi mua vé. Người đó vỗ vào tay chị, đưa cho tờ 20.000 đồng bảo “đi mua sâu”. Chị Dung không biết gì nữa, cứ đi trên vỉa hè tìm sâu.
“Đến lúc tôi tỉnh lại thì hết hồn vì giao cả con, cả hàng cho người lạ. Tôi vừa chạy vừa khóc không biết trời đất gì, trong đầu chỉ sợ con bị bắt đi”, chị hồi tưởng.
Chạy về chỗ cũ, chị Dung thấy bé Ngân khóc đỏ hoe mắt, đang đứng trong một quán nước bên đường. Hóa ra, chủ quán thấy thanh niên kia lấy hết vé số bỏ đi, để con bé đứng đường một mình với cái giỏ trống không nên đưa vào quán chờ mẹ quay lại. Sau lần đó, chị Dung không dám đưa Ngân đi theo nữa.
Chạy ăn từng ngày đã khó, đến những đợt giãn cách vì Covid-19, hai mẹ con rơi vào cảnh cùng cực. Không đi làm, không có tiền mua lương thực nên người phụ nữ nghèo chỉ biết trông cậy tiếp tế từ các đoàn từ thiện. Có ngày hai mẹ con ăn chung một gói mì tôm hoặc ăn bữa sáng nghỉ bữa trưa. Tiền trọ từ chỗ đóng theo ngày, giờ phải ký sổ nợ.
“Tôi nhận được 1,5 triệu đồng tiền hỗ trợ của nhà nước thì ông chủ trọ thu 500.000 đồng tiền điện nước vì dạo đó ở nhà nhiều”, người mẹ đơn thân nói.
Riêng tiền phòng, chủ trọ cho trừ dần khi được đi làm trở lại. Vì thế suốt từ dạo bấy tới nay, mỗi ngày chị Dung ngoài đóng 100.000 đồng tiền phòng, 20.000 điện nước, phải đóng thêm 20.000 đồng tiền nhà nợ từ đợt dịch. Vài chục nghìn còn lại là chi tiêu của hai mẹ con.
Đầu tháng 7 vừa qua, bé Ngân bị sốt ban đỏ, đùi đau nhức. Ban đầu chị Dung nghĩ có thể bé bị sốt xuất huyết, nhưng các bác sĩ ở Bệnh Nguyễn Tri Phương xác định không phải, cho thuốc điều trị. Trở về nhà Ngân vẫn tiếp tục sốt, chân không đi được nữa
Trong túi chỉ có vài đồng bạc lẻ, chị Dung phải vay tạm một người bạn cùng bán vé 500.000 đồng đem con viện. Lúc này các bác sĩ phát hiện bé bị bạch cầu cấp lympo (ung thư máu), yêu cầu chuyển Bệnh viện Nhi đồng 2.
Hai tiếng ung thư khiến chị Dung điếng người, khóc tại chỗ. “Tôi lo sợ không có tiền làm sao cứu được con”, chị bộc bạch.
Cả một đời chị Dung gắn với chữ nghèo. Thuở nhỏ chị theo gia đình rời quê Long An lên Sài Gòn mưu sinh, nay không còn liên hệ với quê cũ, anh em ai cũng bệnh và nghèo. Vắt óc không tìm được ai để vay mượn, chị quyết định liên lạc với người chồng nhiều năm không gặp, bất chấp hai con phản đối.
“Nhưng tôi gọi bao nhiêu cuộc mà số đó không nghe máy. Tôi mượn số điện thoại khác, gọi cũng không được. Có lẽ ông ấy đã chết do tai biến nhiều năm trước, hoặc chết vì Covid-19 cũng nên”, chị nói.
Thương hoàn cảnh hai mẹ con, các y bác sĩ ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương kêu gọi mạnh thường quân, ủng hộ được 30 triệu đồng cho chuyển viện. Số tiền này đã đóng cho Ngân nhập viện và bắt đầu truyền hóa chất được nửa toa.
Những ngày qua việc chị Dung nghĩ đến nhiều nhất mỗi ngày là nhẩm tính số tiền còn lại trong người, mỗi lần nhẩm là một lần lo. “Mới được mấy ngày mà còn có 8 triệu thôi”, chị nói.
Bên cạnh nỗi lo tiền bạc, căn bệnh thấp khớp cũng khiến chị nhiều lúc bất lực với chính mình. Con tiêm truyền nên đêm phải đi vệ sinh nhiều lần, nhưng chị không thể trực tiếp ngồi dậy, mà phải lấy hai chân móc vào thành giường để có sức đứng lên. “Nhiều lúc cái thân thể không nghe theo ý chí, tức mình lắm”, chị buồn nói.
Bác sĩ Phan Thị Thu Trang, trưởng khoa Ung bướu Huyết học, Bệnh viện Nhi đồng 2 chia sẻ bé Kim Ngân bị bạch cầu cấp lympho, thuộc nhóm nguy cơ cao. Quá trình điều trị sẽ nhiều vất vả, tuy nhiên tiên lượng trung bình trên 70% đạt đáp ứng lâu dài.
“Vì bảo hiểm không trả toàn phần nên chi phí ngoài không ít, ví dụ chi phí chống nhiễm trùng sau mỗi đợt hóa trị cũng vài triệu đồng. Đầu đợt chẩn đoán bệnh và sau mỗi đợt điều trị sẽ đều cần làm một xét nghiệm chuyên sâu khoảng 11 triệu đồng”, bác sĩ Trang cho biết.
Nếu mọi thứ thuận lợi, quá trình hóa trị của Ngân sẽ còn kéo dài ba năm. Trong khi một năm đầu cần phải có một người thân theo sát, vì thế chị Dung khó đi làm kiếm tiền được.
“Bệnh viện sẽ ưu tiên tìm nguồn tài trợ cho các bệnh nhi không được bảo hiểm 100% như Kim Ngân. Tuy nhiên, chi phí điều trị của bé là một con số lớn và khó tính toán được do nhiều yếu tố phát sinh. Việc hỗ trợ được bao nhiêu cũng tùy thuộc vào các mạnh thường quân tại khoa”, bác sĩ Trang nói thêm.
Phan Dương
Điểm trường làng Hrách và Lơ Pơ, huyện Kông Chro được Quỹ Hy vọng và các đơn vị tài trợ xây mới thay thế cho những lớp học đã xuống cấp, thấm dột. Ngày 14/11, gần 100 học sinh, giáo viên Điểm trường Hrách thuộc…
Học sinh trường TH & THCS Quang Minh tìm hiểu kiến thức về dinh dưỡng và ăn liên hoan trong ngày hội do Quỹ Hy vọng và De Heus tổ chức. Ngày hội dinh dưỡng học đường chủ đề “Vững bụng đến trường” được tổ…
Jomoo Việt Nam và trường Hy Vọng đã ký biên bản tài trợ thiết bị trị giá 2 tỷ đồng cho 138 phòng vệ sinh trong ngôi trường mới dành cho 300 trẻ mồ côi vì Covid-19, chiều 14/11. Phát biểu tại buổi ký kết,…
Men vi sinh chứa các vi sinh vật có lợi, hỗ trợ cải thiện cân bằng hệ vi sinh đường ruột, cải thiện sức khỏe cơ thể song cần tránh lạm dụng. Nội dung: Văn HàThiết kế: Ngân Hà
Dự án Vệ sinh học đường giúp sức khỏe của 98% học sinh được cải thiện nhờ thay đổi thói quen sinh hoạt như rửa tay thường xuyên, không phóng uế bừa bãi, dọn dẹp định kỳ. Đỗ Nam – Kim Anh
Công ty De Heus Việt Nam tài trợ 1,2 tỷ đồng cho dự án “Dinh dưỡng học đường” của Quỹ Hy vọng, cải thiện bữa ăn của học sinh ở ba trường ở Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An. Ba trường được dự án hỗ…