Khi nỗi đau của cuộc hôn nhân 17 năm đổ vỡ chưa kịp nguôi, chị Nguyễn Thị Nga tiếp tục phát hiện con trai mắc u não.
“Tôi sụp đổ tưởng mình không gượng dậy nổi”, người phụ nữ 40 tuổi ở huyện Long Thành nói.
Chị Nga từ Thanh Hóa vào miền Nam làm công nhân 20 năm trước. Năm 2007, chị nên duyên với người đàn ông quê Hà Tĩnh, làm phụ hồ gần khu trọ. Họ có hai con, trong đó bé Lê Thiện Nhân, 9 tuổi, là con út.
Lương công nhân của Nga 7 triệu đồng một tháng trong khi chồng thu nhập bấp bênh, tùy theo công trình. Cuộc sống khổ cực khiến họ thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, cãi vã. Cảm nhận tình cảm vợ chồng đứt đoạn, hôn nhân gần đi đến hồi kết khiến chị luôn trong tình trạng suy sụp.
Tháng 9/2023, chị Nga nhận thấy con trai Thiện Nhân thường xuyên bị nôn mửa, đau đầu, tay chân run rẩy. Chị xin nghỉ làm đưa con đến Bệnh viện Nhi Đồng Nai khám thì nhận được kết quả Nhân có khối u trong não phải phẫu thuật.
Chị gần như ngã khụy ngoài cửa phòng bệnh, vừa điền thủ tục hồ sơ vừa run bắn. Nhưng kết quả thứ hai lại khiến chị òa khóc như đứa trẻ, cháu Nhân mắc ung thư não.
Người mẹ không biết phải sống tiếp thế nào khi tài khoản còn vài triệu đồng trong khi phác đồ là 8 toa hóa trị và 31 tia xạ trị. Nga gọi cho tất cả các số liên hệ mà mình có thể vay mượn trong danh bạ. Đợt hóa trị đầu tiên kết thúc cũng là lúc chồng chị bỏ đi, cũng là lần cuối cháu Nhân được gặp bố.
“Con gái còn đi học, con trai đang mang bệnh là lý do tôi phải tiếp tục sống dù rớt xuống vực thẳm”, Nga nói.
Mẹ con Nga gần như sống ở Bệnh viện Ung bướu TP HCM với những đợt hóa trị triền miên. Khi có vài ngày nghỉ, chị lại chạy về nhà dạy con gái 13 tuổi luộc rau, đi chợ, tự chăm sóc bản thân. Mỗi sáng, cháu tự đạp xe đi học để mẹ yên tâm trông em.
“Nhìn con lủi thủi mà tôi đau lòng không chịu được”, chị Nga nói. Còn bé Nhân phải nghỉ học từ năm ngoái để tập trung chữa bệnh.
Nga kể Nhân từ một đứa trẻ hiền lành, ngoan ngoãn trở nên trầm tính, dễ bực dọc sau mỗi đợt hóa trị. Cậu bé bị sốt triền miền, tóc rụng trọc, biếng ăn, mệt mỏi nên chỉ nằm thiêm thiếp. Những lúc như vậy, chị chỉ biết ôm con, vỗ về, hứa sẽ cho về thăm nhà khi đỡ bệnh.
Nhưng lời hứa đó đã kéo dài gần một năm. Cuộc sống bé Nhân chỉ quẩn quanh trong bốn bức tường bệnh viện, làm bạn với 5 đứa trẻ cũng đầu trọc, tay chi chít vết lấy ven.
Khi con ngủ, Nga nhờ phụ huynh cùng phòng trông giúp, chạy xuống sân xin cơm từ thiện. Với mỗi phần ăn, chị tiết kiệm được 30.000 đồng bỏ vào khoản dành hóa trị cho con.
Lần bế tắc nhất của người mẹ đơn thân là vào năm ngoái. Cháu Nhân sốt li bì trong phòng nhưng chị phải nán việc chăm sóc con để ra ngoài gọi cho cô giáo cháu lớn, xin khất đóng học phí.
“Tôi không biết tựa vào ai”, chị kể. Nhưng sau lần đó, giáo viên cảm thương trước hoàn cảnh nên đóng tiền luôn cho học trò. Một vài phụ huynh cùng phòng thấy cô vất vả, gom 100.000 – 200.000 đồng, hỗ trợ Nga mua sữa cho con. Lần nào cầm tiền, chị cũng trào nước mắt.
Cận năm học mới, cô con gái lớn trở về phòng trọ để đi học sau đợt nghỉ hè ở nhà cậu cũng ở Đồng Nai. Trong đầu chị xuất hiện những nỗi lo hỗn độn gồm tiền trọ, tiền hóa trị, tiền học, tiền ăn. Người mẹ chỉ biết động viên con ráng thời gian nữa cả ba sẽ đoàn tụ.
Trong khi đó, Nhân vẫn nằm im trên giường mắt hướng ra cửa sổ, mong ngày về nhà.
Ngọc Ngân
Sau 2 tháng, dự án gây quỹ xây mới phòng học do Đông Tây Barbershop phối hợp cùng MoMo và Quỹ Hy vọng thực hiện đã cán mốc 100 triệu đồng. Từ ngày 16/9, Đông Tây Barbershop trích 5.000 đồng với mỗi giao dịch thanh…
Điểm trường làng Hrách và Lơ Pơ, huyện Kông Chro được Quỹ Hy vọng và các đơn vị tài trợ xây mới thay thế cho những lớp học đã xuống cấp, thấm dột. Ngày 14/11, gần 100 học sinh, giáo viên Điểm trường Hrách thuộc…
Học sinh trường TH & THCS Quang Minh tìm hiểu kiến thức về dinh dưỡng và ăn liên hoan trong ngày hội do Quỹ Hy vọng và De Heus tổ chức. Ngày hội dinh dưỡng học đường chủ đề “Vững bụng đến trường” được tổ…
Jomoo Việt Nam và trường Hy Vọng đã ký biên bản tài trợ thiết bị trị giá 2 tỷ đồng cho 138 phòng vệ sinh trong ngôi trường mới dành cho 300 trẻ mồ côi vì Covid-19, chiều 14/11. Phát biểu tại buổi ký kết,…
Men vi sinh chứa các vi sinh vật có lợi, hỗ trợ cải thiện cân bằng hệ vi sinh đường ruột, cải thiện sức khỏe cơ thể song cần tránh lạm dụng. Nội dung: Văn HàThiết kế: Ngân Hà
Dự án Vệ sinh học đường giúp sức khỏe của 98% học sinh được cải thiện nhờ thay đổi thói quen sinh hoạt như rửa tay thường xuyên, không phóng uế bừa bãi, dọn dẹp định kỳ. Đỗ Nam – Kim Anh