ĐỒNG THÁP | Truyền hóa chất khiến cơ thể đau nhức, mệt lả nhưng Nguyễn Quốc Khải không một lần than bởi em biết, muốn làm công an phải kiên cường.
Khải, 9 tuổi, ở ấp Khánh Nhơn, xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp điều trị u phúc mạc tại Bệnh viện Ung Bướu TP HCM tròn một năm. Liên tục phải xét nghiệm máu, tiêm truyền nhưng hiếm khi em kêu đau hay làm nũng mẹ.
Chị Nguyễn Thị Kim Thắm, 43 tuổi, mẹ Khải, nói con trai vốn kiên cường, bạo dạn và nuôi ước mơ làm công an từ bé. Mỗi lần thấy lực lượng vũ trang nhân dân trên ti vi cậu bé đều không rời mắt. Thậm chí khi xem trực tiếp duyệt binh Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ ở Điện Biên ngày 7/5, Khải bắt chước cách bước chân, đánh tay của các chiến sĩ và tự tập tại nhà.
“Thấy con lúc nào cũng vui vẻ tôi mừng lắm, giờ chỉ mong thằng bé sớm khỏi bệnh”, chị Thắm nói.
Tháng 5 năm ngoái, Quốc Khải đột nhiên kêu đau chân, di chuyển khó khăn. Biết con hiếu động, hay chạy nhảy, sợ chấn thương, chị Thắm đưa vào bệnh viện đa khoa thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, khám nhưng không ra kết quả. Các bác sĩ đề nghị chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM, sau sang bệnh viện Ung bướu TP HCM. Qua xét nghiệm, Quốc Khải được chẩn đoán bị u phúc mạc liên thần kinh. Chỉ nghĩ đưa con vào viện khám xương khớp, chị Thắm không nghĩ lại phát hiện ra khối u, buộc phải truyền hóa chất.
Giữa tháng 5/2023, Khải nhập viện điều trị.
Thời gian đầu vào thuốc, cậu bé 9 tuổi sụt cân, cứ ăn là nôn trớ, sức khỏe giảm sút. Mỗi lần lấy máu hay truyền thuốc Khải đều mím chặt môi, tuyệt nhiên không quấy khóc. Đến khi tỉnh lại đòi mẹ đút cho ăn bởi em hiểu đó là cách duy nhất để đủ sức chống chọi với bệnh tật.
“Các chú công an không bao giờ khóc lại không sợ đau nên mới bắt được tội phạm, con cũng phải như vậy để bảo vệ mọi người và cả mẹ nữa”, Khải nói với mẹ.
Không chỉ kiên cường chiến đấu với bạo bệnh, cậu bé 9 tuổi cũng rất ham học. Từ ngày vào viện, Khải luôn hỏi mẹ bao giờ được về để tiếp tục đến trường bởi sợ không theo kịp chương trình học, khó có thể lên lớp.
Thấy con ham học, mỗi lần được xuất viện về nhà, chị Thắm lại xin cô giáo gần nhà cho con đi học thêm, tuần 2-3 buổi, mỗi buổi hai tiếng, mục đích chính là để cậu bé được gặp bè khiến, tinh thần được thoải mái. Mỗi chiều tan học Khải lại nhảy chân sáo về nhà, miệng liếng thoắng kể cho bà và mẹ những chuyện trên lớp.
“Nhìn con vui vẻ tôi cũng mừng, nhưng bệnh của thằng bé không được chạy nhảy nhiều nên bản thân có phần lo lắng. Ngoài nhắc con chú ý, tôi cũng nhờ cô giáo dạy thêm trông chừng giúp”, chị Thắm kể.
5 năm trước chị Thắm sống cùng chồng và con trai, nhưng bất đồng quan điểm dẫn đến ly thân. Một thời gian sau người chồng đột ngột qua đời, hai mẹ con về nhà ngoại sống. Từ đó đến nay một mình chị gồng gánh nuôi cả gia đình bằng nghề cắt tóc, gội đầu và làm thời vụ tại trại tôm giống. Chị nói lương không cao nhưng biết co kéo cũng đủ nuôi cả gia đình và cho Quốc Khải đi học.
Giờ tháng hai lần, mẹ con chị Thắm lại từ Đồng Tháp bắt xe vào TP HCM chữa bệnh. Mỗi lần ở lại viện 1-2 tuần để kiểm tra bạch cầu và truyền hóa chất. Dù bảo hiểm chi trả toàn bộ viện phí, thuốc men, nhưng họ vẫn tốn 10 triệu đồng mỗi tháng cho tiền ăn uống, thuê trọ và mua thêm thuốc bổ bên ngoài.
Nhưng với khoản lương chỉ 4,5 triệu đồng mỗi tháng, người phụ nữ 43 tuổi nói sống tằn tiện cũng khó đủ.
Thời gian đầu đưa con vào viện, hai em trai và họ hàng cũng hỗ trợ vài trăm nghìn đồng đến 1-2 triệu đồng tiền thuốc men, phí đi đường cho mẹ con Thắm. Nhưng người thân đều làm nông, gia cảnh khó khăn không thể giúp đỡ lâu dài.
Biết chặng đường chữa bệnh còn dài, chị Thắm nói làm mọi cách cứu con. Ngoài thời gian ở viện, mỗi lần về nhà chị đều tranh thủ đi cắt tóc, gội đầu hoặc ai thuê gì làm nấy nhằm tăng thu nhập. Dù mệt nhưng bà mẹ một con luôn tự động viên bản thân “còn kiếm ra tiền là còn may mắn và còn cơ hội cứu con”.
Về phần Quốc Khải, dù mới 9 tuổi nhưng cậu bé rất hiểu chuyện. Ngoài việc phối hợp điều trị bệnh, chăm chỉ ôn bài để sớm quay trở lại trường, em cũng hay phụ đỡ bà làm việc nhà. Đến chiều muộn, cậu bé lại ngồi trước hiên chờ mẹ đi làm về, chạy ra ôm và hỏi han.
“Sao này khi làm công an, Khải không chỉ bắt cướp, bảo vệ mọi người mà còn có thể kiếm tiền để bà được nghỉ ngơi, mẹ không phải vất vả đi làm nữa”, cậu bé nói.
Với chị Thắm, trước chưa từng ước mơ điều gì, giờ chị chỉ mong con trai sớm khỏe, từng bước chạm tới ước mơ.
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho trẻ em yếu thế, Quỹ Hy vọng kết hợp với Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của cộng đồng là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước. Độc giả xem thông tin chương trình tại đây
Quỳnh Nguyễn
Điểm trường làng Hrách và Lơ Pơ, huyện Kông Chro được Quỹ Hy vọng và các đơn vị tài trợ xây mới thay thế cho những lớp học đã xuống cấp, thấm dột. Ngày 14/11, gần 100 học sinh, giáo viên Điểm trường Hrách thuộc…
Học sinh trường TH & THCS Quang Minh tìm hiểu kiến thức về dinh dưỡng và ăn liên hoan trong ngày hội do Quỹ Hy vọng và De Heus tổ chức. Ngày hội dinh dưỡng học đường chủ đề “Vững bụng đến trường” được tổ…
Jomoo Việt Nam và trường Hy Vọng đã ký biên bản tài trợ thiết bị trị giá 2 tỷ đồng cho 138 phòng vệ sinh trong ngôi trường mới dành cho 300 trẻ mồ côi vì Covid-19, chiều 14/11. Phát biểu tại buổi ký kết,…
Men vi sinh chứa các vi sinh vật có lợi, hỗ trợ cải thiện cân bằng hệ vi sinh đường ruột, cải thiện sức khỏe cơ thể song cần tránh lạm dụng. Nội dung: Văn HàThiết kế: Ngân Hà
Dự án Vệ sinh học đường giúp sức khỏe của 98% học sinh được cải thiện nhờ thay đổi thói quen sinh hoạt như rửa tay thường xuyên, không phóng uế bừa bãi, dọn dẹp định kỳ. Đỗ Nam – Kim Anh
Công ty De Heus Việt Nam tài trợ 1,2 tỷ đồng cho dự án “Dinh dưỡng học đường” của Quỹ Hy vọng, cải thiện bữa ăn của học sinh ở ba trường ở Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An. Ba trường được dự án hỗ…