HÀ NAM_Một tuần trước, cô bé 14 tuổi từ Bệnh viện K3 Tân Triều, Hà Nội khăn gói về quê ở thôn Yên Bảo, xã Tiên Ngoại, huyện Duy Tiên thi học kỳ 2.
Vừa kết thúc môn tiếng Anh, Phương bị sốt cao, lập tức được mẹ đưa lại viện cấp cứu. Trước khi đẩy vào phòng làm xét nghiệm, cô bé gắng nhoài người dặn dò: “Hết sốt, mẹ lại xin bác sĩ cho con về thi nốt môn cuối nhé”.
Nghe lời thỉnh cầu của con, chị Lê Thị Vui gạt vội nước mắt. “Nhanh khỏe rồi về với mẹ”, giọng người phụ nữ 55 tuổi bỗng nghẹn đặc.
Giữa năm 2022, dưới tai trái Phạm Thị Thu Phương bỗng xuất hiện hạch to rồi lan rộng sang bên phải và xuống cổ. Sau gần một năm chỉ uống thuốc do được chẩn đoán viêm hạch, đến tháng 9/2023, bác sĩ tại Viện K Tân Triều kết luận, cô bé bị u lympho non hodgkin dòng B lớn lan tỏa (một dạng ung thư máu) giai đoạn hai. Thu Phương lập tức nhập viện, sau buổi khai giảng lớp 8 chỉ vài ngày.
“Nghe tên bệnh cháu cũng không biết bị gì, chỉ hiểu đó là bệnh nặng”, Phương nhớ lại.
Đợt đầu nhập viện, cô bé xin mẹ mang thêm sách vở. Bài giảng ở lớp nhờ bạn bè chụp lại rồi gửi qua điện thoại, đến tối Phương ngồi chép lại. Kết thúc những ngày đầu hóa trị, cô bé vẫn đến lớp mỗi khi được về nhà, hy vọng đáp ứng thuốc tốt để sớm ra viện, có thể theo kịp chương trình học.
Nhưng Phương không phù hợp với thuốc điều trị đợt đầu, cơ thể nhiều lần kháng thuốc khiến việc học tạm dừng. Không ít lần cô bé phải chuyển vào phòng cấp cứu để theo dõi việc giảm tiểu cầu cũng như xuất hiện những triệu chứng bất thường.
Chuyển sang phác đồ hai, hóa chất truyền vào người giống như một loại axit gặm nhấm nội tạng, khiến cô bé 14 tuổi mệt lả, thậm chí không còn sức để kêu. Những lúc đau đớn không chịu nổi, Phương lại luồn dây quanh người buộc mình lại như buộc con cua co quắp. Mọi việc từ vệ sinh, ăn uống đều phụ thuộc vào mẹ.
“Tôi chẳng biết làm gì để giúp con bớt đau đớn ngoài việc xoa bóp suốt ngày suốt đêm”, chị Vui kể. Dù Phương sốt li bì hay bị những cơn đau thắt dữ dội, người mẹ vẫn động viên con gái ăn kể cả khi buồn nôn, thậm chí bịt mũi vừa ăn vừa khóc để có sức.
Mỗi lúc tỉnh, Phương luôn cười nói để mẹ an tâm, nhưng không ít lần lén vào nhà vệ sinh khóc. Có thời điểm, em nôn khan cả ngày, cơ thể rũ như tàu lá. Ở gia đình này, chị Vui là trụ cột kinh tế vì người chồng mất sức lao động bởi suy thận hơn chục năm nay.
“Tại sao lại là con? Con không muốn bị ốm” Trong giấc mơ, Phương vẫn thấy mình chất vấn bác sĩ. Nhưng rồi khi tỉnh dậy, nhìn thấy ánh mắt lo lắng và lời nói dịu dàng của mẹ, cô bé lại hiểu ra nếu không cố gắng, bố mẹ sẽ là người đau khổ nhất. Bốn năm trước, Phương từng chứng kiến người thân vật vã thế nào khi anh trai cô mất vì tai nạn giao thông.
Ở viện, trừ lúc hóa trị, thời gian còn lại Phương mượn bài vở của bạn ghi chép rồi tự học. Học kỳ 1 năm học 2024, được về nhà sau khi kết thúc đợt vào thuốc, cô bé được nhà trường tạo điều kiện thi dù chỉ có một mình. Kết quả, Phương được 9 Văn, 8 Toán và 7 điểm ngoại ngữ dù trước đó chỉ có vài buổi ôn luyện.
Dù con gái tìm thấy niềm vui trong học tập nhưng nỗi sợ cô bé kháng thuốc luôn ám ảnh chị Vui mỗi ngày. Không những vậy, nỗi lo về kinh tế vì sợ đến ngày không còn đủ kinh phí điều trị cũng khiến người phụ nữ 55 tuổi thấy như ai bóp nghẹn trái tim mình. Tranh thủ sau mỗi đợt điều trị con gái được về nhà, người mẹ lại đi làm công nhân thời vụ, kiếm dăm ba chục nghìn cải thiện bữa ăn cho con cùng người chồng mất sức lao động vì bệnh tật.
Hiểu được nỗi lo của mẹ nên Phương luôn tỏ ra mạnh mẽ. Cô bé thường an ủi khi thấy mẹ buồn, lau nước mắt khi thấy mẹ khóc.
“Nhiều lúc tôi thấy số phận bất công, nhưng Phương luôn động viên chúng tôi. Con là một đứa trẻ có trái tim tích cực”, chị Vui nói và cho hay, giờ gia đình chẳng thể làm được gì để Phương khỏe lên, chỉ biết chăm chỉ làm việc, lấy tiền chữa bệnh cho cô bé.
Lên viện điều trị cuối tháng 4, Phương xin mẹ tham gia lớp học thêm online để tăng cơ hội thi đỗ cấp ba khi không được đến trường thường xuyên. Ước mơ của cô bé là trở thành phiên dịch viên để đưa mẹ chu du khắp mọi nơi.
“Bù lại cho những tháng ngày thế giới của mẹ và cháu chỉ thu gọn trên chiếc giường bệnh”, cô bé nói.
Hải Hiền
Điểm trường làng Hrách và Lơ Pơ, huyện Kông Chro được Quỹ Hy vọng và các đơn vị tài trợ xây mới thay thế cho những lớp học đã xuống cấp, thấm dột. Ngày 14/11, gần 100 học sinh, giáo viên Điểm trường Hrách thuộc…
Học sinh trường TH & THCS Quang Minh tìm hiểu kiến thức về dinh dưỡng và ăn liên hoan trong ngày hội do Quỹ Hy vọng và De Heus tổ chức. Ngày hội dinh dưỡng học đường chủ đề “Vững bụng đến trường” được tổ…
Jomoo Việt Nam và trường Hy Vọng đã ký biên bản tài trợ thiết bị trị giá 2 tỷ đồng cho 138 phòng vệ sinh trong ngôi trường mới dành cho 300 trẻ mồ côi vì Covid-19, chiều 14/11. Phát biểu tại buổi ký kết,…
Men vi sinh chứa các vi sinh vật có lợi, hỗ trợ cải thiện cân bằng hệ vi sinh đường ruột, cải thiện sức khỏe cơ thể song cần tránh lạm dụng. Nội dung: Văn HàThiết kế: Ngân Hà
Dự án Vệ sinh học đường giúp sức khỏe của 98% học sinh được cải thiện nhờ thay đổi thói quen sinh hoạt như rửa tay thường xuyên, không phóng uế bừa bãi, dọn dẹp định kỳ. Đỗ Nam – Kim Anh
Công ty De Heus Việt Nam tài trợ 1,2 tỷ đồng cho dự án “Dinh dưỡng học đường” của Quỹ Hy vọng, cải thiện bữa ăn của học sinh ở ba trường ở Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An. Ba trường được dự án hỗ…