Cầu Hy Vọng 40 với 50% vốn đầu tư do Công đoàn Bộ Khoa học và Công nghệ tài trợ. Ảnh: Cửu Long. |
Cẩn thận kiểm tra từng trụ lan can, lối lên xuống hai đầu cầu trước giờ khánh thành, ông Bùi Văn Khương (75 tuổi) tấm tắc khen các “thợ vườn” xây chắc chắn và đẹp. “Đây là niềm mơ ước của mấy trăm hộ dân vùng hẻo lánh này nhiều năm qua. Chúng tôi vui lắm, quý lắm”, ông Khương nói.
Lão nông cho biết hơn tháng qua, cùng với nhà tài trợ, ông và người dân nơi đây góp công, góp tiền làm cầu cho nhanh hoàn thành để con em đi lại ngon lành, vận chuyển vật tư nông nghiệp, lúa, trái cây, rau màu được thuận tiện.
Còn Trần Thị Mỹ Ngọc, học sinh lớp 9, trường THCS Trung Thạnh cũng vui mừng, nói: “Có cầu mới to đẹp, bây giờ tụi em chạy xe đạp không còn sợ té kênh ướt hết cặp vở, quần áo như khi qua cầu cũ nhỏ hẹp, cheo leo trước đây”.
Cầu Hy Vọng 40 dài 35 m, rộng 4,5 m, tổng kinh phí đầu tư 300 triệu đồng. Trong đó, 50% vốn đầu tư do Quỹ Hy Vọng vận động Công đoàn Bộ Khoa học và Công nghệ tài trợ; phần còn lại do nhân dân địa phương đóng góp.
Cùng bà con bước trên cầu Kênh Đào vừa xây xong, ông Đặng Quang Huấn – Chủ tịch Công đoàn Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ: “Chúng tôi rất vui mừng khi thấy thành quả thiết thực của việc cùng đồng hành với Quỹ Hy Vọng và đặc biệt là sự chung tay góp sức của bà con nhân dân, chính quyền địa phương”. Ông Huấn cho biết sắp tới sẽ tiếp tục đồng hành cùng Quỹ Hy Vọng trong các hoạt động hướng về đồng bằng sông Cửu Long.
Nông dân ấp Thạnh Phước 2, xã Trung Thạnh (trái) cảm ơn đại diện Quỹ Hy Vọng và Công đoàn Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây cầu Hy Vọng 40. Ảnh: Cửu Long. |
Cũng tại xã Trung Thạnh, hai cầu nông thôn khác (41 và 42) do Quỹ Hy Vọng tài trợ 50% kinh phí cũng được khánh thành. Ông Đoàn Tuấn Hoạch – Phó chủ tịch UBND xã Trung Thạnh cho biết, địa phương là nơi đặc biệt khó khăn về giao thông ở huyện Cờ Đỏ. Trong năm 2017, người dân rất mừng khi được quỹ Hy Vọng tài trợ xây dựng 7 cầu nông thôn kiên cố.
“Nay 7 cầu đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, góp phần quan trọng trong việc xây dựng xã văn hóa – nông thôn mới; giúp cho bà con vùng trồng lúa, cây ăn trái có điều kiện phát triển hiệu quả hơn”, ông Hoạch nói.
Cùng ngày, tại xã Trung An (huyện Cờ Đỏ) và Thạnh An (huyện Vĩnh Thạnh), Quỹ Hy Vọng cùng chính quyền địa phương đã đưa vào sử dụng một cầu nông thôn và khởi công xây dựng hai cầu khác.
Bà Trương Thanh Thanh – Chủ tịch quỹ Hy Vọng tâm sự: “Chúng tôi nghĩ rằng các cây cầu này chính là của bà con đã đóng góp công sức của mình làm nên. Chúng tôi chỉ góp một phần với tâm nguyện là mong muốn bà con đi lại dễ dàng và an toàn hơn, các cháu đi học không còn bị té xuống kênh khi trời mưa gió”.
Năm 2019 – 2020, Quỹ Hy Vọng tài trợ xây dựng 100 cầu nông thôn ở các địa phương vùng sâu, vùng xa của TP Cần Thơ. Đến nay, 51 cầu đã được khởi công, đưa vào sử dụng 38 cây.
Đại diện Quỹ Hy Vọng cùng nhà tài trợ và chính quyền địa phương khởi công cầu Hy Vọng 50 ở xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh. Ảnh: Cửu Long. |
Cửu Long