Sáng 31/8, Lễ ra mắt Quỹ Hy vọng và phát động gây quỹ chương trình “Ánh sáng học đường” do Báo VnExpress phối hợp với Tập đoàn FPT tổ chức diễn ra tại Hà Nội.
Tham dự sự kiện có ông Lê Quốc Phong, Ủy viên Dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; bà Bùi Thị Thanh, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ cùng đại diện nhiều ban ngành, cơ quan ngoại giao các nước, các nghệ sĩ… Hoa hậu Phụ nữ toàn thế giới 2018 Dương Thùy Linh dẫn dắt chương trình.
Trực tiếp tham gia hoạt động của quỹ từ ngày đầu, nhà báo Đức Hoàng khiến các đại biểu rơi nước mắt với câu chuyện trên hành trình anh và cộng sự đã đi suốt một năm qua, để trả lời cặn kẽ câu hỏi “chúng ta có thể làm gì cho cộng đồng”.
“Ngay từ đầu chúng tôi đã mang một quan điểm làm từ thiện khác: mỗi nơi chúng tôi đi qua không chỉ là một số phận cần được hỗ trợ trực tiếp, mà còn là cơ hội để tìm hiểu, lý giải cho công chúng về các vùng đất và điều gì đang diễn ra ở nơi đó”, anh Đức Hoàng nói. Quỹ theo đuổi hai mục tiêu chính là hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn và tạo động lực phát triển.
Tháng 7 năm nay, sau chuyến khảo sát chuẩn bị cho việc xây nhà nội trú ở trường THCS Chiến Phố (Hoàng Su Phì, Hà Giang), nhóm phóng viên VnExpress phục dựng suất cơm của các em mỗi ngày: bữa cơm chính giá 9.500 đồng có 77 gram thịt, 100 gram đậu phụ, 100 gram bí xanh.
Nhà báo Đức Hoàng chia sẻ về hành trình gây dựng quỹ Hope và chương trình “Ánh sáng học đường”. |
Nhóm kêu gọi các tình nguyện viên là nhân viên văn phòng, học sinh ở thành thị ăn trong ba ngày kèm cam kết không ăn gì khác. Phản ứng ban đầu của tình nguyện viên tràn đầy hứng khởi. Nhưng nhiều người bỏ cuộc chỉ sau một hoặc hai ngày.
Từ đó, Đức Hoàng kể về những đứa trẻ vùng biên, mới 12-13 tuổi đã bỏ học, lấy chồng hoặc vượt biên sang Trung Quốc làm thuê, tương lai mờ mịt. Những câu chuyện chính là động lực thúc giục báo phải hành động nhanh hơn, quyết liệt hơn bằng việc ra mắt dự án “Ánh sáng học đường”, nhằm mang đến hy vọng về tương lai tốt đẹp hơn cho trẻ em.
Ông Hiệp chia sẻ về việc gây dựng mái ấm Thiên Thần với gần 70 trẻ em mồ côi ở quận 9, TP HCM. Ảnh: Giang Huy. |
Những gương mặt truyền cảm hứng có mặt trong chương trình cũng chia sẻ câu chuyện của họ. Ông Bùi Công Hiệp – người mỗi tháng bỏ ra 200 triệu tiền túi cưu mang gần 70 đứa trẻ – từ TP HCM ra Hà Nội dự buổi lễ. Ông kể những việc mình làm từng bị nhiều người nói “điên, khùng” nhưng ông chấp nhận.
Ông từng tham gia thanh niên xung phong từ năm 1976, sau đó đi bộ đội ở Campuchia. Cuộc sống chiến trường – nơi lính tráng coi nhau như người nhà, tương thân tương ái, chia nhau từng mẩu thuốc lá cất dưới đáy ba lô – tạo nên tính cách con người ông. Thời gian đó, thấy cảnh trẻ em mồ côi trong chiến tranh quá nhiều, họ ước mơ khi trở về sẽ nhận nuôi trẻ mồ côi.
Khi xuất ngũ, sau thời gian làm ăn vất vả, tạm đủ sống, con cái đã lớn, ông quyết định bàn với vợ xây mái ấm Thiên Thần trên mảnh đất 2.500 m2 của gia đình. Mới đây, các con ông đồng ý ký tặng thêm 5.000 m2 đất ở TP HCM cho mái ấm.
Trên mảnh đất này, tâm nguyện của ông là nuôi các bé thành người đàng hoàng, tử tế để chính những đứa trẻ đó sẽ nhân rộng yêu thương, giúp đỡ thêm nhiều người. “Tôi không mong tài trợ, không cho con nuôi mà mong lan tỏa tình yêu thương”, ông nói.
Anh Dương Văn Thưởng, Hiệu trưởng trường THCS Hoàng Su Phì, Hà Giang – chia sẻ về đời sống của thầy trò nơi đây. “Nhiệt độ mùa đông 0 độ là bình thường, còn tình trạng 3 tới 5 độ có khi kéo dài cả tháng”, anh kể. Thầy cô hướng dẫn học sinh mang chậu cho củi vào để sưởi ấm, đảm bảo sức khỏe.
“Tuy khó khăn, chúng tôi vẫn lạc quan với khí thế của người trẻ và động viên nhau làm tốt nhiệm vụ, chỉ mong một ngày các em trưởng thành, có thể đóng góp một phần công sức xóa bớt nghèo khó vùng cao”, anh Thưởng tâm sự.
“Người Việt Nam hay nói làm từ thiện thì lẳng lặng mà làm. Chúng tôi không nghĩ thế. Tôi cho rằng chúng ta phải làm, phải nói, phải lan tỏa. Lòng nhân ái cần lan tỏa. Khát vọng của chúng tôi là khát vọng cho một Việt Nam phát triển, nhân ái”, bà Trương Thị Thanh Thanh – Chủ tịch Quỹ Hy vọng nói.
Các sáng lập viên Quỹ Hy vọng. Từ trái qua: ông Trương Gia Bình, bà Trương Thị Thanh Thanh, ông Bùi Quang Ngọc, ông Thang Đức Thắng. |
Tại sự kiện, những người đặt nền móng đầu tiên cho Quỹ Hy vọng đã cùng lên sân khấu, gắn những mảnh tranh ghép về ngôi trường trong mơ của các em học sinh Khe Chữ.
Hoàng Anh