Chuyện bên những cây cầu Hy vọng mới mọc lên ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Cầu hết khổ
Ông Sáu mở mắt từ 3 giờ đêm. Ông nằm nghe gà gáy, nghĩ xem còn thiếu gì cho 5 mâm cơm chay trưa nay không.
Trưa nay, ông bà đãi cơm chay các cán bộ đoàn, các nhà hảo tâm “ở trển” (Sài Gòn) về và bà con chòm xóm, những người đã chung sức xây lên cây cầu bê tông sơn trắng lan can viền đỏ gần nhà ông. Ông Sáu được hơn 900 bà con trong ấp chọn làm trưởng ban quyên góp, ông kiêm người điều phối, tổ chức và giám sát thi công luôn công trình cầu kênh Nhà Vuông. Nhưng ông không có tiền công, thậm chí còn là người đóng góp nhiều nhất.
Bà Hai, 54 tuổi, nhà ở đầu vàm gần kênh Bảy Thước đêm đó cũng khó ngủ. Năm giờ sáng, bà lội bộ hơn cây số tới nhà ông Sáu. Trời còn chưa sáng rõ, gấu quần bà dính đất và ướt lem nhem vì sương cỏ trên con đường đất. Bà Hai mặc áo bà ba màu hồng mới, quần lụa đen, đi tông, tay xách túi bánh in và mứt dừa non tự tay bà mới đổ hôm qua để đãi khách quý. Bà Hai nổi tiếng ở xã vì nấu ăn ngon, chuyên đi nấu cơm chay từ thiện. Bà Hai qua nhà ông Sáu để chuẩn bị cỗ chay mời khách trưa nay. Suốt ba tháng qua, bà chạy qua chạy lại cây cầu đang thi công, khi thì đem nước cho thợ uống, khi thì nấu cơm cho họ ăn.
Trước nhà ông Sáu có con kênh Nhà Vuông, rộng khoảng chục mét. Con rạch ngăn cách ấp trên và ấp dưới, khiến người hai ấp muốn đến nhà nhau phải vòng qua con đường khác, dài hơn cả cây số đường ruộng. Bọn trẻ đi học phải dắt bộ xe đạp hay lội bộ trên đường đất, trời mưa rất cực. Có đứa ngã bẩn quần áo. Người ốm đau muốn đi bệnh viện phải vòng đường xa.
Ông Sáu 61 tuổi, sống ở đây từ nhỏ. Năm 2012, ông làm cây cầu ván đóng đinh cho bà con đi lại. Nhưng cầu chỉ rộng khoảng 2 m, chênh vênh và trơn trượt sau mỗi mùa mưa nên nhiều người bị ngã. “Trước ở cây cầu này tai nạn dữ lắm luôn”, ông Sáu nói. Có người bị té từ trên cầu xuống, bể xương bánh chè, đi bệnh viện mất hơn 60 triệu đồng. “Ngã cái tốn 60 triệu”, ông tiếp, “Tôi buồn quá”.
Rồi có mấy người nữa, đi bán hàng đêm khuya qua cầu bị đổ hết cả bánh với rau xuống mương. Rồi ông nghe phong thanh người ta nói “Mấy người từ thiện không có ai nên thân, bắc cầu thì làm cho đàng hoàng tử tế, chứ cầu mà tai nạn coi sao được”. Ông Sáu nghĩ “họ chửi mình cũng đúng”, nhưng ông chưa biết tính sao.
Bữa cuối tháng 8/2018, cán bộ xã ghé nhà báo tin vui. Có nhà tài trợ ở Sài Gòn sẽ cho một phần tiền làm cây cầu bê tông. Nhưng chỉ cho một nửa, 150 triệu, nên nhờ ông Sáu đứng ra làm trưởng ban quyên góp bà con chòm xóm để hùn phần còn lại.
Ông mừng quá, bàn với bà: “Con nhỏ út nó lấy chồng Đài Loan gửi tiền về, tôi với bà mỗi năm ăn hết có 50 giạ lúa. Thôi thì họ có tiền họ xây nhà mua đất, còn mình thì để xây cầu đóng góp cho xã hội. Bà bảo “Ừ”, ông tiếp: “Tôi ráng góp mạnh lên để bà con người ta theo, chớ nếu mình nói chơi thôi thì hem ai nghe hết trơn á”.
Ông Sáu góp 50 triệu, tự lấy nhà mình làm nơi tổ chức luôn tổ thi công, nuôi thợ ăn, giám sát xây dựng. Khoảng 900 người dân của 200 hộ trong ấp nhiệt liệt hưởng ứng. Ba tháng xây cầu, ông bà bỏ luôn việc làm ruộng để tập trung cho công trình. “Tất cả là tiền của bà con, xương máu họ đi làm, tội nghiệp lắm, nếu mình làm không tốt là mình hủy hoại công sức bà con đã góp”, ông tự dặn mình.
Cầu Hy Vọng 2 được thiết kế bê tông cốt thép kiên cố, chiều dài 25m, rộng 4m, độ thông thuyền 8m và chiều cao 4m để cho tàu, thuyền qua lại. Chi phí nguyên vật liệu hết 300 triệu đồng. Trong đó, các nhà hảo tâm thông qua quỹ Hy Vọng hỗ trợ 150 triệu đồng, phần còn lại do bà con nhân dân góp. Ngoài một nửa số tiền, người dân địa phương còn đóng góp hơn 600 ngày công lao động, và nhiều công của khác. Anh Nguyễn Văn Bình, làm nghề lái vỏ lãi đi bỏ nước đá ngày nào cũng ghé tặng 2-3 bao đá cho thợ uống nước trong suốt 90 ngày xây cầu. Bà Hai thì nói: “Hai mần ruộng, có 4 sào trồng lúa, chỉ đủ ăn”. Vì thế lúc rảnh là bà bà ghé nấu cơm, đun nước cho thợ, vì “ai cũng góp chứ đâu gì mình”.
Trước giờ cầu ván, giờ mới có cầu, bà Hai kể, ở đây bà con ai cũng mừng. Họ nói: “Chú Sáu ơi, hết khổ rồi”. Cả mấy ngày trước khi khánh thành cây cầu, ông Sáu ông không ngủ được, không ăn được. Trong bữa cơm chay đãi khách, ông chỉ đi loanh quanh nhìn người ta ăn. Ông bảo “Không ngồi xuống được, tôi vui quá”. Ông bảo: “Chị Thanh Thanh ơi, bà con hết khổ, hết tai nạn thì đời tôi ấm áp rồi”.
Nhưng không chỉ mình ông Sáu vui, bà Hai cũng không ăn được. Bà lăng xăng chỉ đạo đội bếp lấy thêm đồ ăn, nước uống cho khách. Bà cứ nắm tay những người hảo tâm đã tài trợ cho quỹ Hy vọng xây cầu, chị Thắm, anh Minh, chị Thanh… lắc lắc một hồi mà không nói gì.
Một cô bé con tên Nhớ, nhà trong ấp, lấy cái xe đạp đi qua đi lại trên cây cầu mới giữa trưa nắng gắt dù mồ hôi túa ra trên trán. Em vẫn mặc đồng phục, treo bịch nước đá trên ghi đông xe. Nhớ học lớp 1A, con bé vừa tan lớp học buổi sáng, thích cây cầu mới nên quành đi quành lại vài vòng cho đã. “Trước cầu này bằng cây con sợ lắm, nay có cầu mới mỗi ngày con đi mấy lần”. Nhớ nói em sống với bà nội và bác Bảy – chị của ba em. Mẹ em bỏ đi từ nhỏ “đi đâu con không biết”. Nhớ nói “ba lên thành phố mần thoát nước”, Tết ba về nó sẽ dắt ba đi cây cầu.
Cầu “leng keng”
Cầu Kênh Nhà Vuông hay cầu Hy vọng 2 là cây cầu thứ ba được khánh thành trong tổng số 10 cây cầu đã được Quỹ Hy vọng và những nhà hảo tâm cùng với địa phương khởi công nửa cuối năm 2018. Sáu cây cầu mới được khởi công vào tuần đầu của tháng 12, và sẽ thành hình hài trong mùa xuân mới cho miền sông nước.
Đây là những cây cầu đầu tiên trong Dự án 100 cây cầu cho miền Tây được khởi phát từ ý tưởng của bà Trương Thị Thanh Thanh, chủ tịch Quỹ Hy vọng, sau vài cơ duyên.
Năm 2007, trong vụ sập cầu Cần Thơ, bà Thanh Thanh cùng đoàn cán bộ FPT xuống thăm các nạn nhân và làm thiện nguyện. Chứng kiến vài chục con người chết và bị thương nằm dọc hai bên bờ kênh, còn những người khác muốn qua lại, cấp cứu, chăm sóc nạn nhân phải đi quãng đường vòng rất xa, bà tự hỏi: tại sao không ai làm một cây cầu?
Quay về văn phòng ở TP HCM, bà Thanh Thanh viết một email: “Nếu các anh đã hi sinh thân mình để xây nhịp cầu cho tổ quốc thì tại sao chúng ta không quên góp để xây một chiếc cầu nâng bước chân các anh?” Ngay lập tức, cán bộ nhân viên Tập đoàn FPT đã quyên góp đủ 25 triệu, làm gấp một cây cầu dân sinh giúp nạn nhân cầu Cần Thơ.
Hơn 10 năm sau, trong một cuộc gặp và nói về thiện nguyện tại trung tâm Sài Gòn, bà Thanh Thanh nghe nhà báo Thế Thanh kể một câu chuyện. Bà con một vùng ở Đồng Tháp đã mong ngóng một dự án xây cầu của nhà nước, kinh phí một tỷ đồng. Nhưng người dân đợi mãi không thấy. Cho đến khi một số người làm thiện nguyện đến, họ tính toán và xây một cây cầu bê tông mới tương tự dự án kia song kinh phí chỉ hết 300 triệu đồng. Bà hỏi ông Danh – Giám đốc quỹ Hy Vọng, rằng 300 triệu là đủ cho một cây cầu, tại sao mình không xây thêm cho bà con? Một cây cầu sẽ đứng đó được nhiều năm, giúp người dân giải quyết rất nhiều việc trong cuộc sống.
Rồi bà Thanh Thanh cùng ông Nguyễn Tiến Danh về Cần Thơ, nhìn những con đường liên thôn, liên xã, bà con đi làm, lũ trẻ đi học bị chặn lại bởi dòng kênh, bà nói “Tôi muốn xây ít nhất 100 cây cầu”. Có người đùa rằng bà cũng nhiễm phong trào “leng keng” của FPT – một phong trào khuyến khích sự sáng tạo trong công việc. Bà bảo: “Nếu ai bảo tôi điên, tôi xin nhận điên vì một điều nhân ái”.
Những cây cầu bê tông sơn trắng mang tên Hy Vọng gắn biển những cá nhân, gia đình thiện nguyện đã và đang mọc lên ở đồng bằng. Cầu Hy vọng 1 thay cho cầu Kênh Hậu ở ấp Đông Lợi của xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ. Cầu Hy Vọng 2 thay cho cầu kênh Nhà Vuông. Cầu Hy vọng 3 thay cầu Trí Nhân, cầu Hy vọng 4 sẽ thay thế cầu Tám Trở tại ấp Lân Quới 1, xã Thạnh Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh. Cầu Hy Vọng 5 thay cho cầu Tám Lê, cầu Hy Vọng 6 thay cây cầu đã mục trên kênh Tiền Văn Tỏ, cầu Hy Vọng 9 mọc lên trên cầu kênh Cà Chớn thuộc huyện Cờ Đỏ. Cầu Hy Vọng 7 thay thế cầu Kênh số 1, cầu Hy Vọng 8 thay cho cầu Năm Mãnh và cầu Hy Vọng 10 sẽ thế chỗ cầu Đìa Tre thuộc huyện Vĩnh Thạnh, Cần Thơ.
Ngày nhân dân ấp Vĩnh Thọ và ấp Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Bình bắt đầu xây dựng 3 cây cầu mới, ông Tám Mận – người đã tự làm cây cầu Tám Trở bằng ván gỗ trước đó cười mừng tủi “quan trọng nhất là cho tương lai của con cháu”. Ông Lương Hồng Sinh đại diện bà con ấp Thạnh Trung phân tích, “học sinh sẽ không còn bị ngã do trơn trượt, gặp thương tích, dân sẽ bớt tốn kém tiền bạc bởi đi lại bằng xuồng, và bớt lo nếu phải đi bệnh viện vào ban đêm hoặc khi mưa lũ”.
**
Giữa căn nhà cổ của mình, ông Sáu đặt bàn thờ trang trọng với khung ảnh chân dung Bác Hồ gần một mét dài. Ông bảo, vì Bác Hồ đã dạy, phải thương dân, làm tất cả những điều tốt nhất cho dân nên tôi ở đây để làm những điều tốt nhất cho bà con mình. Năm trước, ông đã hiến 20.000 m2 đất để làm nghĩa trang liệt sỹ của xã. Ông còn tìm đến những gia đình nghèo quanh vùng, giúp tiền giúp gạo. Ông nói, xong cầu rồi, ông nghỉ ngơi cho khỏe rồi sẽ đi tới các vùng trong, tiếp viện cho người ta xây cầu mới, “bổn phận con người đâu thấy khó khăn mình phải giúp”.
Vì có những người như ông Sáu, như bà Hai, nên chúng tôi tin: Trao tặng 100 cây cầu, những cá nhân, gia đình, tổ chức và quỹ Hy vọng cùng với độc giả của VnExpress đang trao đi một cuộc sống tốt đẹp hơn cho cộng đồng.
Những cây cầu vừa nâng bước em tới trường, giúp bà con đi làm, mưu sinh, lan tỏa lòng nhân ái. Chỉ lòng nhân ái mới có thể gắn kết và chữa lành cho con người.
Hồng Phúc
Mỗi runner đăng ký giải chạy “Tết Hy Vọng 2025” sẽ góp một viên gạch xây nhà tắm giúp mùa đông của học sinh vùng cao ấm áp hơn. Giải chạy do Quỹ Hy vọng và vRace phối hợp tổ chức, bắt đầu từ ngày…
Bốn tháng sau cuộc phẫu thuật hiến tặng gan, Huỳnh Thị Thu Tuyền trở lại công việc bán hàng, trong khi con gái chuẩn bị đi học mẫu giáo. “Đây là cuộc sống tôi mơ ước suốt ba năm qua”, Tuyền, 22 tuổi, ở xã…
Ở bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng, bác sĩ, người nhà bệnh nhi lúc nào cũng thấy ông Chung cười đùa với đám trẻ, dù ông là người lớn tuổi nhất chăm trẻ ung thư. Chiều cuối tháng 11, sau một ngày trôngcháu…
Sau 2 tháng, dự án gây quỹ xây mới phòng học do Đông Tây Barbershop phối hợp cùng MoMo và Quỹ Hy vọng thực hiện đã cán mốc 100 triệu đồng. Từ ngày 16/9, Đông Tây Barbershop trích 5.000 đồng với mỗi giao dịch thanh…
Nam Định_Bé Cao Văn Bắc 3 tuổi xơ gan giai đoạn cuối nguy cơ tử vong, được bố hiến gan và chương trình Mặt trời Hy vọng của VnExpress hỗ trợ chi phí ghép gan thành công. Ba tháng sau ca phẫu thuật ghép gan,…
TP HCM_Sau hơn một tháng xạ trị, mắt phải bị liệt, sức khỏe yếu dần nhưng Nguyễn Trần Phú Danh chưa một lần khóc, thậm chí còn động viên mẹ đừng buồn. Chiều cuối tháng 11, từ huyện Cái Nước, Cà Mau, Phú Danh cùng…