HÀ NỘI- Mong ước được sống yêu thương, hòa bình, thiên nhiên tươi đẹp… thể hiện qua những nét vẽ chân thực, của các em nhỏ khuyết tật, mắc bệnh hiểm nghèo, mồ côi.
200 bức hoạ của các em nhỏ trên cả nước đã được trưng bày trong chương trình “Trở về tuổi thơ”, diễn ra ngày 16 và 17/12, tại TH School (quận Đống Đa). Trong đó có nhiều tác phẩm do các em có hoàn cảnh đặc biệt sáng tác. Hàng trăm phụ huynh, em nhỏ đã tới tham quan triển lãm và tham dự các hoạt động tại sự kiện.
Đây là một trong những hoạt động của chương trình “Việt Nam ước mong” 2023, nhằm lan tỏa thông điệp chung tay và hỗ trợ trẻ em, đặc biệt là các em mắc bệnh hiểm nghèo, mồ côi, khuyết tật…
“Ngày chiến thắng”, tác phẩm đạt giải tranh tiêu biểu về chủ đềhòa bìnhcủaHoàng Thuỳ Chi, cô bé 10 tuổi từ Hà Nội. Bị khiếm thị từ nhỏ, song Thuỳ Chi vẫn thường xuyên thể hiện tâm hồn của mình qua những bức tranh, với sự hỗ trợ pha màu, chuẩn bị cọ của cô giáo.
“Con nghĩ ra ý tưởng vẽ đất nước trong hòa bình, mong muốn nước Việt Nam luôn xanh tươi và yên bình. Con muốn gửi lời cảm ơn cô đến cô Phạm Thị Minh Đức, người đã hướng dẫn con qua từng nét vẽ, để có thể đạt giải thưởng”, Thuỳ Chi tâm sự. Trong ảnh, Thuỳ Chi chụp bên bức tranh có chủ đề “Chúa sơn lâm”, một tác phẩm khác của em tại triển lãm tranh.
Em Nguyễn Hoàng Nhã Trúc (16 tuổi), học sinh trường phổ thông Hermann Gmeiner Đà Lạt, đến từ Làng trẻ em SOS Đà Lạt, là tác giả bức “Trong lùm cây” – tác phẩm đạt giải tranh tiêu biểu về chủ đề gia đình. Ý tưởng thực hiện bức vẽ của em nảy sinh từ một lần ngắm bầy chim đậu trên cây ổi gần nhà. Bức tranh mô tả hình ảnh chim mẹ đang mớm mồi cho ba chú chim con, xa xa là những chú chim khác đang tung cánh bay.
“Trong lùm cây” không chỉ truyền tải thông điệp về gia đình mà còn gửi gắm nội dung bảo vệ môi trường sống bình yên cho những chú chim non. “Loài chim em vẽ là giẻ cùi xanh. Hình ảnh chú chim mang ý nghĩa phú quý, mang lại may mắn”, Nhã Trúc tâm sự.
Với thông điệp ý nghĩa và cách thể hiện sinh động, bản gốc bức tranh của em cũng đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trao tặng cho Hoàng hậu Vương quốc Bỉ vào tháng 5 vừa qua.
Cũng đến từ Làng trẻ em SOS Đà Lạt có em Bùi Minh Hoàng (bên trái) – tác giả của bức tranh “Thức tỉnh”, đạt giải tranh tiêu biểu về chủ đề môi trường.
Bức tranh được em vẽ trong thời điểm thế giới vừa gánh chịu đại dịch, vừa có chiến tranh. “Em muốn làm điều gì đó để lan tỏa, tạo sức ảnh hưởng. Trong đôi mắt vừa có hình ảnh chiến tranh, bệnh dịch và hình ảnh về môi trường… Đôi mắt đang khóc thể hiện con người cần thức tỉnh, nhận thức đúng để thay đổi thế giới để chung sống tốt hơn”, Hoàng tâm sự.
Với Minh Hoàng, vẽ không chỉ là một môn học, mà còn là cách em thể hiện cảm xúc, tình cảm. Em cũng thường xuyên vẽ cho các tổ chức để gây quỹ, tặng cho người thân.
Ca sĩ Pia Linh chụp cùng tác phẩm “Trái tim mạnh mẽ” của em Trần Trâm Anh (10 tuổi), đến từ Hà Nội, đạt giải thưởng chủ đề khát vọng sống. Qua bức tranh, Trâm Anh muốn gửi gắm đến những người mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo hãy vươn lên trong cuộc sống, dù trong mình mắc bệnh nhưng vẫn khao khát sống như một người bình thường được làm việc và học tập.
Mẹ thiên nhiên – bức vẽ của em Lê Thị Mẫn Nghi, đến từ Làng trẻ Pleiku (Gia Lai) đạt giải tranh tiêu biểu về vẻ đẹp thiên nhiên. Cô bé 16 tuổi muốn truyền tải thông điệp: khi con người đã quá quen thuộc với bộn bề thì trong sâu thẳm đều mong muốn được về với thiên nhiên, nơi không có khói bụi, tiếng ồn mà đem đến cảm giác bình yên. Thiên nhiên như một bài hát không lời, gợi cho con người cảm hứng và thiên nhiên cũng tạo ra cho ta một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Ngoài ra, ban tổ chức cũng trao giải tranh tiêu biểu về chủ đề “Niềm tin”, cho tác phẩm “Xưởng mộc” của em Nguyễn Xuân Tú (16 tuổi), từ trường giáo dưỡng Ninh Bình; giải Việt Nam ước mong cho tác phẩm “Bác sĩ siêu nhân” của em Nguyễn Vũ Duy (Nam Định).
Ông Minh Nhân – Cố vấn và Sáng lập chương trình “Việt Nam ước mong” trao tặng tranh cho Đại đức Thích Minh Niệm – vị khách mời đã đồng hành với nhiều hoạt động của chương trình, tại lễ bế mạc chương trình ngày 17/12.
Tại sự kiện tọa đàm “Trở về tuổi thơ” ngày 16/12, đại đức Thích Minh Niệm đã lý giải về khao khát được trở về tuổi thơ, cách giúp trẻ thơ hàn gắn những tổn thương trong quá khứ và cách cha mẹ đồng hành, gắn kết với con. Trong talkshow “Tranh vẽ và sự thức tỉnh” ngày 17/12, thầy Minh Niệm chia sẻ cách trung tâm chữa lành của mình giúp đỡ cho những tâm hồn bị tổn thương: đặt mỗi cá nhân vào trong hệ sinh thái: nơi có tình người, sự quan tâm, sự lắng nghe, không phán xét, để họ có cơ hội tìm được chính mình. Thầy đưa ra lời khuyên cho một người phụ nữ bị trầm cảm là hoạt động tay chân nhiều hơn thay vì chỉ hoạt động trí óc, tiếp xúc với những người có năng lượng mạnh để thúc đẩy mình, đồng thời ghi nhật ký về những điều tích cực mỗi ngày, “tạo ra một hệ sinh thái mới, dọn dẹp nếp sống của chính mình”.
Ông Marc Knapper – Đại sứ Mỹ tại Việt Nam đi dọc con đường, ngắm nhìn một số tác phẩm của các em nhỏ. Vị đại sứ bày tỏ sự xúc động khi ước mơ, hy vọng về cuộc sống tươi đẹp được các em thể hiện qua từng nét vẽ, màu sắc. “Tôi có mặt tại đây để gửi đến thông điệp: Mỹ sẽ luôn sát cánh với Việt Nam trong những nỗ lực nhằm tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn cho các em”, ông Marc Knapper nói.
Nhà ngoại giao quốc tế nhấn mạnh quyền được bảo vệ, mưu cầu hạnh phúc và ước mơ của trẻ em yếu thế nói riêng và trẻ em nói chung, và “không có gì quan trọng hơn việc ủng hộ thế hệ tương lai”.
Không trực tiếp tới dự chương trình, song thời gian qua Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng luôn dõi theo sự kiện. “Những em nhỏ này không phải yếu thế mà là những đứa trẻ đặc biệt, có năng lực đặc biệt, có góc nhìn và cảm nhận đặc biệt, có cách sống đặc biệt và có đóng góp xã hội đặc biệt”, ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ khi ngắm nhìn những bức tranh của các em nhỏ trước đó.
Chương trình “Việt Nam ước mong” nằm trong chuỗi hành động vì trẻ em yếu thế, bắt đầu từ năm 2021, với mục đích ban đầu tạo sân chơi cho các em nhỏ mắc bệnh hiểm nghèo, mồ côi, khuyết tật… khi bị mắc kẹt vì các đợt giãn cách do Covid-19, đồng thời tạo nên không gian sẻ chia ước mơ, tâm tư, tình cảm của các em. Sau này, chương trình mở rộng, triển khai các hoạt động nhằm lan toả tình yêu thương, sự lắng nghe, thấu hiểu và quan tâm của cộng động với trẻ em, đặc biệt là trẻ yếu thế.
Sự kiện do Chương trình Ông Mặt trời, Quỹ Hy Vọng (HOPE), Đại học Ngoại thương, Truyền hình Quốc hội, Báo VnExpress, Saigontel, KidZania và trường TH School phối hợp tổ chức.
Hoài Phong
Điểm trường làng Hrách và Lơ Pơ, huyện Kông Chro được Quỹ Hy vọng và các đơn vị tài trợ xây mới thay thế cho những lớp học đã xuống cấp, thấm dột. Ngày 14/11, gần 100 học sinh, giáo viên Điểm trường Hrách thuộc…
Học sinh trường TH & THCS Quang Minh tìm hiểu kiến thức về dinh dưỡng và ăn liên hoan trong ngày hội do Quỹ Hy vọng và De Heus tổ chức. Ngày hội dinh dưỡng học đường chủ đề “Vững bụng đến trường” được tổ…
Jomoo Việt Nam và trường Hy Vọng đã ký biên bản tài trợ thiết bị trị giá 2 tỷ đồng cho 138 phòng vệ sinh trong ngôi trường mới dành cho 300 trẻ mồ côi vì Covid-19, chiều 14/11. Phát biểu tại buổi ký kết,…
Men vi sinh chứa các vi sinh vật có lợi, hỗ trợ cải thiện cân bằng hệ vi sinh đường ruột, cải thiện sức khỏe cơ thể song cần tránh lạm dụng. Nội dung: Văn HàThiết kế: Ngân Hà
Dự án Vệ sinh học đường giúp sức khỏe của 98% học sinh được cải thiện nhờ thay đổi thói quen sinh hoạt như rửa tay thường xuyên, không phóng uế bừa bãi, dọn dẹp định kỳ. Đỗ Nam – Kim Anh
Công ty De Heus Việt Nam tài trợ 1,2 tỷ đồng cho dự án “Dinh dưỡng học đường” của Quỹ Hy vọng, cải thiện bữa ăn của học sinh ở ba trường ở Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An. Ba trường được dự án hỗ…