ĐỒNG NAI- Chồng vừa phát hiện ung thư giai đoạn cuối dịp Tết năm 2022, gần một năm sau, chị Dung lại nhận tin con trai cũng bị căn bệnh tương tự.
Cuộc sống của chị Võ Thị Dung (46 tuổi) ở xã Tân Hiệp, Biên Hòa những tưởng sẽ trôi đi trong êm đềm, yên ả. Chồng có nghề hàn xì, vợ bán đồ ăn sáng trước cổng trường, kinh tế gia đình không dư dả nhưng đủ nuôi hai con ăn học.
Giáp Tết năm 2022, chồng chị kêu tức ngực, khó thở. Ban đầu anh bị Covid-19, nhưng đi viện xét nghiệm ra ung thư gan giai đoạn cuối. “Mọi thứ quá đột ngột. Anh nằm viện điều trị được một tháng thì bệnh viện trả về”, chị Dung kể.
Từ lúc đó, chị nghỉ bán hàng để chăm chồng. Trong nhà có bao nhiêu tích lũy đổ hết vào thuốc thang kéo dài sự sống cho anh. Nhưng cũng chỉ cầm cự được nửa năm, anh qua đời trong đau đớn.
Bao nhiêu năm chồng là trụ cột kinh tế, nay chị Dung phải học cách chèo chống gia đình. Qua 49 ngày mất của anh, chị quay lại bán hàng kiếm sống. Để tiện lo cho con mỗi sáng đi học, chị bỏ nghề bán đồ ăn sáng, chuyển qua xe hàng rong bánh tráng trộn. Phải đi xa và nắng nôi hơn, bù lại được lãi chừng 300.000 đồng mỗi ngày, đủ để co kéo nuôi hai con đang học đại học và lớp 7.
“Ba mẹ con động viên nhau chỉ còn một năm nữa con gái lớn ra ra trường có thể tự lo cho bản thân. Lúc đó mình tôi nuôi con út cũng không quá khó khăn”, chị Dung tính.
Đầu năm 2023, Gia Trường (con thứ hai) đi học về nói chuyện chạy thể dục mấy vòng quanh sân mệt muốn xỉu. Nhìn con da vàng, môi trắng bệch, không ăn được, chị Dung đem đi phòng khám gần nhà. Bác sĩ lấy máu xét nghiệm rất nhanh chóng xác định bị ung thư máu. “Tôi không tin, nghĩ chắc bác sĩ nhầm”, chị nói.
Hôm sau chị đưa con lên bệnh viện tỉnh khám lại. Chỉ trong buổi sáng đã có kết quả chẩn đoán y hệt. Nghe thông báo mà chị Dung hoa mắt chóng mặt, đứng không vững. Bác sĩ chưa dứt lời, chị chạy ào ra góc hành lang cố trấn tĩnh, con tim như có ai bóp nghẹt. “Một năm hai lần nghe tin dữ. Tôi đấm vào ngực cố bình tĩnh lại mà vẫn khóc không biết trời đất”, người mẹ kể.
Nỗi đau mất chồng chưa nguôi nay lại cú sốc nữa. “Nghĩ đến con trai hồn nhiên nói về bao ước mơ mà lại bị căn bệnh giống bố”, chị nghẹn ngào nói.
Không còn chỗ nào để bấu víu, chị gọi cho con gái đang học ở Sài Gòn: “Con về với mẹ đi, mẹ không thở được nữa mất”. Lần thứ hai trong thời gian ngắn, Lệ Linh, con cả của chị Dung, nhận tin dữ về hai người thân nhất của mình.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, lời giải đáp của các bác sĩ như phao cứu sinh với chị Dung. Bác sĩ cho biết Gia Trường bị bạch cầu cấp dòng lympho B. Bệnh này sẽ phải qua khoảng ba năm điều trị, nếu đáp ứng thuốc và chăm sóc tốt, bé hoàn toàn có thể khỏe mạnh trở lại.
Dù vậy, thời gian đầu tiên đi viện không hề dễ dàng với hai mẹ con. Gia Trường vào thuốc người gầy tọp đi, từ 45 kg chỉ còn 32 kg. Chưa quen thuốc nên con mệt, nằm li bì, mồm miệng lở, thèm ăn mà không ăn được. Mỗi lúc nhìn con đi không nổi, chị Dung lại đỏ hoe mắt. Suốt một tháng đầu, vì quá sốc nên chỉ đợi khuya con ngủ là người mẹ trốn ra hành lang, chui vào toilet khóc vì cuộc sống nghiệt ngã.
Gia Trường là cậu bé vô cùng hiểu chuyện. Khi cha mất, em đã sớm ý thức được mình phải trở thành chỗ dựa cho mẹ và chị gái nên từ ngày đó Trường chủ động việc học, đi học về còn phụ mẹ làm hàng. Đợt Tết, em xin mẹ đi bán trà sữa để kiếm thu nhập.
Lúc phải đi bệnh viện, mặc dù không ai trực tiếp nói về bệnh, Trường vẫn đoán được. Em hợp tác điều trị, mỗi ngày đều vui vẻ tiêm truyền uống đủ loại thuốc, dù đau mệt tới đâu. Một lần thấy con đã nhận thức được bệnh của mình, chị Dung nói con cố gắng điều trị 36 tháng sẽ ổn. “Toang rồi, thế khỏi đi học luôn”, Trường hài hước đáp.
Sự lạc quan, mạnh mẽ của con giúp chị Dung cũng dần thông suốt. Tâm thế của những phụ huynh cũng cảnh ngộ cũng làm chị nhận ra phải “quẳng gánh lo đi mà sống”. Đợt đầu và đợt hai vào thuốc của con đã được nội ngoại hai bên, xóm giềng hỗ trợ. Để có kinh phí cho các đợt tới, chị Dung đang tính rao bán nhà ngôi nhà cấp 4 của mình.
“Đợt trước bố cháu bị bệnh tôi đã tính bán mà chưa kịp anh đã ra đi. Lần này dù không còn nhà cửa, phải đi ở trọ hay bằng các giá nào khác, tôi cũng phải cứu được con”, người mẹ nói.
Bác sĩ Nguyễn Thị Lưu Ngân, khoa Ung bướu huyết học, Bệnh viện Nhi đồng II, cho biết hiện tại Gia Trường đang vào thuốc đợt thứ hai. Bé có sức khỏe tốt nên đáp ứng điều trị tốt. Tuy nhiên, chi phí điều trị thực sự là gánh nặng với gia đình, nhất là khi Gia Trường đã lớn nên phải chi trả 20% phí điều trị ngoài bảo hiểm.
“Bệnh này thời gian điều trị cả tháng mỗi lần, chi phí tiền giường, sinh hoạt, ăn uống, đi lại, thuốc bên ngoài rất lớn. Lượng thuốc Trường cần cũng nhiều hơn hẳn bệnh nhi ít tuổi hơn”, bác sĩ Ngân cho hay.
Phan Dương
Điểm trường làng Hrách và Lơ Pơ, huyện Kông Chro được Quỹ Hy vọng và các đơn vị tài trợ xây mới thay thế cho những lớp học đã xuống cấp, thấm dột. Ngày 14/11, gần 100 học sinh, giáo viên Điểm trường Hrách thuộc…
Học sinh trường TH & THCS Quang Minh tìm hiểu kiến thức về dinh dưỡng và ăn liên hoan trong ngày hội do Quỹ Hy vọng và De Heus tổ chức. Ngày hội dinh dưỡng học đường chủ đề “Vững bụng đến trường” được tổ…
Jomoo Việt Nam và trường Hy Vọng đã ký biên bản tài trợ thiết bị trị giá 2 tỷ đồng cho 138 phòng vệ sinh trong ngôi trường mới dành cho 300 trẻ mồ côi vì Covid-19, chiều 14/11. Phát biểu tại buổi ký kết,…
Men vi sinh chứa các vi sinh vật có lợi, hỗ trợ cải thiện cân bằng hệ vi sinh đường ruột, cải thiện sức khỏe cơ thể song cần tránh lạm dụng. Nội dung: Văn HàThiết kế: Ngân Hà
Dự án Vệ sinh học đường giúp sức khỏe của 98% học sinh được cải thiện nhờ thay đổi thói quen sinh hoạt như rửa tay thường xuyên, không phóng uế bừa bãi, dọn dẹp định kỳ. Đỗ Nam – Kim Anh
Công ty De Heus Việt Nam tài trợ 1,2 tỷ đồng cho dự án “Dinh dưỡng học đường” của Quỹ Hy vọng, cải thiện bữa ăn của học sinh ở ba trường ở Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An. Ba trường được dự án hỗ…