NGHỆ AN- Đối với anh Dương Văn Tý, căn bệnh vẩy nến hành hạ gần 40 năm không xót xa bằng việc chứng kiến con gái 6 tuổi kìm nén những cơn đau của bệnh ung thư xương.
“Con chịu khó, bố đang cố hết sức rồi”, người đàn ông 39 tuổi thường ôm con vào lòng vỗ về mỗi lúc thấy con rên khe khẽ. Bé Thùy Dung (con gái anh) vừa trải qua ca mổ u xương đùi trái, không thể đứng dậy. Mỗi khi bé muốn lật người, anh Tý phải dùng tay nâng con lên rồi điều chỉnh lại tư thế. Dù đau đớn nhưng trước mặt bố, Dung ít khi khóc.
Anh Tý sống ở thôn Đông Xuân, xã Trung Phúc Cường, huyện Nam Đàn bị vẩy nến toàn thân từ 6 tháng tuổi. Căn bệnh khiến da anh khô khốc, tróc vẩy, chảy nước, toàn thân đỏ như con tôm luộc. Mùa nắng, bệnh phát nặng, những lớp vẩy phủ kín thân khiến cơ thể bị bó chặt lại “như con nhộng nằm trong tổ kén”. Thời điểm nặng nhất, anh nằm co cứng trên giường tới 7-8 tháng, tay chân không thể cử động. “Nếu cố di chuyển, da sẽ nứt toác, toàn thân cứ thế rỉ máu, vừa đau, vừa xót”, người bố ba con nói.
Vì mắc bệnh mãn tính nên đến năm 32 tuổi anh mới lập gia đình. Một năm sau bé Thùy Dung chào đời. Năm đầu đời của con, ngày nào người bố cũng sờ nắn lật trở từng ngón tay ngón chân con gái lên kiểm tra xem có vết đỏ (triệu chứng ban đầu của bệnh vẩy nến) hay không. Một, hai rồi ba năm, Dung lớn lên khỏe mạnh, da mượt mà khiến anh Tý thở phào.
Nhưng niềm vui không được bao lâu. Tháng 1/2023, bé Dung đi học về kêu mỏi chân, không thể ngủ được vì đau. Người bố nghĩ do con đùa nghịch nên đắp khăn nóng để cơn đau dịu đi. Mấy ngày tiếp theo, cứ khi nào con kêu anh lại chườm khăn nóng. Chỉ đến khi cô bé đi lệch hẳn một bên, anh đưa con ra viện chụp chiếu mới phát hiện có khối u ở chân.
Thời điểm này một bác sĩ nhi ở Hà Nội vào thăm khám tại Viện Sản Nhi Nghệ An biết tới trường hợp này, yêu cầu gia đình đưa con ra Hà Nội sinh thiết. Kết quả, Dung bị u xương đùi.
Nghe kết luận, người cha cả đời phải sống chung với vẩy nến hoàn toàn gục ngã, không tin con gái bị ung thư khi mới 5 tuổi. Điều khiến anh xót xa nhất là mỗi lần đau đớn, Dung lại lăn lộn, lấy tay đánh mạnh vào chân rồi hét lên “Bố, con đau quá, cắt chân con đi”. Nhìn con vật lộn trên giường bệnh, anh Tý lại nắm chặt tay, xin tha thứ bởi nghĩ bản thân đã không chăm sóc tốt.
Thời gian đầu bé Dung nằm viện ở Hà Nội, bệnh vẩy nến của anh Tý tái phát, phải nằm một chỗ. Mẹ bận trông em nhỏ nên phải nhờ người họ hàng chăm sóc. Ở đợt hóa trị đầu tiên, cơ thể cô bé phản ứng dữ dội, nôn cả ngày kèm sốt li bì. Ở bệnh viện cả tháng, cứ đến chiều cô bé lại đưa ánh mắt nhìn ra cửa liên tục hỏi khi nào khỏi bệnh và được về nhà vì nhớ bố mẹ và các em.
Thương con, khi đứng dậy đi lại được, anh Tý lập tức bắt xe lên Hà Nội. Hai bố con, một ung thư, một vẩy nến cùng chăm sóc nhau trong viện.
Từ nhỏ, Dung đã chứng kiến bệnh tình của bố nên ít kêu khóc. Mỗi lần vào thuốc mệt mỏi, cô bé chỉ quay mặt vào trong tường rên rỉ thật khẽ vì không muốn bố thêm lo lắng. “Con bé hiểu chuyện đến đau lòng”, anh Tý nói.
Do hóa trị thời gian dài nên Dung bị rụng tóc và sụt 5 kg nhưng khi khỏe hơn lại chủ động chăm sóc vết thương cho bố vì chăm con hoạt động nhiều mà rỉ máu. Dung thường xuyên động viên bố không được buồn và ăn nhiều cơm để “đuổi bệnh vẩy nến đi”.
Gần đây cơ thể có chuyển biến lạ, biết bệnh tình sắp tái phát, anh Tý lại gọi điện cho em trai ở quê nhờ lên chăm giùm. Dung nghe được, nắm chặt hai tay bố, hứa ở lại viện sẽ ngoan và vâng lời bác sĩ. Anh kể, nghe con nói nên xách vội ba lô chạy ra ngoài, ngăn dòng nước mắt trực trào.
Ngày Dung được đưa lên bàn mổ hai tuần trước, người bố nén đau ra viện chăm sóc con. Sáu tiếng chờ đợi, mắt anh dính chặt vào cánh cửa phòng phẫu thuật, không dám đi đâu dù chỉ một bước vì muốn con gái ra khỏi phòng mổ sẽ an tâm hơn khi người đầu tiên nhìn thấy là bố.
“Con đang giành giật sự sống trong cánh cửa khép kín. Tôi phải ở lại để cháu tin dù khó khăn thế nào cũng có bố ở bên”, anh Tý nói.
Dù Dung cần phải điều trị lâu dài, nhưng với kinh tế hiện tại, anh Tý không biết gia đình sẽ khó gắng gượng được lâu nữa. Ngoài vài sào ruộng năm đủ ăn, năm mất mùa, gánh nặng kinh tế dồn hết vào nguồn thu nhập từ nghề bắt cua đồng của người vợ, tháng nhiều kiếm hơn một triệu đồng. Trong nhà cũng chẳng có vật dụng gì giá trị, vay được đồng nào lại thuốc men hết cho con, cho bố.
“Tôi đang tính ai thuê gì làm nấy như phụ hồ, làm ruộng cố gắng tằn tiện bớt đồng nợ nào hay đồng đó, đỡ đần được vợ. Nhưng chỉ sợ được thời gian lại phát bệnh nên chẳng ai dám nhận’’, anh Tý nói.
Giờ, mong ước của ông bố này là thấy con gái đi lại được sau ca phẫu thuật. Nếu khỏe hơn, anh sẽ đưa con đi chụp ảnh cùng áo cử nhân, thứ mà Dung đã bỏ lỡ với các bạn lớp mầm non vừa tốt nghiệp tháng 5, vì bận ở Hà Nội chữa ung thư.
Hải Hiền
Quỹ Hy vọng trao 6 thư viện điện tử và bàn giao 6 điểm trường được sơn sửa cho học sinh huyện Sông Mã. Ngày 12/10, Quỹ Hy vọng cùng Tập đoàn FPT và công ty Vuihoc đã trao 6 thư viện điện tử cho…
Học sinh tại Mù Cang Chải vui mừng khi có khu nhà vệ sinh mới, đầy đủ đường nước vào trực tiếp, không còn phải xách từng xô nước mỗi khi sử dụng. Ngọc Ngọc
Nhiều trường học vùng cao gặp khó khi không có nhà vệ sinh, học sinh phải dùng lán tạm, sau khi được quỹ Hy Vọng và Opella tài trợ các em đã yên tâm hơn khi đến lớp. Dự án xây 20 cụm công trình…
Quỹ Hy vọng cùng các nhà tài trợ đồng hành khởi công ba công trình nhà tắm đầu tiên ở các tỉnh Bắc Kạn, Yên Bái, Sơn La giúp học sinh đảm bảo sức khỏe, cải thiện chất lượng học tập. Ngày 11/10, Quỹ Hy…
Hai phòng học xây mới cùng công trình vệ sinh, sân chơi tại điểm trường Tiểu học Chà Lan, huyện biên giới Mường Lát vừa được Quỹ Hy vọng và FPT khánh thành, bàn giao cho địa phương sử dụng. Điểm trường Tiểu học Chà…
Thông qua Quỹ Hy vọng, Công ty TNHH Lixil Việt Nam tài trợ cho 4 trường chịu nhiều thiệt hại do bão Yagi thuộc huyện Văn Yên và Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Trong hai ngày 24-25/9, Công ty TNHH Lixil Việt Nam đã trao…