Nửa năm nay, anh Vàng A Dình, 25 tuổi, Điện Biên, ở viện chăm con trai Vàng A Quế 5 tuổi, đang điều trị ung thư, dù có thời điểm anh mắc Covid-19.
Tối 7/3, hai bố con anh Dình được chuyển từ Bệnh viện Nhi Trung ương về khu cách ly điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên, do mắc Covid-19. Anh yếu, đau đầu, đau họng, sổ mũi và hơi gai sốt, thỉnh thoảng ho húng hắng, tuy nhiên vẫn cố gắng chăm sóc con.
“Tôi sợ sẽ lây virus sang cho con nhưng gia đình không còn ai, sức khỏe cháu quá yếu nên tôi ở lại chăm sóc”, anh chia sẻ.
Bé Quế bị u lympho burkitt – một dạng ung thư hạch bạch huyết, đang điều trị hóa chất. Vài ngày sau khi chuyển về bệnh viện tỉnh, bé lây Covid-19 từ bố. Anh A Dình kể, từ khi mắc bệnh, bé gầy yếu, rụt rè, không nói cười. Sau nhiều đợt truyền hóa chất tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bé yếu đi nhiều.
Sáng 13/3, khi đang điều trị, bệnh tình bé trở nặng, tụt bạch cầu, sốt cao. Ngay trong đêm, các bác sĩ phải chuyển bé đến Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu. Anh A Dình lo lắng theo dõi con từ xa.
Vàng A Quế là con thứ ba trong gia đình. Tháng 8/2021, khi đang tắm cho bé, người nhà phát hiện một khối u bên má trái, hơi sưng. Lúc đó cháu vẫn ăn uống vui chơi bình thường. Hai tuần sau, khối u ngày càng to lên, sưng phồng má, anh Dình đưa con đi khám tại Trạm y tế huyện, bác sĩ cho thuốc về uống.
Hai tuần tiếp theo, bé uống thuốc không bớt, khối u ngày một to, gần bằng quả bưởi, mất thẩm mỹ khuôn mặt. Bé bắt đầu gặp khó khăn trong ăn uống, nói chuyện. Anh A Dình đưa con đến bệnh viện tỉnh, sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị bệnh lympho burkitt, dạng khối u phát triển nhanh nhất ở người, nguy cơ chèn ép đường thở, làm hỏng hệ miễn dịch và người bệnh sẽ nhanh chóng tử vong nếu không được điều trị. “Lúc đó tôi vô cùng tuyệt vọng”, anh nhớ lại hồi tháng 9/2021.
Gia đình anh có 4 người con, sống trong căn nhà 32 mét vuông. Con thứ nhất sinh ra được khoảng một tháng thì bị viêm não và viêm phổi nặng. Sau khi điều trị ở bệnh viện tỉnh, bé không đi lại, không tự ăn uống được. Vợ anh là chị Giàng Thị Chính phải ở nhà trông con.
Một mình anh A Dình đi làm lo cơm áo gạo tiền. Làm nương vất vả mà thu nhập không đáng bao nhiêu, năm 2021, anh quyết định xuống làm thuê ở Hải Phòng, được 5 tháng thì bé A Quế bị bệnh. Anh bỏ việc để chăm con. Gia đình không có tiền nên phải vay nợ anh em cùng sự đóng góp của mọi người được 20 triệu đồng.
“Vợ chồng tôi tự nhủ dù có nghèo vẫn phải cố chạy vạy để có tiền chữa trị cho con. Nhìn khuôn mặt con biến dạng, ngày ngày không thể ăn, không thể nói mà lòng tôi đau thắt”, anh nói.
Anh A Dình ở lại Bệnh viện Nhi Trung ương cùng con từ tháng 9/2021 đến tháng 3. Sau khi phẫu thuật, khối u trên mặt bé đã hết. Bé được truyền hóa chất ba tuần một đợt, do đáp ứng kém nên cơ thể yếu, mệt, nôn nhiều, nôn ra máu. Bé không thể đi lại chạy nhảy, chỉ có thể ngồi, hoặc nằm.
Tháng 3, anh mắc Covid-19, vẫn phải ở bên con không rời. Sau khi truyền hóa chất, bé bị nhiễm trùng, phải trì hoãn điều trị. Bệnh viện quyết định chuyển hai bố con về khu cách ly, Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị.
Bác sĩ Phạm Thị Hồng, Khoa Ung thư, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết nguyên nhân bệnh u lympho burkitt không rõ ràng. Các nhà khoa học đưa ra một số yếu tố nguy cơ cao dẫn đến bệnh u lympho như tổn thương gene, nhiễm khuẩn, miễn dịch như suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc HIV/AIDS, sau ghép tạng…; bệnh lý tự miễn; môi trường như thuốc trừ sâu, dioxin, phóng xạ…
Các triệu chứng thay đổi tùy theo loại bệnh, trong đó 60% người bệnh có hạch to và không đau, thường xuất hiện ở cổ, hố thượng đòn, nách, bẹn, có thể gặp hạch trung thất, hạch ổ bụng. Các hạch này tăng kích thước nhanh, khối u tăng sinh có thể gấp đôi kích thước trong vòng 18 giờ.
Sau mỗi lần truyền hóa chất, sức khỏe bé A Quế suy giảm nghiêm trọng, bị nhiễm trùng, phải truyền kháng sinh, chống nấm… ít nhất hai tuần. Quá trình điều trị bị gián đoạn, có lần bé phải hoãn truyền hóa chất đến hai tháng, sức đề kháng kém đi nhiều, dinh dưỡng cũng kém hơn, phải đặt sonde ăn. Theo bác sĩ Hồng, việc trì hoãn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tuy nhiên hiện chưa thể đánh giá được nguy cơ, có thể tái phát bệnh nhiều hơn. Nếu bệnh nhân nổi hạch to trở lại hoặc xuất hiện, sốt, gầy sút cân… cần tái khám ngay. Hiện bé còn phải điều trị thêm ít nhất 4-5 tháng.
Ngày con trở nặng phải chuyển lại Bệnh viện Nhi Trung ương cũng là ngày anh Vàng A Dình chuẩn bị xét nghiệm Covid lần cuối để kết thúc cách ly. Anh chia sẻ: “Tôi mong khỏi Covid-19 để được ở bên chăm sóc con, lo cho con đến khi không thể”, anh nói.
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với chương trình Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của quý vị là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước. Mời xem thông tin về chương trình tại đây.
Thúy Quỳnh
Ba phòng học xây mới, ba thư viện điện tử được Quỹ Hy vọng và các đơn vị đồng hành bàn giao cho 4 trường ở huyện Quế Phong. Ba phòng học mới thuộc điểm trường Mường Piệt, trường Tiểu học Thông Thụ 1, xã…
Quỹ Hy vọng và Tập đoàn FPT tài trợ 225 triệu đồng thực hiện dự án “Trường em thay áo mới” sơn sửa 5 trường học ở huyện Bố Trạch. Ngày 24/12, các công trình sửa chữa, sơn mới đã hoàn thiện sau hơn một…
Tính đến ngày 16/12/2024, sau 3 tháng phát động với sự hỗ trợ từ hàng chục ngàn mạnh thường quân, chiến dịch “Xây lớp học mới – Mở lối tương lai” đã chính thức cán mốc số tiền quyên góp ấn tượng 234 triệu đồng…
Mỗi runner đăng ký giải chạy “Tết Hy Vọng 2025” sẽ góp một viên gạch xây nhà tắm giúp mùa đông của học sinh vùng cao ấm áp hơn. Giải chạy do Quỹ Hy vọng và vRace phối hợp tổ chức, bắt đầu từ ngày…
Quỹ Hy vọng khánh thành 14 cầu bê tông mới, trong đó có ba công trình do Roche Việt Nam tài trợ ở huyện Lai Vung và Châu Thành, ngày 1/12. Ba công trình khánh thành đợt này gồm cầu Hy Vọng 382, 383, 384,…
Sau 2 tháng, dự án gây quỹ xây mới phòng học do Đông Tây Barbershop phối hợp cùng MoMo và Quỹ Hy vọng thực hiện đã cán mốc 100 triệu đồng. Từ ngày 16/9, Đông Tây Barbershop trích 5.000 đồng với mỗi giao dịch thanh…