Bà Bùi Thị Ren chuốt lại mái tóc đã bạc phơ của mình, chỉnh chiếc áo nhăn nhúm khi thấy có khách lạ ghé thăm. Cũng lâu rồi bà cũng không còn sở thích đi dạo ra phía hiên nhà, hay ra cánh đồng ngắm đàn cò kiếm mồi. Bà Ren chỉ nằm một chỗ.
Quê Giồng Trôm (Bến Tre), bà từng làm giáo viên ở TP HCM. Cuộc sống giáo chức thị thành khó khăn, bà về quê lấy chồng rồi sinh được một con gái. Hai đời chồng đều phụ bạc, bà ở lại nuôi con gái riêng khôn lớn. Nhưng rồi lúc tưởng được an hưởng tuổi già, con gái duy nhất bất ngờ đổ bệnh, qua đời khi vừa 30 tuổi, để lại mình bà Ren và căn nhà vách lá.
Không còn người thân, bà Ren đi bán vé số kiếm sống qua ngày. Căn nhà vách lá cũng để lại cho họ hàng. Người phụ nữ cứ thế lang thang đến tận ngoài tuổi 70.
Cơ duyên giúp bà biết đến và xin vào dưỡng lão ở mái ấm Mây Ngàn hơn hai năm nay. Mái ấm Mây Ngàn được thầy Thích Đình Tánh, trụ trì chùa Cẩm Phong (huyện Gò Dầu) thành lập năm 1996. Ban đầu, thầy Tánh chỉ đơn giản là mở cửa chùa cho những người không nơi nương tựa đến nhờ cửa Phật. Nhưng rồi nhiều người từ khắp ba miền biết và xin đến tá túc.
Không gian chùa ngày càng chật chội. Phải đến cách đây 5 năm, nhờ tiền quyên góp, chùa Cẩm Phong mới xây được một dãy nhà kiên cố riêng cho mái ấm. Hiện nay, Mây Ngàn nuôi dưỡng 148 cụ già và 77 trẻ nhỏ.
Cụ bà Phạm Thị Cẩm rưng rưng nước mắt ở tuổi xế chiều. Ảnh: Phước Tuấn |
Ở phòng bên, đã 94 tuổi, cụ bà Phạm Thị Cẩm, quê Long An vẫn còn minh mẫn. Sau mỗi bữa cơm bà đều đi bộ ra lan can dùng vòi nước công cộng rửa chén. Là người có thâm niên lâu nhất ở mái ấm, bà Cẩm đã nương nhờ chùa Cẩm Phong gần 20 năm nay, từ những ngày đầu vào chùa giúp sư thầy làm công quả. Nhớ lại ký ức với gia đình nghèo, bà Cẩm phải mưu sinh từ nhỏ, rồi lang bạt làm thuê cho một số gia đình khá giả ở Sài Gòn. Thời con gái, ngoại hình xấu với thân phận làm thuê nên chẳng dám thương ai. Đến lúc về già thì người thân chẳng còn.
Ở mái ấm này, mỗi phòng rộng chừng 12 m2, được bố trí hai người, mỗi cụ mỗi giường với một chiếc tủ nhỏ đựng vật dụng cá nhân. Ai khoẻ thì ở lầu trên, sức khoẻ yếu, đau chân thì ở tầng trệt.
Ngoài những số phận neo đơn, một số người bị bệnh được con cái, gia đình gửi vào rồi bặt vô âm tính. “Nhiều lúc các cụ chết lặng lẽ ngay trên giường mà không có người thân bên cạnh”, một cụ ông thở dài.
Với sự nỗ lực của các nhà hảo tâm, các cụ có đồ ăn và chỗ ngủ, người già được khám bệnh, trẻ em được đi học, có chỗ vui chơi. Nhưng Mây Ngàn vẫn còn nhiều thiếu thốn, và những nỗi buồn không tên.
Ông Năm nằm bên mái nhà tranh vách lá ở mái ấm Mây Ngàn. Ảnh: Phước Tuấn |
Ông Trần Công Năm (73 tuổi) nằm nghỉ bên chiếc radio cũ vừa được một vị khách tặng. Đó là kênh giải trí duy nhất của nhóm bạn già ở “khu mái lá”. “Đôi lúc gió lạnh luồn qua và mưa tạt ướt nhưng chẳng ai phàn nàn gì, vì vẫn hạnh phúc hơn lang thang bên ngoài”, ông Năm nói về chỗ ở của mình.
Ông Năm kể từng làm tài xế xe buýt ở Phan Rang – Tháp Chàm. Sau khi ba người con chết sớm, vợ bỏ đi, ông lặng lẽ sống một mình. 12 năm trước, ông đến cư ngụ trong một ngôi chùa ở Lâm Đồng. Chừng 5 năm thì ông chuyển về chùa Cẩm Phong. “Gia đình giờ chẳng còn ai, thỉnh thoảng một số người quen ở quê có gọi vào hỏi thăm, còn lại ngày thường chỉ làm bạn với những người cùng cảnh ngộ”, ông Năm nói.
“Ở đây ít người ra khỏi phòng lắm, có những lúc ghế đá chỉ có vài cụ nhưng cũng chẳng ai nói với ai câu nào, mặt ai cũng trầm ngâm”, cụ Cẩm nhận xét về những người bạn già.
“Nỗi buồn lớn nhất với những thành viên của Mây Ngàn không phải sự thiếu thốn vật chất, mà là sự cô đơn”. chị Hồ Thị Tuyết Danh, Thư ký mái ấm Mây Ngàn nói.
Vừa bóc vỏ củ khoai từ, bà Lâm Thị Tuyết (70 tuổi) đưa cho cậu con trai đã gần 50 tuổi. Nhiều năm nay, hai mẹ con nương tựa vào nhau sống ở mái ấm Mây Ngàn. Con trai bà bị bệnh tâm thần, lúc tỉnh lúc mê, cũng là người thân duy nhất còn lại của bà. “Quê ở tận Hải Dương cũng không còn ai thân thích, tôi chỉ mong được sức khoẻ để chăm sóc cho con, nếu tôi chết rồi thì nó biết dựa vào ai khi lên cơn bệnh”, bà Tuyết nói.
Trong khi đó, những ly nước, miếng cơm của bà Trần Thị Lan (82 tuổi) đều được cụ ông Trần Văn Năm (80 tuổi) lo từng chút một. Cuộc đời đưa đẩy số phận hai chị em dừng chân lại mái ấm từ nhiều năm nay. Khi người thân lần lượt bỏ ông bà đi, hai chị em dắt nhau vào mái ấm để sống những ngày cuối cùng.
“Mỗi lần đám giỗ con gái hay người thân cũng muốn về quê song giờ sức khoẻ không cho phép. Chỉ mong trước khi chết được về quê hương xứ sở một lần”, bà Ren buồn rầu.
Hai chị em bà Lan nương tựa, chăm sóc nhau tại mái ấm Mây Ngàn. Ảnh: Phước Tuấn |
Phước Tuấn
Sau hơn hai tuần phát động chương trình trao quà Tết, Quỹ Hy vọng đã nhận được đóng góp từ hơn 2.700 độc giả. Đây là năm thứ ba Quỹ Hy Vọng tổ chức chương trình tặng quà Tết. Năm 2018, gần 2.000 độc giả đã gửi quà qua chương trình để mang Tết về gần hơn cho 1.346 hoàn cảnh là trẻ mồ côi, khuyết tật nặng và người già neo đơn, bệnh nhân trong các trại phong.
Năm 2019, chương trình trao 1.200 phần quà Tết cho trẻ em, gia đình khó khăn diễn ra từ ngày 3 đến 10/1/2020 tại Lạng Sơn, Thanh Hóa, TP HCM, Tây Ninh. Mỗi phần quà trị giá 500.000 đồng và lì xì tiền mặt. Hoạt động có sự đồng hành của công ty xổ số điện toán Việt Nam Vietlott với 500 triệu đồng trích ra từ tiến bán vé số tự chọn cuối tháng 12 để “Trao cơ hội, nối ước mơ”.
Độc giả có thể tiếp tục chung tay tặng quà Tết 2020 bằng cách ủng hộ tại đây.