“Em sẽ mang hai chiếc bánh chưng mình tự gói về thắp hương cho cha mẹ và cùng anh em ăn Tết”, Hồ Văn Đệ nói.
Đệ là học sinh lớp 9, nước da ngăm đen, dáng người nhỏ như học sinh lớp 6. Thảm hoạ thiên tai ở vùng núi Quảng Nam cuối tháng 10 năm ngoái đã cướp mất mẹ cha, khi cả nhà đang tránh bão Molave trong nhà ở nóc Ông Đề (xã Trà Leng, huyện Nam Trà My). Bốn anh em Đệ sống cảnh mồ côi.
7h sáng 6/2, trời lất phất mưa. Đệ cùng hơn 200 học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Trà Leng kéo nhau về khoảng sân rộng trước khu nhà bán trú. Nhà trường cho các em nghỉ học, tổ chức thi gói bánh chưng, ăn tết cổ truyền. Chương trình được thông báo nhiều ngày trước, khiến lũ trẻ náo nức.
Bếp lửa được nhóm. Những đứa trẻ mặt lấm lem mồ hôi, hì hục vừa quạt cho lửa bùng lên, vừa chia phiên nhau nhúng lá dong, cắt theo khổ của chiếc khuôn gỗ; chẻ lạt từ những cây giang lấy trên rừng về; gạo nếp hạt to tròn đều, đậu xanh nấu nhuyễn, thịt lợn ba chỉ ướp sẵn gia vị được bày gọn gàng trên bàn.
Hồ Văn Đệ với đôi tay khéo léo vuốt từng nếp lá dong cho vào khuôn gỗ, gấp góc gọn gàng rồi đổ gạo nếp đến non nửa, chêm hai thìa đậu xanh, hai lát thịt lợn, đổ thêm lớp đậu, gạo và cột lạt lại. Được cô giáo khen gói bánh đẹp, Đệ nở nụ cười rồi quay sang bày cho các bạn cùng làm.
“Em vui lắm, vì vừa được gói bánh cùng các bạn, vừa có phần bánh mang về nhà mới để ăn tết cùng hàng xóm”, Đệ nói. Bốn anh em đệ đều cố gắng theo đuổi việc học. Người anh cả là sinh viên đại học ở Huế, mấy ngày trước đã về làng nhận nhà, ở khu tái định cư mới gần trụ sở uỷ ban xã.
15h, bánh chín. Những đứa trẻ được thầy cô hướng dẫn nhấc từng tấm bánh còn nghi ngút khói, bỏ lên một chiếc nia. Để bánh mau nguội, chúng hùa nhau dùng miệng thổi. Tiếng cười nói vang một góc sân. Chỉ trong một buổi, hơn 200 chiếc bánh được gói và luộc xong.
Cô giáo Huỳnh Thị Hà (23 tuổi), bóc chiếc bánh chưng trong những ánh mắt háo hức của lũ trẻ, dùng lạt sạch cắt làm tám phần vuông vắn. Những đứa trẻ ở vùng cao ăn ngon lành, dù vừa xong bữa cơm trưa. Đây là Tết thứ hai liên tiếp, học sinh ở Trà Leng được gói và ăn bánh chưng.
Mỗi học sinh nơi đây được một cặp bánh chưng cùng một bao lì xì 50.000 đồng mang về nhà đón xuân mới. Đây là phần quà do Quỹ Hy vọng cùng các mạnh thường quân gửi đến người dân Trà Leng, với mong muốn giúp vơi đi phần nào những mất mát mà họ đã phải trải qua sau “cơn giận” của núi.
“Bánh chưng không phải là món lần đầu các em được ăn, nhưng hương vị ngày tết khiến các em vui và thích thú”, cô giáo Hà nói. Còn anh Nguyễn Duy Hiền, đại diện nhà tài trợ Vietlott chia sẻ được cùng gói bánh chưng và cảm nhận niềm vui của các học sinh là điều ấm áp nhất những ngày Tết đến xuân về.
Thầy Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Trà Leng, cho biết từ nguồn tiền của Quỹ Hy vọng, nhà trường còn tổ chức cho giáo viên và học sinh thi trang trí mai, đào để tạo thêm không khí đón Tết. “Tết này học sinh và các thầy cô có sân chơi để thêm gắn bó”, thầy nói.
Ngược lên huyện miền núi Phước Sơn phía tây của tỉnh Quảng Nam, Quỹ Hy vọng đón xuân cùng thầy và trò trường Phổ thông thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Phước Kim 245 phần quà; Trường tiểu học và THCS Phước Thành 422 phần quà, mỗi phần 50.000 đồng.
Quỹ cũng trao 204 triệu đồng cho Trường tiểu học và THCS Phước Kim; 100 triệu đồng cho Trường Tiểu học và THCS Phước Thành; 150 triệu đồng với Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Trà Leng nhằm bổ sung bữa ăn bán trú trong một năm. Bữa cơm mỗi ngày, với các em sẽ thêm 5.000 đồng để “thêm vài miếng thịt”.
Miền núi Quảng Nam vẫn còn ngổn ngang bùn, đất – dấu tích những trận sạt lở núi từ ba tháng trước. Nhưng trên con đường dẫn lên xã vùng cao Trà Leng, Phước Thành, Phước Kim, những cây quế đã dần hồi sinh, phảng phất mùi hương theo màu khói ai đó nhóm bếp. Trên đường, lũ học sinh nô đùa, nhảy chân sáo về nhà.
Quỹ Hy vọng sẽ tiếp tục quay trở lại Phước Kim vào mùa xuân, để xây khu nhà bán trú bị lũ quật ngang phần móng, giúp học sinh không phải ăn ngày hai bữa trong căn nhà tôn giữa mùa hè; về Phước Thành làm đường nước dài hơn 4 km để thầy và trò có nước sạch nấu ăn, tắm giặt.
Được vận hành bởi báoVnExpress, Quỹ Hy vọng theo đuổi hai mục tiêu: Hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn và tạo động lực phát triển. Mời bạn xem thêm thông tin về Quỹ Hy vọng tại đây.
Để đồng hành cùng Quỹ Hy vọng, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, độc giả có thể ủng hộ tại đây.
Nguyễn Đông – Đắc Thành
Tính đến ngày 16/12/2024, sau 3 tháng phát động với sự hỗ trợ từ hàng chục ngàn mạnh thường quân, chiến dịch “Xây lớp học mới – Mở lối tương lai” đã chính thức cán mốc số tiền quyên góp ấn tượng 234 triệu đồng…
Sau 7 ngày liên tục truyền hóa chất, nói không thành tiếng, nôn liên tục nhưng Nguyễn Mạnh Dũng vẫn cố ăn để có sức chống chọi với ung thư. Cậu bé 15 tuổi ở huyện Phúc Yên cho biết từ đầu năm nay bệnh…
Sợ con trai không thể tỉnh lại sau hôn mê, chị Cẩm ngày nào cũng nắm tay trò chuyện, cố kéo con trai vượt cõi chết trở về. “Minh tỉnh dậy tập thở, khỏe rồi hai mẹ con mua bánh sinh nhật nha”, chị Nguyễn…
Mỗi runner đăng ký giải chạy “Tết Hy Vọng 2025” sẽ góp một viên gạch xây nhà tắm giúp mùa đông của học sinh vùng cao ấm áp hơn. Giải chạy do Quỹ Hy vọng và vRace phối hợp tổ chức, bắt đầu từ ngày…
Bốn tháng sau cuộc phẫu thuật hiến tặng gan, Huỳnh Thị Thu Tuyền trở lại công việc bán hàng, trong khi con gái chuẩn bị đi học mẫu giáo. “Đây là cuộc sống tôi mơ ước suốt ba năm qua”, Tuyền, 22 tuổi, ở xã…
Quỹ Hy vọng khánh thành 14 cầu bê tông mới, trong đó có ba công trình do Roche Việt Nam tài trợ ở huyện Lai Vung và Châu Thành, ngày 1/12. Ba công trình khánh thành đợt này gồm cầu Hy Vọng 382, 383, 384,…