ĐỒNG NAI- Biết gia đình không đủ tiền trả viện phí, Nguyễn Đắc Lê Hưng không dưới hai lần xin mẹ cho về nhà, chỉ cần uống thuốc giảm đau.
Cậu bé 16 tuổi sống cùng mẹ và ông bà ngoại ở phường Long Bình, thành phố Biên Hòa kể từ sau khi bố mẹ ly hôn năm em lên ba. Thương con, chị Lê Thị Hợi, 41 tuổi, mẹ Hưng, làm đủ nghề vừa nuôi con ăn học vừa chăm sóc bố mẹ già đã ngoài 70 tuổi.
Thấy mẹ một mình đi làm nuôi gia đình bốn người, từ bé Hưng đã rất hiểu chuyện. Sáng học trên lớp, chiều về, em xin mẹ cho nhận đồ gia công như đan mây tre, gấp hàng may mặc, tiền công từ 200 đồng đến 9.000 đồng một sản phẩm. Cậu bé nói tiền làm thêm không nhiều nhưng có thể phụ thêm vào tiền sinh hoạt cùng mẹ.
Dù vậy Hưng luôn giữ thành tích học tập trong nhóm đầu của lớp. Từ lớp 1 đến lớp 9, em luôn là học sinh xuất sắc, điểm trung bình trung các môn đều trên 9,0. “Em muốn học thật giỏi để có thể đỗ đại học ngành công nghệ thông tin. Ra trường có việc làm, mẹ không phải đi làm công nhân, ông bà chẳng còn lo cơm từng bữa”, Hưng nói.
Câu nói của cậu bé khiến người phụ nữ 13 năm một mình nuôi con cảm thấy được an ủi. Chị Hợi nói con trai là động lực để bản thân tiếp tục phấn đấu, khó khăn vất vả sẽ vượt qua.
Cuối tháng 9/2023, hai chân của Hưng xuất hiện nhiều vết bầm tím sau lần đi đá bóng. Nghĩ trẻ nhỏ hiếu động, chị Hợi thoa dầu gió và mua thuốc tan máu bầm cho con.
Qua một tuần, các vết bầm không hết, cơn đau buốt từ xương khiến cậu bé lén mua thuốc giảm đau vì không muốn gia đình lo lắng. Chỉ đến khi hai chân không thể đi lại, cơ thể sốt cao, chị Hợi mới phát hiện và đưa con vào Bệnh viện Nhi Đồng Nai.
Nghi ngờ bị sốt xuất huyết, bác sĩ đề nghị gia đình cho bệnh nhi nhập viện theo dõi nhưng cậu bé chối. Hưng nói bản thân chỉ cần uống thuốc hạ sốt và ngủ là khỏe bởi nhập viện tốn tiền, mẹ phải nghỉ làm và không muốn nghỉ học.
Thấy con liên tục đòi về nhưng mặt tái mét vì đau, không thể cắt sốt, chị Hợi thuyết phục Hưng ở lại vài ngày. Qua các xét nghiệm, thấy bệnh nhi có triệu chứng bất thường, bác sĩ đề nghị gia đình chuyển lên Bệnh viện Truyền máu Huyết học ở quận Bình Chánh, TP HCM làm tầm soát. Tại đây, Hưng được chuẩn đoán bị bạch cầu cấp dòng tủy – một dạng ung thư máu có tế bào ác tính.
Là đứa trẻ tinh ý, cậu học sinh lớp 10 lờ mờ đoán ra bệnh. Lần đầu tiên em xin mẹ cho về, không muốn tiếp nhận hóa trị bởi biết chi phí tốn kém.
“Mẹ đừng cho con hóa trị. Nếu tốn nhiều tiền mà chỉ kéo dài thời gian sống được vài tháng thì cho con về”, Hưng nói. Câu nói của con trai khiến chị Hợi chỉ biết ôm Hưng vào lòng, liên tục trấn an: “Bằng mọi cách mẹ sẽ cứu con”.
Đợt đầu hóa trị, Hưng xin mẹ mang sách vở vào bệnh viện, bài giảng nhờ lớp phó học tập ghi lại rồi chụp ảnh gửi. Hình ảnh cậu bé mới 16 tuổi tay đầy kim truyền nhưng vẫn mệt mài học trên giường bệnh khiến những người xung quanh xúc động.
Kết thúc đợt hóa trị đầu, Hưng vẫn đến lớp thi giữa kỳ, hy vọng ra viện có thể theo kịp chương trình học.
Từ toa thuốc thứ hai, cơ thể nhiều lần kháng thuốc khiến việc học phải tạm dừng. Không ít lần cậu bé phải chuyển vào phòng cấp cứu để theo dõi do bị nhiễm đa kháng, xuất hiện biến chứng.
Luôn cười nói mỗi lúc tỉnh để mẹ an tâm, nhưng không ít lần Hưng lén vào nhà vệ sinh khóc. Em nói không muốn là gánh nặng của mẹ, để ông bà đầu hai thứ tóc phải đi khắp nơi vay tiền, nên muốn dừng điều trị. Nhưng chị Hợi không cho phép con trai từ bỏ hy vọng.
Sau mỗi đợt điều trị, mẹ con Hưng lại được về nhà. Tranh thủ những lúc rảnh chị Hợi lại đến công ty đi làm. Người phụ nữ 41 tuổi nói biết ơn công ty đã ủng hộ tiền, cho nghỉ không lương để đưa con đi điều trị.
Trước Tết, Hưng tình cờ biết bệnh tình dù hóa trị cũng không thuyên giảm do tế bào ung thư dễ tái phát. Muốn điều trị dứt điểm buộc phải ghép tủy của anh chị em ruột hoặc tìm người tương thích với mức phí lên đến 2-3 tỷ đồng.
Nhưng gia đình bốn người chỉ trông chờ vào thu nhập hàng tháng 7 triệu đồng của mẹ, Hưng biết số tiền ghép tủy là cả gia tài. “Hay mẹ cho con về, đừng tìm cách ghép tủy nữa. Cả nhà đã khổ quá rồi”, lần thứ hai Hưng xin mẹ cho dừng điều trị.
Đối diện với câu nói của con trai, chị Hợi vẫn một mực từ chối. Chị nói bằng mọi cách sẽ tìm cách cứu con, nhưng trước mắt cứ tiếp tục truyền hóa chất và chờ phác đồ điều trị của bác sĩ.
Những ngày đầu tháng ba, Hưng được ra viện một tuần sau đợt hóa trị lần thứ tư. Mỗi lần về nhà, cậu bé nói vui bởi liên tục có bạn bè đến thăm. Không khí trong căn nhà lại ngập tràn tiếng cười nói của đám trẻ.
Ngày ở nhà, Hưng thường mở sách vở ra ôn tập, sau cùng ông bà nấu cơm, dọn dẹp. Mỗi chiều muộn, em lại ngồi ở cửa chờ mẹ đi làm về nhà như xưa.
“Nếu con không ốm mẹ đã không khổ, ông bà và cậu không phải chạy vạy khắp nơi”, cậu bé nói. “Nhưng mẹ ơi, con sẽ khỏe lại chứ? Con sẽ lại được đến trường và thực hiện ước mơ sớm đi làm để có thể nuôi cả gia đình”.
Ôm Hưng vào lòng, người phụ nữ 41 tuổi chỉ mong những ước nguyện của con sẽ thành hiện thực. Để lần tới khi gặp bác sĩ, chị sẽ nhận tin tốt, cả gia đình lại tìm thấy tia hy vọng.
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của cộng đồng là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước.
Quỳnh Nguyễn
Tính đến ngày 16/12/2024, sau 3 tháng phát động với sự hỗ trợ từ hàng chục ngàn mạnh thường quân, chiến dịch “Xây lớp học mới – Mở lối tương lai” đã chính thức cán mốc số tiền quyên góp ấn tượng 234 triệu đồng…
Mỗi runner đăng ký giải chạy “Tết Hy Vọng 2025” sẽ góp một viên gạch xây nhà tắm giúp mùa đông của học sinh vùng cao ấm áp hơn. Giải chạy do Quỹ Hy vọng và vRace phối hợp tổ chức, bắt đầu từ ngày…
Quỹ Hy vọng khánh thành 14 cầu bê tông mới, trong đó có ba công trình do Roche Việt Nam tài trợ ở huyện Lai Vung và Châu Thành, ngày 1/12. Ba công trình khánh thành đợt này gồm cầu Hy Vọng 382, 383, 384,…
Sau 2 tháng, dự án gây quỹ xây mới phòng học do Đông Tây Barbershop phối hợp cùng MoMo và Quỹ Hy vọng thực hiện đã cán mốc 100 triệu đồng. Từ ngày 16/9, Đông Tây Barbershop trích 5.000 đồng với mỗi giao dịch thanh…
Điểm trường làng Hrách và Lơ Pơ, huyện Kông Chro được Quỹ Hy vọng và các đơn vị tài trợ xây mới thay thế cho những lớp học đã xuống cấp, thấm dột. Ngày 14/11, gần 100 học sinh, giáo viên Điểm trường Hrách thuộc…
Học sinh trường TH & THCS Quang Minh tìm hiểu kiến thức về dinh dưỡng và ăn liên hoan trong ngày hội do Quỹ Hy vọng và De Heus tổ chức. Ngày hội dinh dưỡng học đường chủ đề “Vững bụng đến trường” được tổ…