Từ hôm 1/4, khi cả nước thực hiện cách ly xã hội, những người bán vé số dạo như bà Lê Thị Thu Nữ, ngụ tại phường 3, quận 11, TP HCM không có thu nhập. Cả ngày bà chỉ ở quanh quẩn trong căn nhà khoảng 10 m2 với cậu con trai lớn mới ngã gẫy chân đang phải bó bột và đứa con út đang tuổi ăn học. Cuộc sống của ba mẹ con chủ yếu nhờ vào sự giúp đỡ của mọi người xung quanh và xã hội. Số tiền 750.000 đồng trợ cấp theo quy định của thành phố cho người bán vé số đã tiêu hết vào thuốc thang cho con, bà xếp hàng đi nhận gạo, mì ăn liền từ thiện để ăn dần. Hôm nào được cho bánh mì hay cơm thì hôm đó bữa ăn của mấy mẹ con được cải thiện.
“Nếu mai không còn ai cho cơm nữa, chắc tôi sẽ đi vay ít tiền để mua rau, vì dù sao cũng phải có rau để ăn với cơm, khi nào đi bán vé số sẽ có tiền trả”, bà Nữ tính toán. May mắn với bà là trong vòng nửa tháng tới, từ ngày 20/4 đến 4/5, bà không phải lo tới bữa trưa cho ba mẹ con nữa vì đã được chương trình “Tiếp sức cộng đồng – vững vàng vượt khó” do Grab và Quỹ Hy Vọng (quỹ xã hội và từ thiện được vận hành bởi VnExpress và Công ty cổ phần FPT Online) tặng cơm. Mẹ con bà Nữ là một trong 68 hộ đang cư trú tại phường 3 được nhận các suất cơm của chương trình này.
Ông Nguyễn Tấn Thanh Bình, Phó chủ tịch phụ trách văn xã của phường 3 cho biết, tại phường có hơn chục hộ khẩu là người già neo đơn trên 80 tuổi, người khuyết tật, tâm thần cần hỗ trợ thường xuyên và vài chục nhân khẩu cần hỗ trợ trong giai đoạn dịch bệnh. Bên cạnh các suất cơm thường, chương trình còn chuẩn bị sẵn cả phần cơm chay cho những người ăn chay. Suất cơm đầy đủ dưỡng chất với món mặn, rau, canh được nhà tài trợ đóng gói vệ sinh, mang đến UBND phường để bà con qua lấy. Tuy nhiên, với những người không thể đi được, cán bộ phường và đội dân quân tự vệ cùng đại diện Grab sẽ mang đến tận nhà.
Bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc Điều hành Grab Việt Nam, cho biết, với chương trình ‘Tiếp sức cộng đồng – vững vàng vượt khó’, Grab hy vọng có thể san sẻ bớt gánh nặng cơm áo, tiếp thêm động lực để người lao động vượt qua mùa dịch. “Grab đang nỗ lực hỗ trợ cộng đồng hết mức có thể trong giai đoạn này, và sẽ còn nhiều hoạt động khác được chúng tôi thực hiện trong thời gian tới để thực hiện sứ mệnh Grab Vì Cộng Đồng mà chúng tôi luôn cam kết tại Việt Nam. Chúng tôi cũng tin tưởng rằng bằng việc hợp tác cùng Quỹ Hy Vọng, các suất ăn sẽ đến được đúng những người cần được giúp đỡ, dựa trên sự minh bạch và tinh thần thiện nguyện”.
Bên cạnh những suất ăn miễn phí, đợt dịch bệnh này, lần đầu tiên chúng ta chứng kiến một cách làm từ thiện mới của người Việt: các cây ATM gạo dành cho người khó khăn. Đó là một máy chia gạo tự động, có camera và nút bấm được kiểm soát thông qua một ứng dụng trên điện thoại. Khi có người đứng trước camera bấm nút, van tự động sẽ mở, một lượng gạo khoảng 1,5 kg từ bồn chứa chảy xuống đường ống dẫn ra ngoài. Từ sáng kiến ban đầu của anh Hoàng Tuấn Anh với cây ATM gạo tại quận Tân Phú, TP HCM, mô hình này nhân rộng ở nhiều tỉnh thành cả nước: Hà Nội, Huế, Bình Thuận, một số tỉnh miền Tây…. ATM gạo cũng được nhiều tờ báo nước ngoài quan tâm đưa tin. “Một cỗ máy phát gạo miễn phí, nghe có vẻ khó tin. Song những cây ‘ATM gạo’ đã xuất hiện khắp Việt Nam để giúp đỡ người khó khăn trong đại dịch”, nhà báo Alicia Lee của CNN (Mỹ), viết.
Điều thú vị là ở tất cả những điểm phát cơm, gạo hay nhu yếu phẩm từ thiện luôn có sự lưu thông hai chiều: bên cạnh những người khó khăn đến nhận thì cũng có rất nhiều người khá giả, mang đồ đến góp chung để cho người nghèo. Chị Đỗ Thùy Hương, ngụ tại quận 4, TP HCM từ đầu dịch đến giờ đã bỏ ra gần 100 triệu đồng để mua thực phẩm chuyển đến các bếp ăn từ thiện và gạo cho các cây “ATM gạo” chia sẻ: “Tôi cũng muốn giúp đỡ người khó khăn nhưng không có thời gian, nên rất cảm ơn các bếp từ thiện và ATM gạo đã làm trung gian giúp mình”.
Chẳng thế mà trong phần bình luận dưới bài viết về cách người Việt giúp nhau trong dịch bệnh trên tờ The Straits Times (Singapore), tài khoản Dele Lux nhận xét: “Việt Nam không phải đất nước phát triển nhất thế giới nhưng chắc chắn là một trong những đất nước nhân ái nhất”.
Kim Anh
Ngoài 15.000 suất ăn miễn phí, từ hôm nay, người dùng có thể chung tay cùng Grab và Quỹ Hy Vọng mang đến nhiều bữa ăn hơn nữa cho những người có hoàn cảnh khó khăn bằng hình thức đổi điểm thưởng GrabRewards.
Với mỗi mức đổi điểm thưởng GrabRewards (từ 30 điểm đến 3.000 điểm) được thực hiện trên ứng dụng Grab, người dùng và sẽ chung tay đóng góp số tiền tương ứng (1.000 đồng đến 100.000 đồng) vào chương trình “Tiếp sức cộng đồng, vững vàng vượt khó”.
Có ba bước đổi điểm thưởng GrabRewards:
Bước 1: mở ứng dụng Grab.
Bước 2: vào mục GrabRewards, chọn mức đóng góp mong muốn (từ 30 đến 3.000 điểm, tương ứng với số tiền từ 1.000 đồng đến 100.000 đồng).
Bước 3: đổi điểm. Phần đóng góp của bạn sẽ được ghi nhận trong “My rewards/Ưu đãi của tôi”.