Mỗi lần bệnh nhi cùng phòng bị trả về, mẹ lại dẫn An ra ngoài dù cô bé thắc mắc khi nào đến lượt mình.
Khánh An, 4 tuổi nghĩ các bạn về nhà là do khỏi bệnh, được đi học. Nhìn thấy đôi mắt háo hức của con, người mẹ xoa chiếc đầu trọc lốc nói “thật khỏe mới được về nhưng lúc đó con tự đi chứ không phải ngồi xe lăn”.
Trước Tết 2024, Đinh Khánh An ở xóm 3, xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh sốt cao liên tục không rõ nguyên nhân. Từ bệnh viện huyện cho đến tỉnh đều chẩn đoán nhiễm trùng máu. Nằm viện cả tháng cơn sốt không dứt, An được chuyển lên Bệnh viện TW Huế. Mẫu xét nghiệm sau đó cho kết quả, cô bé bị u nguyên bào thần kinh nguy cơ cao di căn tủy.
Nghe tin con mắc ung thư, người mẹ Lương Thị Kim Nhung không dám tin là sự thật. “Trái tim tôi như bị ai bóp nghẹn không thở nổi”, người phụ nữ 32 tuổi nói. Gọi điện thông báo cho chồng, họ không nói với nhau lời nào, ai cũng như người mất hồn.
Kể từ ngày phát hiện bệnh, thế giới đầy màu sắc của Khánh An bị thu gọn trong không gian nồng nặc mùi thuốc sát trùng cùng tiếng khóc của trẻ con. Cơ thể cô bé cũng thay đổi rõ rệt, tóc rụng dần, móng tay cháy đen do liên tục truyền hóa chất.
Gắn với bệnh viện, Khánh An không hiểu tại sao phải nằm một chỗ, tại sao bị kim tiêm châm chích khắp người. Đau đớn, cô bé chỉ biết gào khóc, lăn lộn từ giường xuống đất. Ban đầu, người mẹ giấu tình hình bệnh tật. “Tại sao con phải ở đây trong khi các bạn được đi học?”, An hỏi khi thấy nằm viện đã lâu không được về nhà. Người mẹ giải thích con bị còi xương thiếu canxi, nằm điều trị vài bữa sẽ ổn. Rồi chị động viên, chỉ cần kiên trì uống thuốc và nghe lời bác sĩ, sớm sẽ được về nhà.
Cô bé 4 tuổi vẫn tin như vậy. Trong những cuộc điện thoại với ông bà và cô giáo, An luôn hồ hởi khoe “vài hôm nữa con về”. Nghe con gái nói, người mẹ quay mặt đi.
Ung thư cũng khiến cơ thể An mong manh hơn, dễ bị nhiễm trùng từ tác động của môi trường hay hóa chất. Người mẹ vốn là nông dân cũng dần học cách chăm sóc, từ ăn uống đi lại cho đến những đợt truyền hóa chất con gái nôn trớ, co giật. Khánh An ốm, người mẹ cũng không thiết ăn uống, tháng đầu sụt tới 5 kg. Ở quê, chị Nhung cũng nhường lại bốn sào ruộng cho ông bà nội cấy hái giùm.
Kinh tế gia đình trước đây dựa vào người chồng Đinh Thành Công làm phụ hồ quanh nhà. Bốn năm trước, người đàn ông này bị ngã giàn giáo, chấn thương cột sống. Để chữa trị, gia đình cầm cố ngôi nhà đang ở cho ngân hàng lấy 200 triệu đồng. Ra viện, anh Công đi làm túc tắc kiếm đồng ra đồng vào vì cứ bê vác nặng, bệnh cũ lại tái phát.
Trước khi Khánh An phát hiện bệnh, người bố đang điều trị rách vòng xơ đĩa đệm. Nghe tin con ốm, anh trốn viện, đặt xe đến Huế hỗ trợ hai mẹ con. Được vài ngày, vì quá đau không thể đi lại được, người đàn ông này được vợ khuyên quay về viện xin chữa tiếp.
Trước khi chồng ốm, con bệnh, cả nhà 6 miệng ăn khéo co cũng chỉ đủ chi tiêu. Giờ một lúc điều trị cho cả hai, tháng đói chị Nhung lại vác rá sang hàng xóm vay gạo. Nhiều lúc bí bách, người phụ nữ này vay nóng bên ngoài để trả lãi ngân hàng vì sợ nếu thu mất nhà, gia đình không còn chỗ dung thân.
Dù con gái thuộc diện được bảo hiểm y tế chi trả 100%, nhưng hai vợ chồng vẫn phải vật lộn với những khoản phát sinh như tiền đi lại, thuốc ngoài danh mục hay sinh hoạt tại bệnh viện. Nợ cũ chưa trả, nay thêm nợ mới, tài chính của họ ngày càng đi vào ngõ cụt. Mỗi lần nghe thông báo đóng tiền là người phụ nữ này lại mất ngủ. “Nhưng con bệnh thì cỡ nào cũng phải chữa trị”, người mẹ nói.
Không biết nỗi lo của mẹ, Khánh An vẫn luôn hy vọng “nếu ngoan, nghe lời bác sĩ” sẽ sớm được về nhà. Vốn thích múa hát, nhiều hôm xem được điệu nhảy hay trên điện thoại-thứ duy nhất kết nối cô bé với thế giới bên ngoài, An lại bật dậy, nhảy theo trên giường bệnh. Người nhà bệnh nhân khác nhìn thấy cô bé cử động mạnh, sợ ảnh hưởng thuốc truyền nên nhắc nhở nhưng chị Nhung chỉ cười: “Con bé không thể ngừng theo đuổi ước mơ chỉ vì bệnh tật”.
Ước mơ của Khánh An là được nhảy múa trên đôi chân vốn luôn thâm tím bởi những vết châm chích do truyền dịch, được mặc chiếc váy xinh và đến trường cùng bạn bè.
Hơn một tháng nữa tới sinh nhật tuổi lên 4, mỗi lần nghe mẹ nhắc, Khánh An rất háo hức. Cô bé dặn mẹ mua một chiếc váy mới để về nhà chụp ảnh và cùng chị gái nhảy theo điệu nhạc “Bài ca Tôm cá”, mà trước khi bị bệnh hai chị em vẫn thường dạy nhau.
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với chương trình Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng, với sự đồng hành của FPT Long Châu.
Thêm một sự chung tay của cộng đồng là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước. Độc giả có thể xem thông tin về chương trình tại đây.
Hải Hiền
Điểm trường làng Hrách và Lơ Pơ, huyện Kông Chro được Quỹ Hy vọng và các đơn vị tài trợ xây mới thay thế cho những lớp học đã xuống cấp, thấm dột. Ngày 14/11, gần 100 học sinh, giáo viên Điểm trường Hrách thuộc…
Học sinh trường TH & THCS Quang Minh tìm hiểu kiến thức về dinh dưỡng và ăn liên hoan trong ngày hội do Quỹ Hy vọng và De Heus tổ chức. Ngày hội dinh dưỡng học đường chủ đề “Vững bụng đến trường” được tổ…
Jomoo Việt Nam và trường Hy Vọng đã ký biên bản tài trợ thiết bị trị giá 2 tỷ đồng cho 138 phòng vệ sinh trong ngôi trường mới dành cho 300 trẻ mồ côi vì Covid-19, chiều 14/11. Phát biểu tại buổi ký kết,…
Men vi sinh chứa các vi sinh vật có lợi, hỗ trợ cải thiện cân bằng hệ vi sinh đường ruột, cải thiện sức khỏe cơ thể song cần tránh lạm dụng. Nội dung: Văn HàThiết kế: Ngân Hà
Dự án Vệ sinh học đường giúp sức khỏe của 98% học sinh được cải thiện nhờ thay đổi thói quen sinh hoạt như rửa tay thường xuyên, không phóng uế bừa bãi, dọn dẹp định kỳ. Đỗ Nam – Kim Anh
Công ty De Heus Việt Nam tài trợ 1,2 tỷ đồng cho dự án “Dinh dưỡng học đường” của Quỹ Hy vọng, cải thiện bữa ăn của học sinh ở ba trường ở Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An. Ba trường được dự án hỗ…