KON TUM – Chưa một ngày làm mẹ nhưng sơ Văn đã có 14 năm cưu mang A Long, cậu bé từng suýt là nạn nhân của hủ tục “mẹ chết chôn con theo” của người Bana.
Trên khoảnh sân của mái ấm Vinh Sơn 5 chiều 15/11, A Long đang chơi đùa cùng bạn, thấy người phụ nữ đi xe máy vào cổng, cậu vội vứt chiếc dép đang cầm trong tay chạy ra đón.
Người này là sơ Văn, 39 tuổi, từng có 11 năm chăm sóc trẻ mồ côi ở mái ấm Vinh Sơn.
Sơ kể, 14 năm trước, A Long chào đời được 6 ngày thì mẹ mất. Theo tập tục của người Bana, cậu bé cũng phải được chôn theo mẹ để tránh “bị Giàng phạt” hay “con ma rừng theo quấy phá”. Hôm đó, khi mọi người trong làng đang chuẩn bị chôn đứa bé, ông Yao Phu (Cao Biện) đang đi truyền giáo ở làng bên nên hay tin, hớt hải chạy sang. Khi đến nơi, A Long đã bị lấp đất. Ông thốt lên “Không được làm như vậy, tội chết”, rồi nhào tới hố, bới đất và ôm đứa bé chạy đi. Yao Phu đưa bé xuống mái ấm Vinh Sơn 1 nuôi dưỡng.
Năm 2009, sơ Văn được phân về mái ấm Vinh Sơn 1. Trong trí nhớ của sơ, lần đầu tiên gặp cu Long mới hơn 6 tháng tuổi, còn đỏ hỏn trong nôi. “Nhìn đứa trẻ khóc oa oa mà nước mắt lưng tròng, thương con kém may mắn không được hưởng hơi ấm từ mẹ, không được nếm những giọt sữa mẹ đầu đời”, sơ Văn nhớ lại.
Vì chưa từng làm mẹ nên sơ không có kinh nghiệm chăm sóc trẻ trong khi hơn 20 đứa trẻ cứ khóc suốt. Sơ kể, khi ấy sợ và nhiều lần bật khóc vì cảm giác bất lực. “2-3h sáng người ta đang ngủ ngon còn mình phải thức canh bọn trẻ, pha sữa cho các con. Nhất là Long, tôi bế suốt ngày đêm”, sơ nói.
Khi Long được hơn một tuổi nhưng vẫn khóc ngằn ngặt, dỗ kiểu gì cũng không nín, hay thở dốc, sơ đoán con đang mang bệnh gì đó. Khi có đoàn từ thiện về Kon Tum khám miễn phí, sơ đưa các con đến. Bác sĩ chẩn đoán Long bị tim bẩm sinh, cần phải phẫu thuật.
Nhưng tiền nuôi hàng trăm đứa trẻ của mái ấm còn chẳng đủ, sơ chẳng biết kiếm đâu ra tiền mổ cho Long. Mãi đến tháng 10/2012, nhờ sự hỗ trợ từ một chương trình thiện nguyện, sơ một mình đưa Long ra Đà Nẵng mổ tim.
Ngày con trai vào phòng phẫu thuật, sơ Văn đứng bên ngoài khóc lặng và cầu nguyện. Cuộc phẫu thuật thành công, Long được chuyển xuống phòng hồi sức nằm suốt ba ngày đêm. Ngày thứ tư, bác sĩ cho người nhà vào chăm sóc, vừa thấy sơ ở cửa, A Long cất giọng gọi “Mẹ”. Nghe tiếng gọi mẹ đầu tiên trong đời, sơ òa khóc nức nở không nói được gì.
Trở về mái ấm, A Long không còn quấy khóc, cậu ăn uống nhiều hơn và chạy nhảy như những đứa trẻ bình thường khác. Sơ Văn làm mẹ đỡ đầu lo giấy tờ cho con đến trường. “May là con khỏe mạnh trở lại chứ không tui khổ lắm. Thằng bé là đứa đeo bám tôi nhiều nhất nên mình xem nó như con”, sơ nói.
Đến một ngày, sơ Văn nghĩ cần cho con biết cội nguồn của mình. Kết thúc thi cuối kỳ lớp 6, sơ gọi A Long lại nói: “Mẹ con mất khi vừa sinh con ra, con còn có ba và 6 anh chị em nữa”. Cậu bé không nói gì, cúi mặt quay đi.
Cô Lê Thị Thu Sương, hai năm chủ nhiệm A Long ở trường THCS Trần Hưng Đạo, phường Thống Nhất, TP Kon Tum luôn cảm phục trước tình yêu thương và trách nhiệm hết mình của sơ Văn dành cho Long. Cô kể, A Long là đứa trẻ thông minh, sống tình cảm nhưng rất hiếu động. Có lần A Long nghịch trong lớp, cô giả vờ nói sẽ trả con về với ba. Cậu bé khóc nức nở hứa sẽ ngoan và xin cô đừng đuổi học. “Thương con mà tôi cũng thương sơ, một mình phải chăm sóc đứa trẻ từ khi lọt lòng dù chưa một ngày làm mẹ”, cô giáo chủ nhiệm Long bộc bạch.
Năm 2020, sơ Văn rời mái ấm Vinh Sơn 1. Ngày sơ đi, A Long nước mắt giàn giụa đòi theo cùng nhưng không được. Từ đó, cậu bé trở nên nổi loạn, không chịu vâng lời các sơ và bị đuổi khỏi mái ấm. Sơ Văn nghe tin hớt hải chạy về TP Kon Tum đón con theo mình.
“Sơ không làm gì ra tiền, chủ yếu là đi giúp dân nghèo. Giờ thêm đứa trẻ đang tuổi đi học, thật sự vất vả, nhưng bỏ con cũng không đành”, sơ nói. Cô tâm sự với mẹ Sâm, một Việt kiều Mỹ đang hỗ trợ cho các con ở mái ấm, phụ sơ nuôi A Long đến trường.
Tháng 8 vừa rồi, sơ dẫn A Long về thăm ba và anh chị ruột của mình. Vừa bước vào nhà, người ba cùng anh lớn chỉ mặt cậu bé nói: “Do mày mà mẹ mày chết”. Thằng bé òa khóc nép sau lưng sơ Văn. Trở về cậu thủ thỉ: “Người ta có thích con đâu mà giá đưa con về”.
Kể từ đó, cậu bé dường như hiểu chuyện hơn nhưng cũng trở nên trầm tính và ít nói. Được mẹ Sâm gửi tặng chiếc xe đạp, mỗi sáng Long chở đứa em nhỏ ở mái ấm Vinh Sơn 5 đến trường. Cuối tuần sơ Văn lại chạy ra thành phố đón con về trong làng ở với mình.
Buổi chiều tà ở Vinh Sơn 5, thấy sơ, A Long chạy đến ngập ngừng: “Con xin tiền phụ thêm tiền xăng cho mấy anh chở đi học nhờ”. Sơ hỏi: “Xe đạp con đâu”. Thằng bé hồn nhiên đáp: “Mấy em không có xe đi học, con đưa cho đi rồi”. Cầm tờ 20.000 đồng trên tay, A Long hí hửng bỏ vào túi rồi chạy ra sân chơi cùng các em.
Ánh hoàng hôn ở vùng núi Tây Nguyên lấp lóe rọi vào mặt vị nữ tu, cô ngoái đầu nhìn về phía bọn nhỏ đang vui đùa, miệng nở nụ cười.
Năm nay, chương trình Tết Hy vọng của Quỹ Hy vọng – báo VnExpress dự kiến trao 1.500 phần quà với mong muốn chia sẻ những mất mát với trẻ em mồ côi, khuyết tật, cơ nhỡ. Độc giả, doanh nghiệp quan tâm có thể ủng hộ thông qua chương trình tại đây.
Minh Tâm
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cùng đại điện Quỹ Hy vọng vừa trao hai thư viện điện tử cho hai trường học ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ. Trường THCS và THPT Thới Thạnh cùng Trường Tiểu học Thới…
Anh Lê Văn Duẫn vừa khóc, vừa nắm chặt tay người vợ sắp qua đời, hứa tiếp tục cùng con chiến đấu chống lại bệnh ung thư. Đó là buổi chiều mưa giữa tháng 5, vợ anh trút hơi thở cuối cùng sau thời gian…
Dự án “Trường em thay áo mới” thực hiện tại huyện Đồng Văn, Hoàng Su Phì do Quỹ Hy vọng và Tập đoàn FPT tài trợ gần 400 triệu đồng. Lễ bàn giao 12 điểm trường sửa chữa, sơn mới được tổ chức ngày 2-3/1…
Năm 2024, gần 700 bệnh nhi được Quỹ hỗ trợ điều trị, trong có 50 ca ghép tạng, ghép tủy, mang đến cơ hội sống khỏe cho nhiều trẻ em khó khăn. Em Phạm Lê Hoàng Vương, 8 tuổi, Đà Nẵng được chẩn đoán tan…
Những lớp học khang trang, phòng vệ sinh mới cùng thiết bị thư viện điện tử trao tặng tạo diện mạo mới cho gần 200 ngôi trường ở vùng khó khăn trên cả nước. Những ngày cuối năm, thầy trò điểm trường Mường Piệt (Trường…
Hành trình “Xây lớp học mới – Mở lối tương lai” do Đông Tây Barbershop kết hợp cùng MoMo và Quỹ Hy Vọng đã đạt được một cột mốc ý nghĩa mới: 306 triệu đồng đã được quyên góp sau 3 tháng triển khai. Đây…