TUYÊN QUANG – Chồng và con cùng mắc bệnh hiểm nghèo, một nửa cuộc sống của chị Ghém ở sau những cánh cổng viện, mỗi lần ôm con đi ngủ đều có thể là đêm cuối cùng.
Một tối tháng 3/2019, vợ chồng chị Trần Thị Ghém (26 tuổi), anh Ma Văn Thái cõng đứa con trai 4 tuổi, rời căn nhà trình tường không cửa, mái rạ ở cuối bản Cây Quéo, xã Hùng Đức, huyện Hàm Yên đi bệnh viện ở Hà Nội.
“Xuống Hà Nội” là cuộc phiêu lưu lớn, không chỉ với Ma Văn Thuận, mà với cả bố mẹ. Lần đầu đi thủ đô, cậu bé người Dao háo hức mấy ngày nhưng dọc đường, Thuận không khi nào thấy bố mẹ cười.
Chuyến xe đến bến xe Mỹ Đình lúc nửa đêm, vợ chồng Thái, Ghém ngơ ngác không biết đi đâu về đâu vì 7h sáng mai, bệnh viện mới mở. Chủ xe thương, cho họ ngủ lại ngay trong xe.
Chuyến đi của Thuận không phải du lịch như cậu tưởng tượng. Thuận bị bệnh thiếu máu huyết tán giai đoạn nặng. Thuận xuống Hà Nội để bắt đầu đợt điều trị đầu tiên.
Sau khi có kết quả của 13 loại xét nghiệm, Thuận sẽ được chuyển sang phòng truyền máu, thải sắt. Quá trình kéo dài 8 giờ, coi như vừa hết một ngày. Chị Ghém ngồi trực bên giường, không rời thằng bé nửa bước. Mẹ con ăn chung suất cơm 25.000 đồng và một lít nước, qua 9 ngày mới hết một đợt điều trị.
Gia đình Thái – Ghém từng có cuộc sống bình yên. Lấy nhau từ năm 2009, phải 5 năm sau, vợ chồng mới dành dụm được 5 triệu đồng, vay thêm 2 triệu đồng để cất nhà ở riêng.
Căn nhà dựng từ chục cọc gỗ, vách tường trát đất trộn rơm, mái lợp lá cọ, cái cửa cũng không có. Nó đúng nghĩa, chỉ là một chỗ chui ra chui vào. Đồ vật lành lặn nhất là một chiếc chăn đoàn từ thiện tặng mấy năm trước.
Chị Ghém hằng ngày lên nương trồng sắn, vác gỗ thuê, anh Thái sang những cánh rừng bên huyện Chiêm Hóa làm nghề khai thác gỗ. Gia đình nhỏ bốn người bữa đói, bữa no, ước mơ một ngày thay vật liệu từ đất sang gạch cho bốn bức tường nhà. Nhưng biến cố ập đến nhanh hơn mơ ước của họ.
Năm Thuận 4 tuổi, thằng bé vàng vọt, ho, khó thở, tim đập nhanh. Ghém đưa con ra trạm xá rồi bệnh viện huyện nhưng không ai biết thằng bé bị sao. Vợ chồng chị bồng con xuống bệnh viện tỉnh Tuyên Quang.
Sau ba lần gửi mẫu máu về Hà Nội, Thuận được chẩn đoán mắc bệnh thiếu máu huyết tán, khiến hồng cầu bị phá hủy nhanh hơn tốc độ tạo ra, cơ thể không đủ oxy, có thể tử vong. Người mẹ lần đầu nghe về căn bệnh, dù không hiểu, vẫn khóc như mưa. Chị không tin nó rơi vào đúng con mình.
Phương pháp điều trị khả thi duy nhất là truyền và lọc máu, thải sắt dư thừa, mỗi tháng một lần. “Bác sĩ nói tích cực nhất, cháu có thể duy trì đến năm 17 tuổi, gia đình cần chuẩn bị tinh thần”, chị Ghém kể.
Sau một tháng suy sụp tưởng như không thể gượng dậy, cuối cùng, cái nghèo buộc họ phải đứng dậy.
Bệnh viện đa khoa Tuyên Quang chưa đủ máy móc tự điều trị, những bệnh nhân như Thuận hằng tháng phải khăn gói xuống thủ đô. Trong tay vợ chồng Thái khi đó không có nổi một đồng nhưng lịch điều trị cho con đã cận kề, đành đi vay nóng hai triệu đồng.
Đám thanh niên trong bản chạc tuổi vợ chồng Thái đều đã xuống các tỉnh miền xuôi làm công nhân, phụ hồ, tiền công gấp ba bốn lần. Nhưng Thái thương vợ một mình chèo chống, sợ mình đang đi làm xa, con xảy ra chuyện. Nên anh chỉ loanh quanh làm thuê, xa nhất là ở huyện Chiêm Hóa. Mỗi tuần Thái về một lần, ấn vào tay vợ khi năm, bảy trăm nghìn. Công việc không đều, chỉ làm được vào ngày nắng ráo. Ngày mưa Thái đi làm thuê đủ việc tay chân, tiền công vài chục nghìn một ngày cũng nhận.
Những vất vả và biến cố bất ngờ đã xóa hẳn nét trẻ trung của tuổi đôi mươi trên gương mặt họ. Nhưng số phận chưa thôi thử thách. 10 tháng sau khi con phát bệnh, Thái cũng bị chẩn đoán bệnh viêm tụy.
Người vợ 26 tuổi gánh cả gia đình trên vai, chăm con 10 ngày ở Hà Nội, rồi lại về nhà, đưa chồng lên bệnh viện tỉnh điều trị 5 ngày. Cuộc sống của Ghém quay cuồng quanh những cánh cổng bệnh viện, những ống cao su dẫn máu lọc, những bịch thuốc khi 800.000 đồng, khi vài triệu.
Từ lúc chồng và con bị bệnh, Ghém cũng không dám tính nhà mình đã nợ bao nhiêu tiền, “đâu đó hơn 70 triệu đồng”, chị nhẩm. Số tiền có thể không nhiều với một số người, nhưng với anh chị, nó gấp 10 lần giá trị căn nhà.
Chị Ghém xoa đôi tay đanh lại vì chai, sẹo, bảo giờ nhà mình chỉ trông vào hai cuốn sổ: hộ nghèo và bảo hiểm y tế. Có đêm nằm cạnh nhau, Ghém bất chợt quay sang hỏi chồng “Sao lại cứ phải là nhà mình?”. Thái lau nước mắt cho vợ, an ủi “sắp qua rồi”, nhưng Ghém biết, chính anh cũng đang lén khóc.
Năm 2020, bé Thuận được chuyển về Tuyên Quang, do bệnh viện đa khoa đã đủ năng lực điều trị. Đấy cũng là năm nhà chị Ghém ăn Tết hai nơi.
Vừa đưa Thuận từ viện về nhà được nửa ngày, sáng hôm sau, chị lại đưa anh lên viện. Trước lúc vợ con về, Thái vẫn cố đi làm mấy hôm, xin chủ ứng 700.000 đồng mua gạo đổ vào thùng và ít trứng, thịt cho các con ở nhà ăn Tết.
Hai thằng nhỏ lang thang khi ở nhà hàng xóm, khi sang nhà bà, chú bác. Ông bà nội ngoại đều đã già yếu, và cũng nghèo hệt các con.
Thằng bé Hưng ở nhà dỗ em ngủ, đun nước luộc sắn, nấu cơm cho em ăn những ngày không đến trường. Dù được ăn chực cơm ở nhà họ hàng, đến tối hai anh em nó cũng dắt nhau về nhà mình ngủ.
Thằng Hưng bảo, em Thuận sợ bố mẹ về giữa đêm không thấy anh em nó đâu, thì sẽ buồn. Hai đứa trẻ ngồi đợi bố mẹ trước căn nhà tối om, trống hoắc, đến khi mắt díu lại mới chịu lên giường.
Khi Thuận lên lớp 1, thằng bé èo uột như được bước chân vào thế giới mới, gặp chữ gì cũng thử đánh vần rồi khoe mẹ. Thằng bé con bảo lớn lên sẽ làm một chú công an để bảo vệ mẹ, còn thằng anh bảo, muốn làm bác sĩ để bố mẹ và em, không phải bắt xe đi chữa bệnh ở xa. Ước mơ của người mẹ, chỉ là con sống với mình càng lâu càng tốt.
Cùng điều trị với Thuận hằng tháng ở bệnh viện đa khoa, có hơn 50 bệnh nhân, đủ mọi lứa tuổi. Sau mấy năm, Thuận giờ nhìn cái kim tiêm đã ráo hoảnh, không còn khóc giãy lên như mọi khi. Ghém không biết nên mừng hay tủi, thấy tội nghiệp con khi nó đã thấy đớn đau thành quen.
Nằm ở những giường bên cạnh, có những đứa trẻ còn bé tuổi hơn cả Thuận. Chị bảo, “cứ tưởng mình đã là khổ nhất”.
Những bà mẹ đọc được nỗi buồn trong mắt nhau, chẳng mấy khi hỏi han chuyện bệnh tật, chỉ lặng lẽ giúp nhau mua cơm, chia nhau miếng bánh. Hết đợt điều trị 8- 9 ngày, họ chỉ có duy nhất hy vọng, tháng sau, vẫn còn gặp lại.
Giữa năm 2021, Ghém lần đầu chứng kiến cảnh những bệnh nhân cùng phòng con ra đi. Chị cố kìm trước mặt con, rồi chạy ra một góc xa khuất, mới dám òa lên khóc. Mỗi ngày với Ghém bây giờ đều có thể là ngày cuối, “mỗi lời con nói với em, đều có thể là lời cuối”, Ghém giãi bày.
Trung thu năm trước, mẹ con chị ở viện. Thuận nằm mệt lả trên giường bệnh sau 8 giờ lọc máu, nghe tiếng trống múa lân và ánh đèn rực rỡ ở quảng trường thành phố hắt lại, vẫn đòi mẹ đi xem.
Ghém cõng con ra đường, mua cho nó một cái đùi gà 15.000 đồng lâu nay thằng bé vẫn thèm thuồng, ao ước. Cầm cái đèn ông sao bé xíu, ôm lưng mẹ suốt đường về viện, thằng bé ngoài ra xoa mặt mẹ bảo: “Mẹ ơi, hôm nay là ngày vui nhất đời con”.
Mấy giọt nước tí tách rơi trộm từ mắt chị Ghém xuống sàn bệnh viện. Chị cũng ước, năm sau, vẫn còn được cõng thằng bé đi đón Trung thu.
Hải Thư
Để tiếp thêm động lực cho trẻ em ở vùng sâu, vùng xa có cơ hội cải thiện cuộc sống, Quỹ Hy vọng – báo VnExpress tiếp tục nhận quyên góp trong chương trình Ánh sáng học đường. Thêm một sự chung tay của cộng đồng là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước. Độc giả có thể xem thông tin về chương trình tại đây.
Sau 2 tháng, dự án gây quỹ xây mới phòng học do Đông Tây Barbershop phối hợp cùng MoMo và Quỹ Hy vọng thực hiện đã cán mốc 100 triệu đồng. Từ ngày 16/9, Đông Tây Barbershop trích 5.000 đồng với mỗi giao dịch thanh…
Điểm trường làng Hrách và Lơ Pơ, huyện Kông Chro được Quỹ Hy vọng và các đơn vị tài trợ xây mới thay thế cho những lớp học đã xuống cấp, thấm dột. Ngày 14/11, gần 100 học sinh, giáo viên Điểm trường Hrách thuộc…
Học sinh trường TH & THCS Quang Minh tìm hiểu kiến thức về dinh dưỡng và ăn liên hoan trong ngày hội do Quỹ Hy vọng và De Heus tổ chức. Ngày hội dinh dưỡng học đường chủ đề “Vững bụng đến trường” được tổ…
Jomoo Việt Nam và trường Hy Vọng đã ký biên bản tài trợ thiết bị trị giá 2 tỷ đồng cho 138 phòng vệ sinh trong ngôi trường mới dành cho 300 trẻ mồ côi vì Covid-19, chiều 14/11. Phát biểu tại buổi ký kết,…
Men vi sinh chứa các vi sinh vật có lợi, hỗ trợ cải thiện cân bằng hệ vi sinh đường ruột, cải thiện sức khỏe cơ thể song cần tránh lạm dụng. Nội dung: Văn HàThiết kế: Ngân Hà
Dự án Vệ sinh học đường giúp sức khỏe của 98% học sinh được cải thiện nhờ thay đổi thói quen sinh hoạt như rửa tay thường xuyên, không phóng uế bừa bãi, dọn dẹp định kỳ. Đỗ Nam – Kim Anh