THÁI NGUYÊN_Chứng kiến con trai chưa đầy hai tuổi nhiều lần “thập tử nhất sinh”, người mẹ quyết tâm hiến một phần lá gan để giữ sinh mạng cậu bé.
Ngày 1/3, vượt gần 100 km đưa con từ Thái Nguyên xuống Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), hành trang của hai vợ chồng Hiền và Dương là túi đồ ăn, bình sữa, máy tiệt trùng và va li quần áo sẵn sàng nhập viện. Từ tháng 11 năm ngoái đến nay, bệnh viện này trở thành chốn quen thuộc của gia đình, khi bé Thịnh, con trai chị Hiền và anh Dương, trải qua ca ghép gan kéo dài 17 giờ. Lá gan mới của cậu bé được tái sinh từ một phần gan hiến tặng của người mẹ.
Giang Phú Thịnh, sinh năm 2021, phát hiện bị teo mật bẩm sinh lúc 4 tháng tuổi. Ban đầu, tưởng con bị vàng da, lại rơi vào thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chị Hiền không đưa bé đi khám. Sau đó, da và mắt Thịnh vàng như củ nghệ, gia đình vội vàng cho con nhập viện.
Anh Dương và chị Hiền đều là công nhân môi trường, lương từ ba đến 5 triệu mỗi tháng. Toàn bộ tiền tích dồn hết vào xây nhà, nên khi con bị bệnh, người đàn ông phải vay gấp 100 triệu đồng, đưa con đến Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) nối mật ruột. Không may, sau ca mổ, em bé bị nhiễm trùng, da càng ngày càng vàng, bụng căng chướng, dịch chảy xuống tinh hoàn khiến cơ quan này phồng to như quả dưa hấu. Bé phải chuyển xuống nằm ở phòng chăm sóc đặc biệt và thở máy, thoi thóp thở từng giây.
Ngày 20/8/2021, tình trạng Thịnh chuyển xấu, kháng thuốc, bác sĩ tiên lượng “khó qua nổi đêm nay”. Nhìn vợ vật vã, anh Dương không thể kìm lòng, xin chuyển con sang Bệnh viện Nhi Trung ương, cố tìm tia hy vọng cuối cùng.
Lúc này, đứa trẻ vẫn tỉnh táo, nhưng tinh hoàn sưng to, không thể can thiệp, gan mất chức năng gần như không hoạt động, chỉ nằm theo dõi tại phòng hồi sức tích cực.
Bác sĩ Bùi Thị Hương Thùy, Khoa Gan mật, người điều trị cho Thịnh, đánh giá diễn biến sau ca mổ không thuận lợi khiến bệnh nhi nhiễm trùng, chức năng gan suy giảm, thoát mật kém. Lúc này, ghép gan là phương pháp cuối cùng cứu đứa trẻ.
Tại viện Nhi, em được làm xét nghiệm kháng thể kháng HLA trước ghép, có kết quả dương tính, khiến nguy cơ thải ghép cao hơn, phải dùng thuốc ức chế miễn dịch trước ghép.
“Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc này, bệnh nhân có nguy cơ sốc phản vệ cao, tăng khả năng nhiễm trùng sau ghép, nguy cơ thải ghép cao, phải dùng nhiều thuốc ức chế miễn dịch, rủi ro trước và sau mổ là rất lớn”, bà Thùy nói.
Biết tin, người mẹ gắng gượng không suy sụp vì chị đã quyết tâm hiến một phần lá gan cho con, nhưng khó thực hiện vì rủi ro quá lớn. Khó khăn chất chồng, nhiều người động viên chị Hiền “còn trẻ, còn có thêm con” hay “buông tay cho bé đỡ đau đớn”. Người khác khuyên không nên cố ghép vì “có ghép cũng không sống được lâu, để tiền đó đẻ một đứa khác, thay phải cố níu kéo một đứa trẻ bệnh tật”.
“Từ lúc bé chào đời, cuộc sống vợ chồng tôi chỉ quanh quẩn ở viện. Nỗi sợ mất con đeo đám từng ngày, len lỏi trong từng giấc ngủ. Là chỗ dựa duy nhất của con, tôi không thể buông tay”, chị Hiền tâm sự. Ý nghĩ đó khiến chị nung nấu quyết tâm cứu con bằng mọi giá.
May mắn, sau nhiều lần kiểm tra, xét nghiệm, chị đủ điều kiện hiến gan. Bác sĩ Nguyễn Phạm Anh Hoa, Trưởng khoa Gan mật, cho biết trước phẫu thuật, kíp kiểm tra kỹ càng người hiến, “từ chân tóc đến ngón chân, kể cả các bệnh ác tính lẫn di truyền”. Mục tiêu đảm bảo người hiến đủ sức khỏe để làm việc bình thường sau ghép.
Ca phẫu thuật bắt đầu lúc 7h ngày 16/11/2022. Trong khi Thịnh được đưa vào phòng mổ, chị Hiền nằm ở phòng cách ly, sẵn sàng hiến gan. Đêm trước đó, hai vợ chồng ôm con trong lòng, thầm cầu nguyện qua ngày mai, mọi cơn ác mộng sẽ tiêu biến. Dù vậy, trái tim người mẹ vẫn thắt lại khi nghĩ đến tình huống xấu nhất.
15h cùng ngày, chị Hiền được đưa ra phòng chăm sóc đặc biệt. Đến 22h vẫn chưa có tin con, người phụ nữ sốt ruột hơn khi biết đây là ca mổ khó hơn hàng trăm ca phẫu thuật khác. Cuối cùng, sau 17 giờ, phòng mổ tắt đèn, bác sĩ bước ra thông báo ca ghép thành công, em bé bình an vượt cửa tử.
“Sau nhiều tháng kể từ ngày con được ghép gan, tôi vẫn không tin con vượt qua bạo bệnh, tiếp tục sống mạnh mẽ, như được sinh ra lần nữa”, chị Hiền nhớ lại.
Sau ghép, Thịnh tăng từ 9 lên 13 kg, da hồng hào, nhưng khó khăn chưa dừng lại. Em phải tái khám định kỳ, ngoài ra nguy cơ nhiễm trùng luôn rình tập do sử dụng thuốc ức chế miễn dịch. Sức khỏe của trẻ cũng không tốt như người bình thường, do chỉ uống sữa và ăn cháo.
Theo bác sĩ Thùy, teo mật bẩm sinh là bệnh hiếm, chưa thể sàng lọc. Triệu chứng lâm sàng của bệnh là phân nhạt màu liên tục, vàng da tăng dần. Trẻ bị teo mật phải phẫu thuật trước ba tháng tuổi. Trường hợp không được mổ, bệnh nhi chỉ sống khoảng 2-3 năm.
“Tuy nhiên, kể cả phẫu thuật thành công, khoảng 50-60% trẻ có nguy cơ xơ gan, chỉ định ghép gan. Trường hợp của Thịnh đến viện muộn, nhiều lần nhiễm trùng nặng, kèm các bệnh lý khác khiến quá trình điều trị thêm phần khó”, bà Thùy nói.
Một thách thức khác là khó khăn tài chính. Vợ chồng chị Hiền đã dốc cạn tiền chữa bệnh cho con, thêm khoản “lãi mẹ đẻ lãi con” từ những lần vay nóng. Để trang trải cuộc sống, anh Dương đi làm ở công ty cũ, chị Hiền buôn bán qua mạng. Khi con ốm sốt, cả hai lại khăn gói lên Hà Nội kiểm tra. Một phần chi phí cho ghép gan của Thịnh được chương trình Mặt trời Hy vọng hỗ trợ.
Trải qua những biến cố, hiện chị Hiền chỉ mong “ông trời không đổi ý rồi đột ngột giành mất con”.
“Thay vì than trách, tôi biết ơn cuộc đời này vẫn thương tình cảnh gia đình mình, cho con được sống. Nhìn con lúc này, tôi biết mình đã lựa chọn đúng”, người mẹ tâm sự.
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi và trẻ em yếu thế, Quỹ Hy vọng kết hợp với Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của cộng đồng là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước. Độc giả có thể xem thông tin chương trình tại đây.
Quỳnh Chi – Minh An
Sau 2 tháng, dự án gây quỹ xây mới phòng học do Đông Tây Barbershop phối hợp cùng MoMo và Quỹ Hy vọng thực hiện đã cán mốc 100 triệu đồng. Từ ngày 16/9, Đông Tây Barbershop trích 5.000 đồng với mỗi giao dịch thanh…
Điểm trường làng Hrách và Lơ Pơ, huyện Kông Chro được Quỹ Hy vọng và các đơn vị tài trợ xây mới thay thế cho những lớp học đã xuống cấp, thấm dột. Ngày 14/11, gần 100 học sinh, giáo viên Điểm trường Hrách thuộc…
Học sinh trường TH & THCS Quang Minh tìm hiểu kiến thức về dinh dưỡng và ăn liên hoan trong ngày hội do Quỹ Hy vọng và De Heus tổ chức. Ngày hội dinh dưỡng học đường chủ đề “Vững bụng đến trường” được tổ…
Jomoo Việt Nam và trường Hy Vọng đã ký biên bản tài trợ thiết bị trị giá 2 tỷ đồng cho 138 phòng vệ sinh trong ngôi trường mới dành cho 300 trẻ mồ côi vì Covid-19, chiều 14/11. Phát biểu tại buổi ký kết,…
Men vi sinh chứa các vi sinh vật có lợi, hỗ trợ cải thiện cân bằng hệ vi sinh đường ruột, cải thiện sức khỏe cơ thể song cần tránh lạm dụng. Nội dung: Văn HàThiết kế: Ngân Hà
Dự án Vệ sinh học đường giúp sức khỏe của 98% học sinh được cải thiện nhờ thay đổi thói quen sinh hoạt như rửa tay thường xuyên, không phóng uế bừa bãi, dọn dẹp định kỳ. Đỗ Nam – Kim Anh