BÀ RỊA – VŨNG TÀU – Nếu như còn đến trường, Bảo Khang đã là học sinh lớp 8 nhưng trận ốm hơn một năm trước đã thay đổi hoàn toàn số phận cậu bé.
Một ngày tháng 4/2021, Bùi Võ Bảo Khang đang ở trường đột nhiên thấy khó thở, tay chân xuất hiện những vết bầm tím lạ. Giáo viên thông báo với mẹ em, chị Võ Hoàng Bảo Ngọc nhưng người phụ nữ 38 tuổi nghĩ do con đùa nghịch với bạn, va đập vào đâu đó nên chỉ xức ít dầu mong xóa vết thâm. Nhưng hai tuần trôi qua, vết bầm tím không những không tan mà mỗi khi đi học về Khang lại nằm vật ra giữa nhà thở dốc.
“Thằng nhỏ mệt đến mức khuôn mặt tái nhợt, khắp người đổ mồ hôi nhưng hai mắt lại mở trừng trừng”, chị Ngọc nhớ lại.
Người mẹ đưa con trai đến một bệnh viện ở Vũng Tàu thăm khám. Tại đây Khang được chỉ định chuyển gấp lên tuyến trên. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, TP HCM, bác sỹ kết luận cậu bị bệnh bạch cầu dạng Lympho, một dạng ung thư máu.
“Nghe tên bệnh tôi cũng không biết con bị gì, chỉ hiểu đó là bệnh nặng”, chị Ngọc nói.
Khi mới nhập viện, bác sỹ nói Khang đã trong tình trạng nghiêm trọng, chỉ còn 30% cơ hội sống. Nếu suôn sẻ, quá trình hóa trị của em sẽ kéo dài 8 tháng. Nhưng thực tế, thời gian điều trị của Khang tăng gấp đôi vì giữa các đợt hóa trị em phải dừng lại để cấp cứu, lúc thì tràn dịch màng phổi, nhiễm trùng đường ruột, lúc sốt xuất huyết. Từ khi phát hiện bệnh, do cơ thể yếu lại điều trị liên tục, cậu phải nghỉ học từ đó.
Cuộc sống vốn không khá giả của gia đình Khang nay lại thêm lo toan, khó khăn về bệnh tình và kinh phí điều trị. Để cứu con, những gì giá trị nhất trong nhà hai vợ chồng chị Ngọc được bán hết. Khi tiền tiết kiệm cạn kiệt, người phụ nữ này phải gọi điện nhờ vả người thân và bạn bè. Nhưng tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống, có lần phải mua thuốc trị nấm ung thư hơn 6 triệu đồng, nhìn vào chiếc ví còn vài đồng bạc lẻ, người mẹ chỉ biết đứng khóc.
Tháng 11/2021, Bảo Khang bị teo não do ảnh hưởng của quá trình điều trị kéo dài. Đêm đó, chị Ngọc chuẩn bị đi ngủ bỗng thấy tay con trai run lên, môi cậu tím tái rồi co giật liên hồi. Dù được cấp cứu kịp thời nhưng Khang tạm thời không đi lại được, không thể tự chủ tiểu tiện và không nhận ra bất cứ ai. Kết hợp với nhiễm trùng đường ruột và những trận sốt kéo dài khiến cậu không ăn ngủ được, ngày nào cũng phải truyền dịch để kéo dài sự sống. Tình trạng này diễn ra liên tục trong hai tháng. Từ 45 kg lúc này cậu bé Khang chỉ còn 28 kg.
Sau những cơn sốt mê man, mỗi khi khỏe lại, thú vui duy nhất của Khang là xem video trên điện thoại của mẹ. Một lần thấy người ta bắt được con cá nặng hơn 40 kg, Khang quay sang nói: “Mẹ xem này, con không nặng bằng một con cá”.
Nghe lời con nói, chị Ngọc quay đi, giấu những giọt nước mắt sau lớp tay áo còn nồng mùi thuốc sát trùng. Nhưng rồi người mẹ nhận ra, con còn biết so sánh là còn minh mẫn.
“Thời điểm bị teo não đến tiếng ‘Mẹ’ Khang cũng chẳng gọi được”, người mẹ nhớ lại. Chị Ngọc kể, hàng đêm trước khi đi ngủ thường nắm lấy đôi bàn tay chi chít những vết thâm tím vì bị trích thuốc, lấy ven của con, nhìn lên trời cầu nguyện “Giá như tôi gánh được bệnh cho con, Khang còn nhỏ quá…”.
Kết thúc mỗi đợt hóa trị được về nhà, Khang thường lui tới bàn học dùng cây bút vẽ nguệch ngoạc ra giấy. Lúc thì cậu viết những câu thơ còn nhớ được, lúc lại vẽ hình ảnh về ngôi trường, về bạn bè còn lưu lại trong ký ức. Dù mỗi lần cầm bút viết vẽ các nội dung khác nhau, nhưng lần nào kết thúc, Khang cũng nói với mẹ một câu duy nhất “Con ước mình khỏe để trở lại trường”.
Hơn 1,5 năm điều trị bệnh xa nhà, có thời điểm vì quá nhớ lớp, nhớ bạn bè, Khang xin cô cho học một buổi online để gặp gỡ mọi người. Nhưng vì xa trường đã lâu, kiến thức rơi rụng nhiều, không hiểu lời cô giảng nên cậu lại lặng lẽ nhấn nút rời bỏ lớp học. Thấy con trai buồn, mẹ gặng hỏi, Khang nói mình không hiểu bài, hơn nữa vì chiếc đầu trọc nên sợ các bạn chú ý.
“Bị bệnh, Khang cũng sống khép mình hơn, ít giao tiếp với mọi người vì sợ bị hỏi thăm bệnh tật, sợ ai đó chỉ trỏ vì đầu không còn tóc”, chị Ngọc chia sẻ.
Dù gia đình thuộc hộ cận nghèo, được 95% bảo hiểm nhưng tiền thuốc thang cho Khang cũng tiêu tốn 20 triệu đồng mỗi tháng. Chị Ngọc nghỉ làm đã lâu để chăm con, thu nhập của gia đình giờ chỉ dựa vào người cha phụ hồ và chị gái làm thuê thời vụ.
Ông Phạm Thanh Bình, tổ trưởng tổ 9, khu phố 1, phương 11, TP Vũng Tàu, nơi gia đình Khang sinh sống chia sẻ, bố Khang nhiều hôm phải làm đêm để kiếm đồng ra đồng vào. “Nuôi vợ con bệnh tật trên thành phố, với người đàn ông này là gánh nặng quá lớn”, ông Bình nói.
Dù phải trải qua nhiều đau đớn do bệnh tật, những cơn sốt thập tử nhất sinh nhưng Khang luôn tỏ ra mạnh mẽ. Cậu thường an ủi khi thấy mẹ buồn, hứa lớn lên thật khỏe mạnh, kiếm tiền mua nhà mua xe cho mẹ. Đó là những lúc Khang đỡ mệt. Khi nào sức khỏe yếu, phải nằm một chỗ, cậu chỉ biết nắm tay mẹ thở dốc, ước không phải chịu nhiều đau đớn như thế.
“Nhiều lúc tôi thấy số phận bất công, nhưng Khang luôn động viên chúng tôi. Con là một đứa trẻ có trái tim tích cực”, chị Ngọc nói và cho hay, giờ gia đình chẳng thể làm được gì để Khang khỏe lên, chỉ biết chăm chỉ làm việc, lấy tiền chữa bệnh cho cậu.
Ước mơ duy nhất của người mẹ này là thấy con trai khỏe mạnh, lái chiếc xe ôtô màu đỏ đưa gia đình đi chơi khắp nơi trong thành phố – điều mà Khang luôn tin, lớn lên cậu sẽ làm được.
Hải Hiền
Sau 2 tháng, dự án gây quỹ xây mới phòng học do Đông Tây Barbershop phối hợp cùng MoMo và Quỹ Hy vọng thực hiện đã cán mốc 100 triệu đồng. Từ ngày 16/9, Đông Tây Barbershop trích 5.000 đồng với mỗi giao dịch thanh…
Điểm trường làng Hrách và Lơ Pơ, huyện Kông Chro được Quỹ Hy vọng và các đơn vị tài trợ xây mới thay thế cho những lớp học đã xuống cấp, thấm dột. Ngày 14/11, gần 100 học sinh, giáo viên Điểm trường Hrách thuộc…
Học sinh trường TH & THCS Quang Minh tìm hiểu kiến thức về dinh dưỡng và ăn liên hoan trong ngày hội do Quỹ Hy vọng và De Heus tổ chức. Ngày hội dinh dưỡng học đường chủ đề “Vững bụng đến trường” được tổ…
Jomoo Việt Nam và trường Hy Vọng đã ký biên bản tài trợ thiết bị trị giá 2 tỷ đồng cho 138 phòng vệ sinh trong ngôi trường mới dành cho 300 trẻ mồ côi vì Covid-19, chiều 14/11. Phát biểu tại buổi ký kết,…
Men vi sinh chứa các vi sinh vật có lợi, hỗ trợ cải thiện cân bằng hệ vi sinh đường ruột, cải thiện sức khỏe cơ thể song cần tránh lạm dụng. Nội dung: Văn HàThiết kế: Ngân Hà
Dự án Vệ sinh học đường giúp sức khỏe của 98% học sinh được cải thiện nhờ thay đổi thói quen sinh hoạt như rửa tay thường xuyên, không phóng uế bừa bãi, dọn dẹp định kỳ. Đỗ Nam – Kim Anh