Giờ cơm trưa, Lò Minh Thư cùng vài người bạn lớp 5A2, trường tiểu học Bản Bo (Tam Đường, Lai Châu) tự giác đến nhà vệ sinh khiến khu vực này rộn ràng hơn bình thường bởi tiếng tranh luận việc rửa tay đúng cách.
Sau khi thực hành các bước vệ sinh, Minh Thư cùng các bạn vào nhà ăn và dùng bữa trưa. Thói quen này được em duy trì từ lâu, nhưng một tháng gần đây, em nói mình thực hiện nhiều bước và kỹ hơn.
“Từ khi có nhà vệ sinh mới sạch, đẹp, nên em có thể đứng rửa lâu hơn. Thầy cô hướng dẫn các bước rửa tay nhưng trước đây khu vực này có mùi hôi nên em chỉ rửa qua loa, không theo các bước”, Thư nói.
Trước đây, trường tiểu học Bản Bo chỉ có một nhà vệ sinh bốn khoang đại tiện, hai khoang tiểu tiện chia ra khu vực nam, nữ, phục vụ hơn 400 học sinh. Theo hiệu trưởng Vương Ngọc Thương, để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, ăn nghỉ của các con, thầy cô đi xin các tấm tôn cũ quây lại và lắp thêm vòi thành phòng tắm tập thể cho nam. Một khu vực khác cùng làm tương tự dành cho nữ. Tuy nhiên hai nơi này thường xuyên tắc, quá tải, học sinh phải xếp hàng đợi. Đến đầu tháng 10, công trình vệ sinh mới khánh thành, tình trạng này được cải thiện.
“Không gian vệ sinh, tắm rửa của các con ngày xưa chỉ có hai ngăn nhỏ, chật chội. Được sử dụng nhà vệ sinh mới, khang trang sạch đẹp, thầy trò ai cũng phấn khởi. Tư tưởng thoải mái nên công tác chăm lo đời sống, chuyên môn cũng tốt hơn”, thầy Thương chia sẻ
Tương tự ở điểm trường Pho Xin Chải, trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Tả Lèng, thầy cô giáo ở đây cũng cảm thấy thoải mái hơn mỗi khi đến trường. Theo cô Lò Thị Dơn, trước đây, cả trường chỉ có một hố tiêu cho cả thầy và trò. Nền đất, những ngày mưa gió đường ướt, trơn trượt khiến việc đi vệ sinh khá vất vả.
“Cứ đầu tuần đến, chúng tôi dọn từ trong hố tiêu đến ra sân trường. Trong quá trình dạy và học nếu có nhu cầu, các cô thường sẽ nhịn về nhà, nhưng các con thì không. Rất ảnh hưởng đến sức khỏe”, cô Dơn nói.
Khu vực rửa tay ở trường PTDTBT THCS Khao Mang, Mù Cang Chải. Ảnh: Tùng Đinh
Khu vệ sinh điểm trường Pho Xin Chải trước đây. Ảnh: Duy Anh
Học sinh Pho Xin Chải sử dụng công trình vệ sinh mới. Ảnh: Duy Anh
Giáo viên ở Mù Cang Chải hướng dẫn học sinh rửa tay đúng cách. Ảnh: Tùng Đinh
Từ ngày có nhà vệ sinh mới với bốn khoang, chia đôi nam, nữ riêng, cô Dơn nói mọi người ai cũng hân hoan, nhiều em học sinh háo hức đến trường. Các em học sinh ý thức tốt hơn về việc vệ sinh cá nhân. Tôi quan sát thấy các em đã biết ra rửa tay mỗi khi đi vệ sinh xong, điều này trước đây khá hiếm thấy dù thầy cô nhắc nhở nhiều”, cô Dơn cho biết.
Sự thay đổi cũng thể hiện rõ trong sinh hoạt, học tập của hàng nghìn em học sinh ở huyện Mù Cang Chải (Yên Bái). Em Sùng Thị Hà, học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú, THCS Chế Cu Nha nói cảm thấy vui khi không phải xách nước mỗi ngày để sinh hoạt và dội nhà vệ sinh. “Người bé, xô nước nặng nên trước đây mỗi lần đi vệ sinh em đều thấy rất mệt, mất thời gian. Còn bây giờ mọi thứ từ nước, giấy… đã có sẵn nên rất tiện”, Hà nói.
Cuộc sống của các em học sinh bán trú ở trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Mồ Dề cũng như ‘bước sang trang mới’ khi nhà vệ sinh khánh thành. Thầy Nguyễn Tân Phong nói trước đây, cứ 2-3 ngày, nhà vệ sinh tắc một lần. Ngoài việc thường xuyên thông tắc, thầy cũng hướng dẫn nhiều học sinh lớn tìm cách giải quyết khi thầy không có mặt tại trường.
Có nhà vệ sinh mới, thầy Phong nói an tâm hơn khi các con đỡ vất vả mỗi khi giải quyết nhu cầu cá nhân. “Công trình mới sạch sẽ, kiên cố, cửa chắc chắn hơn, các con cũng biết giữ gìn và thay đổi thói quen vệ sinh. Hy vọng khi nhà vệ sinh sạch hơn, bớt đi mùi hôi sẽ đẩy lùi được nhiều bệnh tật”, thầy Phong cho hay.
Các công trình vệ sinh ở Bản Bo, Pho Xin Chải, Chế Cu Nha… là thành quả sau ba tháng thi công dự án Vệ sinh học đường do Quỹ Hy vọng thực hiện tại Yên Bái và Lai Châu. Với nguồn tài trợ của nhãn hàng Enterogermina thuộc Opella Việt Nam – ngành hàng chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng của Sanofi tại Việt Nam, cùng các đơn vị thi công, địa phương, gần 10.000 thầy trò ở hai địa phương này đã đón nhận 20 công trình vệ sinh đạt chuẩn.
Phát biểu tại lễ khánh thành hôm 3/10, ông Nguyễn Văn Tuấn – Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải cho biết, các công trình do dự án Vệ sinh học đường xây dựng là nguồn hỗ trợ rất thiết thực để giúp học sinh học tập và sinh sống tốt hơn, góp phần vào công tác giáo dục và đào tạo của Mù Cang Chải. Đại diện những người thầy, người cô đồng hành cùng trẻ em vùng cao, ông mong có sự đồng hành của các đơn vị, giúp học sinh ở huyện có điều kiện học tập tốt hơn.
Với mong muốn trẻ em vùng cao có điều kiện đảm bảo sức khỏe để học tập, quỹ Hy vọng với sự tài trợ của nhãn hàng men ống vi sinh Enterogermina (thuộc Opella Việt Nam – ngành hàng chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng của Sanofi tại Việt Nam) tái khởi động dự án Vệ sinh học đường mùa 3 tại huyện Mù Cang Chải, Yên Bái và huyện Tam Đường, Lai Châu. Dự án xây dựng các nhà vệ sinh đạt chuẩn tại 20 trường, điểm trường thuộc 2 huyện trên, đồng thời phổ biến thói quen vệ sinh tốt cho các em học sinh.Trước đó, 40 cụm công trình vệ sinh được xây dựng tại huyện Vân Hồ, Sơn La và huyện Đồng Văn, Hà Giang.
Để chung tay cùng dự án, độc giả tìm hiểu tại đây.
Lan Anh
Giống nhiều đứa trẻ 7 tuổi, Tâm thích đến trường để có bạn nhưng bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) thể nặng khiến hành trình của cậu bé bị ngắt quãng. Mỗi tháng một lần, Trần Lê Đức Tâm sống tại thôn Bảng Sơn, xã…
Công ty De Heus Việt Nam tài trợ 1,2 tỷ đồng cho dự án “Dinh dưỡng học đường” của Quỹ Hy vọng, cải thiện bữa ăn của học sinh ở ba trường ở Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An. Ba trường được dự án hỗ…
Năm 2017, Súa theo bố mẹ từ Sơn La vào Bình Dương mưu sinh. Bố mẹ cậu – anh Sồng A Chua (29 tuổi) và chị Giàng Thị Xông (30 tuổi) – là công nhân tại TP Tân Uyên. Họ thường làm việc từ sáng…
Điểm trường mầm non Bản Nghịu ở xã Pá Khoang có tổng kinh phí đầu tư hơn một tỷ đồng được Quỹ Hy vọng xây mới với sự chung tay của FPT Polytechnic. Khởi công xây dựng ngày 6/11, điểm trường nằm trên khu đất…
Trong căn nhà gỗ lọt thỏm sau tán tre bương trên bản Mông (xã biên giới Mường Cai, huyện Sông Mã, Sơn La), thứ tài sản giá trị nhất là chiếc tủ lạnh đã rút ổ cắm, rỗng không. Tường nhà nham nhở những miếng…
6h một buổi sáng đầu tháng 9, tranh thủ trước giờ lên nhà máy, vợ chồng Dê chụm đầu vào màn hình điện thoại trong cuộc gọi chớp nhoáng về quê nhà Sơn La – cách đó 1.800 km. Đầu dây bên kia, ba đứa…