Trong căn nhà gỗ lọt thỏm sau tán tre bương trên bản Mông (xã biên giới Mường Cai, huyện Sông Mã, Sơn La), thứ tài sản giá trị nhất là chiếc tủ lạnh đã rút ổ cắm, rỗng không. Tường nhà nham nhở những miếng giấy dán xé dở, bên cạnh tấm bằng khen học tập xuất sắc của Cảnh. Mạng nhện giăng đầy bốn góc nhà, bồ hóng đã đóng thành những lớp dày màu đen. Căn nhà không có dấu vết của người lớn.
Cảnh, học sinh lớp 8, thay vai bố, thế chỗ mẹ để chăm bẵm cho hai đứa em – Khánh (5 tuổi) và Dung (3 tuổi). Cậu bé thức dậy từ 5h sáng, chuẩn bị hai bộ quần áo khô cho em gái nhỏ, xếp sách vở cho em trai và đảm bảo chúng được ăn sáng trước khi vào lớp. Kể từ khi bố đi làm xa, Cảnh trở thành trụ cột cho các em và cả chính mình.
Những đứa trẻ như Cảnh, tuổi chưa 18 nhưng không được sống trọn vẹn trong vòng tay bố mẹ do tác động của di cư, được gọi chung là “những đứa trẻ bị bỏ lại”, theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF). Chúng phải sống xa bố, mẹ, có khi là cả hai trong ít nhất 6 tháng, và được giao cho người nhà chăm sóc hoặc tự xoay sở.
Thế giới cũng như Việt Nam chưa có thống kê về nhóm trẻ này. Nhưng theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Việt Nam hiện có 6,4 triệu người di cư, trong đó gần 65% đã có gia đình, đồng nghĩa với lượng lớn trẻ em bị bỏ lại. Trung du và miền núi phía Bắc – nơi hiện có tỷ suất xuất cư cao thứ hai và phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số – trẻ em vừa phải thích nghi với cuộc sống xa bố mẹ, vừa phải đối diện nguy cơ đứt gãy giáo dục cao hơn.
Trong khi cha mẹ coi di cư là đầu tư cho tương lai, đối với những đứa trẻ như Cảnh, đó lại là mất mát của hiện tại.
Cảnh xa bố lần đầu lúc chưa đầy 2 tuổi, quen với cuộc sống chỉ có bóng mẹ. Nhìn bạn bè có gia đình trọn vẹn, thi thoảng thằng bé thắc mắc: “Bố cứ đi đâu, sao không ở nhà với mình“.
Năm Cảnh học lớp 2, bố về. Nhưng chưa được nửa năm, bố mẹ bỏ nhau và mẹ bỏ đi, không nói câu chào. Bố đưa mẹ kế về nhà sau đó nửa năm. Từ đây, cậu bắt đầu đánh số các mẹ: mẹ 1 là mẹ đẻ, mẹ 2 là mẹ bố vừa cưới.
Nỗi lo cơm áo lại cuốn bố xa nhà. Lúc đầu là những chuyến đi ngắn ngày, rồi ngày càng dài hơn. Mỗi lần bố về lại thường khởi đầu cho một cuộc xung đột. Giữa năm 2023, mẹ 2 cũng đi mất, vội vã như mẹ 1, để lại những đứa trẻ thiếu thốn cả bố lẫn mẹ.
Sau mỗi lần chia ly, hành trình di cư của bố Cảnh lại xa và lâu hơn. Tháng 11/2023, bố đi làm nhà máy ở Hưng Yên, gửi ba đứa con cho bà nội và chú ở gần đó.
Hồi bố mới đi, nhà mấy lần bị kẻ trộm lẻn vào lấy đi cả gạo và con lợn tiết kiệm mà Cảnh đã nhịn ăn sáng để dành tiền cuối năm mua quần áo. “Sợ nhất là trộm”, nhưng Cảnh phải tìm cách xoay sở. Cậu đưa gạo xuống gửi nhà chú, tự chia ca nửa tuần sống với chú, nửa còn lại ở nhà để bảo vệ tài sản.
Bố ít về, thường gửi tiền chú vào giữa tháng để lo liệu cho ba đứa, lúc 500 nghìn, khi 2-3 triệu. Bà nội đi bán thuốc dưới huyện, thường chỉ về vào cuối tuần. Còn chú cũng bận rộn với công việc phụ bán quán tạp hóa nên phần lớn những đứa trẻ tự chăm nhau.
Cảnh nhiều lần phải hy sinh những buổi học, đặc biệt vào thứ 7, để ở nhà trông em vì trường mầm non nghỉ học. Cậu bé 13 tuổi giải thích không dám để hai em ở nhà một mình bởi mấy lần cậu vừa rời mắt, hai đứa nhỏ đã rủ nhau đi tắm suối.
“Con sợ các em chẳng may bị nước cuốn trôi, không ai giúp”, Cảnh nói.
Cô giáo chủ nhiệm Phạm Thị Kim Tuyến và ban giám hiệu trường PTDT bán trú THCS Mường Cai nhiều lần tự bỏ chi phí, hoặc kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ thực phẩm, quần áo giúp ba anh em. Bạn cùng lớp thỉnh thoảng góp mỗi người 2 nghìn, 5 nghìn chia sẻ với Cảnh. Dù vậy, đây chỉ là những hỗ trợ tạm thời, ngắt quãng.
Cô Tuyến bắt đầu nhận thấy những dấu hiệu bất ổn của cậu học trò khi mỗi lần nhắc đến gia đình, Cảnh liền gục mặt xuống bàn, òa khóc.
Nghiên cứu về Tác động xã hội của di cư lao động đến người ở lại năm 2022 của Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho thấy, 57,8% trẻ cảm thấy buồn, lo lắng vì nhớ bố mẹ, 31,4% vui sướng hơn khi bố mẹ ở nhà. Không chỉ khó khăn hơn trong duy trì việc học, những đứa trẻ bị bỏ lại đối diện nhiều vấn đề tâm lý.
Những cuộc di cư của người lớn vốn đã khiến con trẻ bơ vơ. Đổ vỡ hậu di cư lại càng khoét sâu vết thương lòng. Người lớn mải miết chạy theo cuộc đua tìm sinh kế, còn những đứa trẻ tự xoay xở trong những ngôi nhà trống, cố không “đánh rơi” con chữ.
4 tuổi, Thào Thị Hoa Anh lần đầu cảm nhận thế nào là “bị bỏ lại”, khi bố mẹ đưa em trai xuống Quảng Ninh làm việc, để cô bé ở lại với ông bà nội.
Chị Sồng Thị Cang, 25 tuổi, nhớ mãi câu hỏi thổn thức của con gái khi đó: “Sao bố mẹ thương út mà không thương con, không đưa con đi cùng”. Câu hỏi ấy đã để lại vết hằn trong lòng người mẹ và cả đứa trẻ, nay đã lên 11.
Năm 2018, vợ chồng Cang rời bản xuống miền xuôi làm công nhân khi cuộc sống quê nhà quá khốn khó. Từ đây, gia đình nhỏ bắt đầu bị chia cắt. Chuỗi ngày tăng ca tới tối mịt vô tình kéo Cang dần xa cách con gái. Nhiều lần mẹ gọi về, Hoa Anh chỉ im lặng, đáp lại bằng những cái gật lắc.
Thời gian đầu, hễ nhìn ảnh con gái, Cang lại khóc. “Hai tay làm nhưng cái đầu suy nghĩ đến con”, Cang kể. Nhiều lần, chị toan giục chồng quay về, nhưng mức lương công nhân 6 triệu đồng mỗi tháng – bằng cả gia đình làm 3 tháng khi ở quê – đã níu chân họ với phố thị.
Sau Covid-19, Quảng Ninh hết việc, hai vợ chồng di cư tiếp xuống Bắc Giang và Hưng Yên. Hoa Anh cũng bắt đầu thích nghi với sự chia xa. Cô bé thôi hỏi sao bố mẹ không thương con, và học cách biểu lộ tình cảm qua những cuộc gọi đường dài.
“Con nhớ mẹ, mẹ về với con”, cô bé thường xuyên thủ thỉ với mẹ. Mỗi lần nghe vậy, Cang lại thấy đau lòng.
“Mình rất buồn, không nói được câu nào. Mình nhớ con, muốn ở cạnh con, nhưng không biết làm sao, chỉ biết khóc thôi”, chị kể.
Cảm giác thiếu thốn tình thương của Hoa Anh càng nặng nề hơn khi bố mẹ chia tay. Tháng 11/2023, sau khi kết thúc cuộc hôn nhân 10 năm, Cang dắt theo con gái lớn về nhà ngoại – cách nơi ở cũ hơn 45 km, hai con trai ở lại cùng bố.
Gia đình chính thức “vỡ” đôi.
Từ ngày hai mẹ con chuyển đi, cuộc gọi của bố cũng thưa dần. Hoa Anh thường hỏi bà ngoại: “Tại sao bố không điện về”. Không ít buổi chiều, cô bé đứng nhìn về hướng nhà cũ – nơi có bố và hai em, oà khóc.
Cuộc sống mới của Hoa Anh và mẹ không dễ dàng. Cô bé phải chuyển trường khi đang học dở lớp 4, nơm nớp lo không có bạn bè, khó theo kịp chương trình học. “Bao giờ con mới quen thầy cô và các bạn ở đây. Con sợ lắm”, Hoa Anh nhiều lần hỏi mẹ. Nhà cách trường 10 km nên cô bé ở bán trú, chỉ về nhà vào cuối tuần. Mỗi sáng đầu tuần, Hoa Anh lại níu tay đòi mẹ, không muốn rời đi.
Ba tháng tới trường mới, trong khi Hoa Anh vẫn xoay xở thích nghi với sự thay đổi, thì mẹ một lần nữa quyết định đi làm xa. “Mình không đi thì ai kiếm tiền nuôi con”, chị Cang giãi bày khi chọn di cư đến đầu kia đất nước.
Trước khi mẹ rời bản, Hoa Anh gom góp tiền ăn sáng, mua tặng mẹ một chiếc vòng cổ và nhẫn, giao hẹn “nếu mẹ không đeo, con không học đâu”. Lần nào gọi mẹ, con bé cũng nơm nớp lo mẹ có hạnh phúc mới.
“Mẹ đi lấy chồng thì sau này con sẽ gọi người ta như thế nào”, “Phải xem chú đó có thương được con không, con xem được thì mới cho mẹ lấy” là những câu hỏi thường trực của Hoa Anh với mẹ.
“Ly hôn như trở thành ‘lời nguyền’ với những đôi vợ chồng trẻ di cư”, TS Ngô Thị Thanh Hương, chuyên viên nghiên cứu chính sách của Tổ chức CARE tại Việt Nam, nhận định.
Bà chia sẻ ở một số địa phương Tây Bắc từng đến khảo sát như Hà Giang, Hòa Bình, Lai Châu, Sơn La… đại diện chính quyền đều ghi nhận số vụ ly hôn của người dân tộc thiểu số tăng vọt sau khi đi làm xa về. Phó chủ tịch xã Bản Bo, huyên Tam Đường, Lai Châu từng ước lượng, cứ 3 gia đình có vợ hoặc chồng đi làm ăn xa thì một đôi ly hôn, có khi chỉ sau vài tháng di cư.
Kết quả khảo sát về lao động nữ di cư tại các khu công nghiệp, chế xuất do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam công bố năm 2023 cũng cho thấy, tỷ lệ ly hôn ở lao động nữ di cư là 10%, cao gấp gần 5 lần so với tỷ lệ 2,1% ở nữ giới nói chung (theo Tổng điều tra dân số và Nhà ở năm 2019).
Với chị Cang, cứ nghĩ đến con, lúc nào cũng thấy có lỗi. Từ khi Hoa Anh học mẫu giáo đến giờ, chị gần như vắng mặt trong các buổi họp phụ huynh, chỉ cập nhật tình hình qua điện thoại với giáo viên. Ngay cả khi con ốm, chị cũng phải nhờ cậy thầy giáo.
Người mẹ trẻ nhiều lần muốn đưa con theo, nhưng sợ không lo nổi.
“Để con ở nhà hay đưa con theo là bài toán tiến thoái lưỡng nan với hầu hết bố mẹ khi quyết định di cư. Cả cha mẹ và con cái đều thiệt thòi”, TS Đoàn Kim Thắng, chuyên gia An sinh và Công tác xã hội, Viện Xã hội học, nhận định.
Ông phân tích, khi để trẻ ở lại quê nhà, cha mẹ không được gần gũi, chăm sóc, còn những đứa trẻ bị bỏ lại sẽ lớn lên trong không khí thiếu tình thương, ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân cách.
Theo ông, đa số gia đình chọn để con ở lại vì chi phí chăm sóc trẻ ở đồng bằng quá cao so với miền núi, trong khi đồng lương công nhân eo hẹp. Ngoài ra, trước đây, trẻ không có hộ khẩu, không thể nhập học trường công, còn chi phí trường tư lại quá lớn. Từ năm 2023, quản lý về hộ khẩu đã bị bãi bỏ, chuyển sang mã định danh cá nhân, nhưng bản chất vẫn căn cứ theo địa bàn cư trú để phân tuyến học.
“Thực tiễn đến giờ vẫn không công bằng vì còn ưu tiên cho trẻ thường trú”, ông nói.
Ông dẫn chứng khảo sát gần đây của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với 891 lao động di cư nữ hồi tháng 8/2023, 46% cho biết thu nhập không đủ trang trải; 14,5% khó khăn trong xin học cho con tại nơi cư trú do không có hộ khẩu; và 14,6% không có thời gian chăm sóc con cái.
TS Thắng phân tích, không có người lớn quan tâm, các em rất dễ bỏ học. Theo số liệu điều tra mới nhất của CARE năm 2020, 15% người di cư phải trở về vì không xin được học cho con. Trẻ em học nội trú cũng phải đối mặt nhiều vấn đề khác như dễ bị lạm dụng hoặc lôi kéo vào các tệ nạn…
Theo ông Phạm Văn Liêm, Hiệu trưởng trường Tiểu học & THCS Kim Bon (Phù Yên, Sơn La) – nơi Hoa Anh theo học, thầy cô đã quen với cảnh được phụ huynh phó thác chuyện học hành, đôi khi cả sinh hoạt của con cái. Trong hơn 1.500 học sinh tại đây, 60% có bố mẹ đi làm ăn xa. Nhiều em không nằm trong diện ở bán trú nên phải đi về trong ngày. Quãng đường xa, gập ghềnh, trong khi người thân không thể đưa đón khiến nhiều trẻ không đến lớp đều đặn, nguy cơ nghỉ học.
“Thầy cô cố gắng giúp đỡ, san sẻ song khó có thể cưu mang hết”, ông Liêm nói.
Gần 10 năm bám bản “gieo chữ”, thầy Lường Văn Sang (Tiểu học & THCS Kim Bon) nhiều lúc làm thay công việc của bố mẹ, chăm lo cho học sinh cả lúc khoẻ mạnh lẫn khi ốm đau. Thầy có một cuốn sổ ghi chép riêng những khoản chi tiêu cho học trò, như ứng tiền mua đồ dùng học tập, thuốc, hay đi khám bệnh. Cuối kỳ, phụ huynh cứ theo sổ đó hoàn lại tiền cho thầy.
“Khó khăn lớn nhất là duy trì tính chuyên cần của các em”, thầy Sang nói. Nếu học sinh nghỉ học, thầy cô vừa báo với bố mẹ ở xa, vừa lội suối, băng rừng vào nhà để thuyết phục các con đến lớp.
Là điểm tựa cuối cùng cho những đứa trẻ bị bỏ lại, nhưng nhà trường cũng khó chu toàn khi phải đối mặt nhiều khó khăn, đặc biệt về cơ sở vật chất.
Trường Kim Bon hiện có 9 điểm trường lẻ tại các bản và một điểm chính ở trung tâm xã. Từ năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương sáp nhập điểm trường lẻ để tập trung học sinh về trung tâm, nhằm nâng chất lượng giáo dục. Hiện, học sinh từ lớp 3 bắt buộc học ở điểm trường trung tâm và chỉ về nhà vào cuối tuần.
Lượng học sinh tăng đột biến, trường chỉ đáp ứng chỗ ở cho gần 500 trên tổng số hơn 800 em đủ điều kiện, và phải thuê 7 nhà trọ bên ngoài cho học sinh ở tạm. Dãy nhà bán trú cấp 4 của trường hiện có 13 phòng, nằm trên dốc, có phòng xây cách đây gần 25 năm. Phòng nào cũng ken đặc người ở, đông nhất gần 100 em.
Khối phòng nữ, 20 em chia nhau 20 chiếc giường tầng kê san sát trong không gian tầm 50 m2. Ánh sáng từ bóng điện huỳnh quang không đủ hắt xuống giường tầng dưới. Hai chiếc quạt trần đã ngả màu là công cụ làm mát duy nhất của tụi nhỏ vào những ngày oi bức.
Ông Nguyễn Đức Hải, Phó phòng giáo dục huyện Phù Yên, cho biết đây là thực trạng chung của các cơ sở giáo dục tại địa phương. Ngân sách khó khăn, địa phương phải huy động thêm nguồn lực xã hội để kiên cố hoá các điểm trường, nhưng cũng chỉ hỗ trợ phần nào.
Dù học sinh ở nhà hay học nội trú, gánh nặng chăm sóc những đứa trẻ ở lại đều đặt lên vai thầy cô giáo. TS Nghiêm Thị Thuỷ, chuyên gia 20 năm nghiên cứu xã hội học tại Trung du và Miền núi phía Bắc chia sẻ, ông bà – những người thường được giao chăm sóc trẻ – hầu hết không biết tiếng Kinh và không hiểu hết nhu cầu của trẻ. Những người thân khác thì bận rộn với cuộc sống riêng.
Bà Thuỷ kể nhiều thầy cô giáo vùng cao phải dạy học sinh từ cách đánh răng, thay quần áo, thậm chí hướng dẫn, giải thích cho các em gái khi bước vào tuổi dậy thì. Đến cấp hai, vấn đề giáo dục giới tính còn phức tạp hơn. Không có cha mẹ bên cạnh, các em cũng dễ chán nản và bỏ học.
Dù những đứa trẻ ở lại đối mặt nhiều khó khăn, di cư cũng để lại những tác động tích cực.
TS Nghiêm Thị Thuỷ cho biết nhiều gia đình di cư có kinh tế tốt hơn, có thể đầu tư nhiều hơn vào giáo dục cho con cái. Nhận thức của bố mẹ cũng thay đổi, không còn muốn con kết hôn sớm như truyền thống của nhiều dân tộc.
“Việc di cư mở ra không gian sống mới cho bố mẹ, tác động không ít đến thế giới quan của con. Chúng có thể ước mơ nhiều hơn so với bố mẹ trước đây”, bà nói.
Cảnh và Hoa Anh đều có chung ước mơ mai này lớn lên làm công an. Cảnh dự tính học xong lớp 9 sẽ thi xuống trường cấp 3 ở Sốp Cộp, cách nhà 70 km. Còn Hoa Anh chưa rõ con đường đi của mình, nhưng em quyết tâm chăm lo cho mẹ. Mỗi lần gọi cho mẹ, cô bé đều cẩn thận dặn: “Mẹ cố gắng kiếm tiền cho con đi học, sau này lớn lên con sẽ nuôi mẹ“.
Sồng Thị Cang hiểu nguyện ước của con. Dù do dự “một mình không biết lo được cho con như thế nào”, chị vẫn nuôi hy vọng Hoa Anh sẽ tiếp tục được đi học, để viết tiếp tương lai mà chị đã bỏ dở ở tuổi 15.
Nội dung: Mây Trinh – Phùng Tiên
Ảnh: Phùng Tiên
Dự án Vệ sinh học đường giúp sức khỏe của 98% học sinh được cải thiện nhờ thay đổi thói quen sinh hoạt như rửa tay thường xuyên, không phóng uế bừa bãi, dọn dẹp định kỳ. Đỗ Nam – Kim Anh
Giống nhiều đứa trẻ 7 tuổi, Tâm thích đến trường để có bạn nhưng bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) thể nặng khiến hành trình của cậu bé bị ngắt quãng. Mỗi tháng một lần, Trần Lê Đức Tâm sống tại thôn Bảng Sơn, xã…
Trong gần hai năm, Vuihoc cùng Quỹ Hy vọng mang thư viện điện tử cho hàng chục nghìn học sinh vùng cao, giúp các em tiếp cận kiến thức mới. Năm nay là năm thứ 2 Vuihoc đồng hành cùng Quỹ Hy vọng trong dự…
Sau một tháng phát động chiến dịch hỗ trợ đồng bào bão lũ, nhóm Chung tay vì Việt Nam đã gây quỹ được hơn hai tỷ đồng với sự góp sức của hàng trăm Việt kiều. Số tiền này được các thành viên trong nhóm…
Khi đứa con duy nhất mắc bệnh hiểm nghèo, chị Thân không quản ngược xuôi chạy chữa và đánh đổi nhà cửa lẫn một phần cơ thể. Bé Gia Bảo, con trai chị được phát hiện bệnh từ năm 2019, khi mới học lớp 3.…
Giờ cơm trưa, Lò Minh Thư cùng vài người bạn lớp 5A2, trường tiểu học Bản Bo (Tam Đường, Lai Châu) tự giác đến nhà vệ sinh khiến khu vực này rộn ràng hơn bình thường bởi tiếng tranh luận việc rửa tay đúng cách.…