Đúng 6h45 tối, đại uý Tráng A Vàng (Vân Hồ, Sơn La) đánh ba hồi trống, báo hiệu lớp xóa mù chữ của bản Cột Mốc chuẩn bị đến giờ vào lớp.
Căn phòng 30 m2 tại trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tân Xuân (xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ) là nơi đồn Biên phòng Chiềng Xuân mở lớp xóa mù chữ cho 47 bà con người H’Mông từ tháng 11/2021.
Lớp học bắt đầu từ 7 giờ đến 9 giờ tối, các ngày từ thứ 2 đến thứ 5 hàng tuần. Học viên gồm 41 nữ và 6 nam, trong độ tuổi từ 25 đến ngoài 40, rủ nhau soi đèn pin, cắp sách từ bản đến trường. Người đứng lớp là thiếu tá Trần Văn Phúc, 42 tuổi và đại uý Tráng A Vàng, 40 tuổi.
Tham gia hỗ trợ còn có hai giáo viên của trường Tân Xuân. Đây là lớp xóa mù chữ đầu tiên được mở tại bản Cột Mốc. Các thầy cô đứng lớp phải biết tiếng phổ thông và tiếng H’Mông để tiện cho việc giảng dạy.
Cột Mốc là bản vùng cao biên giới, cách trung tâm xã 17 km. Ông Nguyễn Văn Khảm, chủ tịch UBND xã Tân Xuân, cho biết 100% hộ gia đình trong bản là đồng bào dân tộc H’Mông, điều kiện kinh tế khó khăn, hơn 70% không biết chữ.
“Chúng tôi đi từng nhà, vận động từng người đến lớp. Mục tiêu trước mắt là dạy bà con biết đọc, viết và cộng, trừ cơ bản để phục vụ việc mua bán, trao đổi hàng hoá”, Đại uý Tráng A Vàng nói.
Ban ngày canh gác biên giới, tối là thầy giáo dạy con chữ cho bà con, đại úy Vàng nói “cực, vì chưa học qua nghiệp vụ sư phạm, học sinh đa phần là nữ, còn ngại ngùng, xấu hổ”. Nhưng anh khẳng định phải làm bởi trách nhiệm và hy vọng thay đổi nhận thức, cải thiện cuộc sống cho bà con.
Để có phương pháp dạy dễ hiểu, dễ tiếp thu cho đồng bào, anh cùng đồng đội phải học sách báo, nhờ thầy cô hỗ trợ và dần rút kinh nghiệm qua mỗi lần đứng lớp.
Thầy giáo Đặng Trọng Nam, hiệu phó trường Tân Xuân cho biết, so với dạy trẻ nhỏ, giảng dạy cho bà con nhiều tuổi cần kiên trì, nhất là việc uốn nắn cách viết. “Trẻ nhỏ có khi chỉ mất một tuần để thuộc và tập viết bảng chữ cái, thì bà con phải cả tháng”, thầy Nam nói.
Hai tiếng mỗi tối, giữa bốn bề núi rừng lại vang lên tiếng ê, a tập đánh vần của những học viên đặc biệt. Những đôi tay chai sạn vốn chỉ quen cầm cuốc, nhổ cỏ, thu hoạch cây trái nay vụng về cầm bút tập viết những nét chữ nguệch ngoạc đầu tiên trong đời. Trong số đó có Giàng Thị Cha.
Người phụ nữ 34 tuổi sinh ra trong gia đình nghèo, đông con. Ngày bé phải ở nhà trông em, theo bố mẹ làm nương rẫy, lớn lên chút đi lấy chồng luôn, nên không được đến trường. Nghe tin bộ đội mở lớp, chị đăng ký đi học ngay. “Làm ruộng, làm nương quanh năm rồi, nay cán bộ tạo điều kiện nên mình muốn đi học. Học chữ dạy các con. Rồi sau còn biết viết tên mình, biết cộng trừ khi bán con gà, con lợn”, chị nói.
Từ ngày khai giảng, Giàng Thị Cha chưa nghỉ buổi nào, ngay cả khi vào vụ mùa. Hết hai tiếng trên lớp, về nhà chị rủ con cùng học chữ. Nhiều lúc đi làm nương, chị cũng lẩm nhẩm đọc bảng chữ cái, bởi sợ quên. Không chỉ Cha, nhiều mẹ, nhiều chị sẵn sàng địu con đến lớp khi không nhờ được người trông hộ. Trong lớp học yên tĩnh thi thoảng lại có tiếng khóc ré của em bé sau lưng mẹ.
Thầy Vàng khoe, thời gian quy định học là hai tiếng, nhưng nhiều lúc học viên xin kéo dài thời gian để luyện viết, vì về nhà không có người chỉ dạy. “Miễn sao các mẹ, các chị sắp xếp đến lớp đều, việc kéo dài thời gian hay giảng lại nhiều lần chúng tôi không ngại”, anh cười nói.
Nhưng không phải ai cũng đủ kiên trì cho đến khi đọc thông, viết thạo. Thời gian đầu lớp có 47 học viên, nhưng nay còn 25 người. Một phần do thấy con chữ khó nên nản, số khác lại bỏ về xuôi làm việc hoặc bận lên nương. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, nhiều bà con dân bản thành F0, việc học cũng gián đoạn.
Để duy trì lớp, cứ cách tuần, các chiến sĩ biên phòng cùng trưởng bản phải đến từng nhà vận động. Cả gia đình không đi học thì vận động từng người.
“Cái khó nhất khi mở lớp là vận động bà con, bởi điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều chị, em phải lo cho gia đình, con cái, nhưng nay dần được khắc phục. Đến thời điểm hiện tại, lớp đã ghi nhận những kết quả tích cực khi nhiều bà con đã biết viết, biết đọc, dù ở mức độ cơ bản”, Chủ tịch xã Tân Xuân nói.
Sau gần 3 tháng mở lớp, bà con dân bản Cột Mốc nay đã thuộc bảng chữ cái, tập viết các nét cơ bản và đang học ghép chữ. Các thầy giáo quân hàm xanh nói sẽ cần thêm thời gian để bà con đọc thông, viết thạo, nhưng không phải chuyện không tưởng.
“Không chỉ dạy một lớp, chúng tôi mong muốn có thể đào tạo được nhiều học sinh lớn tuổi. Mong 100% bà con dân bản đều biết chữ, để phát triển kinh tế, là tấm gương cho các con”, đại uý Vàng cười.
Quỳnh Nguyễn
Chương trình Ánh sáng học đường của Quỹ Hy vọng – báo VnExpress mong muốn thay thế những phòng học tạm, thiếu an toàn cho thầy cô, học sinh ở huyện Vân Hồ, Sơn La. Sự đóng góp của độc giả sẽ tiếp thêm động lực và tạo điều kiện cho thầy trò vùng cao có điều kiện dạy, học tốt hơn. Độc giả có thể đồng hành cùng chương trình tại đây.
Bệnh nhân 47 tuổi chết não, 4 tạng của ông được chuyển từ Bình Dương đến các bệnh viện ở TP HCM và Hà Nội để ghép cho người khác. Rạng sáng 20/12, xe chuyên dụng của lực lượng CSGT Công an tỉnh Bình Dương…
Sau 7 ngày liên tục truyền hóa chất, nói không thành tiếng, nôn liên tục nhưng Nguyễn Mạnh Dũng vẫn cố ăn để có sức chống chọi với ung thư. Cậu bé 15 tuổi ở huyện Phúc Yên cho biết từ đầu năm nay bệnh…
Sợ con trai không thể tỉnh lại sau hôn mê, chị Cẩm ngày nào cũng nắm tay trò chuyện, cố kéo con trai vượt cõi chết trở về. “Minh tỉnh dậy tập thở, khỏe rồi hai mẹ con mua bánh sinh nhật nha”, chị Nguyễn…
Bốn tháng sau cuộc phẫu thuật hiến tặng gan, Huỳnh Thị Thu Tuyền trở lại công việc bán hàng, trong khi con gái chuẩn bị đi học mẫu giáo. “Đây là cuộc sống tôi mơ ước suốt ba năm qua”, Tuyền, 22 tuổi, ở xã…
Quỹ Hy vọng khánh thành 14 cầu bê tông mới, trong đó có ba công trình do Roche Việt Nam tài trợ ở huyện Lai Vung và Châu Thành, ngày 1/12. Ba công trình khánh thành đợt này gồm cầu Hy Vọng 382, 383, 384,…
Ở bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng, bác sĩ, người nhà bệnh nhi lúc nào cũng thấy ông Chung cười đùa với đám trẻ, dù ông là người lớn tuổi nhất chăm trẻ ung thư. Chiều cuối tháng 11, sau một ngày trôngcháu…