Hơn nửa năm qua, Trần Bảo Duy 9 tuổi, cố chịu đau mọi đau đớn trong quá trình trị liệu để sớm khỏi bệnh và hiện thực hóa ước mơ trở thành phi công.
Bảo Duy là con trai của anh Phan Thanh Tuấn, 28 tuổi. Khi bé một tuổi, bố mẹ chia tay, Duy về Bến Tre ở với cha và bà nội. Cậu bé lớn lên bình an, khỏe mạnh cho đến tháng 10 năm ngoái, khi tắm cho con, anh Tuấn phát hiện vùng hạch cổ bé hơi sưng, ấn đau. Nhớ lại mấy tuần qua con kén ăn hơn, hay than mệt mỏi, khó thở, anh đưa con tới bệnh viện huyện khám. Nghi ngờ bệnh nhi có khối u hạch, các bác sĩ chuyển Duy lên tuyến trên.
Tại bệnh viện tỉnh, kết quả chụp CT cho thấy ngoài u hạch, trong phổi bệnh nhi có thêm một khối u khác, nghi ác tính. Lần thứ hai chuyển tuyến, tới Bệnh viện Ung bướu TP HCM, Duy được chẩn đoán ung thư hạch – một loại ung thư máu. Tế bào ác tính đã di căn, xâm nhập vào tủy xương, hình thành khối u hạch chèn ép phổi và trung thất, khiến Duy phải thở oxy liên tục.
Nghe bác sĩ thông báo, bệnh của con đã ở giai đoạn 4, phải chữa ngay nhưng không thể mổ lấy u được, chỉ có thể truyền hóa chất và chắc chắn sẽ rất đau đớn, Tuấn sốc, tai ù đặc, mắt mờ đi. Anh ngã ngồi ra ghế, tay run rẩy mấy phút mới bấm được số điện thoại của mẹ, dặn bà đón xe đò lên Sài Gòn ngay.
“Lúc ấy tôi vừa bối rối vừa tuyệt vọng, cứ nghĩ mãi mình đã chăm con thế nào mà đến nông nỗi này”, Tuấn nhớ lại.
Giống như các loại ung thư khác, đến nay giới khoa học chưa xác định được chính xác nguyên nhân dẫn đến ung thư máu. Các yếu tố nguy cơ gây bệnh có thể là tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, hóa chất độc hại, phóng xạ, hoặc di truyền hay đột biến gen. Ung thư quái ác ở chỗ diễn ra âm thầm, các triệu chứng khi đã biểu hiện ra ngoài thì bệnh thường đã ở giai đoạn muộn. Phác đồ điều trị ung thư máu phụ thuộc vào từng giai đoạn bệnh và cơ địa của trẻ.
Với Duy, tiên lượng lúc mới nhập viện khá xấu, tỷ lệ sống còn trong 5 năm đầu thấp. Do đó, các bác sĩ đã lên phác đồ đa hóa trị (phối hợp nhiều loại hóa chất) trong 6 tháng, gồm tấn công, củng cố, tăng cường và tái tấn công tế bào ung thư. Giữa mỗi giai đoạn nhỏ và sau 6 tháng, bệnh nhi được làm các xét nghiệm đánh giá khả năng đáp ứng điều trị để điều chỉnh phác đồ phù hợp, bác sĩ Ngô Thị Thanh Thủy, khoa Ung bướu nhi, Bệnh viện Ung bướu TP HCM cho biết.
Hai tuần đầu “đánh thuốc” liều mạnh, cơ thể Duy phản ứng dữ dội. Cậu bé khó thở hơn, đau tức ngực, lở miệng, nói chuyện khó khăn, không ăn uống được, nôn ói nhiều, liên tục sốt cao, thậm chí chân tay đau đớn, co rút không đi lại được. Từ 24 kg, Duy sụt xuống còn chưa đầy 20 kg, tóc rụng hết.
Đặc biệt, những lần chọc dò tủy để làm xét nghiệm tủy đồ hay phải nằm nghiêng co như con tôm trong 6-7 tiếng để bơm hóa chất vào xương sống, vô cùng khó chịu và đau đớn, nhưng chưa bao giờ Duy giãy giụa, chống đối. Cậu bé tin lời cha, rằng nếu nghe cố gắng chịu đau vài lần, căn bệnh của mình sẽ được chữa khỏi. Như thế, cậu sẽ thực hiện được mơ ước trở thành phi công, đưa cha và bà nội đi du lịch vòng quanh thế giới.
Động viên con vậy, nhưng nỗi lo sợ con không đáp ứng điều trị vẫn ám ảnh Tuấn mỗi ngày. Anh chia sẻ, bản thân luôn cố gắng cứng rắn để lo cho con, song mỗi lần thấy bệnh nhi khác không qua khỏi, anh không kìm được nước mắt. Mỗi đêm nhìn con ngủ, người cha tủi thân, thương con thiệt thòi. Thời gian con ốm, Tuấn cũng xuống sức theo. Anh giảm hơn 10 kg, mắt thâm quầng vì lo lắng và mất ngủ triền miên.
Bên cạnh đó, vốn là trụ cột kinh tế của gia đình, nay dành 100% thời gian trông con trong bệnh viện, Tuấn phải nghỉ công việc phụ hồ, bốc vác ở quê. Hai cha con thuê một phòng trọ nhỏ trên đường Nguyễn Huy Lượng, tiện cho Duy ra vào bệnh viện, còn bà nội già yếu thì ở quê.
Một tháng nay, Tuấn xin được công việc phụ bếp ở quán cơm nhà trọ đang ở. Mỗi 4h sáng, anh dậy đi làm, sau đó tranh thủ đưa đón con vào viện truyền thuốc. Bà chủ quán tốt bụng, ngoài linh động giờ giấc, còn dặn anh chủ động lấy những món Duy thích ăn để bé bồi bổ sức khỏe. Trừ phần tiền trọ, tiền ăn, mỗi tháng Tuấn dư ra 2-3 triệu để mua thêm sữa, thuốc điều trị cho con.
Duy đang vào những đợt hóa chất cuối cùng. Quen thuốc, tác dụng phụ giảm bớt, bé dần tăng cân trở lại, có thể tự đi lại những quãng ngắn. Theo bác sĩ Thủy, quá trình điều trị của Duy khá “êm”, đi đúng phác đồ dự định, tiên lượng tốt hơn trước. Mặc dù vậy, vẫn phải chờ kết quả xét nghiệm chính xác khi kết thúc điều trị.
“Hy vọng bác sĩ sẽ báo tin mừng. Để con sống, việc gì tôi cũng sẽ làm”, Tuấn nói.
Thư Anh
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với chương trình Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của cộng đồng là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước.
Độc giả có thể xem thông tin về chương trình tại đây.
Dự án Vệ sinh học đường giúp sức khỏe của 98% học sinh được cải thiện nhờ thay đổi thói quen sinh hoạt như rửa tay thường xuyên, không phóng uế bừa bãi, dọn dẹp định kỳ. Đỗ Nam – Kim Anh
Công ty De Heus Việt Nam tài trợ 1,2 tỷ đồng cho dự án “Dinh dưỡng học đường” của Quỹ Hy vọng, cải thiện bữa ăn của học sinh ở ba trường ở Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An. Ba trường được dự án hỗ…
Năm 2017, Súa theo bố mẹ từ Sơn La vào Bình Dương mưu sinh. Bố mẹ cậu – anh Sồng A Chua (29 tuổi) và chị Giàng Thị Xông (30 tuổi) – là công nhân tại TP Tân Uyên. Họ thường làm việc từ sáng…
Điểm trường mầm non Bản Nghịu ở xã Pá Khoang có tổng kinh phí đầu tư hơn một tỷ đồng được Quỹ Hy vọng xây mới với sự chung tay của FPT Polytechnic. Khởi công xây dựng ngày 6/11, điểm trường nằm trên khu đất…
Trong căn nhà gỗ lọt thỏm sau tán tre bương trên bản Mông (xã biên giới Mường Cai, huyện Sông Mã, Sơn La), thứ tài sản giá trị nhất là chiếc tủ lạnh đã rút ổ cắm, rỗng không. Tường nhà nham nhở những miếng…
6h một buổi sáng đầu tháng 9, tranh thủ trước giờ lên nhà máy, vợ chồng Dê chụm đầu vào màn hình điện thoại trong cuộc gọi chớp nhoáng về quê nhà Sơn La – cách đó 1.800 km. Đầu dây bên kia, ba đứa…