ĐIỆN BIÊN_Giữa buổi chiều hàng ngày, hàng trăm học sinh tiểu học của trường Tân Lập, xã Háng Lìa, huyện Điện Biên Đông lại xếp hàng đi tắm giải nhiệt.
3h30 chiều 22/4, theo lịch lớp 5A1 được ưu tiên ra tắm đầu tiên. Đám học sinh tay cầm quần áo kèm khăn xếp hàng đi ra nơi đặt vòi nước cách lớp học 300 m. Khối lớp 4-5 được chia đôi ra hai khu nam, nữ đứng tách biệt nhau để tránh xấu hổ.
Khoảng 10 phút sau, theo hướng dẫn của thầy Lương Văn Khọi, các em quay về lớp tiếp tục học, nhường chỗ cho các lớp sau. Những bộ quần áo đẫm mồ hôi mà học sinh thay ra được thầy cô giặt, phơi khô.
Thầy Lương Văn Khọi, 46 tuổi, chủ nhiệm lớp 5A1 nói việc cho học sinh tạm dừng học giữa buổi để đi tắm là truyền thống 4-5 năm nay của trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Tân Lập, mỗi khi nhiệt độ ngoài trời lên 37-38 độ C. Tường và mái của các phòng học ở trường hầu hết lợp tôn nên rất nóng. Trong lớp, các thầy cô liên tục cho học trò hạ nhiệt bằng khăn ướt nhưng vẫn không bớt nóng. Sáng kiến cho học sinh đi tắm mát giữa giờ ra đời.
“Dù chỉ dội nhanh vài gáo nước nhưng cũng khiến học trò đỡ nóng vui vẻ, tỉnh táo trở lại cho tiết học sau”, thầy Khọi nói.
Thầy Khọi cho biết trước năm 2023 khi chưa có nguồn nước sẵn, cứ đến chiều, các thầy vận động nhau ra con suối cách điểm trường hơn 500 m để xách nước. Mỗi người một đến hai xô loại 20 lít, cứ thế ba bốn chuyến để đủ nước phục vụ cho hàng trăm học trò.
Một năm nay, đường nước giếng khoan đã được dẫn từ bản Háng Lìa xuống trường giúp các thầy cô đỡ vất vả hơn. Thay vì xách nước, thầy trò chỉ cần tập hợp, phân chia lịch tắm.
“Để không ảnh hưởng đến giờ học, trường chia các em khối bốn, năm ra khu nội trú tắm, còn lại tắm ở khu có vòi nước, một số em xấu hổ thường đợi tan học để tự tắm giặt”, thầy Khọi nói.
Thời gian đầu mới triển khai, thầy Giàng A Sử, giáo viên dạy văn hóa khối tiểu học nói phải xin phép phụ huynh trước để gia đình an tâm. Một số em chưa quen với nếp tắm giữa chiều còn khóc, đòi về, các thầy lại vất vả dỗ dành. Bên cạnh đó, học sinh trong trường 100% là người Mông, gần 70% thuộc hộ nghèo, từ sữa tắm đến bột giặt, thầy Sự đều tự mua cho các em.
Sau nhiều năm duy trì thói quen, thầy Sử nói toàn bộ học sinh tiểu học nay đã tự giác cứ đến mùa nóng lại chủ động xếp hàng đợi tắm vào giờ nghỉ.
“Tôi như học cách làm mẹ để chăm sóc lũ trẻ tốt hơn, từ tắm giặt, ăn uống đến lo cho các em đủ mặc”, thầy Sử chia sẻ.
Thầy hiệu trưởng Bùi Quang An cho biết hiện tại trường có 15 phòng học, trong đó 10 lớp kiên cố, còn lại có 2 lớp dựng tạm bằng gỗ, 3 lớp lợp tôn. Học sinh học trong các lớp đó mùa hè nắng gắt, càng mở quạt càng nóng.
Bà Giàng Thị Lầu, Phó chủ tịch UBND xã Háng Lìa, huyện Điện Biên Đông cho biết hoạt động tắm cho học sinh của các thầy cô trường Tân Lập rất thiết thực, tạm thời giải quyết được tình trạng nắng nóng từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm trong điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế.
“Tuy nhiên nguồn nước giếng khoan của nhà trường cũng chỉ có ít do đang vào mùa khô nên mong muốn lớn nhất của thầy và trò là đủ nước để sinh hoạt, không còn chịu cảnh học lớp mái tôn, lợp gỗ”, bà Lầu cho biết.
Thanh Nga
Lần đầu rời bản Ka Lăng, anh Sừng Go Phá nhận ra dưới xuôi đông người, lắm xe, không ai nói tiếng Hà Nhì cùng nhiều lần lạc lối trong bệnh viện. Anh Phá lấy vợ từ năm 17 tuổi và có hai con trai…
Người dân các tỉnh Cần Thơ, An Giang và Đồng Tháp vui mừng vì có cầu kiên cố mới, giảm bớt khó khăn trong đi lại, vận chuyển nông sản. Sáng sớm 16/5, ông Võ Phát Thành, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…
Hai năm chống chọi với ung thư xương, phải cắt bỏ tay trái, Hồ Thị Thành Phương vẫn nuôi giấc mơ làm bác sĩ, trở thành điểm tựa tinh thần cho gia đình. Đầu tháng 5, Phương trở lại bệnh viện Trung ương Huế trong…
Khi làm xong phần bít tết cuối cùng trong bếp của khách sạn Longyard ở ngoại ô thành phố Tamworth, đồng hồ chỉ 22h, Liên bỗng thấy cảm giác bình yên ngập tràn cơ thể. “Với tôi, đây là điểm tạm kết của một hành…
Tháng 9 tới, bé Minh Thiện sẽ tròn 6 tuổi và mẹ em, người làm nghề cạo gừng đã quyết tâm sẽ cho con lần đầu được tới lớp. Dọc theo dòng kênh Chợ Gạo ở ấp Bình Thọ Đông, xã Bình Phan, người dân…
Ngô Bảo Anh, 5 tuổi, ung thư nguyên bào thần kinh giai đoạn 4 di căn, dù đã ghép tế bào gốc song ung thư tái phát, hàng tháng phải truyền hóa chất giảm nhẹ. Sau ca ghép tế bào gốc hồi tháng 8/2024, bé…