Từ lúc cất tiếng khóc chào đời, cậu bé Quốc Đảm chưa từng biết đến hơi ấm của mẹ. Covid-19 biến em thành trẻ mồ côi từ lúc ba ngày tuổi, khi đang nằm lồng kính.
Hơn 4 giờ chiều một ngày cuối tháng 12, trong căn trọ ở ấp 1, huyện Bình Chánh, TP HCM, cậu bé Quốc Đảm bỗng dưng khóc ngặt. Anh trai Quốc Bảo, 5 tuổi, luống cuống dỗ em và gọi: “Ngoại ơi!”.
Bà Đào Thị Điền bỏ mớ quần áo trong thau, vớ cái khăn vừa chạy vừa lau tay, vội vàng bế cháu. “Dạo gần đây nó hay khóc bất chợt. Tôi chẳng biết làm sao nữa”, bà nói.
Gia đình bé Đảm quê ở huyện Hòn Đất, Kiên Giang, mới chuyển lên Sài Gòn lập nghiệp từ hồi tháng 3. Bố em, anh Lê Văn Thái, 27 tuổi xin phụ việc cho một xưởng nhôm, lương tháng năm triệu đồng. Mẹ bé xin được một chân phụ việc ở xưởng gia công inox. Gia đình sống chung với cha mẹ vợ, cũng đi làm mướn, trong căn trọ thuê 2,5 triệu một tháng. Anh Thái tính để dành chút vốn rồi học về cơ điện, mong kiếm cái nghề để lo các con ăn học thời gian tới.
Cơn bão Covid-19 ập đến dập tắt những dự định của gia đình nhỏ. Đêm 30/8, vợ anh Thái khó thở. Chị đang mang thai hơn bảy tháng nên ai cũng nghĩ chuyển dạ sớm, khi đến viện mới biết đã nhiễm Covid-19. Vì điều kiện cách ly nên anh Thái buộc phải quay về. Trước lúc về, anh điền số điện thoại của mình để bệnh viện liên lạc, song sau lại đưa chiếc điện thoại đó cho vợ.
Ngay sáng hôm sau người chồng mang quần áo đến cho vợ nhưng bệnh viện không nhận. Gọi vào số điện thoại vợ cầm chỉ có tiếng bíp. Về nhà, lòng anh nóng như lửa đốt, nhưng chỉ biết chầu chực, gọi vào đường dây nóng bệnh viện mà tin vợ vẫn bặt vô âm tín.
Ngày 6/9, anh Thái hỏi được một bác sĩ trong viện mới biết vợ được “mổ bắt con” hôm 31/8, bé trai nặng 2,1 kg. Người mẹ chỉ “một hai ngày nữa là có thể cai máy thở”.
Cả gia đình đinh ninh hai mẹ con sẽ sớm về nhà. Nhưng đến 14/9 liên lạc lại được với bệnh viện, anh mới hay tin vợ mình đã qua đời từ ba ngày trước. “Cô ấy chỉ có bộ đồ trên người, một đôi dép xỏ ngón, tay ôm cái mền một mình vào nhập viện”, anh Thái nhớ về hình ảnh cuối cùng của vợ.
Ngày 15/9, anh đến viện đón con trai. Người cha khom người, chìa đôi tay run run nhận con từ bác sĩ. Cậu bé nằm gọn lỏn trong vòng tay bố, nhẹ bẫng.
Cậu bé được mẹ đặt tên là Quốc Đảm để khớp với tên con trai lớn Quốc Bảo, với ước mong cuộc sống gia đình luôn “được bảo đảm”. “Thế nhưng Covid-19 đã cướp vợ tôi đi khi cô ấy mới 22 tuổi và khiến con trai tôi không một lần có hơi mẹ”, người đàn ông góa vợ nghẹn ngào.
Về tới nhà, bé Đảm vẫn ngủ say. Em được chuyền từ tay cha sang tay anh, rồi bà ngoại, ông ngoại. Chưa kịp quen hơi cả nhà, em lại phải lên đường sang nhà người bác họ ở Củ Chi, cách nhà hơn 20 km để bú nhờ sữa theo lời khuyên của bác sĩ.
Suốt hai tuần ở nhà bác, cậu bé Đảm bú tốt, nhưng không có ai bế ẵm sau bú nên thường bị ọc sữa đến tận tai. Thành phố vẫn giãn cách “ai ở đâu ở yên đó”, cả nhà nhiều lúc cảm thấy bất lực vì muốn được ở bên con mà không thể. Bà Điền ngày ngày gọi điện nhìn cháu, chẳng có cuộc gọi nào không khóc. Còn anh Thái theo được xe của xưởng nhôm, thăm con được hai chuyến.
Sau hai tuần, Đảm được đón về. Vì bà ngoại và bố chưa có kinh nghiệm nên cứ thấy Đảm khóc là cho uống sữa, hoặc một tiếng cho uống một lần. Con uống nhiều đến mức dư sữa trong họng, thở khò khè, cả nhà cứ nghĩ bị viêm phổi. “Tới lúc đưa con đến bệnh viện mới biết lâu nay mình chăm con không đúng”, ông bố nói. Từ đó họ tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, cứ hai tiếng mới cho bé uống sữa một lần.
Bà Điền kể thêm, ngày con gái sinh bé lớn, lúc đó ở quê, người thân hai bên nội ngoại thay nhau túc trực ở bệnh viện. Có món gì ngon đều mang lại nhờ bà nấu để ăn lợi sữa. Được hơi mẹ, anh hai chỉ cần bú no là êm giấc. Trong khi đó, cậu bé Đảm vì sinh non, lại thiếu hơi mẹ nên sức khỏe kém, thường xuyên quấy khóc không thể dỗ nín.
Hàng ngày, em không khóc đêm như nhiều trẻ sơ sinh khác mà quấy nhất vào khoảng 16 giờ. Bé được bú no và truyền tay từ người này sang người khác cho ngủ, nhưng cứ đặt xuống nôi lại thức dậy và khóc. Có hôm, gần 21 giờ Đảm vẫn gắt ngủ, khiến cả gia đình như đánh vật. “Đau lòng nhất là sau này cháu không có một kỷ niệm nào về mẹ”, bà nói.
Một tuần nay Đảm lại quấy khi gần sáng. Em thích được bà ngoại bồng ra trước cửa nhìn xe cộ qua lại. Đặc biệt, khi được anh hai Quốc Bảo gọi bằng biệt danh “mỏ vịt” rồi thơm má, Đảm cười to hơn, tay chân vẫy mạnh vẻ thích thú. “Thằng bé giống hệt mẹ, từ khuôn mặt, làn da bánh mật và cả những ngón chân dài bằng nhau. Cái đầu con hơi méo, chắc là do nằm nghiêng một bên nhiều”, anh Thái nói.
Ngay khi Sài Gòn nới lỏng giãn cách, anh Thái đi làm lại. Bà ngoại phải nghỉ làm để chăm cháu. Quốc Đảm vẫn đang phải dùng sữa non, cộng thêm một loại sữa bột khác, mỗi tháng hết gần 3 triệu đồng, bên cạnh tiền tã, tiền chợ, tiền nhà… đè lên giấc ngủ ông bố trẻ hàng đêm. Gần đây, hôm nào anh cũng tăng ca đến 9 giờ tối, nhưng tháng cao nhất cũng chỉ kiếm được hơn 7 triệu đồng.
Tính đến đầu tháng 10, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM ghi nhận gần 1.400 trẻ dưới 18 tuổi mồ côi do đại dịch. Đảm là một trong 19 trẻ sơ sinh mất mẹ ngay khi vừa chào đời.
Giờ Đảm được gần 4 tháng tuổi, nặng 6 kg. Cậu bé bắt đầu thích ngủ võng hơn nằm nôi. Chiếc võng mà ngày xưa mẹ em thường hay nằm, rách nhiều chỗ nhưng ông ngoại đã cố vá lại cho đứa cháu nằm vì muốn “nó có hơi mẹ”.
Chương trình Tết Hy vọng của Quỹ Hy vọng – báo VnExpress dự kiến trao 1.500 phần quà với mong muốn chia sẻ những mất mát với trẻ em mồ côi vì Covid-19. Độc giả, doanh nghiệp quan tâm có thể ủng hộ chương trình tại đây.
Diệp Phan
Quỹ Hy vọng trao 6 thư viện điện tử và bàn giao 6 điểm trường được sơn sửa cho học sinh huyện Sông Mã. Ngày 12/10, Quỹ Hy vọng cùng Tập đoàn FPT và công ty Vuihoc đã trao 6 thư viện điện tử cho…
Học sinh tại Mù Cang Chải vui mừng khi có khu nhà vệ sinh mới, đầy đủ đường nước vào trực tiếp, không còn phải xách từng xô nước mỗi khi sử dụng. Ngọc Ngọc
Nhiều trường học vùng cao gặp khó khi không có nhà vệ sinh, học sinh phải dùng lán tạm, sau khi được quỹ Hy Vọng và Opella tài trợ các em đã yên tâm hơn khi đến lớp. Dự án xây 20 cụm công trình…
Quỹ Hy vọng cùng các nhà tài trợ đồng hành khởi công ba công trình nhà tắm đầu tiên ở các tỉnh Bắc Kạn, Yên Bái, Sơn La giúp học sinh đảm bảo sức khỏe, cải thiện chất lượng học tập. Ngày 11/10, Quỹ Hy…
Suốt 9 năm qua, vì là người có sức khỏe tốt nhất nhà, Cải Thị Tình, 41 tuổi, lần lượt phải đưa bố, anh trai, chị gái, chồng và con đi viện. Đầu tháng 10, chị Tình đưa con trai Cải Thanh Hứu, 4 tuổi,…
Hai phòng học xây mới cùng công trình vệ sinh, sân chơi tại điểm trường Tiểu học Chà Lan, huyện biên giới Mường Lát vừa được Quỹ Hy vọng và FPT khánh thành, bàn giao cho địa phương sử dụng. Điểm trường Tiểu học Chà…