Từng nghĩ chỉ cần sống để mình và gia đình hạnh phúc là đủ, nhưng những ngày chiến đấu với bệnh ung thư, Thủy Tiên nhận ra sứ mệnh của mình không chỉ thế.
Một tháng nay, Đặng Trần Thủy Tiên, 22 tuổi, sinh viên năm cuối trường ĐH Ngoại Thương ở Thái Nguyên bận rộn với các hoạt động của cuộc thi Miss World Việt Nam 2022.
Đây không phải lần đầu Thủy Tiên tham dự một cuộc thi sắc đẹp. Ba năm trước, khi đang trong quá trình điều trị ung thư vú, cô giành giải Hoa khôi truyền cảm hứngtại cuộc thi “Duyên dáng Ngoại thương”, do trường ĐH Ngoại thương tổ chức. Đây cũng là bước ngoặt cuộc đời của cô gái quê Hải Phòng.
Trước đó, Thủy Tiên phát hiện trên ngực có u nhỏ nên đi khám. Bác sĩ thông báo với bố mẹ cô con gái bị ung thư vú giai đoạn 2A (khối u có kích thước hơn 2 mm), nhưng không ai tiết lộ với Tiên. Một lần, cô vừa cười vừa hỏi mẹ “Con bị ung thư hả?”, thầm cầu mong mẹ phủ nhận. Nhưng mẹ Tiên lặng thinh, nước mắt lã chã.
Nụ cười trên miệng cô gái bỗng hóa đá. Cô kìm giọng bảo mẹ: “Con không sao đâu?”, rồi lao vội vào nhà tắm, để mặc nước xối từ trên đỉnh đầu xuống. “Tôi tưởng như đang rơi xuống vực thẳm không đáy”, Thủy Tiên hồi tưởng.
Những ngày sau đó, cô gái nhận ra nỗi sợ lớn nhất không phải thiệt thòi của bản thân, mà gia đình sẽ ra sao nếu cô chẳng còn trên đời. “Tôi muốn sống tiếp lắm, muốn phụng dưỡng bố mẹ, muốn nhìn ngắm thế giới này”, Thủy Tiên nghĩ và quyết định bảo lưu việc học, bước vào phẫu thuật loại bỏ khối u. Biết chắc trong quá trình điều trị tóc rụng nhiều, cô chủ động cạo trọc đầu.
Chưa đầy 19 tuổi, Thủy Tiên phải cắt bỏ nửa phần ngực trái và khoét phần hạch ở nách. Tỉnh dậy, cô thấy ngực hóp hẳn lại, nách trũng như một hố sâu. Từ miệng vết thương dài, bác sĩ cắm một ống dẫn lưu dẫn dịch từ trong cơ thể chảy ra. Nữ bệnh nhân phải mang bình dẫn lưu lủng lẳng bên người suốt 10 ngày. Mỗi lần giơ cánh tay lên vệ sinh, vết thương căng tức, đau đớn như sắp rách ra. Nhưng những ngày đó, Tiên nhìn thấy bệnh nhân K đại tràng phải đeo hậu môn giả, bệnh nhân K dạ dày đau đến không ngồi dậy được, một bệnh nhân K vú không bao giờ có người nhà đến thăm, cô biết mình vẫn may mắn.
Hàng ngày, bố mẹ luân phiên nghỉ làm, từ Hải Phòng lên Hà Nội chăm sóc Tiên. Họ mang nước dừa, gà tần, cháo, cua… bồi bổ cho con gái. Một tuần sau biết bệnh, Tiên tăng hai kg, còn bố mẹ cô gầy rộc đi, nếp nhăn dày lên đuôi mắt.
“Chỉ cần có tình yêu của bố mẹ thì mọi bão giông cũng hóa bình yên”, cô nghĩ và những cơn đau vì phẫu thuật dịu lại. Bố mẹ cũng là động lực để Tiên bước vào đợt truyền 4 mũi hóa chất đỏ, 12 mũi hóa chất trắng kết hợp 18 mũi thuốc nắm trúng đích và 24 đợt xạ trị. Tổng chi phí điều trị là 900 triệu đồng, chưa kể tiền chi phí đi lại, ăn uống…
Tiên biết, rất nhiều bệnh nhân ung thư như cô phải bỏ ngang điều trị vì không có tiền, nhưng bố mẹ không để bất hạnh đó đến với con mình. Tất cả những chi phí không thuộc ưu tiên khác của gia đình đều phải cắt giảm. Bố Tiên thôi hút thuốc lá, em trai phải nghỉ chơi bóng rổ.
Cuối tháng 7/2019, Thủy Tiên bước vào đợt truyền mũi hóa chất đầu tiên. Cả ngày không ăn gì nhưng bụng cô căng tức, nôn khan. Đau đầu, chóng mặt, người rã rượi, nhưng bác sĩ dặn không được sụt cân trong quá trình điều trị, Tiên ráng nuốt bát cháo. Cứ nuốt vào lại nôn ra, lại súc miệng cố nuốt, lại nôn… Lúc tỉnh táo, cô lại đến trò chuyện với bệnh nhân K khác, chia sẻ đồ ăn với họ. “Tôi nhận ra thứ người bệnh cần không chỉ là tiền bạc, vật chất, mà cần nhất là sự sẻ chia, quan tâm”, Tiên nói.
Dạo ấy, trên giường bệnh, Thủy Tiên xem trực tiếp Lương Thùy Linh, cô gái bằng tuổi, cùng trường đại học đăng quang tại cuộc thi Miss World Việt Nam. Lúc đó, cô ước được một lần tham dự cuộc thi sắc đẹp, truyền động lực sống tích cực đến người chung cảnh ngộ như mình.
Cơ hội đến với Tiên khi trường ĐH Ngoại thương tổ chức cuộc thi hoa khôi. Cô gái cao 1m70 quyết định đăng ký tham dự, dù bố mẹ phản đối. “Thật ra tôi cũng mong sẽ dành giải gì đó, có tiền thưởng phụ gia đình chi phí điều trị”, cô thành thật.
Với một triệu đồng tiết kiệm, Thủy Tiên một mình bắt xe khách lên Hà Nội đi thi. Cô vào chợ sinh viên thuê áo dài hết 600 nghìn đồng, để dành 400 nghìn thuê trang điểm.
Trước cuộc thi, cô chia sẻ trên mạng xã hội bức ảnh trọc đầu, kèm tình trạng bệnh và khẳng định “Tôi đẹp nhất khi tự tin”. Sau dòng trạng thái đó, Thủy Tiên bỗng trở nên nổi tiếng. Trái ngược với nỗi lo của bố mẹ Tiên, mọi người đồng cảm, khâm phục sức sống mãnh liệt của nữ sinh ĐH Ngoại thương.
Không chỉ giành giải hoa khôi truyền cảm hứng, một hãng dược quyết định tài trợ toàn bộ chi phí điều trị. Chiều ngày 17/11/2019, khi đang tham gia các thử thách của cuộc thi Duyên dáng Ngoại thương, Thủy Tiên bất ngờ nhận được thư của Thủ tướng động viên bởi nghị lực sống khi mắc bệnh ung thư vú.
“Cuộc thi xóa bỏ trong tôi và gia đình tâm lý e ngại, buồn phiền vì căn bệnh ung thư. Lúc đó, tôi nhận ra ung thư hóa ra không phải cửa tử, nó có thể được chữa lành và truyền cảm hứng sống tích cực đến mọi người”, cô nói.
Đầu năm 2020, cô gái vừa điều trị ung thư vừa đi học trở lại cùng các em sinh viên năm 2. Cuối năm, Thủy Tiên hoàn tất phác đồ điều trị tại bệnh viện K, chỉ cần theo dõi trong 5 năm.
Quá trình chữa bệnh kết thúc, nhưng cuối tuần nào Thủy Tiên cũng đến bệnh viện K thăm, trò chuyện, tặng quà cho các bệnh nhi, bệnh nhân ung thư. Thời gian qua, cô còn tham gia các hoạt động trong chương trình Mặt trời Hy vọng hỗ trợ bệnh nhân nhi ung thư. Nữ sinh thường chia sẻ thói quen sinh hoạt lành mạnh, tuân thủ phác đồ điều trị của mình trên trang cá nhân với hy vọng những người bệnh như mình tham khảo và giữ sức khỏe ổn định.
“Sau biến cố ung thư, tôi có cái nhìn đa chiều hơn về cuộc sống, đồng cảm hơn với những người khó khăn, có cơ hội gặp gỡ những người giỏi giang, giàu lòng nhân ái. Tôi biết, sứ mệnh của mình không chỉ gói gọn trong gia đình, mà còn mang đến niềm vui cho những người kém may mắn trong xã hội”, cô nói.
Thủy Tiên cho biết, nếu được vào vòng chung kết cuộc thi Miss World Việt Nam 2022, cất lên tiếng nói của mình, cô sẽ nói: “Đối với tôi, Miss World Vietnam không chỉ là một cuộc thi đơn thuần mà nó thể hiện niềm tin chiến thắng bản thân, hiện thực hoá mong muốn và tôi cũng muốn lan toả tinh thần đó tới mọi người”.
Phạm Nga
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với chương trình Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của quý vị là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước. Mời xem thông tin về chương trình tại đây.
Tính đến ngày 16/12/2024, sau 3 tháng phát động với sự hỗ trợ từ hàng chục ngàn mạnh thường quân, chiến dịch “Xây lớp học mới – Mở lối tương lai” đã chính thức cán mốc số tiền quyên góp ấn tượng 234 triệu đồng…
Mỗi runner đăng ký giải chạy “Tết Hy Vọng 2025” sẽ góp một viên gạch xây nhà tắm giúp mùa đông của học sinh vùng cao ấm áp hơn. Giải chạy do Quỹ Hy vọng và vRace phối hợp tổ chức, bắt đầu từ ngày…
Quỹ Hy vọng khánh thành 14 cầu bê tông mới, trong đó có ba công trình do Roche Việt Nam tài trợ ở huyện Lai Vung và Châu Thành, ngày 1/12. Ba công trình khánh thành đợt này gồm cầu Hy Vọng 382, 383, 384,…
Sau 2 tháng, dự án gây quỹ xây mới phòng học do Đông Tây Barbershop phối hợp cùng MoMo và Quỹ Hy vọng thực hiện đã cán mốc 100 triệu đồng. Từ ngày 16/9, Đông Tây Barbershop trích 5.000 đồng với mỗi giao dịch thanh…
Điểm trường làng Hrách và Lơ Pơ, huyện Kông Chro được Quỹ Hy vọng và các đơn vị tài trợ xây mới thay thế cho những lớp học đã xuống cấp, thấm dột. Ngày 14/11, gần 100 học sinh, giáo viên Điểm trường Hrách thuộc…
Học sinh trường TH & THCS Quang Minh tìm hiểu kiến thức về dinh dưỡng và ăn liên hoan trong ngày hội do Quỹ Hy vọng và De Heus tổ chức. Ngày hội dinh dưỡng học đường chủ đề “Vững bụng đến trường” được tổ…