ẹ đi nương, sắp về thôi”, Yết lấp liếm, không dám nhìn thẳng vào mặt con. Mẹ chúng đã mất tích sau cơn lũ ngày 3/8/2019.
Năm ngày sau, ở thủy điện Bá Thước, cách đó gần 200 km, người ta thấy xác mẹ bọn trẻ úp mặt trôi trên dòng sông Mã. Cơn lũ quét qua chân núi Luốt Mu, 72 gia đình mất nhà cửa chỉ trong vài tiếng đồng hồ. 17 người chết và mất tích.
Nhưng người dân quanh bản đã bảo cho hai đứa trẻ biết. Chúng chạy từ suối về, đấm bố hùi hụi, gào khản cổ “mẹ, mẹ”.
Ở tuổi đôi mươi, “chẳng biết vì nguyên nhân gì”, Yết yêu rồi cưới cô gái cách đó có hai nóc nhà. Yết và Vững cấy lúa trên 2 sào ruộng cằn quanh năm thiếu nước, mà mùa nước đến thì ngập. Đến mùa thì làm nứa, làm vầu, hết màu lại đào ao nuôi cá. Họ có với nhau hai mặt con.
Em trai Vững đi làm ăn xa, để lại bố mẹ và vợ con ở nhà. Ngày nước đổ về, Yết chạy ra cứu ao cá, Vững chạy xuống nhà em dâu, giúp gia đình đi sơ tán. Nhưng Vững bị nước sông Luồng cuốn trôi, cùng cả 5 người thân còn lại.
Từ ngày Vững mất, quyển album nhàu nhĩ được hai đứa trẻ con bới ra, để ngay đầu giường. Tối tối, trong chái nhà hình như còn vương vất mùi mẹ, lũ trẻ lăn ra nằm ở cái sàn nhà gỗ đã gẫy lởm chởm. Thằng cu con xem nhiều lần, đến thuộc ảnh từng trang. Nó giở ra đúng cái trang có mặt mẹ, ngắm nghía hồi lâu rồi gác chân lên bụng bố, hậm hị một lúc rồi lăn ra ngủ.
Huyện biên giới Quan Sơn nằm cách trung tâm thành phố Thanh Hóa 160 km về hướng Tây. Là một trong 85 huyện nghèo nhất cả nước, toàn bộ 12 xã và thị trấn đều trong diện “đặc biệt khó khăn”.
Nhìn từ trên cao, cuộc sống của 45 nghìn người Quan Sơn chỉ có hai màu. Màu nâu của dòng sông Luồng, quanh co hợp vào với dòng sông Mã, và màu xanh của những đồi nứa, luồng, vầu. 90% diện tích tự nhiên của huyện là đất rừng, trong đó, gần một nửa là đất trồng nứa, trồng vầu.
Những gốc vầu mọc trên đất rừng Quan Sơn sau khoảng 4 năm cho thu hoạch. Người dân đốn về nhà sơ chế, để nguyên cây hoặc chẻ thành nan, bó từng bó để trước nhà chờ thương lái đến mua về thành phố làm tăm tre, đồ thủ công mỹ nghệ hoặc chân hương. Mỗi kg vầu khi được giá là 2.000 đồng, nhưng cũng có khi chỉ 1.500 đồng.
Năm 2019, khi ngành xuất khẩu tăm hương của Việt Nam mất cửa sang khách hàng lớn nhất, Ấn Độ, người làm nan ở Sơn Thủy cũng lao đao. Nan chẻ ra đầy xưởng, mà người Hà Nội chẳng lên mua.
Ông Lữ Văn Tiên, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy chỉ ra những đồi vầu đang thoái giống, lắc đầu, “đất hạn cằn lâu rồi, không trồng được cây gì nữa, chỉ trông vào vầu với nứa”.
Sơn Thủy có 25% hộ nghèo, “nhưng nếu tính trắng ra, thì không dưới 70%”. Ở vùng đất này, vẫn có những bản Mông treo mình trên đỉnh núi cao, quanh năm quấn trong mây, không đường, không điện, không trạm y tế, không sinh kế.
Nhưng ngay cả vòng quay cuộc sống cơ hàn ấy cũng không trụ vững trước biến đổi khí hậu. Trong ký ức cộng đồng, mưa to chỉ là khi Vững chạy lên và be lại bờ ao cá để chúng không tràn ra ngoài. Nhưng họ nhận ra, “từ thủa cha ông đến giờ chưa có đợt lũ nào kinh khủng thế này. Nhà chưa bao giờ đổ, nữa là người chết”.
à đâu?” – thằng bé Hưng, 3 tuổi, giật mình tỉnh dậy giữa đêm khóc mếu đòi bà. Vi Thị Hoa ôm chặt con trai, nước mắt trào ra. Nghe con gọi bà, Hoa vẫn tự trách, giá hôm ấy vợ chồng chị ở nhà, biết đâu bố mẹ vẫn còn sống.
Nhà Hoa-Thiên cũng trong bản Sa Ná. Nhưng khác vợ chồng Vững, họ rời quê đi xuống Hải Phòng làm công nhân, để lại các con cho cha mẹ già. Đó là lựa chọn phổ biến của vùng Quan Sơn này – khi cây vầu không tạo nổi cơ hội thoát nghèo.
Đêm 2/8/2019, bão số 3 – Wipha vào đất liền. Vợ chồng Hoa và Thiên rời công xưởng lúc 21h, trời Hải Phòng cũng bắt đầu mưa nặng hạt. Giọng mẹ chồng từ Quan Sơn, Thanh Hóa trong điện thoại lẫn tiếng mưa: “Ở nhà mưa bé, không sao đâu. Nếu công việc ngoài đó ổn định thì cứ làm, Tết hẵng về”.
Hoa lên giường mà nóng ruột, vài giờ lại tỉnh dậy, gọi điện về quê. 4h sáng, bà Ọi bảo mưa đang ngớt dần, giục hai con cứ ngủ, đừng lo lắng gì. Bà dặn thêm, “mai ra đường phải cẩn thận, mưa gió chẳng trừ ai”.
Đấy cũng là lời cuối cùng vợ chồng Hoa nghe từ mẹ. Hơn 3 giờ sau, nước suối Son từ thượng nguồn Lào dâng lên. Cơn lũ quét qua chân núi Luốt Mu, 72 gia đình mất nhà cửa chỉ trong nửa tiếng đồng hồ. 17 người chết và mất tích.
Chiều tối ấy, Hoa và Thiên về được đến Quan Sơn, sông Luồng vẫn đục ngầu, sương bốc ngùn ngụt giữa dòng nước còn đang ùng ục. Mấy hôm trước rời làng, họ vẫn còn một gia đình. Quay về họ trở thành người mồ côi, không nhà cửa.
“Bố mẹ em hiền lắm, thương con mà siêng lắm”, Hoa chỉ kể được như vậy về mẹ chồng. Giọng nghẹn lại, nấc lên, không nói được tiếp nữa. “Đôi khi mình nghĩ, tại sao nó lại không xảy ra vào lúc mình ở nhà, mà lại xảy ra đúng lúc vợ chồng đi vắng. Mình tiếc, giá mà ở nhà, liệu có khác đi không? liệu có cứu được bố mẹ không?”.
Những ngày Tết xưa đông đủ, mấy nhà trong bản sẽ bàn nhau mổ chung một con lợn. Ông Kiêm với Thiên sẽ ngồi đầu hè, chỗ gốc cây ổi gói bánh chưng. Bà Ọi sẽ bớt lại vài cân thịt, bỏ vào cái xoong, bóp muối với sả, ớt, mắc khén… treo lên trên bếp củi mà hun sấy. Tết này, căn bếp vắng bàn tay đảm đang của người bà, người mẹ.
“Trên này chỉ có nứa với luồng, không có gì kiếm ra tiền được nữa”. Vi Thị Hoa bảo làm nứa chỉ đủ có gạo ăn, “cơm muốn có thịt, thì phải ra thành phố làm thuê”.
Sau những mùa thu hoạch, người Quan Sơn ngồi đợi mùa măng lớn không có nghề phụ. Người già ở nhà chăm trẻ. Hoa, như Thiên và hầu hết thanh niên ở Na Mèo sẽ khăn gói lên đường, rủ nhau ra Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh đi làm công nhân, xây dựng, bốc vác.
Vòng quay kinh tế chặt vầu, chờ người mua, đợi măng lớn, đi làm thuê ở các thành phố lớn lặp đi lặp lại ở Quan Sơn. Những ngày cuối năm ở Na Mèo, nếu không vì cơn lũ, tụi trẻ và người già vẫn sẽ ngày ngày ngồi ngoảnh mặt ra sông Luồng, đợi những người trẻ tuổi trở về, mang theo những ngày công làm thuê trên phố.
iệt Nam đứng 6 thế giới về chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu, theo nhiều cơ quan Liên Hợp Quốc. Thống kê của Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai, giai đoạn 2008-2017, trung bình mỗi năm thiên tai khiến khoảng 317 người chết và mất tích, thiệt hại vật chất khoảng 15 nghìn tỷ đồng.
Và theo UNICEF, các ảnh hưởng do biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến 76% dân số, “đặc biệt là nhóm người nghèo thiếu khả năng phục hồi trước những thiệt hại lớn”. Trong nhóm này, trẻ em “đặc biệt bị ảnh hưởng bởi thảm họa”.
Bản làng trơ ra dưới chân núi Luốt Mu sau cơn lũ. Ở cái nền nhà sàn bê tông đã vỡ làm đôi của vợ chồng Hoa – Thiên vẫn sót lại mấy quyển sách Toán, Tiếng Việt lớp 5 đóng cứng đất bùn, ghi tên “Ngân Công Việt” ở nhãn vở. Thằng bé 10 tuổi bị nước lũ cuốn đi 4 cây số, nhưng không chết.
Sáng ấy, thằng bé đang nằm ngủ trên tầng hai của nhà sàn, bỗng tiếng “ùm ùm” vọng lại mỗi lúc một gần, hàng xóm của Việt bắt đầu la ó thất thanh. Cu Việt chỉ kịp ngồi dậy thì biển nước đỏ ngầu chồm đến. Những cột chống nhà sàn ngay lập tức gãy tan, xô theo dòng nước.
“Cháu ôm được cái cây cột nhà rồi trôi xuống chỗ xoáy nước, nó cứ trôi. Cháu ngồi lên cây gỗ, nó cứ tự chạy đi. Cháu tưởng là nằm mơ ngủ”, Ngân Công Việt kể lại cuộc thoát chết bằng giọng Kinh lơ lớ của người Thái.
Bốn tháng sau cơn lũ, những nhà hảo tâm và chính quyền đã dựng lại những xác nhà mới ở bản Sa Ná. Nhưng trong những xác nhà ấy, vẫn là viễn cảnh bất định: những cú sốc không thể vượt qua, vòng quay kinh tế cũ, nguy cơ về những thảm họa mới. Trên cùng bờ sông, khe núi ấy, những thảm họa khí hậu cực đoan như cơn cuồng nộ của sông Luồng sẽ không còn là những thảm họa “hy hữu bất thường”.
Hiện tại có thể chưa phải là điều nghiệt ngã nhất. Khi Việt và Hưng, những đứa trẻ ở Quan Sơn, lớn lên, có thể chúng sẽ phải đối mặt với một tương lai khác cha mẹ, ông bà mình.
Bài: Thanh Lam
Ảnh: Lê Hoàng, Phạm Khánh Huy
Tính đến ngày 16/12/2024, sau 3 tháng phát động với sự hỗ trợ từ hàng chục ngàn mạnh thường quân, chiến dịch “Xây lớp học mới – Mở lối tương lai” đã chính thức cán mốc số tiền quyên góp ấn tượng 234 triệu đồng…
Sau 7 ngày liên tục truyền hóa chất, nói không thành tiếng, nôn liên tục nhưng Nguyễn Mạnh Dũng vẫn cố ăn để có sức chống chọi với ung thư. Cậu bé 15 tuổi ở huyện Phúc Yên cho biết từ đầu năm nay bệnh…
Sợ con trai không thể tỉnh lại sau hôn mê, chị Cẩm ngày nào cũng nắm tay trò chuyện, cố kéo con trai vượt cõi chết trở về. “Minh tỉnh dậy tập thở, khỏe rồi hai mẹ con mua bánh sinh nhật nha”, chị Nguyễn…
Mỗi runner đăng ký giải chạy “Tết Hy Vọng 2025” sẽ góp một viên gạch xây nhà tắm giúp mùa đông của học sinh vùng cao ấm áp hơn. Giải chạy do Quỹ Hy vọng và vRace phối hợp tổ chức, bắt đầu từ ngày…
Bốn tháng sau cuộc phẫu thuật hiến tặng gan, Huỳnh Thị Thu Tuyền trở lại công việc bán hàng, trong khi con gái chuẩn bị đi học mẫu giáo. “Đây là cuộc sống tôi mơ ước suốt ba năm qua”, Tuyền, 22 tuổi, ở xã…
Quỹ Hy vọng khánh thành 14 cầu bê tông mới, trong đó có ba công trình do Roche Việt Nam tài trợ ở huyện Lai Vung và Châu Thành, ngày 1/12. Ba công trình khánh thành đợt này gồm cầu Hy Vọng 382, 383, 384,…