PHÚ YÊN_Mùa sen năm ngoái, chồng chị Thơ đi làm, con gái cả ríu rít bên mẹ lẩy tâm sen kiếm thêm thu nhập, nhưng năm nay căn nhà trống hoác.
Cuộc sống trong ngôi nhà nhỏ của vợ chồng chị Huỳnh Thị Thơ và hai con đủ nếp đủ tẻ vốn đầm ấm. Anh làm thợ cơ khí ở Bình Dương, chị làm công nhân gần nhà, hai con học giỏi.
Đầu hè năm ngoái chồng chị phát hiện bệnh đại tràng, đã phẫu thuật song vẫn tiếp tục nhiễm trùng. Hơn nửa năm chị đồng hành cùng chồng ngược xuôi chữa bệnh, trong nhà có bao nhiêu tích lũy cũng theo đó tiêu tan.
“Nhưng vẫn không cứu được anh”, chị Thơ, 37 tuổi, ở Hòa Xuân Tây, thị xã Đông Hòa, Phú Yên, nói.
Chưa đầy một tháng sau khi chồng qua đời, con gái lớn của chị, bé Nguyễn Thị Quỳnh Như, 14 tuổi, thường xuyên bị sốt. Đi khám mấy nơi gần nhà, bé được kết luận sốt siêu vi, kê thuốc về thuốc nhưng mãi không đỡ.
Vào một ngày sau ba tuần sốt dai dẳng, cô bé bị đau quặn vùng hông, vùng bụng. Người mẹ liền đưa con đi bệnh viện tỉnh. Bước đầu con được chẩn đoán sốt kéo dài, gan lách to, giảm tiểu cầu và yêu cầu chuyển tuyến ngay.
Nhập nhoạng tối ngày 25/1, một tay chị Thơ xách túi, một tay dắt con lên chiếc xe giường nằm đi vào TP HCM. Cả xe, ngoài bác tài và phụ lái, chỉ còn hai mẹ con trên suốt hành trình dài hơn 500 km.
“Ai nấy xuôi về quê sửa soạn ăn Tết hết cả, còn mẹ con tôi đi ngược”, chị chia sẻ.
Quỳnh Như nhập Bệnh viện Nhi đồng 2 sáng sớm ngày 26/1. Sau vài tuần bé được chẩn đoán mắc Hội chứng thực bào máu thứ phát. Đây là một rối loạn chức năng miễn dịch không phổ biến ở trẻ. Bệnh diễn biến nhanh, nặng và đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời, bởi quá trình viêm mạnh và thực bào các tế bào máu diễn ra khiến cho người bệnh có thể rơi vào tình trạng nhiễm khuẩn nặng do bạch cầu giảm, xuất huyết nặng do tiểu cầu trong máu giảm và thiếu máu.
Không sốc khi xác định được bệnh của con vì đã xác định tâm lý từ trước nhưng chị Thơ khủng hoảng. Dù đã đổi ba loại hạ sốt, kèm kháng sinh liều cao, con gái chị vẫn sốt kéo dài hơn hai tháng trời. Triền miên nhiều ngày cứ 3-4 tiếng lại sốt một cữ.
Ngần ấy thời gian con sốt người mẹ không được nghỉ. Chị luôn tay cho con thuốc thang, hết dùng khăn lau người lại cặp nhiệt độ. Ngay cả khi con ngủ, chị cũng phải thức để canh và vỗ về.
Đúng đợt hai mẹ con nhập viện, hầu hết người bệnh đã xuất viện về quê ăn Tết. Có những đêm cả khoa Ung bướu Huyết học không còn một bóng người bệnh. “Tôi gục đầu thiếp đi bên con, giật mình tỉnh dậy thảng thốt bởi bốn bề lặng thinh, lay con mãi mới tỉnh”, chị hồi tưởng.
Cơn khủng hoảng của người phụ nữ đơn thân lên đến đỉnh điểm vào một đêm con gái đã dùng hạ sốt nhưng vẫn không thể cắt sốt, mà có xu hướng tăng độ. Lúc khoảng 1h sáng, cả người con nóng rực, đo 42 độ C, mê sảng.
Người mẹ liền thông báo cho bác sĩ trực. Đôi chân chị cuống cuồng chạy cõng con đến khoa hồi sức cấp cứu. Bé Như lúc này bị nhiễm trùng máu cao, nhịp tim giảm, đã lịm đi. Trước khi cánh cửa phòng hồi sức đóng lại, bác sĩ thông báo cho chị Thơ “chuẩn bị tinh thần”.
Bên ngoài hành lang, người mẹ quỵ xuống. Nước mắt giàn giụa. Chị cầu xin trời Phật cứu lấy con, cầu xin người chồng đã khuất phù hộ cho con qua khỏi. Trong đêm dài đằng đẵng, nỗi sợ, nỗi đau và đơn độc hành hạ người phụ nữ nghèo.
Tới 13h ngày hôm sau, chị mới được vào thăm con 15 phút. “Như ơi, Như à”, chị khẽ gọi và cô bé từ từ mở mắt, nhận biết được mẹ rồi lại thiếp đi. Em phải ở trong phòng hồi sức thêm hai ngày nữa mới được trở lại khoa. Ngần ấy ngày, chị Thơ vạ vật ngoài hành lang chỉ chờ mươi phút được vào thăm con.
Thạc sĩ Quách Tú Trinh, bác sĩ điều trị của Quỳnh như cho biết bé nhập viện trong tình trạng sốt kéo dài, da phát đỏ là biểu hiện của nhiễm khuẩn máu nặng. Bé Như đang được điều trị chứng thực bào máu. Bệnh này có thể là thứ phát do một bệnh lý ung thư hoặc một bệnh lý ác tính nào đó.
“Cần phải có thêm kết quả sinh thiết tủy nữa mới xác định được Như bị bệnh gì, lúc đó mới có hướng điều trị tiếp theo. Hiện bé đã có sinh thiết tủy nhưng chưa có kết quả vì gia đình chưa có tiền đóng tiếp”, bác sĩ Tú Trinh nói.
Chị Thơ cho biết thêm con đang được điều trị thực bào máu, đã vào toa thứ 6 nhưng chỉ hai toa gần đây mới có đáp ứng, tình trạng sốt đã giảm. Từ lúc chồng mất, con bị bệnh, gia đình được xét hộ nghèo, giúp giảm được một phần chi phí đi viện. Tuy nhiên vì chị Thơ phải theo con đi viện nên không đi làm được. Kinh phí để chữa bệnh vẫn đang phải chạy vạy vay mượn từng ngày.
Quỳnh Như vốn một cô bé lớp 8 học rất giỏi và thích vẽ. Hàng năm cứ vào mùa này, em bảo mẹ nhận hạt sen về cho mình bóc để kiếm thêm thu nhập phụ bố mẹ, nhưng năm nay em không thể làm nữa.
“Từ một đứa trẻ hoạt bát, thông minh, giờ bệnh tật khiến con phù nề, mệt mỏi, không thiết làm gì cả. Nhìn con tôi đau từng khúc ruột”, người mẹ đơn thân nói.
Phan Dương
Điểm trường làng Hrách và Lơ Pơ, huyện Kông Chro được Quỹ Hy vọng và các đơn vị tài trợ xây mới thay thế cho những lớp học đã xuống cấp, thấm dột. Ngày 14/11, gần 100 học sinh, giáo viên Điểm trường Hrách thuộc…
Học sinh trường TH & THCS Quang Minh tìm hiểu kiến thức về dinh dưỡng và ăn liên hoan trong ngày hội do Quỹ Hy vọng và De Heus tổ chức. Ngày hội dinh dưỡng học đường chủ đề “Vững bụng đến trường” được tổ…
Jomoo Việt Nam và trường Hy Vọng đã ký biên bản tài trợ thiết bị trị giá 2 tỷ đồng cho 138 phòng vệ sinh trong ngôi trường mới dành cho 300 trẻ mồ côi vì Covid-19, chiều 14/11. Phát biểu tại buổi ký kết,…
Men vi sinh chứa các vi sinh vật có lợi, hỗ trợ cải thiện cân bằng hệ vi sinh đường ruột, cải thiện sức khỏe cơ thể song cần tránh lạm dụng. Nội dung: Văn HàThiết kế: Ngân Hà
Dự án Vệ sinh học đường giúp sức khỏe của 98% học sinh được cải thiện nhờ thay đổi thói quen sinh hoạt như rửa tay thường xuyên, không phóng uế bừa bãi, dọn dẹp định kỳ. Đỗ Nam – Kim Anh
Công ty De Heus Việt Nam tài trợ 1,2 tỷ đồng cho dự án “Dinh dưỡng học đường” của Quỹ Hy vọng, cải thiện bữa ăn của học sinh ở ba trường ở Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An. Ba trường được dự án hỗ…