BÌNH DƯƠNG- Tưởng rằng cái chết của con út là tận cùng nỗi đau, nhưng năm nay ông Quân lại nhận hung tin, con trai duy nhất mắc ung thư trực tràng giai đoạn bốn.
Bảy năm trước, ông Vũ Văn Quân (49 tuổi), ở xã Nghĩa Hùng, Nghĩa Hưng, Nam Định phát hiện bị ung thư xương giai đoạn ba. Để có tiền chữa trị, người đàn ông vốn là nông dân vay mượn khắp nơi. Hai năm chữa bệnh, vợ phải lên Hà Nội chăm chồng không thể đi làm, số nợ của gia đình lên tới nửa tỷ đồng.
Bốn đứa con thời điểm đó, đứa lớn chăm đứa nhỏ, cơm cháo qua ngày. Năm 2018, đúng vào ngày truyền hóa chất đợt cuối, con gái út 2,5 tuổi ngã xuống bờ sông trước nhà chết đuối. Gia đình giấu người cha đang điều trị bệnh. Khi ra viện, vì quá đau khổ người đàn ông không dám ở lại nhà, bỏ vào Nam tìm việc rồi quyết định đưa cả gia đình tới Bình Dương. Căn nhà ở quê phải thế chấp cho chủ nợ.
Họ thuê nhà gần khu công nghiệp Mỹ Phước 1, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương bán đồ ăn cho công nhân. Cuộc sống trôi qua bình yên, hai con gái đầu lớn lên làm công nhân, thu nhập dần ổn định cũng khiến ông Quân khấp khởi mừng, mong tích góp đủ tiền về chuộc lại căn nhà hương hỏa ở quê.
Nhưng người tính không bằng trời tính. Tai họa lại ập xuống gia đình này bốn tháng trước, khi cậu con trai duy nhất Vũ Tuấn Kiệt, 13 tuổi, liên tục kêu đau bụng.
“Cháu muốn đi vệ sinh nhưng không thể đi nổi, chạy ra chạy vào rất khổ sở”, người bố kể lại.
Sau nhiều lần thăm khám, Kiệt được chẩn đoán ung thư trực tràng giai đoạn bốn. Hậu môn được chuyển sang bên hông, việc vệ sinh phải qua một túi đeo vắt vẻo trên người. Chỉ trong hai tháng từ khi phát hiện bệnh, cậu bé giảm 17 kg, không ăn không ngủ được vì đau.
Là một bệnh nhân ung thư, ông Quân thấu hiểu con trai đang phải trải qua những đau đớn về thể chất và tinh thần như thế nào. Thương con, dù sức khỏe yếu, đi bộ vài phút đã thở hổn hển ông vẫn nhận chăm sóc Kiệt tại bệnh viện. Vợ và hai con gái đầu còn đi làm, lo tiền sinh hoạt và thuốc thang chữa bệnh.
Trước đây để điều trị ung thư, ông Quân từng phải cắt xương mác chân đắp lên hàm, việc đi lại trở nên rất khó khăn. Hiện ông vẫn uống thuốc thường xuyên, 3-6 tháng lại ngồi xe khách ra Hà Nội thăm khám cũng như lấy thêm thuốc một lần. Bác sĩ dặn, nếu bệnh tình diễn tiến xấu, sẽ phải tiếp tục hóa trị.
“Nếu như vậy thật thì tôi cũng từ bỏ điều trị. Giờ phải dồn tiền chạy chữa cho con trai, cháu nó còn quá bé”, ông bố nói.
Để chữa bệnh cho Kiệt, gia đình phải tiêu tốn hơn 200 triệu đồng. Dù vay mượn khắp nơi nhưng họ mới có 70 triệu, vừa đủ cho lần điều trị đầu tiên. Còn những giai đoạn sau này, người bố chưa biết lấy tiền ở đâu.
Niềm an ủi duy nhất cho gia đình là lần hóa trị đầu, Kiệt đáp ứng thuốc tốt, không còn quá đau đớn. Tuy nhiên tinh thần cậu bé không được như vậy. Từ một đứa trẻ năng động, tham gia mọi hoạt động thể thao của trường, của lớp, giờ cậu nằm bẹp, bố mẹ hỏi chẳng buồn đáp lời. Hầu hết thời gian trong ngày, Kiệt đờ đẫn nhìn vào khoảng không trống rỗng trước mặt, thậm chí không muốn bước chân ra khỏi giường.
Từ khi nằm viện, cậu bé 13 tuổi cũng khóc rất nhiều. Mỗi lần bạn bè gọi điện hỏi thăm, lúc nào hạ máy xuống Kiệt cũng nức nở. Truyền hóa chất, da cậu chuyển màu xám ngoét, mệt đến nỗi không thể trở mình. Cứ vài phút, Kiệt lại buồn nôn, chóng mặt, người mềm oặt ra vì đói nhưng cứ ngửi mùi đồ ăn là thấy đau đầu. Nhiều lúc quá đau đớn, cậu bé lại thều thào với bố: “Giá như có loại thuốc nào để con được ngủ mãi”.
Nghe con nói, ông Quân chỉ biết cúi đầu, liên tục bóp tay bóp chân mong thằng bé đỡ mệt mỏi. Với người đàn ông 50 tuổi, căn bệnh ung thư xương gặm nhấm từng ngày đã khiến thể chất ông kiệt quệ. Nay thêm con trai mắc bệnh hiểm nghèo, tinh thần lại xuống dốc tột độ. Đôi lúc không kìm được, ông lại rơi nước mắt nhưng vội vàng lau đi.
Gần bốn tháng nay, vì thường xuyên phải thức đêm cùng con ông Quân sụt tới 5 kg. Mỗi lần trái gió trở trời, bệnh tình lại tái phát, xương cốt đau nhức, toàn thân như có hàng ngàn con kiến châm chích. Dù vậy, ông không dám kêu ca, toàn tâm toàn ý chăm con để vợ và hai con gái lớn đi làm kiếm tiền lo cho em.
Nhưng đợt sa thải công nhân đầu năm 2023 khiến cả hai con gái ông thất nghiệp. Công nhân nghỉ hàng loạt cũng khiến việc bán hàng của gia đình ế ẩm. Bệnh mất ngủ của ông Quân ngày càng trầm trọng. Mỗi lần ngủ được cũng chỉ là những cái chợp mắt dăm chục phút vì quá mệt, nhưng lần nào ông cũng mơ.
Trong giấc mơ của người cha, Kiệt mặc bộ đồng phục mới, đeo cặp với những cuốn sách, quyển vở còn thơm mùi mực in tung tăng đến trường. Cậu lại được đá bóng, đá cầu, bơi lội với các bạn cùng lớp, và trở về nhà với khuôn mặt đẫm mồ hôi, nhưng tràn đầy sinh lực và khỏe mạnh.
“Tôi chỉ mong giấc mơ đó thành sự thật. Dù chỉ còn một tia hy vọng chữa trị cho con, gia đình cũng sẽ chiến đấu tới cùng”, người cha nói.
Hải Hiền
Điểm trường làng Hrách và Lơ Pơ, huyện Kông Chro được Quỹ Hy vọng và các đơn vị tài trợ xây mới thay thế cho những lớp học đã xuống cấp, thấm dột. Ngày 14/11, gần 100 học sinh, giáo viên Điểm trường Hrách thuộc…
Học sinh trường TH & THCS Quang Minh tìm hiểu kiến thức về dinh dưỡng và ăn liên hoan trong ngày hội do Quỹ Hy vọng và De Heus tổ chức. Ngày hội dinh dưỡng học đường chủ đề “Vững bụng đến trường” được tổ…
Jomoo Việt Nam và trường Hy Vọng đã ký biên bản tài trợ thiết bị trị giá 2 tỷ đồng cho 138 phòng vệ sinh trong ngôi trường mới dành cho 300 trẻ mồ côi vì Covid-19, chiều 14/11. Phát biểu tại buổi ký kết,…
Men vi sinh chứa các vi sinh vật có lợi, hỗ trợ cải thiện cân bằng hệ vi sinh đường ruột, cải thiện sức khỏe cơ thể song cần tránh lạm dụng. Nội dung: Văn HàThiết kế: Ngân Hà
Dự án Vệ sinh học đường giúp sức khỏe của 98% học sinh được cải thiện nhờ thay đổi thói quen sinh hoạt như rửa tay thường xuyên, không phóng uế bừa bãi, dọn dẹp định kỳ. Đỗ Nam – Kim Anh
Công ty De Heus Việt Nam tài trợ 1,2 tỷ đồng cho dự án “Dinh dưỡng học đường” của Quỹ Hy vọng, cải thiện bữa ăn của học sinh ở ba trường ở Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An. Ba trường được dự án hỗ…