Đi vệ sinh là nỗi ám ảnh trong thời gian dài của Thào Thị Dung, học sinh lớp 9A2, Trường Tiểu học và THCS Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu bởi nhà vệ sinh cũ, xuống cấp, tắc gây mùi hôi thối. Một khu sinh hoạt chung, có khi phục vụ cho cả trăm người, việc xếp hàng đợi đến lượt không phải là chuyện hiếm tại điểm trường vùng cao này.
5h sáng, Dung tỉnh giấc. Như mọi ngày, việc đầu tiên em làm là gọi người bạn thân nằm cạnh giường của khu nội trú dậy đi vệ sinh, để tránh cảnh xếp hàng chờ đợi hàng tiếng đồng hồ.
“Nhà vệ sinh dễ bị tắc vì nhiều em nhỏ không biết nên bỏ cả que, giấy cứng, thậm chí đá vào bồn cầu, bốc mùi khó chịu”, Dung kể.
Buổi tối, em cũng tranh thủ đi vệ sinh trước giờ đi ngủ 30 phút để không phải chờ đợi, vì rất đông người. Chưa kể, khu công trình phụ cách xa khu nội trú, nên chẳng may nửa đêm có nhu cầu đi vệ sinh, em phải gọi một bạn dậy đi cùng để đỡ sợ. Hôm nào nhà vệ sinh tắc, em cùng các bạn phải đi lên đồi để kiếm chỗ, vừa xa vừa sợ trời tối, nên nhiều lúc Dung cố nhịn.
Nhà Dung cách trường gần 10 km, lại nằm trong diện gia đình hoàn cảnh khó khăn khi gia đình có 6 anh chị em, bố chạy xe, mẹ làm nương rẫy, nên từ năm lớp 6 Dung đã sinh hoạt nội trú tại trường.
Trường Tiểu học và THCS Sơn Bình hiện có 1.026 học sinh, trong đó có 254 học sinh nội trú ăn ngủ tại trường, nên nhu cầu sử dụng nhà vệ sinh, nhà tắm rất lớn. Đặc biệt, từ năm 2021, địa phương sáp nhập trường tiểu học và THCS nên khu vệ sinh trở nên quá tải. Mỗi lần vệ sinh cá nhân là một lần áp lực với các học sinh nơi đây.
Cô Lê Thị Thùy Nhung, Hiệu trưởng nhà trường cho biết các thầy cô thường xuyên phải xử lý tình trạng tắc. “Thậm chí khi khó khăn quá, thầy cô phải hướng dẫn các bạn lớn cấp hai dậy sớm, tự tìm chỗ vệ sinh ở phía sau đồi, để nhường nhà vệ sinh cho các em nhỏ cấp một”, cô Nhung nói.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại vùng núi cao Mù Cang Chải, Yên Bái. Em Cứ Thị Sùng, học sinh lớp 6, trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Khao Mang, sống cùng ông bà, sau khi mẹ đơn thân có hạnh phúc mới. Như bao người dân bản làng nơi đây, em lớn lên trong căn nhà gỗ cheo leo vách núi.
Sùng kể, nhà em không có nhà vệ sinh, chỉ dựng tạm bằng vài mảnh ván thưng sơ sài hoặc giải quyết việc vệ sinh cá nhân ở những bãi đất, đồi trống. Thói quen này tiềm ẩn nhiều dịch bệnh như tiêu chảy, nhiễm khuẩn đường hô hấp… đặc biệt là đối với trẻ em.
May mắn, Sùng có cậu chăm sóc, đồng thời, được các thầy cô nơi đây vận động đi học, nhận nhiều chính sách hỗ trợ từ nhà nước cho trẻ em vùng cao. Em được tới trường và ở bán trú từ thứ hai đến sáng thứ bảy. Hết ngày học tại trường, nếu không có cậu tới đón, em cùng các bạn đi bộ quãng đường 17 km dốc núi trở về nhà.
Việc đi học còn nhiều vất vả với một cô bé nhỏ thó, nhút nhát như Sùng, nhưng với em, đây là cơ hội để được sinh hoạt an toàn, hạnh phúc hơn. Ở trường có cơm ăn đầy đủ ba bữa, học tập và thầy cô luôn túc trực, nếp sinh hoạt hàng ngày sạch sẽ.
Điều kiện sống được cho là tốt hơn ở nhà rất nhiều, song Sùng cùng các bạn vẫn gặp khó khăn khi sinh hoạt chung tại trường. Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Khao Mang có số lượng học sinh lớn. Hàng ngày, các em phải dậy từ tờ mờ sáng, chạy nhanh đi xếp hàng chờ vệ sinh cá nhân để kịp ăn sáng và lên lớp.
Không chỉ vậy, do đặc thù địa chất, khu vực nhà vệ sinh của trường thường xảy ra sụt lún, gây vỡ nền. Thầy cô phải khẩn trương chỉ dẫn các em sử dụng nhà vệ sinh còn lại, dẫn tới việc quá tải, tắc nghẽn thường xuyên xảy ra. “Giờ ra chơi chỉ có 5 phút, nhiều lúc em chạy nhanh hết sức, chờ hết giờ rồi vẫn còn hàng dài xếp hàng đợi đến lượt”, nữ sinh người H’mông kể lại.
Cô Sùng Thị Ninh – giáo viên phụ trách mảng bán trú trường Khao Mang cũng cho biết, buổi sáng, trước giờ đi học là lúc cao điểm. Các em phải xếp hàng dài để chuẩn bị cho ngày mới, nhiều học sinh phải vào lớp muộn vì lý do chờ sử dụng nhà vệ sinh.
“Đôi khi, nhà vệ sinh tắc nghẽn mà lại gần nhà ăn, gây ảnh hưởng đến nhà bếp. Thầy cô phải túc trực, xử lý nhanh chóng để tránh ảnh hưởng lâu tới các con. Cũng có lúc đường nước hỏng, các thầy phải lên nguồn trên núi cao để sửa chữa”, cô nói thêm.
Câu chuyện của Dung, Sùng và các thầy cô trường Sơn Bình, Khao Mang cũng là thực trạng chung mà hàng nghìn học sinh vùng cao tại huyện Mù Cang Chải, Yên Bái và huyện Tam Đường, Lai Châu đang gặp phải.
Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải, hiện nay mỗi đơn vị trường phổ thông dân tộc bán trú trên địa bàn chỉ có một công trình vệ sinh, trong khi số lượng học sinh tại trường đông nhất là trên 1.000 em, thấp nhất là trên 560 em. “Việc xây dựng công trình vệ sinh cho học sinh thực sự là một vấn đề cấp bách, cần được giải quyết”, ông Nguyễn Anh Thủy, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải chia sẻ.
Mù Cang Chải cũng là một trong 74 huyện nghèo nhất nước, huyện vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái. 13/13 xã của huyện đều thuộc xã đặc biệt khó khăn, hơn 91% dân cư là đồng bào dân tộc Mông; tỷ lệ hộ nghèo trên 50%.
Tam Đường là huyện vùng cao khó khăn của tỉnh Lai Châu, với 85% dân cư là người đồng bào dân tộc thiểu số; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm hơn 40%. Bà Đoàn Thị Hiền, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết các trường học ở đây vẫn còn 55 nhà vệ sinh tạm, bán kiên cố.
Qua khảo sát của Quỹ Hy vọng, nhiều công trình vệ sinh trường học của hai huyện này đã xuống cấp, hư hỏng do quá niên hạn sử dụng và quá tải do đông học sinh. Tại một số trường, nhà vệ sinh xây tạm bợ, chật hẹp, bốc mùi, ứ đọng nước… Trước thực trạng đó, với nguồn tài trợ của nhãn hàng Enterogermina thuộc Opella Việt Nam – ngành hàng chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng của Sanofi tại Việt Nam, Quỹ Hy vọng đã xây mới 20 nhà vệ sinh tại huyện Mù Cang Chải, Yên Bái và huyện Tam Đường, Lai Châu.
Sau hơn ba tháng triển khai, ngày 3/10, toàn bộ hệ thống 20 khu nhà vệ sinh mới đã khánh thành, được đưa vào sử dụng, góp phần cải thiện chất lượng sống và xây dựng môi trường học tập tốt đẹp hơn cho trẻ em vùng cao.
Các công trình khánh thành, bàn giao đợt này gồm 20 cụm nhà vệ sinh với từ 4 đến 12 khoang sử dụng. Cụm có quy mô thiết kế dựa trên số học sinh của từng trường, có cửa che chắn, chia phân khu nam – nữ với lối đi riêng, trang bị đầy đủ bệ xí, bồn rửa tay, hệ thống nước cấp – xả, hệ thống tự huỷ, biển bảng hướng dẫn sử dụng nhà vệ sinh và rửa tay đúng cách.
Ngày đầu sử dụng nhà vệ sinh mới, Thào Thị Dung cho biết, em và các bạn bất ngờ xen lẫn thích thú khi được sử dụng khu vệ sinh mới sạch đẹp, thoáng mát, lại rộng rãi, không còn cảnh phải lên đồi, hay nhịn như trước đây.
“Từ khi có nhà vệ sinh mới từ 4 đến 12 khoang cho nam nữ riêng, thầy cô và các con rất phấn khởi vì nhà vệ sinh mới sạch sẽ. Các con không phải xếp hàng chờ đợi nhau như trước”, cô Nhung nói thêm.
Tại trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Khao Mang, Cứ Thị Sùng và các bạn cũng hào hứng sử dụng công trình mới, có đường nước xả trực tiếp, bồn rửa, bảng hướng dẫn ngay trên tường nên dễ dọn dẹp, vệ sinh hơn. “Từ giờ, em không phải sợ mùi, sợ quên cách rửa tay nữa”, Sùng chia sẻ.
Cách đó khoảng 20 km, Sùng Thị Hà (học sinh lớp 9, trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Chế Cu Nha) bày tỏ niềm vui khi không còn phải cùng bạn khệ nệ xách nước mỗi khi đi vệ sinh. “Có lần em quên là đã có nhà vệ sinh mới, xách xô nước đến nơi mới nhớ ra giờ mình không cần phải làm thế nữa”, em vui vẻ nói.
Không chỉ học sinh, những người giáo viên tận tụy huyện Mù Cang Chải cũng vui mừng khi các em có nơi sinh hoạt đảm bảo vệ sinh. Ông Nguyễn Tân Phong – giáo viên, phụ trách bán trú trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Mồ Dề, “người bố” của hơn 1.000 học sinh nơi đây chia sẻ, trước đây, cứ 2-3 ngày, nhà vệ sinh tắc một lần. Ngoài việc thường xuyên thông tắc, thầy cũng hướng dẫn nhiều học sinh lớn tìm cách giải quyết khi thầy không có mặt tại trường.
Là người gần gũi với học sinh hàng ngày, ông không chỉ vui, mà còn an tâm hơn khi các con đỡ vất vả mỗi khi giải quyết nhu cầu cá nhân. “Công trình mới sạch sẽ hơn, kiên cố, cửa chắc chắn hơn. Các con cũng biết giữ gìn, vệ sinh sạch hơn, bớt đi mùi hôi”, thầy Phong nói.
Bà Mai Thị Thanh Hương, Giám đốc Đối ngoại Sanofi tại Việt Nam- đại diện nhà tài trợ của dự án Vệ sinh học đường, cho biết rất vui mừng khi thấy sự thay đổi từ các nhà vệ sinh xuống cấp thành nhà vệ sinh đạt chuẩn.
“Chứng kiến học sinh quay lại trường trong năm học mới và được sử dụng công trình mới, lại được học các thói quen giữ gìn vệ sinh tốt, chúng tôi rất phấn khởi khi góp phần chung tay giúp các em dần xóa bỏ nỗi ám ảnh mang tên nhà vệ sinh”, chị Hương cho hay.
Bên cạnh 20 công trình này, Quỹ Hy vọng còn thực hiện dự án “Vệ sinh học đường” tại huyện Sông Mã và Vân Hồ, Sơn La; huyện Mường Nhé, Điện Biên; huyện Đồng Văn, Hà Giang và huyện Hưng Hà, Thái Bình. Trong hai năm, 100 công trình và các hoạt động hướng dẫn, tập huấn đã đem tới những nhà vệ sinh sạch sẽ, an toàn và góp phần nâng cao nhận thức về vệ sinh học đường cho gần 20.000 học sinh, giáo viên ở 5 huyện.
Chương trình đặt mục tiêu năm 2025, 100% trường học có nhà vệ sinh, trong đó 50% đơn vị có đủ nhà vệ sinh cho học sinh theo quy định và 80% nhà vệ sinh bảo đảm điều kiện hợp vệ sinh.
Các hoạt động này của Quỹ Hy vọng hướng tới ba mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc: đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện; thúc đẩy điều kiện vệ sinh và nước sạch; giảm bất bình đẳng trong xã hội.
Đồng thời, dự án cũng hưởng ứng chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng phê duyệt, giúp trẻ em Việt Nam ngày càng khỏe mạnh hơn. Chương trình đặt mục tiêu năm 2025, 100% trường học có nhà vệ sinh, trong đó 50% trường học có đủ nhà vệ sinh cho học sinh theo quy định và 80% nhà vệ sinh bảo đảm điều kiện hợp vệ sinh.Video Player is loading.DừngHiện tại 0:02/Thời lượng 2:25Đã tải: 0%Tiến trình: 0%Bỏ tắt tiếngToàn màn hình
Nội dung: Nhật Lệ – Nguyễn Phượng
Thiết kế: Hằng Trịnh
Ảnh: Tùng Đinh, Duy Anh
Lần thứ hai vợ bỏ đi, con trai anh Toàn mới hơn một tuổi, không lâu sau con gái mắc ung thư, chỉ một “thân gà trống” gồng gánh. Ở khu I, thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa), mỗi khi nhắc đến hoàn cảnh anh…
Điểm trường làng Hrách và Lơ Pơ, huyện Kông Chro được Quỹ Hy vọng và các đơn vị tài trợ xây mới thay thế cho những lớp học đã xuống cấp, thấm dột. Ngày 14/11, gần 100 học sinh, giáo viên Điểm trường Hrách thuộc…
Học sinh trường TH & THCS Quang Minh tìm hiểu kiến thức về dinh dưỡng và ăn liên hoan trong ngày hội do Quỹ Hy vọng và De Heus tổ chức. Ngày hội dinh dưỡng học đường chủ đề “Vững bụng đến trường” được tổ…
Jomoo Việt Nam và trường Hy Vọng đã ký biên bản tài trợ thiết bị trị giá 2 tỷ đồng cho 138 phòng vệ sinh trong ngôi trường mới dành cho 300 trẻ mồ côi vì Covid-19, chiều 14/11. Phát biểu tại buổi ký kết,…
Men vi sinh chứa các vi sinh vật có lợi, hỗ trợ cải thiện cân bằng hệ vi sinh đường ruột, cải thiện sức khỏe cơ thể song cần tránh lạm dụng. Nội dung: Văn HàThiết kế: Ngân Hà
Giống nhiều đứa trẻ 7 tuổi, Tâm thích đến trường để có bạn nhưng bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) thể nặng khiến hành trình của cậu bé bị ngắt quãng. Mỗi tháng một lần, Trần Lê Đức Tâm sống tại thôn Bảng Sơn, xã…